Góp ý của Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo – Kiên Giang
Kính thưa Đoàn chủ tọa kỳ họp.
Kính thưa Quốc hội.
Đối với việc sửa đổi bổ sung Bộ luật tố tụng dân sự, tại Nghị quyết số 48 năm 2005 của Bộ chính trị về chiến lược xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020 và hiện nay chúng ta đang sơ kết 5 năm thực hiện, trong đó có xác định rõ sửa đổi, tức là về tố tụng dân sự cần nghiên cứu để sửa đổi bổ sung Luật tố tụng dân sự theo yêu cầu cải cách tư pháp. Cụ thể sửa đổi qui định về tổ chức giám đốc thẩm theo hướng qui định chặt chẽ căn cứ kháng nghị và qui định rõ trách nhiệm của người ra kháng nghị với các bản án quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, khắc phục tình trạng kháng nghị tràn lan, thiếu căn cứ.
Hai là xây dựng cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án đã có đủ một số điều kiện nhất định.
Ba là sửa đổi qui định về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự theo hướng để đề cao vai trò của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự.
Căn cứ vào đó thì đối với dự thảo này trước hết tôi cũng tán thành với việc bổ sung Điều 21 của dự án luật quy định vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong hoạt động kiểm sát xét xử các vụ án dân sự.
Còn đối với việc giám đốc thẩm, tái thẩm xét lại các bản án đã có hiệu lực thì ở đây nhiều đại biểu có ý kiến. Đúng là hiện nay trong thực tế có tình trạng là các vụ án đã sơ thẩm, phúc thẩm rồi thì cuối cùng vẫn có các kháng nghị tiếp theo để xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm vì còn sau đó vẫn phát hiện ra có vi phạm pháp luật thì lại bị vướng không giải quyết được thì trong dự thảo lần này có đưa ra hướng để khắc phục những cái đó. Nhưng ở đây theo tinh thần của nghị quyết nói là theo quy định về những điều kiện để kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là phải chặt chẽ hơn thì tôi đề nghị Ban Soạn thảo vì đây là cho ý kiến lần đầu nên tiếp tục rà lại để cho ý kiến thêm như một số đại biểu đã phát biểu trước tôi thì tôi thấy trong này quy định có vẻ nó rộng hơn, nó mở hơn, chứ không phải chặt chẽ hơn, kể cả thời hạn, các căn cứ. Cho nên, đề nghị cái đó phải xem xét lại thêm cho nó chặt.
Thứ ba là liên quan đến các bản án đã có hiệu lực hoặc đã được xét xử ở cấp cao nhất rồi như là đã có quyết định hoặc bản án của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao rồi thì như trước đây là hết, là bó tay, nếu phát hiện ra có vi phạm thì không xử lý gì được. Thế thì lần này đã có xử lý vào. Có ý kiến đại biểu cho rằng như thế thì sẽ làm cho tố tụng dân sự kéo dài, không có điểm dừng. Vấn đề này cũng nên nghiên cứu thêm. Nhưng chúng ta thấy mới hôm qua đại biểu Quốc hội chúng ta bấm nút thông qua Luật tố tụng hành chính thì trong đó đã có thủ tục ở việc xem xét lại những thủ tục đặc biệt rồi thì có lẽ ở dân sự này cũng phải tương đồng thôi, nhưng cần phải xem xét lại để cho chặt. Điều đó cũng phù hợp với tinh thần trong Nghị quyết 48 là có quy định nói: "nghiên cứu thiết lập cơ chế để hủy bỏ bản án quyết định của tòa án đã hết thời hiệu kháng nghị giám đốc thẩm hoặc đã được xét xử ở cấp cao nhất mà vẫn phát hiện còn có oan sai xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi cơ bản của công dân". Tinh thần là như thế. Nhưng ở đây lại đặt ra là nghiên cứu để thiết lập cơ chế thế nào cho hợp lý thì hiện nay trong dự thảo này có đưa ra là nếu phát hiện có sai sót thì vẫn có quyền kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kiến nghị ra Hội đồng thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại. Trong quy định này thì hướng như thế, nhưng theo tôi vấn đề chính là bây giờ rà lại để quy định cho chặt chẽ hơn. Đặc biệt ở đây nói về thời hạn thì như tại Khoản 1 nói thời hạn chỉ là 3 năm, nhưng sang Khoản 2 thì nói là không hạn chế nữa. Nếu như vậy sợ rằng nó có thể kéo lòng vòng 10 năm sau, 15 năm sau mới phát hiện ra thì vẫn quay trở lại để xử lý. Điều này nếu như giải quyết, phát hiện ra mà xử lý, về mặt trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại nhà nước thì có thể được nhưng quay trở lại xử lý về dân sự thì cần phải cân nhắc. Tôi xin đóng góp thêm một số ý kiến như vậy, xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.