Góp ý của Đại biểu Quốc hội Võ Thị Hồng Thoại – Bạc Liêu
Kính thưa Chủ tọa,
Kính thưa Quốc hội,
Tôi xin có mấy ý kiến tham gia vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự. Chúng tôi thấy dự án luật sửa đổi kỳ này đã thỏa mãn được các yêu cầu.
Thứ nhất, sự tham gia của Viện kiểm sát trong hoạt động tố tụng dân sự sẽ góp phần đảm bảo khách quan hơn trong việc xét xử của Tòa án tuân theo pháp luật. Tôi rất đồng ý như dự án luật đã ghi.
Thứ hai, chúng tôi thấy việc mở rộng quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình tham gia tố tụng, đây cũng là việc rất nhiều cử tri mong đợi việc sửa đổi này, trong dự án luật kỳ này cũng đã được thể hiện. Do đó tôi cơ bản thống nhất với những điều luật đã được sửa đổi. Tuy nhiên, tôi xin phát biểu bổ sung một số vấn đề cụ thể như sau.
Tại Điều 1 sửa đổi Điều 7: "trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền". Tôi đề nghị theo quy định tại Điều 7 này nên bổ sung thêm quy định về thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận yêu cầu cung cấp chứng cứ. Có xác định được thời hạn như vậy thì các bên liên quan, nhất là các cơ quan tổ chức trong phạm vi, nhiệm vụ quyền hạn của mình sẽ có trách nhiệm cung cấp một cách đầy đủ và đảm bảo được yêu cầu khi cần thiết. Nội dung thứ hai là tại Điều 21 kiểm soát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, tôi băn khoăn ở đây có quy định là việc Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, tham gia phiên tòa, phiên họp và các hoạt động tố tụng khác. Cụm từ "các hoạt động tố tụng khác" tôi thấy khó hiểu, để có thể hiểu rõ cụm từ này, thì cần phải giải thích rõ hơn các hoạt động tố tụng khác đó là gì để biết các phạm vi tham gia của Viện kiểm sát trong hoạt động tố tụng dân sự được rõ ràng và dễ chủ động trong việc thực hiện và các bên tự nguyện để tạo điều kiện thuận lợi cho Viện kiểm sát thực hiện thẩm quyền của mình. Tôi đề nghị nghiên cứu thêm.
Thứ ba, Điều 84 giao nộp chứng cứ, trong quá trình tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp chứng cứ cho tòa án, nếu đương sự không nộp, nộp không đầy đủ, trong dự án luật có ghi "thì phải chịu hậu quả của việc không nộp hoặc nộp không đầy đủ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác". Sau cụm từ "đầy đủ" thì tới cụm từ "thì phải chịu hậu quả", tôi nghĩ đó là việc đương nhiên không nên quy định, nên thay bằng cụm từ khác có ý nghĩa và cần thiết trong thực tiễn. Chúng ta bổ sung thêm cụm từ "thì Tòa án sẽ căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để giải quyết theo quy định của pháp luật", như vậy thể hiện được rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của đương sự cũng như của Tòa án, đó là việc mang tính chế định rất rõ ràng trong quy định của pháp luật. Nếu dùng cụm từ thể hiện trong dự án luật hiện nay tôi cho rằng không có ý nghĩa, không cần thiết, mà cái cần thiết thì ta chưa quy định.
Tại Điều 84 giao nộp chứng cứ, chúng tôi tôi đề nghị nên bổ sung thêm một khoản thứ 6 là: Khi nộp chứng cứ là bản sao thì thẩm phán phải đối chiếu với bản gốc và xác nhận đã đối chiếu, nhằm đảm bảo tính chặt chẽ khi nhận chứng cứ là bản sao. Bởi vì trong thực tế đã qua các vụ án xét xử, có những trường hợp nhận bản sao không được đối chiếu với bản gốc cho nên sau khi xét xử vụ án còn có tình trạng khiếu kiện cho rằng các chứng cứ đó chưa hợp lệ, chưa hợp pháp, làm cho việc xem xét yêu cầu khiếu nại, kháng nghị bản án sẽ tiếp tục phức tạp thêm. Chỉ cần quy định một chút nhưng sẽ đảm bảo tính pháp lý rất chặt chẽ.
Một ý kiến tiếp theo góp ý cụ thể tại Điều 288, thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Về cơ bản tôi thống nhất với quy định này. Tuy nhiên, tôi cũng thấy cần phải quy định thêm, bởi vì trong thực tế cũng có xảy ra, đó là khi nhận đơn yêu cầu giám đốc thẩm thì có trường hợp không trả lời hay lý do là công việc nhiều của các cơ quan có thẩm quyền như thế nào, nhưng cũng không trả lời là đã nhận hay là xem xét như thế nào. Cho nên làm cho các bên có liên quan cũng như các cơ quan tố tụng rất bức xúc do đơn kháng nghị đó chưa được cấp có thẩm quyền xem xét. Chính vì vậy, tôi đề nghị bổ sung thêm một khoản tại Điều 288 đó là quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhân được đơn yêu cầu giám đốc thẩm, người có quyền kháng nghị giám đốc thẩm phải trả lời bằng văn bản hoặc quyết định kháng nghị. Có như vậy sẽ giảm bớt áp lực mong đợi cũng như băn khoăn của đương sự khi có yêu cầu.
Ý kiến cuối cùng, về Hội đồng định giá, tôi thống nhất với ý kiến của đại biểu Vi Thị Hương, qua giám sát thực tế chúng tôi thấy nếu như áp dụng theo quy định pháp luật hiện hành sẽ khả thi hơn, nhưng chỉ cần quy định bổ sung thêm một điều nữa là khi đương sự có yêu cầu, thấy việc định giá của thẩm phán chưa khách quan sẽ được quyền mời Trung tâm thẩm định giá để thẩm định mang tính độc lập. Hiện nay giao công việc đó cho Sở tài chính, tôi e công việc quá nhiều, trong khi công việc chuyên môn của Sở tài chính không còn thời gian để làm công việc thường là đã qua, công việc này rất chậm trễ. Tôi xin hết.