VCCI góp ý Dự thảo Nghị định sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Kính gửi: Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trả lời Công văn số 8801/BNN-CBTTNS của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sản xuất nông nghiệp hữu cơ (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:
- Về PGS
Theo giải trình của Ban soạn thảo và quy định tại Dự thảo, hiện nay đang có hai luồng quan điểm liên quan đến việc thành lập và hoạt động của các PGS, theo đó:
- Phương án 1: PGS do Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam quản lý việc thành lập và hoạt động;
- Phương án 2: PGS được thành lập và hoạt động theo quy định của Nghị định này (về mô hình, thủ tục đăng ký thành lập)
Liên quan đến PGS, có một số vấn đề sau cần được xem xét:
- Tính chất pháp lý của PGS
Khoản 4 Điều 3 Dự thảo quy định, “PGS (viết tắt của Hệ thống bảo đảm cùng tham gia) là hệ thống đánh giá, chứng nhận sản phẩm được sản xuất phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ dựa vào sự cùng tham gia của nông dân, người bán hàng, người tiêu dùng và những đối tượng khác có cùng quan tâm”. Dựa vào định nghĩa này, PGS là một hệ thống đánh giá, chứng nhận sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật mà không phải là một tổ chức hoặc một thực thể. Trong khi đó, các quy định tại Dự thảo thì PGS dường như đang được xem là một chủ thể pháp lý. Việc thành lập và hoạt động của PGS chưa rõ ràng ở nhiều điểm, cụ thể:
Phương án 1: trao hoàn toàn cho Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam quản lý việc thành lập và hoạt động của PGS (việc PGS này sẽ theo mô hình nào, cách thức hoạt động ra sao, … và có phải là một thực thể pháp lý không… đều không thể nhận biết).
Phương án 2: Dự thảo có quy định về cơ cấu của PGS nhưng lại bao gồm rất nhiều chủ thể khác nhau (từ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cho đến hộ nông dân) và PGS phải đăng ký hoạt động với cơ quan có thẩm quyền. Nhưng, Ai sẽ là người đăng ký trong các chủ thể được liệt kê trong cơ cấu của PGS quy định tại khoản 2 Điều 8 Dự thảo? Sau khi đăng ký thành lập thì PGS sẽ tồn tại dưới hình thức pháp lý nào? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm đối với tất cả các hoạt động của PGS?
Để đảm bảo sự minh bạch trong chính sách và có cơ sở để tổ chức quản lý hoạt động PGS hiệu quả, đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ những vấn đề trên.
- Hoạt động, đánh giá chứng nhận sản phẩm hữu cơ phù hợp TCVN của PGS
Về hoạt động đánh giá, chứng nhận sản phẩm hữu cơ phù hợp TCVN, theo quy định của Dự thảo đang có hai chủ thể được thực hiện: 1) tổ chức chứng nhận sự phù hợp; 2) PGS.
Đối với hoạt động chứng nhận sự phù hợp của tổ chức chứng nhận, Dự thảo quy định và dẫn chiếu pháp luật khá rõ về điều kiện hoạt động và quy trình đánh giá, chứng nhận (chủ yếu là theo hệ thống pháp luật hiện hành). Do đó, việc đánh giá chứng nhận sản phẩm hữu cơ phù hợp TCVN của tổ chức chứng nhận không đặt ra vấn đề gì lớn.
Tuy nhiên, hoạt động đánh giá, chứng nhận của PGS lại chưa thấy rõ ràng về quy trình đánh giá, chứng nhận.
Một vấn đề đặt ra là, theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đầu tư, đánh giá sự phù hợp là một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, các tổ chức tham gia trong lĩnh vực này phải đáp ứng điều kiện kinh doanh và được cấp phép mới được phép hoạt động. Hoạt động đánh giá của PGS trong trường hợp này thực chất là hoạt động đánh giá, chứng nhận sự phù hợp, nhưng mô hình tổ chức, cách thức hoạt động của PGS lại không theo điều kiện, tiêu chuẩn tương tự như một tổ chức chứng nhận sự phù hợp.
Hơn nữa, liên quan tới tính chất của hoạt động PGS, Ban soạn thảo cũng cho rằng “về lâu dài, khi nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phát triển mạnh, thị trường sản phẩm hữu cơ sẽ lựa chọn việc chứng nhận của bên thứ ba như quy định tại Nghị định 107/2016/NĐ-CP và phương thức đánh giá này sẽ không còn phù hợp, sẽ không tồn tại vì không được chứng nhận khách quan theo tiêu chuẩn TCVN như tổ chức chứng nhận độc lập”[1]. Điều này cho thấy hoạt động chứng nhận của PGS được thiết kế trong Dự thảo không giống như các tổ chức chứng nhận sự phù hợp và các tiêu chuẩn chứng nhận, đánh giá theo PGS không phải là TCVN như tổ chức chứng nhận đánh giá. Vậy, hoạt động đánh giá, chứng nhận sản phẩm hữu cơ phù hợp TCVN của PGS là như thế nào?
Tóm lại, Dự thảo không quy định rõ ràng, cụ thể về hoạt động chứng nhận sự phù hợp của PGS. Điều này khiến cho các chính sách liên quan thiếu minh bạch và sẽ gặp khó khăn khi triển khai trên thực tế.
Để đảm bảo tính minh bạch và hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng:
- Có hai hình thức đánh giá sản phẩm nông nghiệp hữu cơ: theo TCVN và PGS
- Quy định rõ về hoạt động đánh giá, chứng nhận theo PGS (tiêu chuẩn, cách thức, chủ thể đánh giá)
- Quy định rõ về giá trị pháp lý của các đánh giá, chứng nhận theo PGS (là hình thức tự nguyện, không có giá trị pháp lý?).
- Về đánh giá, chứng nhận sản phẩm hữu cơ phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài của tổ chức chứng nhận được ủy quyền (Điều 9)
- Tổ chức ủy quyền: Khoản 1 Điều 9 Dự thảo quy định “sản phẩm hữu cơ sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài phải được chứng nhận bởi tổ chức chứng nhận được ủy quyền của tổ chức, quốc gia ban hành tiêu chuẩn đó”. Quy định này là chưa rõ về chủ thể ủy quyền. Là tổ chức chứng nhận sự phù hợp quốc tế/của quốc gia nơi ban hành tiêu chuẩn hay là cơ quan nhà nước có thẩm quyền của tổ chức quốc tế, quốc gia đó? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này (cần chú ý rằng theo thông lệ chung thì bất kỳ tổ chức chứng nhận sự phù hợp nào hoạt động hợp pháp theo pháp luật của nước xuất khẩu thì đều có thể phát hành các chứng nhận có giá trị mà không cần phải thêm thủ tục “ủy quyền” nào);
- Báo cáo: Điểm b khoản 2 quy định “Định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất khi có yêu cầu, báo cáo kết quả hoạt động chứng nhận cho cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”. Yêu cầu 6 tháng/báo cáo có thể tạo gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh quy định báo cáo định kỳ 01 năm/lần và có thể gửi báo cáo theo phương tiện điện tử để đơn giản hóa về thủ tục hành chính.
- Về kiểm tra chất lượng sản phẩm hữu cơ (Điều 13)
Điểm c khoản 2 quy định “kiểm tra chất lượng sản phẩm nhập khẩu: cơ quan kiểm tra tiếp nhận hồ sơ đăng ký, tiến hành kiểm tra và xác nhận sản phẩm hữu cơ đáp ứng theo quy định pháp luật và quy định tại Nghị định này”.
Quy định này chưa rõ ở điểm:
- Kết quả kiểm tra chất lượng sản phẩm nhập khẩu được thực hiện tại cửa khẩu nhập của cơ quan nhà nước có phải là căn cứ để cho phép doanh nghiệp thông quan hay không?
- Việc kiểm tra này có phải là thủ tục kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông không?
Nếu đúng thì có quy trình kiểm tra chuyên ngành sẵn có nào để áp dụng cho sản phẩm hữu cơ không? (tức là đơn giản chỉ bổ sung thêm sản phẩm hữu cơ vào danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành của Bộ?)
Nếu không thì các sản phẩm hữu cơ liệu có bị kiểm tra hai lần (kiểm tra theo quy định ở đây và kiểm tra chuyên ngành theo quy định thông thường) không?
Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ các nội dung này; trong trường hợp đây là quy trình riêng thì cần quy định rõ trình tự, thủ tục có liên quan ngay tại Dự thảo này (Chú ý: Khoản 3 Điều 13 trao quyền cho các Bộ quy định về “cơ quan kiểm tra, trình tự, thủ tục kiểm tra và xử lý vi phạm” là không thích hợp, bởi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 không cho phép Thông tư quy định về thủ tục hành chính (khoản 4 Điều 14)).
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1] Trang 6 Tờ trình