Ý kiến của ĐBQH Lê Văn Lai ( Quảng Nam) tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII

Thứ Năm 14:36 26-11-2015

Lê Văn Lai – Quảng Nam

Kính thưa Đoàn Chủ tịch
kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi không có kiến thức về
mặt kinh tế nhưng tôi có nỗi lo của một đại biểu trên một địa phương mà có
ngành sản xuất ô tô gánh nặng trên 50% ngân sách của tỉnh, cho nên tôi phát
biểu với nỗi lo của một đại biểu và đồng thời cũng nỗi lo của nhân dân Quảng
Nam về vấn đề giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô.

Tôi thấy việc được của
giảm thuế tiêu thụ đặc biệt thì dẫn đến ô tô vào Việt Nam rẻ, người tiêu dùng
sẽ dễ tiếp cận, dễ được đi ô tô.

Hai nữa là việc giảm thuế
tiêu thụ đặc biệt là đòi hỏi trong sân chơi chung về hội nhập kinh tế quốc tế
mà Chính phủ ta đã tham gia các hiệp định, cho nên tất yếu chúng ta phải thực
hiện các chính sách về thuế trong sân chơi chung của khu vực cũng như quốc tế
là bắt buộc. Nhưng nhìn lại thực trạng vấn đề đang đặt ra là giảm sâu thuế tiêu
thụ đặc biệt đối với ô tô, tôi không phân tích sâu về kinh tế, vì như tôi nói ở
trên tôi không có kiến thức kinh tế, nhưng các đại biểu trước tôi đã phân tích
tôi thấy quá đầy đủ. Tôi chỉ nói một điều nếu như giảm sâu thuế tiêu thụ đặc
biệt này sẽ dẫn đến một hệ lụy mà đất nước ta nói chung và Quảng Nam chúng tôi
nói riêng sẽ đối diện với những thách thức mới mà chúng tôi thấy rất lo lắng.

Thứ nhất, tôi xin nhắc
lại là tôi nói để khắc sâu thêm, chứ các đại biểu trước đã nói rồi, đó là khi
xe nước ngoài ào ào vào Việt Nam thì ngành sản xuất ô tô trong nước chúng ta sẽ
bước lên một vũ đài mới, mà ở vũ đài này sự cạnh tranh không cân sức, ngành ô
tô của chúng ta mới ra đời còn non trẻ, vốn liếng đầu tư thấp, công nghệ lạc
hậu, kinh nghiệm sản xuất ôtô chưa nhiều, trong khi đó các nước trong khu vực
và trên thế giới người ta có đầy đủ các điều kiện để chiến thắng ta ngay trên
sân nhà, một hệ lụy tất yếu xảy ra là như vậy.

Thứ hai, Chính phủ đã
tính đến việc chiến lược phát triển ôtô của chúng ta thông qua đề án sản xuất
ôtô trong nước có khả năng thất bại không và đã tính đến để vượt qua khó khăn
này bằng các giải pháp nào chưa, chúng tôi chưa thấy. Chúng ta không thể không
tính đến việc thực hiện thắng lợi đề án về chiến lược sản xuất ôtô trong nước.
Nếu như đem so sánh dân Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung thì người cần
ngành ôtô sản xuất trong nước nhiều hơn là người cần ôtô giá rẻ. Tôi nói một ví
dụ, nếu như đến năm 2018 thuế xuất, nhập khẩu bằng 0, thuế tiêu thụ đặc biệt
giảm sâu thế này thì doanh nghiệp ôtô Trường Hải sẽ không tồn tại. Lúc đó sẽ có
khoảng 10.000 công nhân thất nghiệp, sẽ có trên 50% ngân sách hàng năm của
Quảng Nam sẽ không biết trông vào đâu và nhiều hệ lụy khác về mặt xã hội sẽ xảy
ra, đây là điều chúng tôi hết sức băn khoăn.

Hiện nay tại Quảng Nam như
tôi nói ở trên chỉ một doanh nghiệp ôtô nhưng giải quyết một lượng lao động gần
10.000 người giải quyết ngân sách cho tỉnh trên 50-60%, đồng thời là “bà
đỡ” về mặt phát triển công nghiệp, đầu tàu, chỗ dựa để khu kinh tế mở Chu
Lai hình thành trong tương lai phát triển. Khi đặt vấn đề đến việc cho nhập ồ
ạt, giảm sâu về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu bằng 0 của năm 2018 thì
chắc chắn ngành ôtô sẽ chết và hệ lụy của xã hội xảy ra là rất lớn. Cho nên tôi
đề nghị cần cân nhắc và có tính đến liều lượng của chính sách để không xảy ra
tình trạng “cái sảy nảy cái ung” và tôi đề nghị Chính phủ có một báo
cáo đầy đủ trên cơ sở tính toán đến các hệ lụy xảy ra để chủ động đối phó và để
khi chúng tôi bấm nút mà tay không bị run. Xin hết.