VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản

Thứ Hai 13:52 27-08-2018

Kính gửi: Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trả lời Công văn số 1762/TY-KD của Cục Thú y về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

  1. Sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu để tiêu thụ trong nước (khoản 2 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 13 Thông tư 26)

Dự thảo đã sửa đổi thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu để tiêu thụ trong nước theo hướng nhập hai thủ tục đăng ký kiểm dịch và khai báo kiểm dịch làm một. Điều này là hợp lý, giảm thiểu các thủ tục mà doanh nghiệp phải thực hiện và góp phần tạo thuận lợi về mặt thủ tục cho các doanh nghiệp nhập khẩu.

Tuy nhiên, thủ tục kiểm dịch quy định tại Dự thảo lại chưa quy định rõ về thời gian cơ quan nhà nước giải quyết thủ tục, cụ thể:

  • Thời gian cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận được hồ sơ đăng ký, khai báo kiểm dịch đến có kết quả đồng ý và hướng dẫn kiểm dịch là bao lâu? (khoản 1 Điều 13 được sửa đổi);
  • Về cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch: điểm b khoản 5 Điều 13 (được sửa đổi) quy định: “Đối với lô sản phẩm động vật thủy sản không phải lấy mẫu kiểm tra: trong thời hạn 01 ngày làm việc, cơ quan kiểm dịch cửa khẩu cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu sau khi kiểm tra hồ sơ, thực tế hàng hóa đạt yêu cầu để chủ hàng hoàn thiện thủ tục hải quan”. Quy định này là không rõ, 01 ngày làm việc tính từ thời điểm nào? Dự thảo quy định sau khi kiểm tra hồ sơ, thực tế hàng hóa, như vậy thì thời điểm kiểm tra thực tế hàng hóa là bao lâu tính từ thời điểm nộp hồ sơ? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những thời hạn này để đảm bảo minh bạch trong quá trình thực hiện.

Lưu ý là: điểm b khoản 2 Điều 13 Thông tư 26 đã được sửa đổi tại Thông tư 02/2018/TT-BNNTPTN theo hướng, tại thủ tục khai báo kiểm dịch, cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu sau khi nhận hồ sơ hợp lệ, “đối chiếu thông tin tàu, trường hợp phát hiện tàu có trong Danh sách IUU, Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu không thực hiện kiểm dịch và báo cáo ngay về Cục Thú y để phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý”. Dự thảo sửa đổi toàn bộ Điều 13 Thông tư 26 nhưng không đề cập đến quy định tại Thông tư 02 (không có điều khoản bãi bỏ quy định này tại Thông tư 02). Điều này có thể xảy ra hiện tượng hai văn bản cùng quy định về một vấn đề, thiếu nhất quán trong quy định.

Đề nghị Ban soạn thảo xem xét vấn đề này để đảm bảo tính thống nhất.

Góp ý tương tự đối với:

  • Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản tạm nhập, tái xuất, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam (khoản 4 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 15 Thông tư 26);
  • Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập, xuất kho ngoại quan (khoản 5 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 17 Thông tư 26).
  1. Về việc sửa đổi quy định kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm động vật thủy sản làm nguyên liệu gia công, chế biến thực phẩm xuất khẩu; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài; sản phẩm động vật thủy sản làm hàng mẫu; sản phẩm động vật thủy sản xuất khẩu bị triệu hồi hoặc bị trả về (sửa đổi Điều 14 Thông tư 26)

    a. Về sản phẩm động vật thủy sản làm hàng mẫu

Đề nghị Dự thảo bổ sung thêm quy định không yêu cầu lấy mẫu kiểm trađối với hàng mẫu (có khối lượng dưới 50 kg) vào quy định tại Điều 14 Thông tư 26, bởi vì:

  • Nguy cơ về dịch bệnh và an toàn thực phẩm: Hàng mẫu chủ yếu chỉ dùng để làm hàng mẫu cho chế biến hoặc để trưng bày tại hội chợ, triển lãm, không sử dụng làm nguyên liệu để chế biến thành thực phẩm, tiêu thụ trên thị trường. Với tính chất này, nguy cơ gây dịch bệnh và mất an toàn thực phẩm của hàng mẫu là khá thấp;
  • Trong Dự thảo Thông tư sửa Thông tư 25 về kiểm dịch động vật trên cạn, quy định không kiểm hàng đối với hàng mẫu, có khối lượng dưới 50 kg cũng được mới bổ sung vào thủ tục kiểm dịch. Đây được xem là quy định mới, tạo điều kiện về thủ tục cho doanh nghiệp. Vì vậy, cần nhất quán trong việc sửa đổi đối với thủ tục về kiểm dịch.

    b. Về ghi nhãn của thủy sản làm nguyên liệu

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 14 Thông tư 26 thì cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu sẽ “kiểm tra điều kiện bảo quản, quy cách bao gói, ghi nhãn, ngoại quan của sản phẩm”. Một số doanh nghiệp cho rằng, quy định này là chưa phù hợp đối với hàng xá, hàng nhập bằng carton nhưng dùng để sản xuất xuất khẩu, không tiêu dùng trong nước.

Trên thực tế, nguyên liệu nhập khẩu là cá đánh bắt tự nhiên, được bảo quản lạnh và nhập về dưới dạng nguyên liệu con đông block trần hoặc đóng xã xếp trong container lạnh, không có bao bì. Việc dán nhãn lên các loại hàng hóa này là không thể thực hiện được.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 1 Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa thì hàng thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng không phải dán nhãn.

Vì vậy, các doanh nghiệp đề nghị hoạt động kiểm dịch liên quan đến kiểm tra ghi nhãn của sản phẩm không nên áp dụng đối với hàng xá dùng để sản xuất xuất khẩu.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.