VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản

Thứ Sáu 11:29 25-01-2019

Kính gửi: Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trả lời công văn số 2603/TY-KD ngày 06/11/2018 của Cục Thú y về việc đề nghị góp ý lần 2 đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

  1. Hồ sơ khai báo kiểm dịch

Điều 4.3.g của Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải nộp “Bản sao chụp có xác nhận của chủ hàng Giấy tờ do cơ quan thẩm quyền của quốc gia nơi có cảng trung chuyển cấp với với các nội dung: chính xác loại sản phẩm thủy sản, ngày bốc dỡ sản phẩm, tên tàu; sản phẩm thủy sản được giữ nguyên trạng, không trải qua các công đoạn nào khác ngoài hoạt động bốc dỡ; điều kiện lưu giữ sản phẩm và được cơ quan chức năng giám sát đối với sản phẩm động vật thủy nhập khẩu gián tiếp sản từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài chuyển tải tại các cảng trung chuyển của quốc gia khác về Việt Nam” trong thành phần hồ sơ khi làm thủ tục khai báo kiểm dịch. Theo ý kiến của một số doanh nghiệp, nhiều trường hợp quốc gia có cảng trung chuyển không có cơ quan nào cấp cấp loại giấy này, từ đó có thể gây cản trở cho hoạt động của nhập khẩu thuỷ sản vào Việt Nam. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu bỏ loại giấy tờ trong thành phần hồ sơ. Trong trường hợp cần kiểm soát nguồn gốc hàng hoá để tránh vi phạm IUU thì có thể thay thế bằng Giấy xác nhận của thuyền trưởngGiấy phép khai thác của tàu đánh bắt.

  1. Phân biệt thuỷ sản nhập khẩu để tiêu dùng trực tiếp và để làm nguyên liệu chế biến

Điều 13 của Dự thảo quy định về quy trình kiểm định đối với thuỷ sản nhập khẩu để tiêu dùng trong nước, bao gồm cả thuỷ sản tiêu dùng trực tiếp và thuỷ sản dùng làm nguyên liệu để chế biến. Trong khi đó, mức độ rủi ro của thuỷ sản dùng làm nguyên liệu chế biến thấp hơn nhiều so với thuỷ sản tiêu dùng trực tiếp bán ra thị trường. Dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro, đề nghị cơ quan soạn thảo phân biệt hai loại hàng hoá này và có những biện pháp kiểm soát tương ứng với mức độ rủi ro, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2018. Cụ thể, thuỷ sản nhập khẩu làm nguyên liệu chế biến sẽ được áp dụng cơ chế kiểm tra đơn giản hơn theo quy định tại Điều 14 của Thông tư 26.

  1. Thời hạn thực hiện thủ tục kiểm dịch

Dự thảo hiện không có quy định đủ về thời hạn thực hiện các bước của thủ tục kiểm dịch. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thủ tục kéo dài, gây tốn kém cho doanh nghiệp, thậm chí nguy cơ tham nhũng, tiêu cực phát sinh.

  • Ví dụ, Điều 13 quy định kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thuỷ sản nhập khẩu để tiêu thụ trương nước phải trải qua các bước sau: (1) đăng ký, khai báo kiểm dịch với Cục Thú y; (2) Cục Thú y ra văn bản đồng ý và hướng dẫn kiểm dịch; (3) cơ quan kiểm dịch cửa khẩu kiểm tra lô hàng và lấy mẫu nếu cần thiết; (4) cơ quan kiểm dịch cửa khẩu cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch. Tuy nhiên, Điều 13.5 mới chỉ quy định thời hạn từ khi cơ quan kiểm dịch kiểm tra lô hàng cho đến khi phải cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch (từ bước 3 đến bước 4). Nhưng chưa có quy định thời hạn để Cục Thú y trả lời đăng ký của doanh nghiệp (từ bước 1 đến bước 2) và chưa có quy định thời gian tối đa từ khi Cục Thú y ra văn bản đồng ý cho đến khi cơ quan kiểm dịch cửa khẩu kiểm tra lô hàng (từ bước 2 đến bước 3).
  • Ví dụ, Điều 14 quy định kiểm dịch phải trả qua các bước sau: (1) nộp hồ sơ cho cơ quan kiểm dịch cửa khẩu; (2) cơ quan kiểm dịch cửa khẩu xác nhận Đơn khai báo; (3) cơ quan kiểm dịch kiểm tra hàng hoá và lấy mẫu nếu thấy cần thiết; (4) cơ quan kiểm dịch cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch. Tuy nhiên, Điều 14.3 mới quy định thời gian từ bước (3) đến bước (4). Còn các bước (1) đến bước (2) và từ bước (1) đến bước (3) hiện chưa có quy định về thời hạn.

Tương tự, các thủ tục hành chính khác của Dự thảo cũng như tại Thông tư 26 thiếu vắng nhiều các thời hạn. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung đầy đủ các thời hạn thực hiện từng công đoạn của các thủ tục hành chính được quy định tại dự thảo cũng như Thông tư 26.

  1. Biên bản kiểm tra lô hàng và lấy mẫu

Dự thảo đang quy định theo hướng chỉ lấy mẫu các lô hàng khi phát hiện có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ hàng hoá không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y (Điều 13.3.c, Điều 14.2.b). Quy định này chưa minh bạch do không rõ trường hợp nào phải lấy mẫu kiểm tra, trường hợp nào không. Như vậy dễ dẫn đến nguy cơ tuỳ tiện khi áp dụng pháp luật. Trong khi đó, mẫu 24 TS trong Phụ lục Thông tư vẫn là “Biên bản kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm”. Mẫu 24 TS này được hiểu rằng trường hợp kiểm tra nào cũng sẽ lấy mẫu.

Đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh các quy định về thủ tục kiểm tra và mẫu 24 TS theo hướng như sau:

  • Mẫu 24 TS phải được thiết kế để chia thành 2 trường hợp, trường hợp kiểm tra không lấy mẫu và trường hợp kiểm tra có lấy mẫu.
  • Trong trường hợp có lấy mẫu, biên bản kiểm tra cần ghi rõ trạng thái hàng hoá và lý do cho thấy cần phải lấy mẫu. Dấu hiệu mắc bệnh hoặc không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y cần được ghi rõ trong biên bản và chụp ảnh ghi lại.

Cách làm này vừa giúp cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý lưu lại chứng cứ để làm rõ cơ sở của việc yêu cầu lấy mẫu, tránh tranh chấp sau này, đồng thời giúp giảm nguy cơ tuỳ tiện trong áp dụng pháp luật. Ngoài ra, việc lưu lại các dấu hiệu này cùng với kết quả kiểm tra mẫu sẽ tạo cơ sở dữ liệu, giúp phát triển cơ chế quản lý rủi ro (trình bày ở phần sau).

  1. Áp dụng cơ chế quản lý rủi ro

Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ năm 2018 yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về xếp loại doanh nghiệp và sản phẩm trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với thủy sản nhập khẩu tại Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 6 năm 2016 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản theo nguyên tắc quản lý rủi ro, phân luồng ưu tiên.”

Phụ lục IV, Mục 1.1.3.I.B của Dự thảo đã có một vài quy định cụ thể hoá chủ trương này. Thứ nhất, phân loại hàng hoá thành nguy cơ cao (sản phẩm ở dạng sơ chế, tươi sống, đông lạnh, ướp lạnh) và nguy cơ thấp (đã qua chế biến). Thứ hai, tần suất lấy mẫu phụ thuộc vào lịch sử tuân thủ. Thứ ba, nếu tần suất vi phạm lên đến 3 lô hàng liên tiếp thì đề xuất tạm ngừng loại sản phẩm.

Tuy nhiên, các quy định này chỉ điều chỉnh chút ít so với Thông tư 26, chưa thực sự đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về kiểm tra chuyên ngành về mức độ áp dụng quản lý rủi ro. Theo các doanh nghiệp, quy định như vậy không giúp giảm tỷ lệ và số lượng các lô hàng phải kiểm tra, các trường hợp được miễn kiểm tra hoặc kiểm tra đơn giản sẽ rất ít. Việc áp dụng quản lý rủi ro có ý nghĩa rất quan trọng, vừa tạo động lực tuân thủ cho doanh nghiệp, giảm chi phí cho doanh nghiệp, vừa giảm gánh nặng công tác kiểm tra của nhà nước, và giảm nguy cơ tham nhũng, tiêu cực. Để làm được điều này, thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng sau:

  • Thông tin của tất cả các lô hàng đều được nhập vào chung một cơ sở dữ liệu, gồm các thông tin đầu vào như (1) loại hàng hoá, loại thuỷ sản; (2) quốc gia xuất xứ; (3) cơ sở sản xuất; (4) doanh nghiệp nhập khẩu. Ngoài ra còn có thể có thêm nhiều thông tin khác như thời điểm khai thác/sản xuất, thời gian vận chuyển, bên vận chuyển, quy cách bảo quản, khối lượng hàng hoá…
  • Tần suất kiểm tra được tính dựa trên nguy cơ rủi ro và lịch sử tuân thủ được tính dựa trên tất cả các thông tin đầu vào này. Ví dụ, loài thuỷ sản có tỷ lệ vi phạm cao thì tần suất lấy mẫu cao, quốc gia xuất xứ nào có tỷ lệ vi phạm thấp thì tần suất kiểm tra thấp,…
  • Cần phân loại cơ chế kiểm tra ra ít nhất các nhóm:
    • (1) nhóm miễn kiểm tra: gồm cả miễn lấy mẫu và miễn kiểm tra cảm quan
    • (2) nhóm chỉ kiểm tra cảm quan: nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm rõ ràng thì mới lấy mẫu và phải được ghi rõ lý do lấy mẫu vào biên bản. Đồng thời phải có hướng dẫn về quy trình kiểm tra cảm quan và các dấu hiệu đạt/không đạt
    • (3) nhóm kiểm tra cảm quan và lấy mẫu ngẫu nhiên: được chia thành các nhóm nhỏ hơn với tỷ lệ lấy mẫu khác nhau.
  • Áp dụng cơ chế miễn kiểm tra, bao gồm cả miễn lấy mẫu và miễn kiểm tra cảm quan, đối với sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ, phù hợp với quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngoải ra, Mục 1.1.3.I.B điểm d hiện đang quy định: “Việc lấy mẫu theo tần suất được áp dụng trên tổng số lô hàng nhập khẩu từ ngày 01 tháng 01 đến hết tháng 12 trong cùng 01 năm.” Quy định này được hiểu rằng lịch sử tuân thủ của doanh nghiệp chỉ có giá trị trong năm, sang năm tiếp theo thì lịch sử tuân thủ của năm trước đó sẽ không còn giá trị. Không rõ quy định này được đặt ra nhằm mục đích gì bởi lịch sử tuân thủ pháp luật của một doanh nghiệp không bị ngắt quãng về thời gian như vậy. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.