VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường thay thế Thông tư số 26/2012TT-BKHCN và Thông tư số 12/2017/TT-BKHC

Thứ Hai 14:36 31-10-2022

Kính gửi: Bộ Khoa học và Công nghệ

Trả lời Công văn số 2488/BKHCN-TCĐ của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư Quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường thay thế Thông tư số 26/2012TT-BKHCN và Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tiến thành lấy ý kiến cộng đồng kinh doanh và có một số góp ý như sau:

  • Về kiểm tra chất lượng hàng hoá trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

Kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nếu được thực hiện tốt sẽ cho phép ngăn chặn hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng đến tay người tiêu dùng, đồng nghĩa với bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Trong khi kiểm tra nhà nước đối với hàng hoá lưu thông ở phương thức truyền thống còn nhiều thách thức thì ở môi trường thương mại điện tử thậm chí còn gặp nhiều khó khăn hơn. Để thực thi có hiệu quả các quy định về kiểm tra hàng hoá lưu thông trên các trang thương mại điện tử, đồng thời không can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc một số điểm sau:

  • Về thẩm quyền ban hành: Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP quy định tại “Điều 32. Trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá” quy định Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trong lĩnh vực “thương mại điện tử”, chứ không phải Bộ Khoa học và Công nghệ. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại, trường hợp không đúng thẩm quyền thì bỏ các nội dung về kiểm tra nhà nước hàng hoá trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử ra khỏi Dự thảo thông tư.

Ngoài ra, về nội dung các quy định còn chung chung, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ. Lưu ý rằng, các góp ý sau đây độc lập với góp ý phía trên về thẩm quyền ban hành:

  • Trên thực tế, hàng hoá được giao dịch qua các sàn thương mại điện tử thường là hàng hoá đã được bao gói đầy đủ, bao gồm cả các biện pháp chống sốc, chống va chạm. Trường hợp kiểm tra các sản phẩm này sẽ yêu cầu phải mở các bao gói, trong trường hợp hoạt động kiểm tra làm ảnh hưởng đến sản phẩm thì trách nhiệm khắc phục hay bao gói lại chưa được quy định cụ thể. Phản ánh của doanh nghiệp cho thấy đây là bất cập mà chưa có hướng giải quyết do thiếu vắng quy định của pháp luật.
  • Về phương thức kiểm tra (Điều 5 dự thảo): quy định hiện tại chưa rõ kế hoạch kiểm tra đối với hàng hoá giao dịch trên sàn thương mại điện tử sẽ được phân loại theo mặt hàng hay theo sàn hay theo người bán? Nếu một sàn có đơn vị vận chuyển riêng thì có kiểm tra theo chuyến hàng hay tiêu chí nào. Quy định chung chung như hiện tại sẽ dẫn đến khả năng có thể kiểm tra tất cả, nếu trong trường hợp kiểm tra hàng hoá trên đường vận chuyển một xe vận chuyển có thể phải kiểm tra hết toàn bộ, hoặc nếu chỉ kiểm tra một mặt hàng nhưng cũng sẽ gây ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng của tất cả các mặt hàng còn lại.
  • Định nghĩa về chủ sở hữu hàng hoá đối với hàng hoá đang trên đường vận chuyển, được mua bán thông qua sàn thương mại điện tử được xác định như thế nào? Việc này liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ của người vận chuyển, làm căn cứ để tiến hành việc kiểm tra đúng pháp luật và cho phép người vận chuyển có quyền từ chối phối hợp việc kiểm tra một cách minh bạch hơn.

Từ các phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung cách xác định chủ sở hữu hàng hoá và tiêu chí xác định đối tượng thuộc diện kiểm tra là hàng hoá được lưu thông bằng phương thức thương mại điện tử; bổ sung vào nội dung của mẫu Biên bản kiểm tra các quy định về trách nhiệm của chủ sở hữu hàng hoá, người vận chuyển, cán bộ thuộc đoàn kiểm tra đối với hàng hoá sau kiểm tra nếu không phát hiện vi phạm nhưng có xảy ra thiệt hại phát sinh từ hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng.

  • Về căn cứ kiểm tra đột xuất về chất lượng hàng hoá (Điều 5 Dự thảo)

Một trong những căn cứ kiểm tra đột xuất về chất lượng hàng hóa hiện hành là: “Theo yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá” (Điểm a, khoản 2 Điều 5). Tuy nhiên quy định này chưa đủ rõ ràng (không rõ về phạm vi của “yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa” là như thế nào? Hoặc phạm vi này là quá rộng và có thể kiểm tra doanh nghiệp bất kì lúc nào vì bất kì lý do nào liên quan đến kiểm tra chất lượng hàng hóa) và có thể dễ bị lạm dụng để tiến hành kiểm tra và ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp.

Để hạn chế tình trạng trên, đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định các căn cứ cụ thể, rõ ràng về việc kiểm tra đột xuất chất lượng hàng hóa theo yêu cầu của cơ quan quản lý, nếu không thể quy định rõ ràng hơn, đề nghị bỏ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Dự thảo, các căn cứ còn lại quy định tại khoản 2 Điều 5 đã bảo đảm phản ánh đầy đủ, hợp lý các căn cứ để kiểm tra đột xuất chất lượng hàng hóa.

  • Về xử lý vi phạm trong trường hợp chưa có quy định về việc xử lý vi phạm hành chính (Điều 9 Dự thảo)

Dự thảo bổ sung quy định mới về cách thức xử lý đối với các hành vi vi phạm nhưng chưa có quy định về xử phạt hành chính như sau:

  • Yêu cầu chủ sở hữu hàng hoá thực hiện hành động khắc phục trước khi tiếp tục lưu thông hàng hoá, khắc phục xong phải báo cáo bằng văn bản kèm bằng chứng;
  • Hết thời hạn báo cáo mà chủ sở hữu hàng hoá không khắc phục thì sẽ bị xem xét công khai việc vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

Trong khi đó, đối chiếu với Luật Xử lý vi phạm hành chính, quy định tại dự thảo có khả năng trái với quy định tại khoản 4 Điều 3: “Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.” Đây là nguyên tắc quan trọng nhằm bảo đảm tính minh bạch, hợp pháp trong hoạt động xử lý vi phạm. Nguyên tắc này yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước phải rà soát các quy phạm nội dung để quy định tương ứng các quy phạm chế tài, bảo đảm một hành vi vi phạm chỉ có một quy phạm chế tài, một hành vi chỉ bị xử phạt một lần. Hệ thống các quy định về xử phạt hành chính còn có ý nghĩa bảo đảm tính minh bạch trong xử phạt hành chính của các cơ quan có thẩm quyền, không cho phép chồng lấn, trùng lặp về thẩm quyền xử phạt. Hơn nữa, nó bảo đảm các hành vi vi phạm được áp dụng chế tài tương ứng với mức độ và phạm vi, không bị xử phạt nhẹ hơn hay nặng hơn so với tính chất vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp, người dân và xã hội.

Hơn thế nữa, quy định tại khoản 1 Điều 9 Dự thảo nêu trên xét về tính hợp lý và khả thi đều sẽ gặp vướng mắc:

Thứ nhất, không có cơ chế nào để bảo đảm việc công khai vi phạm của chủ sở hữu hàng hoá là chính xác và không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức kinh doanh khác cùng kinh doanh mặt hàng đó trong khi có thể vi phạm chỉ thuộc về một cửa hàng nhưng lại công khai cả tên hàng hoá, địa chỉ nơi bán hàng. Mặc dù biện pháp công khai vi phạm là một chế tài đem lại hiệu quả răn đe đối với chủ thể vi phạm, có tác dụng lớn trong việc cảnh báo đối với người tiêu dùng…Tuy nhiên, hiệu quả này chỉ có thể đạt được nếu việc không khai đó bảo đảm đúng đối tượng, đúng vi phạm, không làm ảnh hưởng tới các chủ thể có quyền và lợi ích liên quan.

Thứ hai, trường hợp chủ sở hữu hàng hoá không có đủ điều kiện, thẩm quyền “thực hiện hành động khắc phục” thì việc yêu cầu sẽ khó khả thi. Trách nhiệm khắc phục vi phạm sẽ tuỳ thuộc vào từng trường hợp, không phải lúc nào cũng thuộc về chủ sở hữu hàng hoá. Ví dụ, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định nghĩa vụ bảo hành thuộc về tổ chức, cá nhân kinh doanh; trách nhiệm thu hồi hàng hoá có khuyết tật thuộc về tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Việc thiếu vắng các căn cứ để xác định chủ thể, đánh giá các yếu tố chủ quan, khách quan để đưa ra yêu cầu khắc phục hợp lý sẽ là cản trở lớn đối với khả năng áp dụng thống nhất, chính xác giữa các cơ quan quản lý cấp địa phương.

Thứ ba, trình tự, thời hạn thực hiện thủ tục này chưa được quy định rõ: các nội dung của báo cáo khắc phục, hình thức báo cáo có thể thực hiện qua phương tiện điện tử hay không; thời hạn báo cáo không được quy định rõ tại thông tư mà được tuỳ nghi định đoạt bởi đoàn kiểm tra (thể hiện tại Biên bản kiểm tra) sẽ dẫn đến việc áp dụng tuỳ nghi, không minh bạch và gây khó khăn cho chủ sở hữu hàng hoá.

Với các lý do trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 1 Điều 9 Dự thảo.

  • Về trường hợp có khiếu nại liên quan đến kết quả thử nghiệm mẫu (Điều 10 Dự thảo)

So với Thông tư 26, Dự thảo đã bổ sung quy trình xử lý trong trường hợp chủ sở hữu hàng hóa có khiếu nại liên quan đến kết quả thử nghiệm mẫu. Cơ chế này cho phép xét thử nghiệm mẫu lưu tại cơ quan kiểm tra để xác định tính chính xác của kết quả thử nghiệm trước đó, phòng trường hợp sai sót xảy ra. Đồng thời, Điều 10 bảo đảm quyền khiếu nại của chủ sở hữu hàng hoá trong trường hợp không đồng tình với kết quả thử nghiệm.

Tuy nhiên, Dự thảo cần rõ ràng về mặt thủ tục đối với trường hợp chủ sở hữu hàng hoá hoặc đại diện chủ sở hữu hàng hoá có khiếu nại liên quan đến kết quả thử nghiệm mẫu. Dự thảo trao quyền quyết định cho cơ quan kiểm tra/người giải quyết khiếu nại “nếu thấy có căn cứ cho rằng việc vận chuyển, giao nhận mẫu, quá trình thử nghiệm mẫu… không đáp ứng quy định, ảnh hưởng tới kết quả thử nghiệm không chính xác thì cơ quan kiểm tra/người giải quyết khiếu nại có thể cho thử nghiệm mẫu lưu tại cơ quan kiểm tra ở một tổ chức thử nghiệm đã đăng ký hoặc được chỉ định khác theo quy định.”. Với cụm từ “có thể”, sẽ có trường hợp không đáp ứng quy định nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn không thử nghiệm lại mẫu lưu tại cơ quan kiểm tra. Dự thảo Thông tư cũng không quy định trách nhiệm trả lời bằng văn bản đối với khiếu nại, thời hạn trả lời, căn cứ từ chối hay chấp thuận kiến nghị. Việc quy định không tường minh vừa làm giảm hiệu quả của quy định, vừa dễ gây ra sự thiếu thống nhất trong áp dụng pháp luật của chính cơ quan kiểm tra/người giải quyết khiếu nại.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định lại như điểm d khoản 2 Điều 9 Thông tư 26/2012/TT-BKHCN trước đây. Theo đó, trường hợp không nhất trí với kết quả thử nghiệm mẫu, trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo kết quả thử nghiệm mẫu không đạt yêu cầu chất lượng, chủ sở hữu hàng hoá có thể đề nghị bằng văn bản đối với cơ quan kiểm tra thử nghiệm lại đối với mẫu lưu ở một tổ chức thử nghiệm được chỉ định khác. Chi phí thử nghiệm mẫu này do người bán hàng chi trả. Trường hợp có sự khác biệt mà cơ quan quản lý nhà nước không chấp thuận kết quả kiểm nghiệm lại, đề nghị bổ sung quy định về các phòng kiểm nghiệm trọng tài/phòng kiểm nghiệm kiểm chứng. Kết quả kiểm nghiệm ngày sẽ được coi là kết quả cuối cùng làm căn cứ xử lý, ra kết luận.

Đồng thời bổ sung quy định thời hạn cơ quan kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra, lấy mẫu thử nghiệm, sau khi chủ sở hữu hàng hoá được kiểm tra bằng văn bản; thời hạn cơ quan kiểm tra ra thông báo hàng hóa được tiếp tục lưu thông, sau khi kết quả kiểm tra, thử nghiệm lại phù hợp.

  • Về công khai kế hoạch kiểm tra hàng năm

  Việc công khai kế hoạch kiểm tra sẽ giúp doanh nghiệp có kế hoạch chuẩn bị, tránh làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách bất hợp lý. Do đó, đề nghị bổ sung quy định về công khai kế hoạch kiểm tra, gửi thông báo tới doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra sau khi được phê duyệt

  • Một số góp ý liên quan đến kỹ thuật soạn thảo văn bản
  • Dự thảo bổ sung khoản 1 vào Điều 8: “Đối với hàng hoá có kích thước lớn, hàng hoá có giá trị lớn.., Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thống nhất bằng văn bản với Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về lấy mẫu để kiểm tra chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường.” Không rõ văn bản giữa bộ quản lý chuyên ngành và Bộ KHCN sẽ dưới hình thức nào. Lưu ý là các quy định về trình tự, thủ tục cần phải được thể hiện dưới dạng văn bản quy phạm ở cấp Nghị định trở lên (Điều 14, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật). Trong khi quy định về lấy mẫu có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kiểm tra hàng hoá, làm căn cứ để xác định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo không bổ sung quy định này vào dự thảo mà cân nhắc sửa đổi tại Nghị định hướng dẫn Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
  • Dự thảo bổ sung khoản 4 Điều 8 về thanh lý mẫu: “Hết thời hạn lưu mẫu, mẫu được ra khu bảo quản. Định kỳ 6 tháng hoặc hàng năm cơ quan kiểm tra tiến hành thanh lý mẫu theo quy định (bán thanh lý); đối với các mẫu vi phạm về chất lượng thì cơ quan kiểm tra tiêu huỷ theo quy định của pháp luật.” Tuy nhiên, trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và các Nghị định hướng dẫn thi hành không có quy định về “thanh lý mẫu” hay “khu bảo quản”. Dự thảo cũng không nêu rõ khu bảo quản thuộc quyền sở hữu, quản lý của ai, doanh nghiệp có nghĩa vụ gì với khu bảo quản này không. Việc đặt ra nghĩa vụ mới về thủ tục ngoài phạm vi uỷ quyền của Nghị định là vi phạm Điều 11 (Văn bản quy định chi tiết[1]) và khoản 4 Điều 14 (Những hành vi bị nghiêm cấm[2]) của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định bổ sung tại khoản 4 Điều 8 Dự thảo.
  • Bỏ các dấu ba chấm “…” trong quy định, ví dụ tại Điều 10 Dự thảo.

Trên đây là ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư Quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường thay thế Thông tư số 26/2012TT-BKHCN và Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] Điều 11. Văn bản quy định chi tiết

  1. Văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi có hiệu lực thì thi hành được ngay. Trong trường hợp văn bản có điều, khoản, điểm mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và những nội dung khác cần quy định chi tiết thì ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết. Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao và không được quy định lặp lại nội dung của văn bản được quy định chi tiết.
  2. Cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp.

[2] Điều 14. Những hành vi bị nghiêm cấm

4.[8] Quy định thủ tục hành chính trong thông tư, thông tư liên tịch, quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, trừ trường hợp được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc trường hợp cần thiết phải quy định thủ tục hành chính trong nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật này.