VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định điều kiện, trách nhiệm của các tổ chức được ủy quyền cấp C/O

Thứ Ba 13:41 02-02-2021

Kính gửi: Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

Trả lời Công văn số 1519/XNK-XXHH của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định điều kiện, trách nhiệm và nghĩa vụ đối với các Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế và các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Đối tượng áp dụng (Điều 2)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Dự thảo thì đối tượng áp dụng của Thông tư này là “Các Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế và các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O”.

Điều 2 Dự thảo đã xác định đích danh các đối tượng được ủy quyền là Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định 31/2018/NĐ-CP thì VCCI cũng là đối tượng được xác định được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O. Vì vậy, để đảm bảo tính minh bạch và thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi khoản 1 Điều 2 Dự thảo theo hướng “Các Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O”.

Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi tiêu đề của Dự thảo theo hai hướng:

  • Nêu tên cụ thể “Thông tư quy định điều kiện, trách nhiệm và nghĩa vụ đối với các Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa”;
  • Hoặc viết gọn thành “Thông tư quy định điều kiện, trách nhiệm và nghĩa vụ đối với các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa”
  1. Điều kiện đối với các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O (Điều 3)

Điều 3 Dự thảo quy định các điều kiện để các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O, cụ thể:

  • Điều kiện về nhân sự: Đội ngũ cán bộ, nhân viên tham gia các đợt tập huấn kiến thức chung về xuất xứ hàng hóa và quy tắc xuất xứ hàng hóa phù hợp với loại mẫu C/O đề nghị ủy quyền do Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương tổ chức hoặc chỉ định các tổ chức, đơn vị khác tổ chức.

Quy định này là chưa rõ ở điểm các cán bộ, nhân viên sau khi tham gia đợt tập huấn kiến thức có hình thức nào xác nhận là họ đã tham dự buổi tập huấn không? Vì đây là căn cứ để xác nhận việc tổ chức được ủy quyền có đáp ứng đủ điều kiện hay không, do đó đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này.

  • Điều kiện về cơ sở vật chất: “có hệ thống máy tính và đường truyền Internet hoạt động tốt”, “có cơ sở vật chất, điều kiện lưu trữ tốt hồ sơ”. “Tốt” là khái niệm chưa thực sự rõ ràng và có thể đưa đến nhiều cách diễn giải khác nhau. Để đảm bảo thuận lợi khi áp dụng trên thực tế, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng “Có hệ thống máy tính và đường truyền Internet hoạt động, kết nối được với Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương …”; “có cơ sở vật chất lưu trữ hồ sơ, chứng từ cấp C/O dưới dạng văn bản hoặc dạng điện tử”.
  1. Trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O (Điều 4)
  • Về việc thông báo: Điểm b khoản 1 Điều 4 Dự thảo quy định tổ chức được ủy quyền cấp C/O phải “thông báo với Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương khi có sự thay đổi về cán bộ có thẩm quyền ký C/O và nhân viên được phân công xử lý hồ sơ đề nghị cấp C/O”. Quy định này được hiểu, trước đó tổ chức được ủy quyền phải gửi thông báo về cán bộ có thẩm quyền ký C/O và nhân viên được phân công xử lý hồ sơ đề nghị cấp C/O. Tuy nhiên, Dự thảo lại không có quy định nào liên quan đến việc gửi thông báo ban đầu về cán bộ có thẩm quyền ký C/O và nhân viên được phân công xử lý hồ sơ đề nghị cấp C/O. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 4 Dự thảo theo hướng “Thông báo với Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương về cán bộ có thẩm quyền ký C/O và nhân viên được phân công xử lý hồ sơ đề nghị cấp C/O và khi có thay đổi các cán bộ này”;
  • Khoản 3 Điều 4 Dự thảo quy định tổ chức được ủy quyền phải “xây dựng quy trình cấp C/O, bao gồm cả Giấy chứng nhận hàng hóa không thay đổi xuất xứ (CNM)”. Quy định này dường như chưa thống nhất với quy định tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP. Nghị định 31/2018/NĐ-CP đã quy định cụ thể, chi tiết về quy trình khai báo và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Điều 16) và yêu cầu các cơ quan, tổ chức cấp C/O phải tuân thủ quy trình này (khoản 3 Điều 23). Như vậy, tổ chức được ủy quyền không thể xây dựng quy trình riêng về việc cấp C/O mà phải áp dụng chung theo quy định của pháp luật. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 3 Điều 4 Dự thảo;
  • Khoản 5 Điều 4 Dự thảo quy định tổ chức ủy quyền phải “thực hiện định kỳ báo cáo theo quy định và đột xuất theo yêu cầu của Bộ Công Thương”. Quy định này là chưa rõ về thời hạn báo cáo: định kỳ tháng, quý hay 06 tháng? Bộ Công Thương yêu cầu báo cáo đột xuất trong trường hợp nào? Việc chưa rõ ràng trong quy định trên có thể gây khó khăn trên thực tế triển khai, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về thời hạn báo cáo và trường hợp báo cáo đột xuất theo hướng tinh giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức được ủy quyền;
  • Khoản 7 Điều 4 Dự thảo quy định tổ chức được ủy quyền “cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa theo quy định”. Theo quy định tại khoản 5 Điều 30 Nghị định 31/2018/NĐ-CP thì “hồ sơ, chứng từ, thông tin và tài liệu liên quan phục vụ công tác xác minh xuất xứ hàng hóa được giữ bí mật. Trường hợp các cơ quan có thẩm quyền trong nước và quốc tế yêu cầu cung cấp hồ sơ, chứng từ, thông tin và tài liệu đó, thương nhân, các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải báo cáo Bộ Công Thương trước khi cung cấp”. Như vậy, quy định về việc cung cấp hồ sơ, tài liệu tại Dự thảo là chưa phù hợp với quy định tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP, đề nghị Ban soạn thảo thiết kế lại quy định này để đảm bảo tính thống nhất với Nghị định 31/2018/NĐ-CP.
  1. Thời hạn ủy quyền cấp C/O (Điều 5)

Điều 5 Dự thảo quy định về thời hạn ủy quyền cấp C/O “tối đa là 05 năm” kể từ ngày Bộ Công Thương ban hành quyết định ủy quyền. Hết thời hạn này thì tổ chức ủy quyền sẽ được xem xét có được tiếp tục được ủy quyền hay không.

Việc quy định thời hạn ủy quyền cấp C/O cần được cân nhắc, xem xét ở các điểm sau:

  • Mục tiêu quản lý: Việc đặt ra thời hạn ủy quyền, suy đoán, nhằm mục đích kiểm soát việc các tổ chức được ủy quyền đáp ứng điều kiện để được cấp C/O. Tuy nhiên, hiện tại Dự thảo đang quy định các điều kiện mà các tổ chức được ủy quyền cấp C/O phải đáp ứng và phải duy trì trong suốt thời gian hoạt động. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thu hồi ủy quyền cấp C/O nếu không duy trì được điều kiện (Điều 7) và đình chỉ ủy quyền C/O nếu vi phạm các quy định về cấp C/O (Điều 6). Như vậy, các cơ quan quản lý có thẩm quyền có thể đình chỉ ủy quyền hoặc thu hồi ủy quyền C/O của tổ chức cấp C/O nếu không đáp ứng điều kiện mà không cần phải chờ đến hết thời hạn ủy quyền và đây là các biện pháp đủ để kiểm soát các tổ chức được ủy quyền cấp C/O;
  • Đặt ra thời hạn ủy quyền có thể đưa đến nguy cơ các tổ chức ủy quyền không được tiếp tục ủy quyền, khi điều kiện để ủy quyền tiếp chưa thực sự rõ ràng, phụ thuộc rất nhiều vào quyền quyết định của cơ quan ủy quyền. Để đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 3 Dự thảo các tổ chức được ủy quyền phải đầu tư chi phí để tuyển dụng, đào tạo nhân lực, cơ sở vật chất. Việc không được ủy quyền tiếp sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các tổ chức được ủy quyền. Mặt khác, việc không tiếp tục ủy quyền cho các tổ chức đã được ủy quyền trước đó vì hết thời hạn ủy quyền vừa gây khó khăn cho các doanh nghiệp có nhu cầu xin cấp C/O, vì tổ chức được ủy quyền đặt ở các vị trí thuận lợi, vừa gây áp lực về thủ tục cho các cơ quan nhà nước đang cấp C/O khi số lượng doanh nghiệp lớn sẽ tập trung để xin C/O.

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định về thời hạn ủy quyền, tức là bỏ quy định tại Điều 5.

Trong trường hợp có lý do thuyết phục để giữ lại Điều 5, đề nghị Ban soạn thảo quy định:

  • Kéo dài thời hạn ủy quyền, có thể là 10 năm;
  • Quy định theo hướng, nếu tổ chức được ủy quyền cấp C/O có nhu cầu và đáp ứng điều kiện theo quy định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục ủy quyền;
  • Quy định rõ thủ tục để được ủy quyền tiếp (hồ sơ, thời gian cơ quan có thẩm quyền xem xét để quyết định ủy quyền tiếp hay không? …).
  1. Đình chỉ ủy quyền cấp C/O (Điều 6)

Theo quy định tại Điều 6 Dự thảo thì tùy từng mức độ và hành vi vi phạm, Bộ Công Thương sẽ xem xét việc đình chỉ ủy quyền cấp một hoặc nhiều loại mẫu C/O trong trường hợp tổ chức được ủy quyền không còn đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 3, không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm quy định tại Điều 4.

Quy định trên là chưa rõ về:

  • Căn cứ xác định mức mức phạt: với loại vi phạm nào ở mức độ ra sao thì Bộ Công Thương sẽ đình chỉ một mẫu C/O, trường hợp nào thì đình chỉ nhiều loại mẫu?
  • Trong thời gian bị đình chỉ, tổ chức được ủy quyền phải thực hiện khắc phục như thế nào? Có phải báo cáo tới Bộ Công Thương về việc khắc phục vi phạm hay không? Vấn đề này liên quan đến quy định tại khoản 5 Điều 7 Dự thảo, tổ chức được ủy quyền sẽ bị thu hồi ủy quyền trong trường hợp đã bị đình chỉ ủy quyền cấp C/O nhưng “tiếp tục không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định tại Điều 4 Thông tư này”.
  • Thời hạn đình chỉ là bao lâu? Chấm dứt đình chỉ trong trường hợp nào?

Đình chỉ ủy quyền cấp C/O là biện pháp quản lý ảnh hưởng lớn đến các tổ chức được ủy quyền cấp C/O, vì vậy cần phải được quy định rõ ràng, nhất là các vấn đề được nêu ở trên, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các tổ chức này và thuận lợi trong quá trình thực hiện.

  1. Hiệu lực thi hành (Điều 8)

Khoản 2 Điều 8 Dự thảo quy định về khoảng thời gian tiếp tục được thực hiện cấp C/O của các tổ chức được ủy quyền theo ủy quyền trước đó. Nhưng Dự thảo lại không quy định rõ, sau thời hạn này thì các tổ chức đã được ủy quyền này sẽ phải thực hiện thủ tục gì hoặc chính sách tiếp theo của các tổ chức được ủy quyền này như thế nào?

Hiện tại, Dự thảo đang chưa quy định về trình tự, thủ tục ủy quyền cấp C/O của Bộ Công Thương, do đó việc thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 8 “các cơ quan, tổ chức đáp ứng quy định tại Điều 3 Thông tư này mới được Bộ Công Thương xem xét ủy quyền cấp C/O kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực” sẽ gặp khó khăn trên thực tế, các tổ chức đã được cấp ủy quyền nhưng hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 8 Dự thảo, những tổ chức muốn được ủy quyền sẽ không biết thực hiện thủ tục như thế nào để được ủy quyền cấp C/O.

Tóm lại, để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo:

  • Quy định rõ sau thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 8 Dự thảo các tổ chức đã được ủy quyền trước đó sẽ phải thực hiện thủ tục gì để tiếp tục được ủy quyền và/hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thực hiện việc ủy quyền tiếp trong trường hợp nào?
  • Quy định rõ về trình tự, thủ tục ủy quyền của Bộ Công Thương.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định điều kiện, trách nhiệm và nghĩa vụ đối với các Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế và các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Các văn bản liên quan