VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định biện pháp thi hành một số điều của Nghị định 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Thứ Tư 15:19 24-02-2021

Kính gửi: Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ

Trả lời Công văn số 98/BKHCN-PTTTDN của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định biện pháp thi hành một số điều của Nghị định 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Kết quả khoa học và công nghệ được công nhận thông qua hình thức giải thưởng khoa học và công nghệ (Điều 3)

Điều 3 Dự thảo hướng dẫn điểm c khoản 2 Điều 3 Nghị định 13/2019/NĐ-CP về các kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền công nhận thông qua hình thức đạt giải thưởng về khoa học và công nghệ theo hướng liệt kê cụ thể các giải thưởng hiện hành và có quy định quét “các giải thưởng của Bộ, ngành, địa phương về khoa học và công nghệ đáp ứng các tiêu chí, điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định 78/2014/NĐ-CP”. Như vậy, theo quy định này thì những giải thưởng do cơ quan nhà nước xét tặng mới được công nhận.

Điều này dường như chưa phù hợp, bởi vì điểm c khoản 2 Điều 3 Nghị định 13/2019/NĐ-CP và Nghị định 78/2014/NĐ-CP quy định các giải thưởng do tổ chức xét tặng cũng được công nhận (nếu tuân thủ trình tự thủ tục về đặt và tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ quy định tại Nghị định 78/2014/NĐ-CP).

Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi điểm g Điều 3 Dự thảo theo hướng “các giải thưởng của Bộ, ngành, địa phương, của tổ chức về khoa hoạc và công nghệ đáp ứng các tiêu chí, điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 78/2014/NĐ-CP …”.

  1. Các kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, công nhận theo quy định của pháp luật quy định tại điểm d khoản 2 Điều 3 Nghị định 13/2019/NĐ-CP (Điều 4)

Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Dự thảo thì “các sản phẩm được hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ khác thuộc lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép sản xuất, cung ứng, lưu hành tại Việt Nam” được xem là các kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, công nhận theo quy định của pháp luât.

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét quy định trên ở các điểm sau:

  • Theo quy định pháp luật, cơ chế quản lý đối với các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện là xem xét điều kiện của các chủ thể kinh doanh chứ không phải là sản phẩm, hàng hóa của hoạt động kinh doanh đó. Các sản phẩm, hàng hóa vẫn phải tuân thủ theo cơ chế quản lý của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa, tùy thuộc vào loại hàng hóa, sản phẩm mà trước khi đưa ra lưu thông tại thị trường phải được công bố hợp quy hoặc tự công bố hợp chuẩn. Vì vậy, “các sản phẩm được hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ khác thuộc lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện … đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép sản xuất, cung ứng, lưu hành tại Việt Nam” không phản ánh việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, công bố sản phẩm, hàng hóa được phép lưu hành. Để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định “các sản phẩm được hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ khác thuộc lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện”;
  • Đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thì trước khi các sản phẩm, hàng hóa này ra lưu thông phải thực hiện thủ tục công bố sản phẩm hợp quy. Cơ chế quản lý đối với loại hàng hóa này không phải là cấp phép “sản xuất, cung ứng, lưu hành” mà là tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy. Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định về hình thức xác nhận, công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 để phù hợp với quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa.
  1. Kết quả khoa học và công nghệ thể hiện dưới hình thức nhận chuyển giao công nghệ quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 3 Nghị định 13/2019/NĐ-CP (Điều 5)

Điểm đ khoản 2 Điều 3 Nghị định 13/2019/NĐ-CP quy định “công nghệ nhận chuyển giao được cơ quan có thẩm quyền xác nhận theo quy định của pháp luật” là một trong những hình thức của kết quả khoa học và công nghệ.

Điều 5 Dự thảo hướng dẫn quy định trên theo hướng đặt ra điều kiện cho doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ. Điều này dường như chưa phù hợp với tính chất của quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 3 Nghị định 13/2019/NĐ-CP khi điều khoản này quy định về “công nghệ nhận chuyển giao” chứ không phải là “doanh nghiệp nhận chuyển giao”.

Mặt khác, việc đặt ra điều kiện đối với doanh nghiệp nhận chuyển giao cần được xem xét ở các điểm sau:

  • Theo quy định tại Luật Chuyên giao công nghệ năm 2017 thì bên nhận chuyển giao công nghệ không cần phải đáp ứng bất kì điều kiện nào, trong hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ cũng không có tài liệu nào thể hiện năng lực của các bên chuyên giao, nhận chuyển giao, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ yếu xem xét về nội dung của hợp đồng chuyển giao. Như vậy, việc đặt thêm điều kiện của bên nhận chuyển giao công nghệ là chưa thống nhất với quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.
  • Theo giải trình tại Tờ trình thì việc đặt ra điều kiện đối với doanh nghiệp nhận chuyển giao là “để khuyến khích đúng đối tượng doanh nghiệp khi trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ”, tránh tình trạng các doanh nghiệp FDI được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ để đăng ký doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhưng thực chất chỉ là sự chuyển giao công nghệ trong nội bộ tập đoàn, trong mô hình công ty mẹ – công ty con.

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 13/2019/NĐ-CP để được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ và được hưởng ưu đãi, doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện nhất định, trong đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ đánh giá, thẩm định, công nhận doanh nghiệp đó có “khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ” hay không. Như vậy, ngay cả việc doanh nghiệp có được Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ chưa chắc đã trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ nếu không đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 6 Nghị định 13/2019/NĐ-CP. Do đó, mục tiêu quản lý trên dường như sẽ khó đạt được bởi quy định này.

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại Điều 5 Dự thảo.

  1. Hiệu lực của Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ có chi nhánh, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Điều 7)

Theo quy định tại Điều 7 Dự thảo thì doanh nghiệp phải đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghiệp cho các chi nhánh sản xuất kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ và các chi nhánh phải đáp ứng các điều kiện tương ứng với doanh nghiệp khoa học và công nghệ quy định tại Nghị định 13/2019/NĐ-CP.

Theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, thì “chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp” (khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020). Với đặc điểm này thì yêu cầu chi nhánh phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 6 Nghị định 13/2019/NĐ-CP mới được hưởng ưu đãi của doanh nghiệp khoa học công nghệ, trong khi bản thân doanh nghiệp của chi nhánh này đã là doanh nghiệp khoa học và công nghệ là chưa phù hợp với tính chất của chi nhánh, quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật về thuế.

Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo hoặc là bỏ toàn bộ quy định tại Điều 7 hoặc là điều chỉnh lại quy định này để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

  1. Thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Điều 8)
  • Trường hợp bị thu hồi do không duy trì được tỷ lệ doanh thu:

Theo quy định tại Điểm b khoản 2 Điều 8 Dự thảo thìthời điểm tính tỷ lệ doanh thu sau khi được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ của doanh nghiệp đã thành lập dưới 05 năm là từ “năm thứ sáu kể từ khi doanh nghiệp thành lập”. Điều này là chưa phù hợp vì, điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 13/2019/NĐ-CP quy định “doanh nghiệp mới thành lập trong thời gian 5 năm đầu tiên kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ” sẽ không bị thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, có nghĩa thời điểm để tính tỷ lệ doanh thu đối với doanh nghiệp được thành lập dưới 05 năm để thu hồi là tính từ thời điểm năm thứ 06 kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận khoa học và công nghệ chứ không phải là từ khi doanh nghiệp được thành lập. Thời điểm được cấp Giấy chứng nhận khoa học và công nghệ và thời điểm thành lập là khác nhau.

Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 Dự thảo theo hướng thời điểm tính tỷ lệ doanh thu là “năm thứ sáu kể từ khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ”.

  • Trường hợp thu hồi do không thực hiện chế độ báo cáo trong 03 năm liên tiếp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định 13/2019/NĐ-CP

Điểm a khoản 3 Điều 8 Dự thảo quy định trong trường hợp không thể báo cáo trong thời hạn quy định, doanh nghiệp phải có văn bản đề nghị gia hạn thời hạn báo cáo gửi về Sở Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định rõ trong trường hợp này thì Sở Khoa học và Công nghệ có phản hồi (cho phép hoặc từ chối gia) về việc gia hạn này không hay là doanh nghiệp chỉ cần gửi văn bản đề nghị gia hạn là sẽ được gia hạn thời gian gửi báo cáo? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này để đảm bảo thuận lợi thực hiện trên thực tế.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định biện pháp thi hành một số điều của Nghị định 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.