VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay

Thứ Tư 16:26 14-08-2019

Kính gửi: Vụ Kết cấu hạ tầng, Bộ Giao thông vận tải

Trả lời Công văn số 5441/BGTVT-KCHT của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

  1. Về các quy định liên quan đến thủ tục hành chính

Một số quy định tại Dự thảo về thủ tục hành chính chưa đảm bảo yếu tố minh bạch, có thể gây khó khăn trong thực tế áp dụng, cụ thể:

  • Về lập và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không, sân bay (Điều 16):

Khoản 2, 3 Điều 16 Dự thảo chỉ quy định về trình tự lập, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch cảng hàng không, sân bay mà không quy định về trình tự lập, phê duyệt điều chỉnhquy hoạch cảng hàng không, sân bay. Như vậy, thủ tục điều chỉnh quy hoạch này sẽ thực hiện như thế nào? Có tương tự như thủ tục lập và phê duyệt quy hoạch ban đầu không? Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về lập và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không, sân bay.

  • Về thủ tục gia hạn cho thuê đất (Điều 30)

Điều 30 Dự thảo quy định về trình tự thủ tục gia hạn cho thuê đất trong đó có giai đoạn sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ Cảng vụ hàng không ban hành quyết định gia hạn cho thuê đất, gửi quyết định gia hạn cho thuê đất, hồ sơ đề nghị thuê đất của tổ chức, cá nhân đến cơ quan có thẩm quyền của địa phương để đề nghị ban hành đơn giá thuê đất. Thời điểm ban bành đơn giá thuê đất là căn cứ để ký hợp đồng thuê đất.

Dự thảo không quy định cụ thể về thời hạn cơ quan có thẩm quyền ở địa phương phải ban hành đơn giá cho thuê đất mà chỉ dẫn chiếu tới quy định chung chung “theo quy định”. Điều này có thể gây khó khăn cho chủ đầu tư nếu thời hạn ban hành đơn giá thuê đất bị kéo dài. Đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể về thời hạn ban hành đơn giá thuê đất của cơ quan địa phương ngay tại Dự thảo.

  • Về thủ tục mở cảng hàng không, sân bay (Điều 34)

Điểm b khoản 2 Điều 34 Dự thảo quy định trong hồ sơ đề nghị mở phải có “văn bản giải trình, chứng minh về việc đủ điều kiện mở cảng hàng không, sân bay”. Quy định này chưa đủ rõ về loại tài liệu phải cung cấp, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những loại tài liệu này. Góp ý tương tự đối với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 49 Dự thảo

Khoản 3 Điều 34 Dự thảo chỉ quy định về thời hạn xem xét thẩm định và ban hành quyết định, thời hạn này được tính từ thời điểm nhận đầy đủhồ sơ. Nhưng Dự thảo lại không quy định thời hạn xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Điều này có thể khiến cho quy trình thủ tục hành chính bị kéo dài. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về thời gian xem xét tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ.

Dự thảo có rất nhiều quy định về thủ tục hành chính trong đó không có quy định về khoảng thời gian xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ (ví dụ: khoản 3 Điều 35, khoản 6 Điều 44, …), đề nghị Ban soạn thảo rà soát toàn bộ Dự thảo và bổ sung quy định này vào các quy định về thủ tục hành chính.

  1. Một số quy định chưa đảm bảo yếu tố minh bạch
  • Về quy hoạch cảng hàng không do chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng lập

Khoản 7 Điều 18 Dự thảo quy định về trình tự thủ tục phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 do chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập. Quy định này không rõ ở điểm, quy hoạch do chủ đầu tư dự án đầu tư lập có nằm trong quy hoạch do Cục Hàng không lập, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt theo quy định từ khoản 1-6 Điều 18 không? Hay là quy hoạch này nằm ngoài quy hoạch do Bộ phê duyệt? Đất giao cho chủ đầu tư có nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh do Bộ Giao thông vận tải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền không? Trong khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất này lại căn cứ vào quy hoạch cảng hàng không, sân bay trừ quy hoạch tỷ lệ 1/500.

Để đảm bảo tính minh bạch của quy định, đề nghị Ban soạn thảo giải trình làm rõ những vấn đề trên.

  • Về Hội đồng thẩm định quy hoạch

Điều 19 Dự thảo quy định về Hội đồng thẩm định quy hoạch cảng hàng không, sân bay tuy nhiên lại không quy định rõ về Hội đồng này ít nhất ở các điểm: số lượng thành viên hội đồng; quyết định theo chế độ tập thể có nghĩa là như thế nào (số đồng ý quá bán, theo một tỷ lệ nào đó hay là 100%), những trường hợp nào thì Hội đồng thẩm định sẽ lựa chọn tư vấn phản biện độc lập? Để đảm bảo thuận lợi trong áp dụng, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề trên.

  • Về thủ tục giao đất cho các công trình đang khai thác

Khoản 5 Điều 27 Dự thảo quy định đối với các công trình hiện hữu đã và đang khai thác, sử dụng ổn định, không có tranh chấp nhưng không có giấy tờ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 Dự thảo thì “có trách nhiệm đo đạc bản đồ địa chính hiện trạng sử dụng đất để làm căn cứ hoàn thiện hồ sơ đề nghị giao đất thay thế cho các loại giấy tờ như văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc văn bản chấp thuận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”.

Quy định này có được hiểu là, tổ chức đã và đang khai thác, sử dụng ổn định các công trình hiện hữu phải thực hiện lạithủ tục xin giao đất quy định từ khoản 1-4 Điều 27 kể cả trong trường hợp thời hạn giao đất trước đó vẫn còn hoặc đã được giao đất sử dụng ổn định, lâu dài? Nếu được hiểu theo cách này thì quy định này sẽ gia tăng thủ tục và tạo ra rủi ro cho các tổ chức  đã và đang sử dụng đất ổn định lâu dài, vì họ sẽ có nguy cơ bị từ chối không được giao đất.

Để đảm bảo tính minh bạch và hợp lý đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề trên và điều chỉnh quy định theo hướng các tổ chức này có trách nhiệm đo đạc bản đồ địa chính hiện trạng sử dụng đất, cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền để ghi nhận việc sử dụng đất hiện tại để có các biện pháp quản lý. Hoặc trong trường hợp đã hết thời hạn giao đất trước đó, các tổ chức này phải thực hiện lại thủ tục xin giao đất và quy định này giải quyết cho trường hợp không có giấy tờ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27.

Góp ý tương tự đối với thủ tục cho thuê đất tại cảng hàng không, sân bay quy định tại Điều 28 Dự thảo.

  • Các trường hợp giấy phép kinh doanh cảng hàng không bị hủy bỏ hiệu lực (khoản 7 Điều 51)

Quy định về các trường hợp giấy phép kinh doanh cảng hàng không bị hủy bỏ hiệu lực có một số điểm chưa phù hợp, cụ thể:

  • Không rõ như thế nào được cho là “vi phạm nghiêm trọng” cá quy định của pháp luật về an ninh, quốc phòng; các quy định về bảo đảm an ninh hàng không, an toàn hàng không, điều kiện kinh doanh, giá dịch vụ, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường? Đề nghị quy định theo hướng có thể định lượng được trong các trường hợp này.
  • Trùng lặp giữa các trường hợp: “không duy trì mức vốn tối thiểu liên tục trong quá trình hoạt động” (điểm b) là một trong những vi phạm về điều kiện kinh doanh quy định tại điểm đ. Đề nghị bỏ quy định tại điểm b.
  1. Một số góp ý khác
  • Về thủ tục giao đất (Điều 27):

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 Dự thảo thì trong Hồ sơ đề nghị giao đất phải có: văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc văn bản chấp thuận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) và quyết định phê duyệt dự án đầu tư, bản thuyết minh dự án đầu tư.

Quy định trên là vừa chưa rõ ràng vừa chưa phù hợp với Luật Đầu tư. Không rõ “quyết định phê duyệt dự án đầu tư” là do ai phê duyệt (chủ đầu tư hay cơ quan có thẩm quyền? Nếu cơ quan có thẩm quyền thì theo quy định tại văn bản nào? Theo quy định tại Luật Đầu tư thì sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhà đầu tư sẽ tiến hành triển khai dự án đầu tư mà không thấy có thủ tục phải xin phê duyệt dự án).

Hơn nữa, Điều 33 Luật Đầu tư 2014 quy định khi thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã xem xét về dự án về mặt quy hoạch và đất đai, nội dung đề xuất dự án (tương tự như “bản thuyết minh dự án đầu tư”), có nghĩa khi doanh nghiệp đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư thì những vấn đề như quy hoạch, đất đai, thuyết minh dự án đã được các cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến.

Vì vậy, tại thủ tục giao đất, cơ quan có thẩm quyền không cần thiết phải xem xét “quyết định phê duyệt dự án đầu tư”, “bản thuyết minh dự án đầu tư”. Để đảm bảo tính thống nhất và hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo bỏ hai loại tài liệu này trong Hồ sơ thủ tục xin giao đất.

  • Về đóng cảng hàng không, sân bay (Điều 36)

Theo quy định tại Điều 36 Dự thảo một trong các trường hợp đóng cảng hàng không, sân bay là do quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (khoản 2). Đóng cảng hàng không, sân bay vì các lý do an ninh quốc phòng, lợi ích công cộng là phù hợp, nhưng việc đóng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của các tổ chức khai thác cảng hàng không, sân bay. Dự thảo không quy định rõ việc giải quyết các vấn đề liên quan đến việc đóng cảng hàng không, sân bay như thế nào, đặc biệt là quyền lợi hợp pháp của các chủ đầu tư. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề này.

  • Về trách nhiệm của người khai thác tàu bay

Khoản 7 Điều 52 Dự thảo quy định người khai thác tàu bay phải nộp bản cân bằng trọng tải, danh sách bay, danh sách hành khách, bản kê khai hàng hóa của mỗi chuyến bay cho Cảng vụ hàng không trong vòng 05 giờ sau khi tàu bay cất cánh hoặc hạ cánh hoặc khi có yêu cầu đột xuất của Cảng vụ hàng không. Để đơn giản hóa thủ tục hành chính đề nghị Ban soạn thảo thiết kế quy định theo hướng phương thức gửi báo cáo là phương thức điện tử.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.