VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 89/2013/NĐ-CP quy định thi hành Luật Giá về thẩm định giá

Thứ Ba 16:46 05-11-2019

Kính gửi: Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 11809/BTC-QLG của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

  1. Về bổ sung quy định điều kiện của người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá (khoản 2 Điều 1 Dự thảo bổ sung Điều 8b vào sau Điều 8 của Nghị định 89/2013/NĐ-CP)

Dự thảo bổ sung điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá, cụ thể:

  • Là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp
  • Có ít nhất 03 năm (36 tháng) là thẩm định viên về giá hành nghề và ký ít nhất 30 bộ Chứng thư và Báo cáo kết quả thẩm định giá

Quy định trên cần được xem xét ở một số điểm sau:

  • Về tính thống nhất: Điều 39 Luật Giá quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của các doanh nghiệp thẩm định giá theo từng loại hình, trong đó quy định cụ thể về điều kiện của người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của doanh nghiệp (“phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp”). Luật Giá không trao quyền cho Chính phủ hướng dẫn điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giá quy định tại Điều 39. Như vậy, việc Dự thảo bổ sung thêm điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc là chưa phù hợp với Luật Giá.
  • Về tính hợp lý: Đây là quy định khá khắt khe về điều kiện của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và dự báo sẽ ít doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện này. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường thẩm định giá sẽ có nhiều doanh nghiệp buộc phải rút lui và có nguy cơ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trong lĩnh vực này. Đây là điều mà Ban soạn thảo chưa đánh giá tác động và thể hiện rõ nét trong Tờ trình.
  • Về mục tiêu quản lý nhà nước: Theo giải trình tại Tờ trình thì việc bổ sung điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là vì theo quy định hiện hành điều kiện của những đối tượng này không khác đối với thẩm định viên về giá, chính vì vậy một số thẩm định viên mới được cấp Thẻ thẩm định viên về giá, chưa có kinh nghiệm đã đăng ký hành nghề với tư cách người đại diện theo pháp luật, tổng giám đốc, giám đốc và để thu hút khách hàng thường cạnh tranh bằng cách hạ giá dịch vụ thay vì cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ. Điều kiện này nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá dịch vụ thẩm định giá.

Giải trình trên cần được xem xét ở góc độ:

  • Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 37 Luật Giá thì thẩm định viên về giá “ký báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp thẩm định giá về kết quả thẩm định giá”. Như vậy, chất lượng của Báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá sẽ phụ thuộc vào thẩm định viên về giá, chứ không phải người đại diện theo pháp luật, Giám đốc, Tổng giám đốc.
  • Việc quản lý nhà nước tránh tình trạng hạ giá nhưng giảm chất lượng dịch vụ, cạnh tranh không lành mạnh cần thực hiện các giải pháp hậu kiểm, thông qua các hiệp hội nghề nghiệp… chứ không nên áp đặt các điều kiện giảm cạnh tranh, tạo ra sự độc quyền.
  • Điểm d khoản 2 Điều 42 Luật Giá quy định, doanh nghiệp thẩm định giá phải “mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động thẩm định giá hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp”. Việc chất lượng báo cáo kết quả thẩm định giá của doanh nghiệp kém chất lượng, gây thiệt hại cho khách hàng thì quy định về trách nhiệm bảo hiểm trong Luật Giá cũng là giải pháp bồi thường thiệt hại và buộc doanh nghiệp thẩm định giá phải chú trọng hơn đến chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, Nhà nước cần khuyến khích các doanh nghiệp khách hàng sử dụng các giải pháp tư pháp như kiện ra toà để đòi bồi thường thiệt hại.

Từ những phân tích trên cho thấy, việc nâng cao điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật, Giám đốc, Tổng giám đốc chưa phù hợp, chưa thuyết phục, cần đánh giá kỹ hơn, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc để sửa đổi không áp đặt thêm điều kiện cho người đại diện theo pháp luật, Giám đốc, Tổng giám đốc của doanhh nghiệp. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ khoản 2 Điều 1 Dự thảo bổ sung Điều 8b vào sau Điều 8 của Nghị định 89/2013/NĐ-CP.

  1. Về sửa đổi, bổ sung các trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá không được thực hiện thẩm định giá (khoản 4 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 11 Nghị định 89/2013/NĐ-CP)

Dự thảo sửa đổi, bổ sung trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá không được thực hiện thẩm định giá “doanh nghiệp thẩm định giá đang trong thời gian bị đình chỉ hoặc tạm ngừng hoạt động thẩm định giá hoặc không bảo đảm một trong các điều kiện tương ứng loại hình doanh nghiệp quy định tại các khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 39 của Luật Giá”.

Dự thảo bổ sung quy định không bảo đảm một trong các điều kiện tương ứng loại hình doanh nghiệp vào trường hợp không được thực hiện thẩm định giá là … thừa, vì đây là một trong các trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá bị đình chỉ hoạt động theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 19 Nghị định 89/2013/NĐ-CP, cũng là trường hợp doanh nghiệp không được thực hiện thẩm định giá trong chính quy định này. Đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên quy định hiện hành, tức là bỏ cụm từ “hoặc không bảo đảm một trong các điều kiện tương ứng loại hình doanh nghiệp quy định tại các khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 39 của Luật Giá”.

  1. Về sửa đổi, bổ sung quy định hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá (khoản 5 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm d và e khoản 1, bổ sung điểm h vào sau điểm g khoản 1, sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 14 của Nghị định 89/2013/NĐ-CP)

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, theo đó doanh nghiệp phải cung cấp:

  • (1) Bản sao Hợp đồng lao động làm việc và tài liệu chứng minh việc đóng bảo hiểm xã hội của các thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp;
  • (2) Tài liệu chứng minh người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có ít nhất 3 năm (36 tháng) là thẩm định viên về giá hành nghề và ký ít nhất 30 bộ Chứng thư và Báo cáo kết quả thẩm định giá

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét việc sửa đổi, bổ sung các tài liệu trong Hồ sơ trên ở các điểm sau:

  • Về tài liệu (1): yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp tài liệu chứng minh việc đóng bảo hiểm xã hội của các thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp tại thời điểm xin giấy phép là chưa hợp lý. Bởi vì, tại thời điểm này người lao động chưa làm việc cho doanh nghiệp vì vậy chưa đóng bảo hiểm xã hội, do đó không thể có loại tài liệu này;
  • Về tài liệu (2): như phân tích ở mục 1, tài liệu này là chưa phù hợp với quy định tại Luật Giá về điều kiện của doanh nghiệp thẩm định giá. Hơn nữa, xét về tính minh bạch thì không rõ về loại tài liệu này như thế nào để chứng minh người đại diện theo pháp luật, Giám đốc, Tổng giám đốc thỏa mãn điều kiện về kinh nghiệm và ký 30 bộ Chứng thư và Báo cáo kết quả thẩm định giá.

Để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định yêu cầu các tài liệu trên trong Hồ sơ.

  1. Về sửa đổi, bổ sung quy định những thay đổi phải thông báo cho Bộ Tài chính (khoản 6 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 17 của Nghị định 89/2013/NĐ-CP)

Dự thảo bổ sung các trường hợp phải thông báo cho Bộ Tài chính gồm:

  • (1) Thay đổi cổ đông hoặc thành viên góp vốn;
  • (2) Có thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp: bị cấm hành nghề thẩm định giá theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; bị truy cứu trách nhiệm hình sự; bị kết án một trong các tội về kinh tế, chức vụ liên quan đến tài chính, giá, thẩm định giá; bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; bị kết án về tội kinh tế từ nghiêm trọng trở lên; có hành vi vi phạm pháp luật về tài chính bị xử phạt vi phạm hành chính

Việc bổ sung các trường hợp trên cần được xem xét ở một số điểm sau:

  • Về trường hợp (1): Theo giải trình thì việc yêu cầu phải thông báo khi thay đổi cổ đông hoặc thành viên góp vốn vì “thông tin về thành viên góp vốn, cổ đông của doanh nghiệp thẩm định giá cũng rất quan trọng bởi đây là cơ sở xác định các trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá không được thực hiện thẩm định giá do có liên quan về thành viên góp vốn, cổ đông với khách hàng thẩm định giá.”. Theo điểm c khoản 4 Điều 10 Luật Giá thì thẩm định viên về giá không được “Thực hiện thẩm định giá cho đơn vị được thẩm định giá mà thẩm định viên về giá có quan hệ về góp vốn, mua cổ phần, trái phiếu hoặc có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột là thành viên trong ban lãnh đạo hoặc kế toán trưởng của đơn vị được thẩm định giá.”.

Có thể hiểu, việc nhận biết thông tin của thành viên góp vốn, cổ đông của doanh nghiệp nhằm kiểm soát mối quan hệ giữa thành viên góp vốn, cổ đông với khách hàng trong trường hợp trên. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Giá và Nghị định 89/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp thẩm định giá không có nghĩa vụ báo cáo về các khách hàng cho cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, nếu chỉ nhận thông tin trên từ phía doanh nghiệp cũng khó có thể đạt được mục tiêu kiểm soát về mối quan hệ giữa doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng.

Mặt khác, cần đánh giá về tính khả thi của quy định này, liệu cơ quan nhà nước có rà soát hết được thông tin của cổ đông hoặc thành viên góp vốn với khách hàng của doanh nghiệp thẩm định giá để xác định mối quan hệ của họ hay không? Thông tin thông báo thay đổi cổ đông hoặc thành viên góp vốn gồm những thông tin gì để cơ quan nhà nước có thể nhận biết được mối quan hệ trên? Đối với công ty cổ phần, nhất là công ty niêm yết thì việc thay đổi cổ đông diễn ra liên tục, nếu doanh nghiệp phải thực hiện thông báo cho mỗi lần thay đổi thì sẽ tạo ra gánh nặng thủ tục hành chính rất lớn, trong khi đó phần này vẫn chưa được đánh giá tác động trong Tờ trình.

Trên thực tế, để kiểm soát về mối quan hệ giữa doanh nghiệp thẩm định giá với khách hàng, cơ quan nhà nước có thể hậu kiểm thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, thay vì yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thông báo ngay từ đầu, trong khi quy định này phát sinh nhiều vấn đề được nêu ở trên.

  • Về trường hợp (2): Tờ trình không nêu rõ mục tiêu của việc bổ sung thủ tục này là gì? Đây là các thông tin mà giữa các cơ quan nhà nước có thể chia sẻ cho nhau thay vì yêu cầu doanh nghiệp cung cấp. Mặt khác, thẩm định viên về giá thuộc trường hợp trên, doanh nghiệp sẽ không sử dụng nữa, việc yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo thông tin của người lao động trong trường hợp này là chưa hợp lý.

Để đảm bảo tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ các quy định bổ sung này, trong trường hợp có lý do thuyết phục để giữ các quy định này, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các giải trình về mục tiêu quản lý, đánh giá tác động về thủ tục hành chính của quy định này

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều  của Nghị định 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.