VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định về thẩm định giá

Thứ Ba 10:44 14-04-2020

Kính gửi: Vụ Pháp luật Dân sự, kinh tế, Bộ Tư pháp

Trả lời Công văn số 1216/BTP-PLDSKT của Bộ Tư pháp về việc đề nghị cho ý kiến thẩm định đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:

Ngày 05/11/2019, VCCI đã có Công văn 2598/PTM-PC gửi Bộ Tài chính về việc góp ý Dự thảo. So với phiên bản tháng 11/2019, Dự thảo phiên bản tháng 4/2020 đã có một số thay đổi, trong đó có tiếp thu một số ý kiến của VCCI. Điều này thể hiện tinh thần cầu thị, nghiêm túc của cơ quan soạn thảo.

Đối với những ý kiến góp ý chưa được tiếp thu, VCCI tiếp tục có những trao đổi như sau:

  1. Về việc bổ sung điều kiện của người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá (khoản 3 Điều 1 Dự thảo bổ sung Điều 8a Nghị định 89/2013/NĐ-CP)

So với Nghị định 89/2013/NĐ-CP thì Dự thảo đã bổ sung thêm điều kiện của người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá. Trong góp ý tại Công văn 2598/PTM-PC, VCCI đã kiến nghị bỏ quy định này bởi quy định này chưa đảm bảo tính thống nhất, tính hợp lý và chưa đảm bảo được mục tiêu quản lý nhà nước (các phân tích cụ thể đã thể hiện trong Công văn 2598/PTM-PC được gửi kèm Công văn này). Tuy nhiên, ý kiến này vẫn chưa được tiếp thu hoàn toàn, Ban soạn thảo mới chỉ thu hẹp lại điều kiện của các chủ thể này mà không phải bỏ toàn bộ các điều kiện được bổ sung mới. Theo giải trình, lý do để bổ sung điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật, Giám đốc, Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá là:

  • Đảm bảo chất lượng của dịch vụ cung cấp
  • Hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá giữa các doanh nghiệp thẩm định giá
  • Phù hợp với Luật Đầu tư 2014 khi xác định thẩm định giá là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Giải trình trên cần được xem xét lại ở các điểm sau:

  • Tính thống nhất: Như đã nêu trong bản góp ý trước, việc bổ sung thêm điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật, Giám đốc, Tổng giám đốc doanh nghiệp thẩm định giá là chưa phù hợp với Điều 39 Luật Giá. Ban soạn thảo chưa giải trình về tính thống nhất của quy định. Vì bất kì lý do gì, các quy định tại nghị định cũng không được vượt quá và/hoặc mâu thuẫn với luật;
  • Tính hợp lý: việc bổ sung điều kiện đối với người đứng đầu doanh nghiệp thẩm định giá chưa đủ thuyết phục để khẳng định đảm bảo chất lượng của dịch vụ thẩm định giá mà doanh nghiệp cung cấp; trong khi theo quy định của pháp luật về giá người chịu trách nhiệm đối với chất lượng của Báo cáo thẩm định giá, chứng thư thẩm định là thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp (điểm c khoản 2 Điều 37 Luật Giá);
  • Về những lo ngại liên quan đến việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp thẩm định giá cần thực hiện qua các công cụ quản lý khác như: Luật Cạnh tranh, hậu kiểm để xử phạt vi phạm hành chính nếu nhận thấy các vi phạm về hành chính của các doanh nghiệp thẩm định giá. Việc áp đặt điều kiện cho người đứng đầu doanh nghiệp thẩm định giá không giải quyết về vấn đề cạnh tranh giữa các doanh nghiệp;
  • Về việc phù hợp với Luật Đầu tư: thẩm định giá là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, còn các điều kiện kinh doanh cụ thể lại quy định tại Luật Giá. Bên cạnh việc đảm bảo tính thống nhất với Luật Đầu tư, các quy định tại Dự thảo phải phù hợp với quy định tại Luật Giá nữa.

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định bổ sung điều kiện của người đại diện theo pháp luật, Giám đốc, Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá.

  1. Về bổ sung quy định về nghĩa vụ của thẩm định viên về giá hành nghề (khoản 1 Điều 1 Dự thảo bổ sung Điều 7a của Nghị định 89/2013/NĐ-CP)

Dự thảo bổ sung quy định về nghĩa vụ của thẩm định viên về giá hành nghề, theo đó:

  • Thẩm định viên về giá trừ thẩm định viên về giá hành nghề là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải ký ít nhất 10 bộ Chứng thư và Báo cáo kết quả thẩm định giá trong năm được thông báo hành nghề;
  • Đến hết ngày 15/12 của năm hành nghề, thẩm định viên về giá đã hành nghề từ 06 tháng trong năm trở lên không ký đủ 10 bộ Chứng tư và Báo cáo kết quả thẩm định giá trong năm thì không được đăng ký hành nghề trong năm liền kề tiếp theo.

Quy định này cần được xem xét ở các điểm sau:

  • Tính hợp lý: Theo quy định tại Luật Giá thì một trong những điều kiện của doanh nghiệp thẩm định giá là có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp. Nếu theo quy định về số lượng tối thiểu số bộ Chứng thư và Báo cáo kết quả thẩm định giá trong năm mà một thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp phải ký kết thì doanh nghiệp muốn duy trì điều kiện hoạt động phải có ít nhất là 30 Chứng thư và Báo cáo kết quả thẩm định giá được ký trong năm. Việc áp số lượng tối thiểu về Chứng thư và Báo cáo kết quả thẩm định giá được ký trong năm của thẩm định viên về giá và cho doanh nghiệp là biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường. Bởi vì doanh nghiệp không thể biết được trong năm mình có bao nhiêu khách hàng và cung cấp được bao nhiêu dịch vụ. Việc áp đặt điều kiện này vô hình chung sẽ dẫn tới hậu quả nhiều doanh nghiệp sẽ phải đình chỉ hoạt động vì không đáp ứng được điều kiện kinh doanh, do các thẩm định viên về giá không ký đủ số Chứng thư và Báo cáo kết quả thẩm định giá theo quy định;
  • Tính thống nhất và minh bạch: theo quy định tại Dự thảo thì nếu thẩm định viên về giá hành nghề không ký đủ 10 bộ Chứng thư và Báo cáo kết quả thẩm định giá trong năm thì “không được đăng ký hành nghề trong năm liền kế tiếp theo”. Quy định này là chưa rõ ở điểm: như thế nào được cho là không được đăng ký hành nghề tiếp theo? Theo quy định tại Dự thảo thì đây không phải là trường hợp thẩm định viên về giá bị thu hồi Thẻ thẩm định viên về giá, như vậy thì thẩm định viên về giá vẫn có Thẻ nhưng lại không được hành nghề? Điều này lại chưa phù hợp với Điều 37 Luật Giá khi thẩm định viên về giá có quyền hành nghề khi đáp ứng đủ điều kiện và đã đăng ký hành nghề. Hơn nữa, “không được đăng ký hành nghề năm liền kế tiếp theo”, hết năm liền kề này thì có được hành nghề tiếp hay không?

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định bổ sung này, tức là bỏ khoản 1 Điều 1 Dự thảo.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều  của Nghị định 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để thẩm định Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.