VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế và Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (bản thẩm định)

Thứ Sáu 13:05 05-08-2022

Kính gửi:  Bộ Tư pháp

Trả lời Công văn số 316/GM-BTP ngày 25/7/2022 của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế và Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (bản thẩm định) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Điều kiện của tổ chức kinh tế là đại lý đổi ngoại tệ của nước có chung biên giới

Điều 1.4 Dự thảo (bổ sung Điều 6a.1 Nghị định 89/2016/NĐ-CP) quy định một trong các điều kiện của tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới là điều kiện về trụ sở chính, chi nhánh. Theo đó, trụ sở chính phải nằm trên địa bàn một tỉnh biên giới và chi nhánh phải nằm cùng trên địa bàn tỉnh đó. Tuy nhiên, quy định này là không phù hợp vì sẽ hạn chế quyền tự do kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp, cụ thể:

– Các đại lý đổi ngoại tệ khác (không phải ngoại tệ của nước có chung biên giới) được cấp phép theo Nghị định 89/2016/NĐ-CP sẽ không thể mở rộng hoạt động (do không có trụ sở chính nằm trên địa bàn một tỉnh biên giới);

– Các đại lý đổi ngoại tệ sẽ không thể mở rộng hoạt động sang địa bàn một tỉnh biên giới khác (chỉ hoạt động tại một tỉnh biên giới).

Trong khi đó, các đại lý được cấp phép này đều đã đáp ứng tất cả các điều kiện về nghiệp vụ[1] để thực hiện hoạt động, đồng thời cũng có năng lực cũng như kinh nghiệm hoạt động.

Bên cạnh đó, với cùng tính chất hoạt động, các đại lý đổi ngoại tệ khác (không phải ngoại tệ của nước có chung đường biên giới) cũng không chịu các hạn chế tương tự như vậy.[2] Hơn nữa, các đại lý đổi ngoại tệ khác cũng được đặt địa điểm ở nhiều vị trí khác nhau, trong đó có cả cửa khẩu quốc tế (đường bộ).[3]

Từ những phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này hoặc sửa đổi theo hướng chỉ quy định trụ sở chính hoặc chi nhánh nằm trên địa bàn một tỉnh biên giới.

  1. Điều chỉnh giấy phép trong trường hợp mở thêm đại lý

Điều 1.6 Dự thảo (bổ sung Điều 6c Nghị định 89/2016/NĐ-CP) quy định tổ chức kinh tế phải làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới trong trường hợp tăng số lượng đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới. Trên tinh thần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét thủ tục trên ở các khía cạnh sau:

Theo quy định tại Phụ lục 3, Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi tiền ghi cụ thể các thông tin về mỗi đại lý đổi tiền của tổ chức kinh tế được cấp phép. Việc ghi đầy đủ, cụ thể các thông tin này dường như chưa hợp lý. Bởi vì điều kiện kinh doanh tại Dự thảo không giới hạn số lượng đại lý, có nghĩa TCKT có thể tự quyết định số lượng đại lý đổi tiền miễn đáp ứng các điều kiện đặt ra. Và đây là hoạt động có thể biến động, tùy thuộc vào thị trường và phương án kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, nếu cứ mỗi lần tăng số lượng đại lý, TCKT lại phải thực hiện thủ tục thay đổi Giấy chứng nhận sẽ tạo ra gánh nặng thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, hoạt động đại lý đổi tiền có tính chất nhạy cảm, phức tạp, cần có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước. Vì vậy, cần ghi tên cụ thể đại lý đổi tiền để phục vụ cho hoạt động giám sát các đối tượng này. Tuy nhiên, với nhu cầu này, cơ quan quản lý nên cân nhắc phương thức quản lý nên chuyển sang hình thức hậu kiểm, tức là kiểm tra về điều kiện hoạt động của các đại lý đổi tiền trên thực tế thay vì định danh cụ thể các đại lý đổi tiền cụ thể trên Giấy chứng nhận. Hơn nữa, các đại lý đổi tiền còn chịu sự quản lý từ các tổ chức tín dụng.

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi theo hướng tổ chức kinh tế phải thực hiện thủ tục thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tăng số lượng đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới, tương tự như thủ tục trong trường hợp giảm số lượng đại lý đổi tiền.

  1. Thời hạn chuyển tiếp với cá nhân có hoạt động bàn đổi ngoại tệ

Điều 1.11 Dự thảo (bổ sung Điều 6h Nghị định 89/2016/NĐ-CP) quy định các cá nhân có giấy phép thành lập bàn đổi ngoại tệ sẽ có 6 tháng để thành lập tổ chức kinh tế theo quy định mới. Quy định này cần xem xét như sau:

  • Chưa hợp lý: việc chuyển đổi này có thể mất nhiều thời gian, thủ tục và chi phí của chủ thể này (so với điều kiện cũ). Các chủ thể này phải có được sự uỷ quyền của TCTD, thực hiện đầu tư trang thiết bị rồi mới đăng ký với cơ quan nhà nước.
  • Nhu cầu đăng ký thành lập tổ chức kinh tế chưa chắc đã ít: theo giải trình của cơ quan soạn thảo, do dịch bệnh Covid-19, số lượng các bàn đổi ngoại tệ cá nhân còn hoạt động là tương đối ít, đa phần phải ngừng kinh doanh. Tuy nhiên, đây là hành động tạm thời tại tình huống này và có thể phát sinh nhu cầu mạnh hơn trong thời gian tới do tình hình đã ổn định hơn.

Do vậy, để tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một lộ trình phù hợp hơn, chẳng hạn 1 năm.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế và Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (bản thẩm định). Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.

[1] Các điều kiện về nghiệp vụ của đại lý đổi ngoại tệ khác (không phải ngoại tệ của nước có chung đường biên giới) giống với các điều kiện về nghiệp vụ của đại lý đổi ngoại tệ của nước có chung đường biên giới

[2] Điều 5.2 Nghị định 16/2019/NĐ-CP

[3] Điều 4.2 Nghị định 89/2016/NĐ-CP

Các văn bản liên quan