VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Thứ Sáu 14:43 17-12-2021

Kính gửi: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

Trả lời Công văn số 3945/LĐTBXH – TCGDNN của Quý Cơ quan đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Về mức độ của hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và mức tiền phạt trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (Điều 3)

Khoản 1 Điều 3 Dự thảo quy định về việc xác định mức độ hành vi vi phạm theo từng cấp độ: không nghiêm trọng (điểm a), ít nghiêm trọng (điểm b), nghiêm trọng (điểm c), rất nghiêm trọng (điểm d), đặc biệt nghiêm trọng (điểm đ). Quy định này là cần thiết, đảm bảo tính minh bạch, thuận lợi trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, để làm rõ các khái niệm này, Dự thảo lại sử dụng các cụm từ khá chung chung, chưa đủ cụ thể, rõ ràng, ví dụ như “mức độ tác hại, tác động rất lớn”, “đặc biệt lớn”; “tác động nhỏ”, như thế nào là hành vi có tác động “nhỏ” hoặc “không lớn trong phạm vi nội bộ của tổ chức? Như thế nào là tác động rất lớn? Mức độ này do ai xác định? Dựa trên tiêu chí nào?

Sự thiếu rõ ràng trong quy định trên có thể gây khó khăn khi triển khai trên thực tế và tạo ra nhiều rủi ro cho đối tượng bị xử phạt, vì cơ quan xử phạt có thể tùy nghi diễn giải về mức độ vi phạm để xác định khung. Để hạn chế tình trạng này, đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng định lượng hơn quy định này.

  1. Vi phạm quy định về thành lập, cho phép thành lập; sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp, văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; phân hiệu trường cao đẳng, trường trung cấp; bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp (Điều 6)
  • Khoản 2 Điều 6 Dự thảo xử phạt đối với hành vi “làm mất” quyết định thành lập, cho phép thành lập, quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giấy phép hoạt động văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam theo quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền là chưa hợp lý. Bởi vì, trong nhiều trường hợp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có lỗi trong trường hợp các loại giấy phép này bị mất (ví dụ: bị mất cắp; bị mất do cháy, nổ hoặc các loại thiên tai địch họa; …). Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, vi phạm hành chính là hành vi “có lỗi” do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định pháp luật. Như vậy, Dự thảo xử phạt hành vi “làm mất” là chưa phù hợp với tinh thần của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “làm mất” trong khoản 2 Điều 6 Dự thảo.
  • Khoản 4 Điều 6 Dự thảo quy định xử phạt đối với “hành vi thành lập, cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp; phân hiệu trường cao đẳng, trường trung cấp; trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép”. Quy định này là không rõ về hành vi vi phạm bị xử phạt hoặc phạm vi vi phạm của hành vi là quá rộng. Các hành vi vi phạm liên quan đến thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể … có thể là hành vi vi phạm về tính chính xác trong hồ sơ thực hiện thủ tục; việc sử dụng các loại giấy phép; … Tóm lại là hành vi có thể bao trùm lên các hành vi khác quy định tại Điều 6 và các điều khác tại Dự thảo.

Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo hoặc là bỏ quy định này hoặc quy định cụ thể hành vi vi phạm là gì?

  • Điểm d khoản 6 Điều 6 Dự thảo có thể là lỗi kỹ thuật soạn thảo văn bản vì không viết rõ ra đối tượng của biện pháp xử phạt bổ sung “thu hồi”, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.
  1. Vi phạm quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tự chủ tuyển sinh, liên kết đào tạo với nước ngoài (Điều 7)
  • Điểm a Khoản 1 Điều 7 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “làm mất” giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài “không thuộc trường hợp bất khả kháng theo quy định pháp luật”.

Góp ý tương tự mục 2 ở trên, việc xử phạt đối với hành vi “làm mất” là chưa hợp lý. Mặt khác, cùng là xử lý đối với hành vi làm mất nhưng điểm a khoản 1 Điều 7 lại xác định nếu mất trong trường hợp bất khả kháng thì không bị xử phạt, trong khi khoản 2 Điều 6 lại không, điều này khiến cho quy định tại Dự thảo thiếu thống nhất. Hơn nữa, việc xác định làm mất trong trường hợp bất khả kháng hay không là khá khó xác định và có thể tạo ra phiền phức cho đối tượng bị xử phạt khi phải thực hiện thủ tục để xin xác nhận tình trạng này, trong khi quy định chưa rõ là họ phải thực hiện ở đâu.

Tóm lại, quy định này là chưa hợp lý và có thể tạo khó khăn khi thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.

  1. Vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh (Điều 9)

Điểm d khoản 1 Điều 9 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “Thông báo tuyển sinh bằng bất cứ hình thức nào khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài.”.

Quy định này là chồng lấn với quy định xử phạt đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 4 Điều 7 Dự thảo, trong khi hai quy định này có hai khung xử phạt khác nhau. Điều này sẽ dẫn tới hiện tượng, cùng một hành vi vi phạm nhưng có hai khung xử phạt có thể được áp dụng. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm b khoản 4 Điều 7 Dự thảo.

  1. Vi phạm quy định về đào tạo liên thông, liên kết đào tạo (Điều 14)

Hiện tại, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị đinh quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có quy định đối với vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề  nội dung quy định tại Điều 14 Dự thảo.

Đề nghị Ban soan thảo cần rà soát các nội dung trong hai Dự thảo Nghị định nêu trên để thống nhất các quy định giữa các văn bản có liên quan đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

  1. Vi phạm quy định về biểu mẫu, sổ sách quản lý đào tạo (Điều 17)

Khoản 1 Điều 17 Dự thảo quy định xử phạt:

  • (1) Cảnh cáo đối với các biểu mẫu, sổ sách quản lý đào tạo dưới 03 tháng;
  • (2) Phạt các mức tiền đối với từng loại hình đào tạo

Quy định trên cần được xem xét ở điểm:

  • Trường hợp (1): không rõ khoảng thời gian 03 tháng được hiểu như thế nào? Là biểu mẫu, sổ sách quản lý của các cơ sở đào tạo mới thành lập dưới 03 tháng? Hay là chi chép không đầy đủ nội dung biểu mẫu đối với các hoạt động dưới 03 tháng? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ khái niệm này;
  • Trường hợp (2): cần phải loại trừ trường hợp (1) cho các hành vi vi phạm ở trường hợp (2), nếu không sẽ có tình trạng một hành vi vi phạm nhưng không biết áp dụng phạt tiền hay cảnh cáo?
  1. Vi phạm quy định hoạt động kinh doanh tư vấn du học các trình độ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp (Điều 20)

Điểm a khoản 2 Điều 20 Dự thảo xử phạt đối với hành vi “ký hợp đồng không bảo đảm nội dung, nguyên tắc theo quy định”.

Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này là chưa phù hợp, vì pháp luật dân sự sẽ điều chỉnh các hành vi này. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định “ký hợp đồng không bảo đảm nội dung, nguyên tắc theo quy định” tại điểm a khoản 2 Điều 20 Dự thảo.

Tương tự đề nghị bỏ quy định xử phạt đối với hành vi “giao kết hợp đồng đào tạo không đầy đủ nội dung theo quy định” tại khoản 1 Điều 29 Dự thảo

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.