VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về đăng ký doanh nghiệp

Thứ Năm 17:23 15-10-2020

Kính gửi: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trả lời Công văn số 6531/BKHĐT-ĐKKD của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định về đăng ký doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội có một số ý kiến ban đầu như sau:

Trong thời gian qua, các thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp luôn có những bước cải cách mạnh mẽ, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về mức độ thuận lợi và thúc đẩy trong hoạt động khởi sự kinh doanh.

Về cơ bản, các quy định hiện hành về đăng kí doanh nghiệp được kế thừa trong Dự thảo là cụ thể, rõ ràng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tuy nhiên để hoàn thiện, đảm bảo trình tự, thủ tục liên quan đến đăng ký kinh doanh thực sự phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi tối đa cho các chủ thể bắt đầu và/hoặc trong quá trình kinh doanh, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số quy định sau:

  1. Nguyên tắc áp dụng giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp (Điều 4)
  • Về tính chịu trách nhiệm của các chủ thể thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp

Theo quy định tại khoản 1, 3 Điều 4 Dự thảo thì người thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, trung thực, chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của doanh nghiệp và người thành lập doanh nghiệp. Quy định này được hiểu, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ không thẩm định để xác định “tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký kinh doanh”. Nguyên tắc này sẽ góp phần thúc đẩy thủ tục hành chính được thực hiện nhanh chóng.

Tuy nhiên, nguyên tắc này lại chưa được thể hiện một cách nhất quán trong một số quy định tại Dự thảo, cụ thể:

Khoản 3, 4 Điều 68 Dự thảo quy định trường hợp thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký thành lập mới, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp là không trung thực, không chính xác thì Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời có các biện pháp xử lý tương ứng đối với việc thành lập mới, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh. Quy định này chưa minh bạch ở điểm, việc kết luận được các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký thành lập mới, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh là “không trung thực, không chính xác” không phải dễ dàng. Đặc biệt khi cơ quan đăng ký kinh doanh không thẩm định và/hoặc xác minh về tính chính xác, trung thực các thông tin kê khai trong hồ sơ thì kết luận như thế nào? Hình thức kết luận này và những hệ quả pháp lý sau đó là gì? Sự thiếu minh bạch này có thể khiến nguyên tắc áp dụng giải quyết về đăng ký doanh nghiệp quy định tại Điều 4 Dự thảo chưa nhất quán và triệt để.

Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất trong quy định, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định tại khoản 3, 4 theo hướng trường hợp có căn cứ thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký thành lập mới, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp là không trung thực, không chính xác thì cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thực hiện các hoạt động như quy định tại các khoản này.

  • Về việc sử dụng con dấu

Khoản 5 Điều 4 Dự thảo quy định “doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, nghị quyết, quyết định, biên bản họp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp”. Quy định này là một trong những bước tiến tạo thuận lợi về hồ sơ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp còn có các tài liệu khác như văn bản ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp (Điều 12 Dự thảo).

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trên các tài liệu trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

  1. Ghi ngành, nghề kinh doanh (Điều 7)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Dự thảo thì khi thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh thì người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp lựa chọn ngành nghề kinh tế cấp bốn và xác định mã ngành nghề trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Đây là quy định không mới, được kế thừa từ văn bản pháp luật hiện hành. Trong quá trình xây dựng Nghị định 78/2015/NĐ-CP, Nghị định 108/2018/NĐ-CP, VCCI đã nhiều lần phản ánh về những bất cập của quy định này nhưng chưa được ghi nhận.

VCCI không kiến nghị bỏ việc ghi mã ngành cấp bốn khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, thay đổi, bổ sung ngành nghề, bởi vì việc xác định ngành nghề trong thủ tục đăng ký kinh doanh nhằm phục vụ cho các mục tiêu quản lý nhà nước, VCCI kiến nghị xác định chủ thể phải thực hiện việc ghi mã ngành nàycơ quan quản lý nhà nước thay vì yêu cầu doanh nghiệp. Bởi vì, cơ quan nhà nước có thể dựa vào các ngành nghề mà doanh nghiệp đăng ký để xác định các nhóm, phân nhóm phù hợp để phục vụ cho mục tiêu thống kê hoặc các mục tiêu quản lý khác. Dù doanh nghiệp đăng ký ngành nghề nào có hay không trong có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam, miễn là không phải là ngành nghề cấm kinh doanh, thì doanh nghiệp cũng sẽ được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật, do đó việc xác định mã ngành nghề nào tại thời điểm đăng ký kinh doanh là ít ý nghĩa – nếu xét ở góc độ của doanh nghiệp.

Nếu Ban soạn thảo tiếp tục chưa ghi nhận kiến nghị này thì trong Điều 7 Dự thảo cần phải xác định rõ ràng trong quy định để hạn chế đến mức thấp nhất rào cản có thể có đến từ công tác thực thi khi thực hiện đăng ký kinh doanh. Cụ thể:

Khoản 5 Điều 7 Dự thảo quy định “đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới”.

Quy định này là chưa rõ về điểm, trong trường hợp này cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ ghi ngành nghề vào cơ sở dữ liệu trước rồi doanh nghiệp mới được đăng ký kinh doanh hay là cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cho doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề mới này rồi mới ghi nhận vào cơ sở dữ liệu?

Để đảm bảo tính minh bạch và quyền tự do kinh doanh, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định tại khoản 5 Điều 7 theo hướng, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ đăng ký kinh doanh theo ngành, nghề doanh nghiệp theo yêu cầu của doanh nghiệp và ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia.

  1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện (Điều 16)

Theo quy định tại Điều 16 Dự thảo thì Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện có nhiệm vụ, quyền hạn:

  • Yêu cầu hộ kinh doanh báo cáo tình hình kinh doanh khi cần thiết (khoản 6).

Đây là quy định chưa rõ ràng về các trường hợp hộ kinh doanh phải báo cáo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện. Điều này có thể tạo ra sự tùy nghi của cơ quan thực thi và tạo gánh nặng về thủ tục cho các chủ thể kinh doanh. Để hạn chế tình trạng này, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện có quyền yêu cầu hộ kinh doanh báo cáo tình hình kinh doanh.

  • Yêu cầu hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi phát hiện hộ kinh doanh không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh (khoản 7)

Quy định này nhiều khả năng chồng lấn về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý chuyên ngành. Bởi vì, theo quy định của pháp luật chuyên ngành, các cơ quan cấp phép hoặc quản lý về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện sẽ có thẩm quyền trong việc yêu cầu các chủ thể kinh doanh trong đó có hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nếu không đáp ứng được điều kiện. Đồng thời pháp luật chuyên ngành cũng có các quy định để đảm bảo việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn này của các cơ quan quản lý.

Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ quy định tại khoản 7 Điều 16 Dự thảo.

  1. Đăng ký tên doanh nghiệp (Điều 18)

Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Dự thảo thì “Phòng Đăng ký kinh doanh có quyền chấp thuận hoặc từ chối tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và quyết định của Phòng Đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng”. Quy định này cần được xem xét ở điểm sau:

Việc cơ quan đăng ký kinh doanh chấp thuận hay từ chối tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp được xem là hành vi hành chính và có thể bị khởi kiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính. Quy định “quyết định của Phòng Đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng” có thể đưa đến cách hiểu, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp không có quyền được khiếu nại hoặc khởi kiện đối với việc từ chối tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp của cơ quan đăng ký kinh doanh và điều này là chưa phù hợp với quy định về pháp luật hành chính.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ cụm từ “quyết định của Phòng Đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng”.

  1. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với các trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (Điều 26)

Khoản 5 Điều 26 Dự thảo quy định “doanh nghiệp có thể đăng ký chuyển đổi loại hình doanh nghiệp đồng thời đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp”.

Trên thực tế, theo phản ánh của doanh nghiệp, nhiều trường hợp không thể làm đồng thời mà phải tách thành hai hồ sơ, một cho chuyển đổi loại hình doanh nghiệp và một cho thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

Ví dụ, trong một số trường hợp chuyển đổi loại hình phát sinh do thay đổi chủ sở hữu, thành viên, cổ đông kèm theo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp không biết ai có thẩm quyền ký kết hồ sơ.

Ví dụ, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên chuyển nhượng toàn bộ vốn cho hai tổ chức/cá nhân khác (chuyển đổi công ty TNHH một thành viên thành công ty TNHH hai thành viên trở lên) và hai thành viên mới muốn thay đổi ngành nghề kinh doanh, tăng vốn điều lệ, thay đổi người đại diện theo pháp luật), doanh nghiệp không biết ai có thẩm quyền ký. Chủ sở hữu không đồng ký quyết định cho nội dung thay đổi đăng ký doanh nghiệp vì cho rằng mình không có thẩm quyền quyết định, còn thành viên mới thì không có quyền ký vì chưa được công nhận là thành viên công ty, ai có quyền ký giấy đề nghị, điều lệ công ty …

Đề nghị Ban soạn thảo quy định chi tiết hơn về việc thực hiện đồng thời thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp để đảm bảo thuận lợi khi triển khai thực hiện.

  1. Các giấy tờ liên quan đến chứng minh việc góp vốn, chuyển nhượng phần vốn góp, chuyển nhượng cổ phần

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 53 Dự thảo thì khi đăng ký thay đổi chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên, doanh nghiệp phải cung cấp “hợp đồng chuyển nhượng vốn góp các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng vốn góp”. Quy định này cũng tương tự tại các Điều: 26. 52, khoản 4 và khoản 5 Điều 53 Dự thảo.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, trên thực tế doanh nghiệp bị yêu cầu phải nộp đồng thời cả hợp đồng chuyển nhượng và giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng, trong đó cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp nộp biên bản thanh lý hợp đồng hoặc ủy nhiệm chi của ngân hàng về việc đã thanh toán toàn bộ giá chuyển nhượng như là một bằng chứng về việc “hoàn tất việc chuyển nhượng”.

Về nguyên tắc “hoàn tất việc chuyển nhượng” phải được hiểu là thời điểm cổ đông/thành viên nhận chuyển nhượng được ghi nhận quyền sở hữu của mình trên sổ đăng ký cổ đông/sổ đăng ký thành viên của doanh nghiệp đối với số cổ phần/phần vốn nhận chuyển nhượng. Việc thanh toán giá chuyển nhượng giữa các bên trên thực tế là điều khoản thương mại theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng và không phụ thuộc vào thủ tục thực hiện tại cơ quan đăng ký kinh doanh.

Do vậy, việc cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp nộp biên bản thanh lý hợp đồng hoặc ủy nhiệm chi của ngân hàng về việc đã thanh toán toàn bộ giá chuyển nhượng như là một bằng chứng về việc “hoàn tất việc chuyển nhượng” là chưa phù hợp với thực tế và khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện việc chuyển nhượng vốn, đặc biệt là đối với các giao dịch có giá chuyển nhượng lớn.

Để đảm bảo thuận lợi khi trển khai và tạo cách hiểu thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ khái niệm như thế nào được cho là “hoàn tất việc chuyển nhượng”

  1. Một số thủ tục hành chính chưa đảm bảo tính minh bạch

Dự thảo có một số quy định liên quan đến trách nhiệm báo cáo mà doanh nghiệp phải thực hiện, tuy nhiên thủ tục này lại chưa thực sự rõ ràng, cụ thể, vì vậy sẽ gây khó khăn trên thực tế áp dụng. Cụ thể:

  • Xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Theo quy định tại khoản 6 Điều 19 Dự thảo thì trường hợp Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, sẽ yêu cầu doanh nghiệp vi phạm báo cáo giải trình theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 Luật Doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không báo cáo, Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp có thực hiện báo cáo và có giải trình, theo quy định trên cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ không có căn cứ để thực hiện các bước tiếp theo và cũng không thể thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Để tạo thuận lợi trong thực tế triển khai, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định để giải quyết cho trường hợp trên.

  • Tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 67)

Khoản 1 Điều 67 Dự thảo quy định Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 Luật Doanh nghiệp trong trường hợp nhận được văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài nhưng không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật.

Quy định trên chưa giải quyết cho trường hợp nếu doanh nghiệp không báo cáo theo yêu cầu thì như thế nào? Nếu có báo cáo thì hành động tiếp theo của Phòng Đăng ký kinh doanh là gì?

Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề trên.

  • Xử lý trong trường hợp thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký thành lập mới là không trung thực, không chính xác

Theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Dự thảo thì doanh nghiệp phải báo cáo cho Phòng Đăng ký kinh doanh trong trường hợp doanh nghiệp không hoàn chỉnh và nộp lại hồ sơ khi thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký thành lập mới là không trung thực. Trường hợp doanh nghiệp không báo cáo hoặc báo cáo nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận thuận thì sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Quy định này là chưa rõ về nội dung và căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét nội dung báo cáo của doanh nghiệp. Điều này có thể tạo ra sự tùy nghi cho các đối tượng thực hiện và làm suy giảm hiệu lực của quy định. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về vấn đề này để hạn chế về tình trạng trên.

Góp ý tương tự đối với quy định tại khoản 3 Điều 74, khoản 3 Điều 76 Dự thảo

  1. Một số góp ý khác
  • Ngôn ngữ sử dụng trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (Điều 10)

Khoản 2 Điều 10 Dự thảo quy định “trường hợp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì hồ sơ phải có bản dịch tiếng Việt công chứng kèm theo tài liệu bằng tiếng nước ngoài”. Quy định này được hiểu, các giấy tờ pháp lý của cá nhân như hộ chiếu bằng tiếng nước ngoài cũng phải dịch ra tiếng Việt công chứng. Hộ chiếu là loại tài liệu có các thông tin trên đó cơ quan nhà nước có thể xem xét mà không cần phải dịch sang tiếng Việt. Trên thực tế, ở nhiều thủ tục hành chính, các cơ quan Nhà nước vẫn xem xét hộ chiếu nước ngoài mà không cần yêu cầu dịch ra tiếng Việt. Trong thủ tục đăng ký doanh nghiệp, một số cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu phải có bản dịch tiếng Việt hộ chiếu, một số cơ quan đăng ký kinh doanh lại không yêu cầu.

Để đảm bảo tạo tinh giản thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng trường hợp hợp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có tài liệu bằng tiếng nước ngoài trừ hộ chiếu nước ngoài thì hồ sơ phải có bản dịch tiếng Việt công chứng kèm theo tài liệu bằng tiếng nước ngoài.

  • Ủy quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp

Điểm b khoản 1 Điều 12 Dự thảo quy định trường hợp ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp thì phải có văn bản ủy quyền cho cá nhân, trường hợp ủy quyền cho tổ chức thì phải có hợp đồng cung cấp dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp.

Theo quy định tại Điều 138 Bộ luật dân sự 2015 thì cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Như vậy, tổ chức cũng có thể nhận ủy quyền của tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp. Do vậy, trong trường hợp ủy quyền cho tổ chức, trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp chỉ cần nộp văn bản ủy quyền mà không cần thiết phải nộp bản sao hợp đồng dịch vụ.

Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Dự thảo theo hướng trường hợp ủy quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp thì cung cấp văn bản ủy quyền thay vì hợp đồng cung cấp dịch vụ.

  • Phương thức nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp

Khoản 1 Điều 33 Dự thảo không quy định rõ là doanh nghiệp có thể lựa chọn nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc qua mạng thông tin điện tử hay chỉ được nộp qua mạng thông tin điện tử theo Chương V.

Quy định hiện hành không yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử nhưng, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh ở một số địa phương buộc doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử, sau đó mới nộp hồ sơ giấy trực tiếp (từ chối nhận tiếp nhận hồ sơ đăng ký nộp trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi chưa nộp qua mạng).

Để đảm bảo cách hiểu thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định tại Điều 33 Dự thảo về các phương thức nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp: trực tiếp, thông qua mạng thông tin điện tử, qua đường bưu chính.

  • Thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Khoản 5 Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, “trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp”.

Theo quy định trên thời gian cấp Giấy đăng ký doanh nghiệp được tính từ ngày nhận hồ sơ. Thời gian xem xét tính hợp lệ cũng nằm trong khoảng thời gian 03 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Dự thảo thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp là 03 ngày làm việc tính từ ngày hồ sơ hợp lệ chứ không phải là ngày nhận hồ sơ. Thời gian xem xét tính hợp lệ là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ. Như vậy thời hạn xem xét và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp là 06 ngày làm việc tính từ ngày nhận hồ sơ, chưa phù hợp với quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020.

Đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại vấn đề này để đảm bảo tính thống nhất.

  • Các trường hợp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp

Điểm e khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp quy định “Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh”.

Quy định này là chưa rõ các trường hợp mà Cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về các trường hợp này để đảm bảo tính minh bạch trong quy định.

  • Xử lý trường hợp doanh nghiệp có trụ sở tại chung cư

Khoản 11 Điều 6 Luật Nhà ở năm 2014 quy định cấm “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở”. Khoản 7 Điều 80 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chuyển tiếp cho các trường hợp doanh nghiệp có trụ sở tại chung cư: “Trường hợp trong giấy tờ đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp có ghi sử dụng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy tờ đăng ký kinh doanh này phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (10/12/2015); cơ quan có thẩm quyền cấp giấy tờ đăng ký kinh doanh phải làm thủ tục điều chỉnh lại địa điểm kinh doanh ghi trong giấy tờ đăng ký kinh doanh đã cấp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sang địa điểm khác trong thời hạn quy định tại Khoản này; quá thời hạn quy định tại Khoản này thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không được kinh doanh tại căn hộ chung cư”.

Như vậy, theo quy định tại pháp luật về nhà ở, doanh nghiệp không được đặt trụ sở tại căn hộ chung cư. Một vấn đề đặt ra là, khi cơ quan quản lý về nhà ở phát hiện doanh nghiệp đặt trụ sở tại căn hộ chung cư của chung cư chỉ để ở, thì việc phối hợp giữa cơ quan quản lý chuyên ngành với cơ quan đăng ký kinh doanh để buộc doanh nghiệp phải thay đổi trụ sở đăng ký kinh doanh là chưa có quy định.

Đề nghị Ban soạn thảo xem xét đến vấn đề trên để đảm bảo tính thống nhất và tránh lỗ hổng pháp lý khi thực thi các quy định có liên quan được nêu ở trên.

Trên đây là một số ý kiến tổng hợp ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định về đăng ký doanh nghiệp. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.