VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kinh và bảo vệ tầng ô-dôn và Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó biến đổi khí hậu

Thứ Hai 10:38 09-08-2021

Kính gửi:  Cục Biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trả lời Công văn số 3738/BTNMT-BĐKH ngày 08/07/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định) và Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó biến đổi khí hậu (sau đây gọi tắt là Dự thảo Thông tư), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

I. Dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn

  1. Tiêu chí xác định cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính

Phụ lục I Dự thảo quy định tiêu chí xác định các cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính. Quy định này theo chúng tôi cần được xem xét ở các điểm sau:

Thứ nhất, Phụ lục I quy định cơ sở đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây thuộc diện kiểm kê: (i) phát thải từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên; (ii) thuộc một trong các trường hợp được liệt kê[1]… Quy định tiêu chí theo tấn CO2 tương đương có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp vì hiện nay chưa nhiều doanh nghiệp thực hiện kiểm kê khí nhà kính, do vậy doanh nghiệp sẽ khó xác định xem mình có thuộc diện cần phải kiểm kê khí nhà kính hay không. Doanh nghiệp cũng có thể phải tốn kém thêm chi phí để đo đạc, kiểm kê. Việc quy đổi cụ thể ra TOE hoặc các đại lượng cụ thể khác dễ dàng đo đếm, xác định như các trường hợp (ii) là phù hợp, tiết kiệm cho doanh nghiệp do đã được xác định theo Danh mục cơ sở sản xuất trọng điểm theo Luật Tiết kiệm năng lượng.

Cũng cần thấy rằng, Điều 6 Dự thảo quy định trách nhiệm cập nhật Danh mục cơ sở phải kiểm kê là cơ quan nhà nước, tuy nhiên, người cung cấp số liệu này cho cơ quan nhà nước, trên thực tế, vẫn là các doanh nghiệp.

Do vậy, để tránh phát sinh chi phí không hợp lý cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ tiêu chí về tấn CO2 tương đương.

Thứ hai, Phụ lục I sử dụng nhiều thuật ngữ, tuy nhiên lại không có định nghĩa, khái niệm của các thuật ngữ này, do đó có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc áp dụng, chẳng hạn:

  • “Cơ sở sản xuất” được hiểu là từng cơ sở sản xuất độc lập hay toàn bộ doanh nghiệp, vì một doanh nghiệp có thể có nhiều cơ sở sản xuất;
  • Thế nào được hiểu là “tòa nhà thương mại”? Qua rà soát sơ bộ, pháp luật chưa có quy định nào đưa ra định nghĩa về nội dung này. Đối chiếu sang pháp luật về tiết kiệm năng lượng, Điều 6.1.b Nghị định 21/2011/NĐ-CP chỉ có khái niệm “các công trình xây dựng”[2] được dùng làm trụ sở, văn phòng làm việc, nhà ở; cơ sở giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, thể dục, thể thao; khách sạn, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng”;
  • Thế nào được hiểu là “cơ sở sản xuất công nghiệp”? Điều 9.1 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010 quy định cơ sở sản xuất công nghiệp bao gồm cả cơ sở sản xuất, cung cấp năng lượng, tức bao gồm cả nhà máy nhiệt điện – vốn được quy định thành đối tượng riêng tại Phụ lục I;

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ các nội dung này.

  1. Căn cứ phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính

Điều 12.2 Dự thảo quy định việc phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ được căn cứ vào (i) kết quả kiểm kê khí nhà kính trong kỳ kiểm kê gần nhất và (ii) tình hình thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở giai đoạn từ năm 2023 – 2025. Tuy nhiên, quy định này còn một số điểm chưa rõ ràng, chẳng hạn:

  • Các doanh nghiệp thực hiện các kế hoạch giảm phát thải tốt, đặc biệt trong giai đoạn 2023 – 2025, được ưu đãi như thế nào trong kế hoạch phân bổ? Theo phản ánh của doanh nghiệp, khả năng giảm phát thải tại cơ sở sản xuất phù hợp với năng lực của doanh nghiệp là có giới hạn. Các biện pháp khác nếu thực hiện sẽ gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp;
  • Tương tự, các dự án đầu tư mới áp dụng công nghệ, quy trình ít phát thải được hưởng ưu đãi gì khi phân bổ hạn ngạch? Lý do là vì việc giảm phát thải sẽ dễ thực hiện hơn trong giai đoạn lên phương án đầu tư, còn khi dự án đã đầu tư, đi vào vận hành sẽ khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp.
  • Việc phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở mới xây dựng/ đưa vào hoạt động sau năm 2025 được thực hiện như thế nào? Chẳng hạn, cơ sở nào để phân bổ lượng hạn ngạch cho cơ sở mới? Hay nếu cơ sở đi vào hoạt động sau thời điểm phân bổ thì xử lý như thế nào?

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ các nội dung này.

  1. Điều chỉnh hạn ngạch phát thải khí nhà kính

Điều 12.6 Dự thảo quy định các cơ sở có thể xin điều chỉnh hạn ngạch sau khi được phân bổ. Tuy nhiên, quy định này chưa minh bạch vì không rõ trong trường hợp nào (hay lý do điều chỉnh gì) thì doanh nghiệp được chấp nhận điều chỉnh và trong trường hợp nào thì không? Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ nội dung này.

Góp ý tương tự với Điều 26.6 của Dự thảo.

  1. Tỷ lệ hạn ngạch phát thải được phân bổ trên tổng hạn ngạch

Điều 12.4 Dự thảo quy định tổng số hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ cho các cơ sở không vượt quá 90% tổng hạn ngạch phát thải. Như vậy, sẽ có ít nhất 10% hạn ngạch phát thải được bán đấu giá. Quy định này có thể được suy đoán nhằm tiến tới việc hạn chế phát thải thông qua công cụ kinh tế (đấu giá). Tuy nhiên, Dự thảo chưa có quy định về tổng hạn ngạch tối thiểu được phân bổ trong từng năm. Do đó, doanh nghiệp khó có thể biết được có bao nhiêu hạn ngạch phát thải có được qua phân bổ, và bao nhiêu cần phải mua qua đấu giá. Việc mua hạn ngạch thông qua đấu giá có thể sẽ khiến chi phí sản xuất tăng cao, từ đó gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch kinh doanh, đặc biệt với các dự án lớn – đòi hỏi việc kế hoạch cần được xây dựng cho nhiều năm và mang tính ổn định cao. Các doanh nghiệp sản xuất cỡ vừa và nhỏ cũng gặp khó khăn trong việc duy trì và mở rộng sản xuất nếu lượng hạn ngạch được phân bổ qua đấu giá quá cao. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung giới hạn tối thiểu lượng hạn ngạch tối thiểu được phân bổ cho các cơ sở không thông qua đấu giá (chẳng hạn 80%).

  1. Điều kiện với đơn vị thẩm định kết quả kiểm kê và kết quả giảm nhẹ khí nhà kính

Điều 14.3 Dự thảo quy định các đơn vị thẩm định phải gửi Đề nghị công nhận đủ điều kiện thực hiện thẩm định về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quy định này có thể coi là một dạng thủ tục hành chính. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục đảm bảo tuân thủ Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính.

  1. Chuyển giao, vay mượn, bù trù hạn ngạch phát thải khí nhà kính

Điều 19.5 Dự thảo quy định về việc chuyển giao, vay mượn, sử dụng tín chỉ các-bon để bù trừ phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, các quy định này cần được cân nhắc lại vì chưa phù hợp với pháp luật dân sự. Hạn ngạch khí thải, sau khi phân bổ hoặc nhận theo cơ chế đấu giá, có thể được coi là tài sản của doanh nghiệp. Các quy định này cần đảm bảo các quyền tài sản của doanh nghiệp theo quy định tại Bộ luật Dân sự. Do đó, theo chúng tôi, các quy định sau có thể chưa phù hợp, cần cân nhắc cẩn trọng:

Thứ nhất, Điều 19.5.a quy định các cơ sở chỉ có thể chuyển giao hạn ngạch khí nhà kính chưa sử dụng hết sang năm tiếp theo. Tuy nhiên, quy định này chưa thực sự phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Lượng phát thải liên quan đến mức độ hoạt động của cơ sở sản xuất, mà hoạt động sản xuất có thể thay đổi đáng kể giữa các năm: năm trước có thể hoạt động sản xuất bị ngưng trệ hoặc giảm sút (chẳng hạn do thiên tai hoặc nhu cầu thị trường giảm sút hoặc thiếu đơn hàng…), nhưng vài năm sau lại có thể hoạt động với công suất cao. Việc giới hạn việc chuyển giao hạn ngạch khí thải có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh theo nhu cầu của thị trường. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cho phép doanh nghiệp được chuyển giao hạn ngạch khí nhà kính chưa sử dụng hết tự do sang các năm còn lại của cùng một giai đoạn cam kết.

Thứ hai, Điều 19.5.a quy định nếu doanh nghiệp không có đơn đề nghị chuyển giao, số hạn ngạch phát thải sẽ tự động nộp trả lại cho Nhà nước. Quy định này là không phù hợp vì tự động tước quyền sở hữu tài sản với hạn ngạch khí thải, không phù hợp với cam kết về đảm bảo quyền sở hữu tại Điều 10 Luật Đầu tư 2020. Thay vào đó, việc khuyến khích nộp trả có thể áp dụng các cơ chế ưu đãi, khuyến khích… Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

Thứ ba, Điều 19.5.d Dự thảo quy định số lượng tín chỉ các-bon mua từ dự án trao đổi, bù trừ tín chỉ không vượt quá 10% tổng hạn ngạch được phân bổ trong 1 năm tuân thủ. Quy định này có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là với một số dự án đã đầu tư hoặc một số ngành công nghiệp do việc tự giảm phát thải có thể rất khó khăn và đắt đỏ, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong khi đó, việc mua tín chỉ các-bon sẽ hiệu quả hơn về mặt kinh tế cho doanh nghiệp, đồng thời vẫn đáp ứng được yêu cầu giảm phát thải. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng không giới hạn số lượng tín chỉ các-bon được bù trừ.

  1. Cung cấp thông tin, số liệu

Dự thảo quy định một số trách nhiệm cung cấp báo cáo, thông tin, số liệu về giảm nhẹ khí nhà kính, bao gồm: trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu (Điều 9.6, 11.4.b Dự thảo), cung cấp báo cáo giảm nhẹ khí nhà kính (Điều 10.3.a); cung cấp báo cáo kiểm kê khí nhà kính. Tuy nhiên, các quy định này cần xem xét ở một số điểm như sau:

Thứ nhất, quy định tại Điều 9.6, 11.4.b Dự thảo chưa rõ ràng ở điểm các thông tin, số liệu nào mà doanh nghiệp cần cung cấp cho cơ quan nhà nước? Liệu các thông tin, số liệu này đã có trong các báo cáo kiểm kê và báo cáo giảm nhẹ mà doanh nghiệp đã nộp cho cơ quan nhà nước hay không? Nếu đã có, quy định này có thể tạo ra gánh nặng về trách nhiệm báo cáo cho doanh nghiệp, không phù hợp với yêu cầu “ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh” tại Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ năm 2020. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nội dung trên.

Thứ hai, các quy định trên không thống nhất được đầu mối báo cáo, theo đó, doanh nghiệp phải đồng thời thực hiện báo cáo với (i) Bộ Tài nguyên và Môi trường; (ii) Bộ quản lý lĩnh vực; (iii) cơ quan địa phương. Quy định này tốn thời gian, chi phí của doanh nghiệp, trong khi các cơ quan trên có thể tự chia sẻ các thông tin, số liệu trên với nhau. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo thống nhất quy định lại một đầu mối tiếp nhận các báo cáo, thông tin, số liệu của doanh nghiệp, và chia sẻ các thông tin này cho các cơ quan nhà nước khác.

Thứ ba, Điều 10.3.a Dự thảo quy định doanh nghiệp phải nộp báo cáo giảm nhẹ phát thải trước ngày 31/12 hàng năm. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, nếu kỳ thu thập từ tháng 1 đến tháng 12 thì doanh nghiệp không thể tổng hợp số liệu kịp trước ngày 31/12 được, mà cần thêm ít nhất 1 tháng để làm việc này. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh lại quy định này.

  1. Các quy định thiếu tính rõ ràng

Dự thảo Nghị định nhằm quy định chi tiết hóa các nội dung về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Tuy nhiên, một số quy định trong Dự thảo Nghị định chưa rõ ràng, có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, chẳng hạn:

  • Điều 19.5.e Dự thảo quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chuyển giao, vay mượn và nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính; quy định cơ chế tạo tín chỉ các-bon được phép chuyển đổi sang đơn vị bù trù cho hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Không rõ các nội dung cụ thể về chuyển giao, vay mượn và nộp trả hạn ngạch mà Bộ Tài nguyên và Môi trường cần hướng dẫn là gì khi Điều 19 Dự thảo đã có quy định về vấn đề này? Ngoài ra, Điều 11.2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng quy định văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp;
  • Điều 10.1.a Dự thảo quy định phương pháp đo đạc biện pháp giảm nhẹ khí nhà kính được xây dựng trên cơ sở các quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Không rõ phương pháp này sẽ được quy định tại văn bản nào để doanh nghiệp có thể tra cứu, áp dụng?;
  • Điều 10.1.c quy định việc thẩm định báo cáo giảm nhẹ phát thải thực hiện theo trình tự do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định, tuân thủ các hướng dẫn chi tiết của các Bộ quản lý lĩnh vực. Tuy nhiên, không rõ các nội dung mà Bộ quản lý lĩnh vực cần hướng dẫn chi tiết là gì, và sẽ được quy định ở đâu?;

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung hoặc sửa đổi quy định nhằm làm rõ các vấn đề trên.

  1. Biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, các quy định trong Dự thảo Nghị định về kiểm kê khí nhà kính, hoạt động đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là tương đối mới, trong khi đó nội dung lại mang tính kỹ thuật cao, do đó gây khó khăn và tốn kém nhiều chi phí cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu thực hiện. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các quy định hỗ trợ doanh nghiệp, chẳng hạn:

  • Bộ Tài nguyên và Môi trường dịch các tài liệu hướng dẫn về phương pháp kiểm kê (do Ban liên chính phủ về biến đổi ban hành – Điều 11.1.a Dự thảo);
  • Ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi trả cho chi phí kiểm kê khí nhà kính của doanh nghiệp trong giai đoạn đầu từ 2022 – 2025;
  • Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên cập nhật, trao đổi, hướng dẫn các phương pháp, cách thức giảm khí nhà kính cho doanh nghiệp tham khảo, học hỏi;
  1. Đối tượng đăng ký và báo cáo việc sử dụng các chất được kiểm soát

Điều 24.1.d Dự thảo Nghị định quy định một trong các đối tượng phải đăng ký và báo cáo các chất được kiểm soát là các cơ sở sở hữu máy điều hòa không khí gia dụng hoặc công nghiệp. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp. Lý do là vì các đối tượng này thường không tiêu thụ các môi chất làm lạnh nếu không bị rò rỉ, và do đó không thể ước lượng mức dự kiến để đăng ký theo thời hạn như Dự thảo quy định. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này

  1. Phân bổ hạn ngạch sản xuất, xuất nhập khẩu các chất được kiểm soát

Điều 26.5 Dự thảo quy định các tổ chức sử dụng các chất gây hiệu ứng nhà kính có giá trị nóng lên toàn cầu thấp được xem xét bổ sung hạn ngạch căn cứ theo hạng dựa trên tỷ lệ lượng tiêu thụ quy đổi theo lượng CO2 tương đương. Quy định này không rõ ràng ở điểm doanh nghiệp xếp hạng bao nhiêu thì bắt đầu được phân bổ hạn ngạch bổ sung, và mức hạn ngạch dành cho từng thứ hạng là như thế nào? Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ vấn đề này.

  1. Trình tự, thủ tục xuất nhập khẩu các chất được kiểm soát

Điều 28 Dự thảo quy định trình tự, thủ tục xuất nhập khẩu các chất được kiểm soát, theo đó, doanh nghiệp xuất nhập khẩu chất được kiểm soát phải xin cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu chất được kiểm soát. Tuy nhiên, quy định này dường như chưa phù hợp với Điều 31.1 Luật Quản lý ngoại thương. Theo đó, hàng hóa, dịch vụ thuộc diện quản lý xuất nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện phải được công bố trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện. Trong khi đó, Danh mục này tại Phụ lục III Nghị định 69/2018/NĐ-CP không có quy định với các chất được kiểm soát.

Bên cạnh đó, quy định này cũng chưa hợp lý vì gây tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Không rõ vì sao các doanh nghiệp phải xin giấy phép xuất nhập khẩu, trong khi doanh nghiệp đã phải được phân bổ hạn ngạch bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện xuất nhập khẩu các chất này? Để quản lý xuất nhập khẩu với các chất này, cơ quan Hải quan chỉ cần xác nhận theo văn bản thông báo về phân bổ hạn ngạch, và thực hiện trừ lùi đến khi nhập khẩu hết hạn ngạch được cho phép như quy định tại Điều 28.5 Dự thảo.

Từ những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định liên quan đến việc xin giấy phép xuất nhập khẩu các chất được kiểm soát.

  1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ vận chuyển, thu gom, xử lý các chất được kiểm soát

Điều 30 Dự thảo Nghị định quy định điều kinh doanh với dịch vụ vận chuyển, thu gom, xử lý các chất được kiểm soát. Tuy nhiên, quy định này cần xem xét một số điểm sau:

Thứ nhất, Điều 30.5 Dự thảo Nghị định quy định kỹ thuật viên phải có bằng cấp, chứng nhận phù hợp. Tuy nhiên, Dự thảo không làm rõ bằng cấp, chứng chỉ thuộc hệ đào tạo hay chuyên ngành nào thì được coi là phù hợp? Tương tự, Điều 30.4.c Dự thảo Nghị định cũng không quy định rõ ràng về điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng. Do vậy, để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các quy định nhằm đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 7.5 Luật Đầu tư 2020.

Thứ hai, Điều 30.6 Dự thảo Nghị định quy định việc xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ được thực hiện trước ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, quy định trên là không khả thi về mặt thời gian. Hệ đào tạo của kỹ thuật viên được quy định là trung cấp hoặc cao đẳng. Điều 3 Thông tư 09/2017/TT-BLĐTBXH quy định thời hạn đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế từ 1-2 năm, trình độ cao đăng từ 2-3 năm (nếu theo hình thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ thì có thể nhanh hơn nhưng thực tế thường ở mức gần tương đương). Trong khi đó, thời hạn cho việc thu gom bắt buộc là 01/01/2024. Như vậy, chỉ trong 1 năm, các trường vừa phải xây dựng chương trình học, chuẩn đầu ra, thu hút và đào tạo người học, dẫn đến thiếu hụt nhân sự có trình độ phù hợp tại thời điểm bắt buộc thu gom. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh lại quy định, cụ thể hoặc quy định như Điều 19 Dự thảo Thông tư hoặc sửa đổi thời điểm ban hành chương trình đào tạo.

Góp ý tương tự về thời điểm ban hành quy chuẩn thu gom, xử lý (trước 31/12/2023) tại Điều 30.7 Dự thảo Nghị định.

II. Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó biến đổi khí hậu

  1. Tổ chức thực hiện quy gom các chất làm suy giảm tầng ô-dôn

Điều 19.1 Dự thảo Thông tư quy định một trong các tổ chức phải thực hiện thu gom các chất làm suy giảm tầng ô-dôn là tổ chức thực hiện dịch vụ lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị lạnh và điều hòa không khí. Tuy nhiên, quy định này không rõ ràng ở điểm trong trường hợp nào tổ chức này phải thực hiện trách nhiệm thu gom. Và liệu quy định như vậy có tạo ra sự trùng lặp về nghĩa vụ thu gom với các tổ chức khác hay không?[3] Chẳng hạn, nếu theo quy định, doanh nghiệp sản xuất máy điều hòa và doanh nghiệp bán lẻ máy điều hòa đến người tiêu dùng (thường đi kèm dịch vụ) sẽ có thể cùng phải có nghĩa vụ thu gom các máy điều hòa đã được sản xuất, bán ra. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nội dung này.

  1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ vận chuyển, thu gom, xử lý các chất được kiểm soát

Khoản 2, 3, 4, 5 Điều 19 Dự thảo Thông tư quy định chi tiết các nội dung về điều kiện trang thiết bị, nhân sự với dịch vụ vận chuyển, thu gom, xử lý các chất được kiểm soát. Quy định này được suy đoán nhằm làm rõ hơn các nội dung tại Điều 30 Dự thảo Nghị định. Tuy nhiên, việc này chưa phù hợp với Điều 7.3 Luật Đầu tư 2020. Theo đó, việc ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh ở cấp Thông tư của Bộ, cơ quan ngang bộ là hành vi bị cấm. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng chuyển các quy định trên lên Dự thảo Nghị định.

  1. Tiêu hủy các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất được kiểm soát

Điều 21 Dự thảo Thông tư quy định về việc tiêu hủy các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất được kiểm soát. Quy định này cần xem xét ở một số điểm sau:

Thứ nhất, Điều 21.3 quy định các yêu cầu về công nghệ tiêu hủy. Tuy nhiên, quy định này chưa thực sự rõ ràng để soi chiếu và thực hiện, chẳng hạn doanh nghiệp có thể gặp khó khăn để tìm hiểu các điều ước quốc tế nào có yêu cầu về công nghệ tiêu hủy, và những yêu cầu này là gì? Hay yêu cầu về không phát thải các khí ô nhiễm được hiểu là đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải hay là không thải ra bất cứ loại khí nào gây ô nhiễm nào?

Ngoài ra, Điều 21.3.c quy định “khuyến khích” áp dụng công nghệ thân thiện môi trường. Tuy nhiên, một số trường hợp thực tế đã cho thấy việc quy định như trên mà không kèm theo bất kỳ biện pháp hỗ trợ có thể dẫn đến cách hiểu từ phía cơ quan nhà nước rằng yêu cầu về thân thiện môi trường là bắt buộc, từ đó yêu cầu doanh nghiệp chứng minh nội dung này.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng làm rõ các nội dung yêu cầu về công nghệ tiêu hủy để doanh nghiệp dễ tham chiếu, áp dụng.

Thứ hai, Điều 21.4 quy định về các phương pháp “phổ biến” để tiêu hủy các chất được kiểm soát. Tuy nhiên, không rõ doanh nghiệp buộc phải sử dụng một trong các phương pháp này hay có thể sử dụng phương pháp khác trong tiêu chí các chất được kiểm soát? Quy định này cũng có thể hạn chế khả năng áp dụng phương pháp khác hiện đại hơn trong tương lại. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc tính cần thiết của việc quy định về phương pháp tiêu hủy. Nếu có thể kiểm soát thông qua các quy định khác (như xử lý chất thải nguy hại, tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường) thì không cần thiết phải giới hạn các phương pháp tiêu hủy như Dự thảo Thông tư,

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn và Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó biến đổi khí hậu. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

VCCI gửi kèm theo đây các góp ý của các doanh nghiệp, rất mong Quý Cơ quan cân nhắc, xem xét để hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.

[1] a) Các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 nghìn tấn dầu tương đương (TOE) trở lên;

b) Cơ sở chăn nuôi bò có số lượng đầu con từ 500 trở lên; cơ sở chăn nuôi lợn có số lượng đầu con xuất chuồng hằng năm từ 3.000 trở lên;

c) Các công ty kinh doanh vận tải hàng hoá đường bộ có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên;

d) Các tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên;

đ) Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.

[2] Các công trình xây dựng được dùng làm trụ sở, văn phòng làm việc, nhà ở; cơ sở giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, thể dục, thể thao; khách sạn, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng.

[3] Chẳng hạn: (i) Tổ chức sản xuất, nhập khẩu thiết bị, sản phẩm có chứa chất được kiểm soát; (ii) Tổ chức sở hữu thiết bị có chứa các chất được kiểm soát theo Điều 19.1.b,c Dự thảo