VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp

Thứ Hai 14:26 09-08-2021

Kính gửi:  Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được Công văn số 3530/BCT-CT ngày 17/6/2021 của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (sau đây gọi tắt là Dự thảo). Ngày 28/07/2021, VCCI đã phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương tổ chức Tọa đàm trực tuyến lấy ý kiến doanh nghiệp. Tham dự Toạ đàm này có đại diện Hiệp hội bán hàng đa cấp, đông đảo các doanh nghiệp thuộc ngành hàng, một số chuyên gia, luật sư trong lĩnh vực này.

Trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia, VCCI gửi tới cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp các ý kiến góp ý ban đầu đối với Dự thảo như sau:

  1. Người đại diện tại địa phương

Điều 1.13 Dự thảo (sửa đổi Điều 20.2 Nghị định 40/2018/NĐ-CP) quy định về điều kiện của người đại diện của doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại địa phương. Theo đó, người đại diện của doanh nghiệp phải được đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, quy định này là chưa phù hợp, cụ thể:

  • Việc đào tạo tất cả người đại diện địa phương ở các tỉnh, thành có thể gây phát sinh chi phí và tốn kém rất lớn cho doanh nghiệp;
  • Người đại diện tại địa phương chỉ là người lao động của doanh nghiệp, và do đó có thể nghỉ việc bất cứ lúc nào. Việc đào tạo thay thế liên tục cũng tốn kém và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn tìm nhân sự mới;
  • Lý do được đưa ra là vì thực trạng người đại diện ở địa phương hiện mang tính chất đối phó, các cơ quan địa phương khi cần thì không nắm bắt được thông tin và liên hệ được với doanh nghiệp. Nhưng không rõ việc đào tạo kiến thức về bán hàng đa cấp liệu có thể giải quyết được vấn đề này hay không trong khi nhiệm vụ của nhân sự này là việc hành chính, cụ thể là làm việc với cơ quan nhà nước? Đào tạo cần có thời gian trong khi nhân sự của doanh nghiệp có thể thay đổi rất nhanh chóng.

Vì những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này.

  1. Tỷ lệ hoa hồng tối thiểu từ kết quả bán hàng trên tổng lợi ích kinh tế

Điều 1.21 Dự thảo (sửa đổi Điều 43 Nghị định 40/2018/NĐ-CP) quy định kế hoạch trả thưởng phải đảm bảo tỷ lệ lợi ích kinh tế từ kết quả bán hàng tối thiểu bằng 20% tổng lợi ích kinh tế. Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, quy định nhằm hạn chế doanh nghiệp chỉ tập trung phát triển mạng lưới mà không hoặc ít thực hiện phân phối bán lẻ hàng hóa. Tuy nhiên, quy định can thiệp trực tiếp vào việc xây dựng kế hoạch trả thưởng như vậy dường như chưa phù hợp. Kế hoạch trả thưởng là một phần quan trọng trong phương án kinh doanh của doanh nghiệp, do đó quy định này can thiệp trực tiếp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Theo phản ánh của doanh nghiệp, can thiệp trực tiếp vào kế hoạch trả thưởng khiến doanh nghiệp thiếu linh hoạt trong việc điều hành hoạt động kinh doanh. Thay vào đó, vấn đề này có thể được giải quyết thông qua việc đặt ra một số giới hạn, điều kiện có tính chất tương tự, nhưng cho phép doanh nghiệp chủ động hơn trong quá trình áp dụng để phù hợp với hoạt động kinh doanh nhưng đồng thời vẫn đáp ứng được mục tiêu quản lý, chẳng hạn như việc sửa đổi quy định về hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác tại Điều 48 Nghị định 40/2018/NĐ-CP hoặc đặt ra giới hạn về doanh số bán hàng đến tay người tiêu dùng trên tổng doanh số… Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh quy định theo hướng trên.

Bên cạnh đó, việc đặt ra giới hạn tối thiểu về tỷ lệ lợi ích kinh tế từ hoạt động bán hàng kết hợp với quy định về giới hạn tỷ lệ tối đa 40% hoa hồng trên doanh thu tại Điều 48 Nghị định 40/2018/NĐ-CP, theo phản ánh của doanh nghiệp, sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh của mình. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh các tỷ lệ này để đảm bảo sự hợp lý, chẳng hạn cân nhắc nâng tỷ lệ hoa hồng trên tổng doanh thu.

  1. Bảo trợ quốc tế

Điều 1.21 Dự thảo (sửa đổi Điều 43 Nghị định 40/2018/NĐ-CP) bổ sung một số quy định hạn chế hoạt động bảo trợ quốc tế trong bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, quy định này cần xem xét ở một số điểm như sau:

Thứ nhất, với hoạt động bảo trợ quốc tế từ Việt Nam ra nước ngoài, quy định không công nhận và chi trả hoa hồng, tiền thưởng với thành tích ở nước ngoài cho người tham gia bán hàng đa cấp là không hợp lý vì như vậy sẽ không tạo động lực nào để người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện hoạt động mở rộng mạng lưới ra nước ngoài – vốn tốn rất nhiều thời gian, chi phí và công sức. Theo Tờ trình Dự thảo, lý giải cho vấn đề này, cơ quan soạn thảo cho rằng không thể kiếm chứng doanh số phát sinh của người tham gia ở nước ngoài được người tham gia ở Việt Nam bảo trợ. Tuy nhiên, vấn đề này có thể thực hiện thông qua các biện pháp yêu cầu cung cấp thông tin, số liệu của doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin này, vì chính các doanh nghiệp cũng sẽ thực hiện khấu trừ, kê khai thuế thay cho người tham gia bán hàng đa cấp dựa trên thông tin này theo Điều 9.2 Thông tư 40/2021/TT-BTC. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này và bổ sung các quy định minh bạch thông tin như trên;

Thứ hai, với hoạt động bảo trợ quốc tế từ nước ngoài vào Việt Nam, quy định cấm hoạt động này dường như là chưa thực sự hợp lý. Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, việc cho phép hoạt động này có thể không kiểm soát được việc chuyển tiền ra nước ngoài để chi trả hoa hồng cho người bảo trợ ở nước ngoài. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác cho người bảo trợ ở nước ngoài không do các doanh nghiệp trong nước chi trả. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này.

  1. Thời hạn cập nhật thông tin lên hệ thống quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp

Điều 1.23 Dự thảo (bổ sung Điều 44 Nghị định 40/2018/NĐ-CP) quy định thời hạn cập nhật các thông tin lên hệ thống công nghệ quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp là ngay sau khi phát sinh giao dịch hoặc trong vòng 01 ngày kể từ khi kết thúc. Quy định này, theo phản ánh của doanh nghiệp, là chưa hợp lý vì tạo ra gánh nặng về cập nhật thông tin quá lớn cho doanh nghiệp, đồng thời tốn kém chi phí đầu tư và vận hành. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng tăng thời hạn cập nhật thông tin, chẳng hạn trong vòng 30 ngày.

  1. Thời hạn yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký

Điều 1.10 Dự thảo (sửa đổi Điều 12.3.b Nghị định 40/2018/NĐ-CP) quy định về cách thức xử lý trong trường hợp hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp cần sửa đổi, bổ sung thông tin. Tuy nhiên, Dự thảo chưa có quy định cụ thể về thời hạn doanh nghiệp cần thực hiện sửa đổi, bổ sung, do đó có thể tạo ra sự thiếu minh bạch trong quy định. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung này.

  1. Hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp

Nghị định 40/2018/NĐ-CP có nhiều quy định hạn chế và thủ tục xin phép với các hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, Nghị định chưa có quy định cụ thể thế nào được coi là hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp. Việc này dẫn đến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xác định hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo nào cần xin phép. Chẳng hạn các hoạt động nội bộ hoặc hội thảo phổ biến chính sách có thuộc diện phải xin phép hay không? Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định xác định phạm vi hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp thuộc diện phải xin phép theo hướng chỉ bao gồm các hoạt động liên quan đến kinh doanh hoặc giới thiệu sản phẩm.

  1. Hợp đồng điện tử

Nghị định 40/2018/NĐ-CP chưa có quy định cho phép doanh nghiệp giao kết hợp đồng điện tử. Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc áp dụng hợp đồng điện tử trong hoạt động bán hàng đa cấp có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, chi phí. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp thực hiện giao kết bằng hợp đồng điện tử.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.