VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế

Thứ Ba 10:53 14-01-2020

Kính gửi: Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 14131/BTC-TCT của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở góp ý của doanh nghiệp, có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Quản lý thuế đối với người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh (Điều 4)
  • Về vấn đề trao đổi thông tin: theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Dự thảo khi đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh thì cơ quan đăng ký kinh doanh gửi thông tin giấy xác nhận về việc người nộp thuế đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh cho cơ quan thuế, tức là người nộp thuế không phải thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan thuế. Trong khi đó, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Dự thảo thì trường hợp người nộp thuế được cơ quan có thẩm quyền khác của Nhà nước chấp thuận tạm ngừng thì người nộp thuế thông báo với cơ quan thuế.

Như vậy, cùng hai trường hợp có tính chất là tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng có trường hợp thì giữa các cơ quan quản lý nhà nước thông tin cho nhau, người nộp thuế không phải thực hiện thủ tục, có trường hợp thì người nộp thuế phải thực hiện thủ tục thông báo. Điều này là chưa hợp lý và đồng bộ trong hoạt động quản lý nhà nước. Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 theo hướng, trong trường hợp người nộp thuế được cơ quan có thẩm quyền khác của Nhà nước chấp thuận tạm ngừng hoạt động thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận gửi thông báo cho cơ quan thuế.

  • Về trường hợp cơ quan thuế chấp thuận tạm ngừng hoạt động, kinh doanh: theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Dự thảo thì ngoài hai trường hợp quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 4 thì người nộp thuế “thực hiện thông báo tạm ngừng hoạt động, kinh doanh đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp” trước khi ngừng hoạt động, kinh doanh và “được cơ quan thuế có thông báo chấp nhận tạm ngừng hoạt động, kinh doanh ghi trên thông báo của cơ quan thuế”. Quy định này chưa rõ về thủ tục để người nộp thuế có được chấp nhận tạm ngừng kinh doanh, hoạt động của cơ quan thuế. Để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ thủ tục này.
  • Về thời điểm hoạt động lại: Khoản 3 Điều 4 Dự thảo quy định “người nộp thuế tiếp tục hoạt động, kinh doanh trở lại trước thời hạn hoặc hết thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh phải thực hiện đầy đủ các quy định về thuế và nộp hồ sơ khai thuế, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định”. Quy định này được hiểu thời hạn hết tạm ngừng hoạt động, kinh doanh là thời điểm doanh nghiệp bắt đầu hoạt động. Điều này dường như chưa tương thích với quy định về thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh – được xác định tại thời điểm trên văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước. Để đảm bảo tính rõ ràng và thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng thời điểm xác định người nộp thuế hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh là thời điểm trên văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước.
  1. Hồ sơ khai thuế (Điều 6)

Điểm e khoản 3 Điều 6 Dự thảo quy định “cơ quan thuế thông báo về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận hồ sơ khai thuế bổ sung của người nộp thuế trong trường hợp khai bổ sung làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được khấu trừ, tăng số tiền thuế được miễn, giảm, được hoàn”.

Theo quy định trên thì người nộp thuế phải thực hiện thủ tục để cơ quan thuế chấp nhận hoặc không chấp nhận hồ sơ khai thuế bổ sung, tuy nhiên Dự thảo không quy định về tiêu chí để cơ quan nhà nước quyết định chấp nhận hay không chấp nhận, trình tự của thủ tục này như thế nào (thời hạn cơ quan thuế đưa ra quyết định là bao lâu)…?

Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về vấn đề trên.

  1. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của các khoản thu về đất, lệ phí môn bài, lệ phí trước bạ

Điểm a khoản 1 Điều 9 Dự thảo quy định thời hạn nộp hồ sơ khai lần đầu của lệ phí môn bài là “ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động, kinh doanh; chậm nhất 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nếu chưa hoạt động kinh doanh”.

Hiện tại, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2016/NĐ-CP về lệ phí môn bài đang được soạn thảo, trong đó có nhiều quy định sửa đổi, bổ sung về khai, nộp lệ phí môn bài, theo đó:

  • Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh trong năm đầu (từ ngày 01/01 đến 31/12) sẽ được miễn lệ phí môn bài; doanh nghiêp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cáp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu được miễn lệ phí môn bài.
  • Việc khai lệ phí môn bài, theo đó đối với tổ chức thực hiện khai lệ phí môn bài và nộp Tờ khai cho cơ quan quản lý trực tiếp trước ngày 10/01 năm sau; thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 hàng năm.

Đây là các quy định đạt được đồng thuận khá cao trong quá trình soạn thảo. Nếu Nghị định sửa đổi Nghị định 139/2016/NĐ-CP được ban hành với nội dung theo tinh thần ở trên thì Dự thảo cần phải có điều chỉnh tương ứng đối với thời hạn nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc về vấn đề này.

  1. Trường hợp ấn định thuế (Điều 14)

Khoản 9, 13 Điều 14 Dự thảo quy định các trường hợp sau người nộp thuế sẽ bị ấn định thuế:

  • Mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường (khoản 9);
  • Không tuân thủ quy định về nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết hoặc không cung cấp thông tin theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết (khoản 13)

Quy định trên cần được xem xét ở các điểm sau:

  • Khái niệm “giá trị giao dịch thông thường trên thị trường” cần được làm rõ, bởi vì trên thực tế đang có nhiều cách hiểu khác nhau khi áp dụng, nhất là trong lĩnh vực bất động sản và hoạt động kinh doanh xuất khẩu;
  • Khoản 13 quy định về ấn định thuế cho trường hợp vi phạm quy định về “nghĩa vụ kê khai”, “xác định giá giao dịch liên kết”, “cung cấp thông tin” theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết. Quy định này là chưa thống nhất với Nghị định 20/2017/NĐ-CP, cụ thể khoản 3 Điều 12 Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định các trường hợp cơ quan thuế sẽ ấn định thuế đối với người nộp thuế có các hành vi vi phạm pháp luật về xác định giá giao dịch liên kết gồm: vi phạm về nghĩa vụ kê khai, cung cấp thông tin, các trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết. Các trường hợp này không có “xác định giá giao dịch liên kết”. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại cụm từ “xác định giá giao dịch liên kết” để đảm bảo thống nhất giữa các nghị định.
  1. Ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (Điều 17)

Điểm b khoản 6 Điều 17 Dự thảo quy định thời hạn nộp tiền thuế ấn định của trường hợp ấn định thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu, hàng hóa không thuộc đối tượng chịu thuế, hàng hóa là linh kiện điện tử, hàng lỏng, hàng rời, hàng dưới dạng khí, hàng hóa khác không xác định được tờ khai nhập khẩu cụ thể là “tờ khai nhập khẩu cuối cùng có mặt hàng bị ấn định thuế”.

Quy định về thời hạn nộp tiền thuế ấn định trên là chưa phù hợp với Luật quản lý thuế, vì theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 55 Luật quản lý thuế thì “thời hạn nộp số tiền thuế ấn định được áp dụng theo thời hạn nộp thuế của tờ khai hải quan ban đầu”. Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định này để đảm bảo tính thống nhất.

  1. Phối hợp giữa cơ quan quản lý thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh

Điểm b khoản 2 Điều 24 Dự thảo quy định, “cơ quan đăng ký kinh doanh không cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho cá nhân, cá nhân kinh doanh, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đã được xóa nợ khi chưa hoàn trả vào ngân sách nhà nước số tiền thuế đã được xóa nợ”.

Quy định này là chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2014 vì đây là các đối tượng không thuộc đối tượng không có quyền được thành lập doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.

  1. Công tác quản lý thuế cần mua cơ sở dữ liệu thương mại

Điểm a khoản 2 Điều 38 Dự thảo quy định việc mua cơ sở dữ liệu phục vụ một số công tác quản lý thuế thường xuyên. Theo kiến nghị của các doanh nghiệp, hoạt động phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu; xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cũng là hoạt động thường xuyên cần có cơ sở dữ liệu để phục vụ hoạt động. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc tính cần thiết của việc mua thông tin, tài liệu, dữ liệu với hoạt động trên. Nếu cần thiết, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung hoạt động trên vào điểm a khoản 2 Điều 38 Dự thảo.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.