VCCI_Góp ý Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Thứ Ba 17:01 18-06-2019

Kính gửi: Vụ Pháp chế, Bộ Y tế

Trả lời Công văn số 1515/BYT-PC ngày 22/03/2019 của Bộ Y tế về việc đề nghị góp ý đối với dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi tắt là Dự thảo), trên cơ sở tham khảo ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám bệnh, chữa bệnh

Điều 11 của Dự thảo quy định về quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Các thông tin về tình trạng sức khoẻ của người bệnh thuộc về quyền riêng tư của bệnh nhân và bệnh nhân có quyền được biết về tình trạng sức khoẻ của mình một cách đầy đủ nhất. Điều này sẽ có một số tác dụng tích cực như sau:

  • Thứ nhất, bệnh nhân có đủ thông tin cần thiết để ra quyết định lựa chọn phương án điều trị. Việc ra quyết định khi không được cung cấp đầy đủ thông tin sẽ không phù hợp với quyền tự do của người dân.
  • Thứ hai, khi có đủ thông tin, bệnh nhân có thể tự mình hoặc với sự trợ giúp của người khác có chuyên môn giám sát tốt hơn việc cung cấp chất lượng dịch vụ của cơ sở khám chữa bệnh. Điều này sẽ có tác động gián tiếp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
  • Thứ ba, việc cung cấp đầy đủ bệnh án sẽ giúp bệnh nhân dễ dàng hơn trong việc chuyển cơ sở điều trị, từ đó tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở khám chữa bệnh sao cho phải phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân, cũng là khách hàng của mình.

Một số ý kiến có thể lo ngại về việc cơ sở y tế phải lưu trữ bản gốc bệnh án để làm chứng cứ khi có tranh chấp hoặc có yêu cầu của cơ quan nhà nước. Do đó, việc cung cấp thông tin ở đây chỉ nên dừng lại ở việc sao chụp toàn bộ hồ sơ bệnh án, còn việc cung cấp bản gốc thì sẽ do người bệnh và cơ sở khám chữa bệnh thoả thuận. Đối với những nội dung thuộc về tài sản trí tuệ chưa công bố của cơ sở khám chữa bệnh hoặc của bên khác thì các cơ sở khám chữa bệnh có quyền che, làm mờ thông tin đó trước khi cung cấp bệnh án. Cũng cần lưu ý rằng việc cơ sở khám chữa bệnh phải cung cấp toàn bộ bệnh án cho người bệnh không ảnh hưởng đến nghĩa vụ của cơ sở khám chữa bệnh phải giữ bí mật thông tin sức khoẻ người bệnh đối với bên thứ ba, trừ trường hợp người bệnh đã từ chối quyền này.

            Khi áp dụng bệnh án điện tử, việc bảo vệ quyền riêng tư của bệnh nhân và cơ chế chia sẻ thông tin bệnh án sẽ cần được nghiên cứu kỹ hơn. Tuy nhiên, Luật Khám chữa bệnh có thể chuẩn bị trước một số quy định mang tính nguyên tắc về vấn đề này. Ví dụ, (1) người bệnh có quyền tiếp cận toàn bộ thông tin trên bệnh án điện tử của mình; (2) các cơ sở khám chữa bệnh khác chỉ có quyền tiếp cận bệnh án điện tử của bệnh nhân khi có sự đồng ý của bệnh nhân; (3) đơn vị cung cấp dịch vụ bệnh án điện tử, cơ sở khám chữa bệnh có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin sức khoẻ của người bệnh.

  1. Kỳ thi quốc gia đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh

Dự thảo đưa ra hai phương án về tổ chức kỳ thi quốc gia đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh. Phương án 1 do Hội đồng y khoa quốc gia tổ chức, Phương án 2 do các cơ sở đào tạo, cơ sở khám chữa bệnh được Bộ Y tế chỉ định. Nhằm tiết giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh giữa các đơn vị, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo phương án 2, cho phép nhiều đơn vị tổ chức thi.

  1. Hội đồng y khoa quốc gia

Dự thảo đưa ra quy định mới về việc tổ chức Hội đồng y khoa quốc gia. Tuy nhiên, các quy định hiện nay về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng y khoa quốc gia vẫn chỉ mang tính là cơ quan giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Y tế. Nếu duy trì địa vị pháp lý này thì việc quy định Hội đồng y khoa quốc gia trong Luật Khám chữa bệnh là không cần thiết, mà có thể đưa vào Nghị định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Bộ Y tế.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia, VCCI thấy rằng nhiều nước tổ chức Hội đồng y khoa quốc gia có mức độ độc lập tương đối với Bộ Y tế. Theo đó, Bộ Y tế tập trung vào việc quản trị bệnh viện, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, còn Hội đồng Y khoa tập trung vào việc kiểm soát chất lượng chuyên môn của dịch vụ khám chữa bệnh. Điều này tương tự như mô hình tổ chức bệnh viện gồm một giám đốc điều hành tập trung vào việc quản trị và một giám đốc (hoặc một hội đồng) quản lý về mặt chuyên môn.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc giữa hai phương án:

  • Nếu vẫn giữ địa vị pháp lý của Hội đồng y khoa quốc gia là đơn vị giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Y tế thì không cần thiết đưa vào Luật này mà sẽ uỷ quyền cho Chính phủ quyết định trong Nghị định về tổ chức và hoạt động của Bộ Y tế.
  • Nếu thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia thì cần quy định để cơ quan này độc lập tương đối với Bộ Y tế và hoạt động thuần tuý về chuyên môn.
  1. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề và thành phần hồ sơ

Điều 19 của Dự thảo quy định điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề là phải “có đủ sức khoẻ để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh” và “không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề…; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sư, quyết định hình sự…”. Tương ứng với đó, Điều 29 của dự thảo quy định thành phần hồ sơ phải có “giấy chứng nhận đủ sức khoẻ” và “phiếu lý lịch tư pháp”.

Theo phản ánh từ thực tiễn, việc xin các giấy phép này rất mất thời gian, tốn kém chi phí xã hội, trong khi hiệu quả thu được rất thấp vì tỷ lệ các trường hợp không đáp ứng các điều kiện này rất nhỏ. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng người xin phép tự khai, tự chịu trách nhiệm trong đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề. Ví dụ, trong mẫu đơn có ô đánh dấu có/không về một số yêu cầu sức khoẻ và lịch sử tư pháp. Đi kèm với cơ chế tự khai, tự chịu trách nhiệm thì sẽ là chế tài rất nặng đối với hành vi gian dối khi khai hồ sơ như tước chứng chỉ hành nghề từ vài năm đến vĩnh viễn.

  1. Thời hạn và gia hạn giấy phép hành nghề

Điều 17.3 của Dự thảo quy định chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 năm. Điều 29.4 quy định hồ sơ đề nghị gia hạn chứng chỉ hành nghề phải có Giấy chứng nhận đã cập nhật kiến thức y khoa liên tục do Hội đồng y khoa cấp.

Theo ý kiến của các doanh nghiệp thì việc duy trì điều kiện hành nghề không nên dựa vào Giấy chứng nhận cập nhật kiến thức y khoa liên tục mà nên dựa trên thực tiễn hành nghề. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng điều kiện để được gia hạn chứng chỉ hành nghề là việc hành nghề thường xuyên. Về mặt hồ sơ, chỉ cần người xin gia hạn chứng chỉ có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh về thời gian và nội dung công việc. Ngoài ra, đây là thủ tục cần làm thường xuyên, vì vậy đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cho phép thực hiện hoàn toàn theo thủ tục hành chính trực tuyến cấp độ 4.

  1. Đăng ký hành nghề

Các quy định về đăng ký hành nghề từ Điều 33 đến Điều 35 được lấy từ các quy định tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP. Nhiều quy định trong số này dường như được thiết kế để quản lý trường hợp các bác sĩ bệnh viện công ra ngoài mở phòng khám hoặc làm việc cho các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập khác. Tuy nhiên, các quy định này lại không thực sự phù hợp với những người làm việc trong cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là về quản lý thời gian làm việc.

  • Ví dụ, Điều 33.4 quy định “Người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ”. Không rõ khái niệm ngoài giờ này được xác định thế nào. Đối với các bệnh viện công thì giờ làm việc được quy định tương đối rõ ràng nên có thể xác định được khái niệm trong giờ, ngoài giờ. Nhưng đối với các cơ sở khám chữa bệnh tư thì thời giờ lao động theo hợp đồng lao động do hai bên thoả thuận.
  • Ví dụ, Điều 33.6 cũng quy định “Người hành nghề đã đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đăng ký hành nghề ngoài giờ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác”. Quy định này cũng không rõ khái niệm ngoài giờ.
  • Điều 33.7 quy định “Người hành nghề được đăng ký hành nghề tại một hoặc nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không được đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau và tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ theo quy định của Bộ luật lao động. Người hành nghề phải bảo đảm hợp lý về thời gian đi lại giữa các địa điểm hành nghề đã đăng ký.” Đi kèm với đó, Điều 34 yêu cầu nội dung đăng ký hành nghề bao gồm cả thời gian hành nghề (giờ trong ngày, ngày trong tuần, bảo đảm thời gian đi lại). Việc cơ quan Nhà nước giám sát chi tiết đến thời gian làm việc, thời gian đi lại hợp lý của người hành nghề và yêu cầu phải đăng ký trước không hợp lý và khó khả thi. Không rõ khi người hành nghề không thực hiện đúng thời gian làm việc đã đăng ký thì có chịu chế tài gì không? Quy định thời gian làm việc trong Bộ luật Lao động được hiểu là thời gian làm việc ngoài thời gian làm việc chính của một chủ sử dụng lao động, chứ không áp dụng cho trường hợp có nhiều hợp đồng lao động. Ví dụ, một người ký hợp đồng lao động 4 giờ/ngày cho một chủ sử dụng lao động thì nếu làm việc từ giờ thứ 5 trở đi thì được coi là làm ngoài giờ. Nếu người đó, ký thêm hợp đồng lao động khác cũng 4 giờ/ngày với một chủ sử dụng lao động khác thì không thể coi đây là thời gian làm thêm giờ.

Việc quy định về thời gian làm việc của bác sĩ được suy đoán là nhằm một số mục đích sau: (1) bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh, tránh sai sót khi người hành nghề phải làm việc nhiều giờ liên tục; (2) ngăn ngừa tình trạng một bác sĩ có uy tín đăng ký hành nghề ở nhiều nơi nhưng thực chất không làm việc ở đó, vừa lừa dối khách hàng, vừa giúp cơ sở khám chữa bệnh dễ dàng có được giấy phép hoạt động; (3) tránh tình trạng bác sĩ tại bệnh viện công sử dụng thời gian đáng ra phải làm việc cho bệnh viện công đó lại làm việc cho phòng khám riêng.

Đối với mục tiêu thứ nhất thì quy định giờ làm việc như dự thảo không giúp đạt được mục tiêu này. Cơ quan soạn thảo có thể tham khảo quy định khác trong lĩnh vực giao thông đường bộ có quy định thời gian lái xe liên tục 4 tiếng và thời gian lái xe tối đa mỗi ngày không quá 10 tiếng. Quy định này nhằm bảo đảm sức khoẻ, sự tỉnh táo của lái xe. Tuy nhiên, hiện nay đối với các xe không lắp thiết bị giám sát hành trình thì hầu như không có cách nào kiểm soát được sự tuân thủ. Chỉ khi lái xe gây tai nạn thì thời gian lái xe mới được điều tra, xác nhận và làm căn cứ xử lý vụ việc. Trong thực tiễn nghề y, vẫn có trường hợp các bác sĩ buộc phải làm việc kéo dài như khi gặp ca phẫu thuật kéo dài hoặc bệnh nhân cấp cứu liên tục do tai nạn, sự cố. Với những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo không quy định quá chi tiết và cứng nhắc về thời gian làm việc của người hành nghề, mà chỉ coi đây là một căn cứ để xử lý trách nhiệm khi có sự cố y khoa.

Đối với mục tiêu thứ hai thì hiện tại pháp luật đã có quy định về vị trí “người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám chữa bệnh”, đồng thời không cho phép một cá nhân làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của nhiều cơ sở khám chữa bệnh. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định gọi vị trí này là “bác sĩ trưởng” của cơ sở khám chữa bệnh và yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải công khai tên và mã số chứng chỉ hành nghề của bác sĩ trưởng trên biểu hiệu của cơ sở. Quy định này sẽ giúp các bệnh nhân có được thông tin rõ ràng hơn trước khi lựa chọn đơn vị khám chữa bệnh.

Đối với mục đích thứ ba thì chỉ nên áp dụng đối với các bệnh viện công, còn đối với các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân thì các cơ sở này sẽ tự chịu trách nhiệm quản lý người lao động của mình, không cần có sự can thiệp của Nhà nước.

  1. Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh

Điều 50 quy định thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh hiện đang có sự phân biệt đối xử với các bệnh viện tư nhân. Theo đó, các bệnh viện tư nhân từ 50 giường bệnh trở lên buộc phải đưa lên để Bộ Y tế cấp phép, trong khi các bệnh viện công thì chỉ cần được các Sở Y tế cấp phép. Đề nghị cơ quan soạn thảo phân định thẩm quyền chỉ phụ thuộc vào quy mô và phạm vi hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh, không phụ thuộc vào nguồn vốn.

  1. Thời hạn và gia hạn giấy phép hoạt động cơ sở khám chữa bệnh

Dự thảo không có quy định về thời hạn giấy phép hoạt động cơ sở khám chữa bệnh nhưng lại có quy định về thủ tục gia hạn giấy phép hoạt động. Đầu tư xây dựng, quản lý vận hành bệnh viện thường là khoản đầu tư lớn, thời gian kéo dài, rủi ro cao. Các nhà đầu tư luôn quan tâm đến việc giảm tối đa rủi ro thì mới có thể yên tâm đầu tư. Do đó, quy định về thời hạn và thủ tục gia hạn giấy phép hoạt động cơ sở khám chữa bệnh có thể cản trở các nhà đầu tư đầu tư xây dựng các bệnh viện. Một số nhà đầu tư đã được cấp đất với thời gian 50 năm để xây dựng bệnh viện nhưng lại phải đối mặt với rủi ro xin gia hạn giấy phép hoạt động với thời hạn ngắn hơn nhiều (như 5 năm, 10 năm).

Hiện pháp luật đã có quy định về việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đình chỉ, thu hồi giấy phép khi cơ sở khám chữa bệnh có vi phạm hoặc không đáp ứng các điều kiện khám chữa bệnh. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về thời hạn và gia hạn giấy phép hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh.

  1. Hệ thống tổ chức cơ sở khám chữa bệnh

Điều 102 của Dự thảo quy định về việc phân loại các cơ sở khám chữa bệnh thành các tuyến chuyên môn gồm tuyến chuyên khoa sâu (tuyến trung ương), tuyến chăm sóc sức khoẻ cơ bản (tuyến tỉnh) và tuyến chăm sóc sức khoẻ ban đầu (tuyến cơ sở; huyện và xã). Việc chia tuyến này chỉ phù hợp với các cơ sở y tế công lập, phù hợp với năng lực đầu tư của ngân sách. Đối với các cơ sở y tế ngoài công lập thì việc chia tuyến như vậy sẽ hạn chế quyền đầu tư, kinh doanh, cung cấp dịch vụ của các bệnh viện tư. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng không áp dụng việc chia tuyến cho các cơ sở y tế ngoài công lập.

  1. Thẩm quyền cho phép áp dụng kỹ thuật mới

Điều 89.1 của Dự thảo quy định các bệnh viện tư nhân buộc phải xin phép Bộ Y tế khi muốn áp dụng kỹ thuật mới, còn các bệnh viện công lập thì có thể chỉ cần xin phép Sở Y tế. Đề nghị cơ quan soạn thảo phân định thẩm quyền chỉ phụ thuộc vào loại kỹ thuật chứ không phụ thuộc vào nguồn vốn của cơ sở khám chữa bệnh.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.