VCCI_Góp ý Báo cáo về việc rà soát VBQPPL theo lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, CQ ngang bộ

Thứ Hai 10:30 25-11-2019

Kính gửi: Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp

Trả lời Công văn số 4538/BTP-PLDSKT của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý Dự thảo Báo cáo về việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) theo các lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ và Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch rà soát VBQPPL trong thời gian tới, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:

  1. Về Dự thảo Báo cáo rà soát
  2. Về Mục I – “Thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để làm rõ mâu thuẫn, chồng chéo, đồng thời có giải pháp khắc phục, xử lý”

Theo nội dung tại Mục I Dự thảo thì từ cuối năm 2016 đến cuối năm 2018, Bộ Tư pháp đã có nhiều Báo cáo về việc rà soát, kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh đang gây vướng mắc, bất cập trong thực tiễn. Phần lớn các VBQPPL (11/19) Bộ Tư pháp có đề xuất sửa đổi, bổ sung đều đã và đang được xử lý (05 luật được thay thế; 06 luật đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế). Điều này cho thấy hoạt động rất tích cực từ phía Bộ trong hoạt động rà soát phát hiện và kiến nghị những quy định bất cập, vướng mắc trong VBQPPL, nhất là các văn bản về pháp luật kinh doanh trong các năm qua, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh và cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để nhìn nhận rõ hơn kết quả rà soát các vướng mắc, bất cập của VBQPPL trong thời gian vừa rồi, đề nghị bổ sung vào Dự thảo Báo cáo nội dung đánh giá hiệu quả giải quyết vướng mắc/bất cập của các VBQPPL đã hoặc đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung/thay thế (quy định mới hoặc dự kiến sửa mới đã xử lý được những kiến nghị nào trong Báo cáo rà soát của Bộ Tư pháp? Trường hợp đã xử lý thì xử lý ở mức nào? Vướng mắc, bất cập nào chưa được xử lý). Đây không chỉ là cơ sở để đánh giá hiệu quả việc xử lý mà còn là căn cứ quan trọng để xây dựng kế hoạch rà soát thời gian tới (những vướng mắc nào đã được nêu nhưng chưa được xử lý hoặc chưa được xử lý dứt điểm? những vướng mắc nào phát sinh mới?).

  1. Về Mục II – “Tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và báo cáo chung về kết quả rà soát”

Tháng 10/2019, VCCI có báo cáo nhanh 20 điểm chồng chéo vướng mắc trong các VBQPPL dựa trên những ý kiến phản ánh vướng mắc của doanh nghiệp, hiệp hội gửi về VCCI.

Dự thảo Báo cáo đã có các phân tích, bình luận về một số điểm trong báo cáo nhanh này của VCCI. VCCI có một số thông tin phản hồi liên quan như sau:

  • Về bình luận “Ý kiến về sự không tương thích về điều kiện vốn tối thiểu của chủ đầu tư trong đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai là chưa chính xác”

Theo quy định tại Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản thì điều kiện để doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh doanh bất động sản là phải có “vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng”. Theo khoản 1 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản thì “Kinh doanh bất động sản là việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản”. Như vậy, theo 02 điều khoản này thì doanh nghiệp chỉ cần có 20 tỷ là có thể xây dựng bất động sản để kinh doanh.

Trong khi đó Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định điều kiện về năng lực tài chính của chủ đầu tư dự án “có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 héc ta; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 héc ta trở lên”. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp phải có một khoản vốn tối thiểu tương ứng với tỷ lệ một tỷ lệ nhất định (15% hoặc 20% tùy trường hợp) của tổng mức đầu tư theo từng dự án mới được phép thực hiện đầu tư xây dựng bất động sản để kinh doanh. Và khoản “vốn tối thiểu” này thay đổi theo tổng mức đầu tư của từng dự án, mà không phải cố định ở một mức cụ thể nào – do đó nó có thể cao hơn hoặc thấp hơn 20 tỷ đồng.

Như vậy, giữa các quy định của 02 Luật này đang có sự không tương thích về điều kiện tài chính của doanh nghiệp khi hoạt động kinh doanh bất động sản.

Mặt khác, xét về tính hợp lý, việc Luật Kinh doanh bất động sản yêu cầu vốn pháp định chung cho bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nào là chưa hợp lý và ít ý nghĩa khi pháp luật đất đai và pháp luật về đầu tư đã quy định về điều kiện tài chính của chủ đầu tư các dự án có sử dụng đất. Đây là vấn đề mà Dự thảo chưa đề cập tới.

  • Về bình luận “một số ý kiến trong Báo cáo nhanh của VCCI chưa hoàn toàn chính xác do chưa hiểu đúng hoặc vận dụng đúng mối quan hệ giữa luật chuyên ngành và luật chung”

Đề nghị Dự thảo Báo cáo chỉ rõ là điểm nào trong Báo cáo nhanh của VCCI có bất cập này để VCCI có thông tin phản hồi thích hợp.

  1. Về Mục III – “Kiến nghị”

Các kiến nghị trong Dự thảo là phù hợp, VCCI cơ bản thống nhất với các nội dung này.

  1. Về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng ban hành Kế hoạch rà soát

Các nội dung trong Dự thảo Quyết định (chủ yếu là về quy trình, phân công trách nhiệm và các thời hạn liên quan) là hợp lý, VCCI cơ bản thống nhất với các nội dung này.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Báo cáo về việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo các lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ và Dự thảo Quyết định của Thủ tướng ban hành Kế hoạch rà soát tiếp theo. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Các văn bản liên quan