VCCI góp ý Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển

Thứ Ba 11:28 15-11-2016

Kính gửi: Vụ Hợp tác quốc
tế, Bộ Tư pháp

Trả lời Công văn số 1081/GM-BTP của Bộ
Tư pháp ngày 07/11/2016 về việc mời thẩm định Dự thảo Nghị định về điều kiện
kinh doanh khai thác cảng biển (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại
và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số
ý kiến như sau:

1.      Điều kiện về tài chính của doanh nghiệp (Điều 4)

Theo quy định tại Dự thảo thì doanh
nghiệp cảng phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định, và mục tiêu của quy định
này là “tránh việc doanh nghiệp bị hạn chế hoạt động kinh doanh khai thác cảng
biển”, “các doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên rất khó
khăn trong cạnh tranh về mọi mặt”[1].

Yêu cầu về vốn pháp định đối với hoạt
động kinh doanh khai thác cảng biển dường như là chưa hợp lý, ít nhất ở các điểm:


Về
mục tiêu chính sách: Theo quy định tại Điều 7.1 Luật Đầu tư 2014 thì điều kiện
kinh doanh chỉ được quy định vì an ninh quốc gia, quốc phòng, lợi ích công cộng,
sức khỏe, môi trường. Mục tiêu chính sách được Ban soạn thảo lý giải dường như
không liên quan tới các trật tự công được quy định tại Điều 7.1 Luật Đầu tư,
hơn nữa những vấn đề được nêu trên nên để thị trường điều chỉnh, Nhà nước không
cần thiết phải can thiệp.


Về
yếu tố vốn: Các hoạt động kinh doanh đều cần vốn, nhưng không phải ngành, nghề
nào cũng cần phải có một số vốn tối thiểu bắt buộc – trên thực tế, vốn tối thiểu
chỉ cần thiết trong trường hợp ngành nghề mà nếu không có vốn tối thiểu thì có
thể gây rủi rõ cho các lợi ích công mà Nhà nước phải bảo vệ (ví dụ: ngành ngân
hàng thì cần phải đáp ứng về số vốn tối thiểu bởi hoạt động này tác động đến
quyền lợi của rất nhiều người dân cũng như sự ổn định của kinh tế – xã hội). Hoạt
động kinh doanh khai thác cảng biển, không nhận thấy đặc điểm đặc thù nào liên
quan đến tài chính để buộc Nhà nước phải kiểm soát bằng số vốn tối thiểu.


Quy
định về vốn tối thiểu thậm chí dường như đi ngược lại mục tiêu tạo điều kiện
thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mà chính Dự thảo nêu, bởi vốn tối thiểu sẽ
là rào cản đáng kể đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn gia nhập vào thị
trường khai thác cảng biển. Và quy định này cũng đi ngược lại chính sách hỗ trợ
và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa mà Chính phủ đang triển khai.

Từ những phân tích trên, đề nghị
Ban soạn thảo
cân nhắc bỏ quy định điều kiện về tài chính của doanh nghiệp
quy định tại Điều 4 Dự thảo, đồng thời bỏ nội dung “nguồn tài chính sử dụng ban
đầu, doanh thu, chi phí, lợi nhuận dự kiến trong từng giai đoạn (tối thiểu 05
năm)” trong phương án khai thác cảng biển quy định tại điểm i khoản 2 Điều 2 Dự
thảo. Trong trường hợp cần thiết vẫn giữ lại quy định, đề nghị Ban soạn thảo
giải trình rõ hơn về lý do ban hành quy định này và mục tiêu này phải liên quan
đến các mục tiêu quy định tại Điều 7.1 Luật Đầu tư 2014.

2.      Điều kiện về tổ chức bộ máy và nhân lực (Điều 5)

Điểm a khoản 1 Điều 5 Dự thảo quy định,
doanh nghiệp phải “có bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển”.

Về mặt tổ chức nội bộ của doanh nghiệp,
“Bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh” không phải là cơ cấu bắt buộc theo quy định
của pháp luật về doanh nghiệp (như Hội đồng quản trị, Giám đốc…) mà là một
đơn vị tùy nghi, được tổ chức theo nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy,
trên thực tế bộ phận này có thể có ở bất kì doanh nghiệp ở trong bất kì ngành,
nghề nào (chứ không phải chỉ riêng một số ngành nghề đặc thù), và đây là bộ phận
này có thể được thành lập thành một bộ phận riêng hoặc được nhập vào bộ phận
khác của doanh nghiệp hoặc có khi không tổ chức thành một bộ phận, tùy thuộc
vào quy mô và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Không rõ điều kiện này có ý nghĩa gì
đối với doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng biển? Tại sao bắt buộc phải có bộ
phận này, và việc có hay không có bộ phận này trong doanh nghiệp thì ảnh hưởng
gì tới khả năng gây rủi ro tới các lợi ích công cộng mà Nhà nước cần bảo vệ?

Trong khi đó, việc đặt ra yêu cầu cứng
về bộ phận hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển cũng như yêu cầu về trình độ
chuyên môn của người đứng đầu bộ phận này, dường như là sự can thiệp một cách bất
hợp lý vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp mà Luật doanh nghiệp đã ghi
nhân minh thị .

Do đó, để đảm bảo tính hợp lý và thuận
lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định về điều kiện phải
có bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển tại điểm a khoản 1
và yêu cầu về trình độ của người đứng đầu bộ phận này tại điểm b khoản 3 Điều 5
Dự thảo.

3.      Điều kiện về trang thiết bị vận hành cảng và điều kiện về kho, bãi, trang
thiết bị bảo quản hàng hóa trong cảng (Điều 6, 7)

Điều 6, 7 Dự thảo quy định về điều kiện
cụ thể trang thiết bị vận hành cảng, điều kiện về kho, bãi, trang thiết bị bảo
quản hàng hóa trong cảng, trong đó có quy định trong trường hợp không đủ các điều
kiện quy định tại Điều 6, 7 thì doanh nghiệp cảng có thể đi thuê và “thời gian
thuê tối thiểu là 05 năm”.

Quy định không yêu cầu doanh nghiệp bắt
buộc phải sở hữu các trang thiết bị vận hành cảng hay kho, bãi, trang thiết bị
bảo quản hàng hóa trong cảng là phù hợp với thực tế, tạo thuận lợi cho doanh
nghiệp.

Tuy nhiên, quy định hợp đồng thuê phải
có thời gian tối thiểu là 05 năm  là chưa
hợp lý và dường như là can thiệp vào mối quan hệ tư, vốn dĩ do pháp luật tư điều
chỉnh. Hợp đồng thuê trang thiết bị, kho, bãi là một dạng giao dịch tư, được thực
hiện dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng. Thời hạn thuê dài hay
ngắn là do nhu cầu của các bên. Nhà nước không nên can thiệp vào các thỏa thuận
này. Thậm chí, sự can thiệp của Nhà nước thông qua điều kiện cứng này có thể
gây ra hệ quả nhất định đối với hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp,
từ đó tác động bất lợi cho những lợi ích công cộng cần bảo vệ (ví dụ khi doanh
nghiệp không hài lòng với chất lượng trang thiết bị, muốn hủy hợp đồng thuê để
thuê của đơn vị khác tốt hơn nhưng lại bị vướng quy định về thời hạn tối thiểu
của hợp đồng). Cũng với logic này, thời hạn thuê là yếu tố không ảnh hưởng tới
việc đáp ứng điều kiện kinh doanh về mặt kỹ thuật, trang thiết bị của doanh
nghiệp. Nói cách khác, Nhà nước chỉ cần quy định về các điều kiện kỹ thuật cụ
thể, doanh nghiệp cảng sẽ luôn phải đáp ứng các điều kiện đó, còn việc ký hợp đồng
với ai, thuê cái gì để đáp ứng các điều kiện này trong mọi thời điểm là việc của
doanh nghiệp. Nhà nước chỉ cần kiểm tra doanh nghiệp về việc đáp ứng điều kiện
mà không cần thiết phải xem xét đến việc thời hạn ký hợp đồng thuê.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ
quy định về thời hạn thuê tối thiểu là 05 năm quy định tại khoản 3, Điều 6, khoản
3 Điều 7 Dự thảo.

4.      Thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển (Điều
11)

Thu hồi giấy phép là chế tài nghiêm
khắc và rất nặng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp cảng biển
(bởi vốn bỏ ra để kinh doanh là rất lớn, và đặc thù của ngành này là khó chuyển
đổi cả về vị trí, chủ thể cũng như các yếu tố khác), vì vậy các trường hợp xem
xét để áp dụng loại chế tài này cần phải hợp lý, có căn cứ rõ ràng để đảm bảo
quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều
11 Dự thảo thì “theo đề nghị của các cơ
quan nhà nước có thẩm quyền
” là một trong những trường hợp doanh nghiệp bị
thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển. Quy định
này là quá mức mơ hồ, bởi không rõ những trường hợp nào thì cơ quan nhà nước có
thẩm quyền sẽ đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác
cảng biển? Cơ quan Nhà nước nào có thẩm quyền đưa ra đề nghị này? Cơ quan đó
căn cứ vào đâu để đưa ra đề nghị? Có cơ quan nào xem xét đề nghị của cơ quan đó
không hay đề nghị tự động có hiệu lực? Doanh nghiệp có cơ hội để bình luận, phản
hồi về đề nghị này không?… Việc thiếu rõ ràng trong quy định này có thể khiến
cho doanh nghiệp luôn đứng trước nguy cơ bị thu hồi giấy phép, nếu có cơ quan
nhà nước có đề nghị và không rõ lý do đề nghị là gì.

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp
của doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về trường hợp thu hồi
giấy phép tại điểm c khoản 1 Điều 11 Dự thảo, nếu không quy định rõ thì đề nghị
bỏ quy định này.

Trên đây
là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh
doanh khai thác cảng biển. Rất mong quý Cơ quan
soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng
cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 


[1]
Nội dung trong Báo cáo tác động – đính kèm tài liệu thẩm định