VCCI góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao

Thứ Năm 10:53 31-08-2017

Kính gửi: Tổng cục Thể dục, thể thao

       Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Trả lời Công văn số 2136/BVHTTDL-TCDLTT của Quý Cơ quan ngày 18/5/2017 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau[1]:

  1. Hành nghề đại diện trung gian (khoản 20 Điều 1 bổ sung khoản 3 Điều 48 Luật thể dục, thể thao 2006)

Khoản 20 Điều 1 Dự thảo bổ sung quy định về đại diện trung gian trong hoạt động ký kết hợp đồng chuyển nhượng vận động viên chuyên nghiệp, theo đó “đại diện trung gian được hưởng hoa hồng theo quy định của pháp luật và được cấp phép hành nghề theo quy định của Liên đoàn thể thao quốc gia, Liên đoàn thể thao quốc tế của môn thể thao đó”.

Quy định tại Dự thảo có thể được hiểu để được làm đại diện trung gian phải có giấy phép hành nghề. Đây được xem là một hình thức của giấy phép kinh doanh (vì hoạt động đại diện trung gian có phát sinh lợi nhuận, được xem là hoạt động kinh doanh). Đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định này ở một số điểm sau:

  • Về quy trình, thủ tục cấp phép: Theo Dự thảo thì dường như các điều kiện để được cấp loại giấy phép này sẽ theo quy định của Liên đoàn thể thao quốc gia, Liên đoàn thể thao quốc tế của môn thể thao đó. Chú ý là các tổ chức là các hội đoàn, không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các quy định liên quan đến điều kiện của chủ thể để được cấp giấy phép kinh doanh. Về mặt nguyên tắc pháp lý, ngay cả khi các tổ chức này được Nhà nước ủy quyền để cấp loại giấy phép liên quan (theo xu hướng xã hội hóa dịch vụ công) thì việc ủy quyền chỉ là chuyển giao thẩm quyền cấp, còn các điều kiện cấp phép, quy trình thủ tục cấp phép vẫn phải do cơ quan có thẩm quyền quy định. Và việc ủy quyền cũng phải theo các điều kiện, trình tự nhất định chứ không thể là ủy quyền đương nhiên như trong quy định này. Ngoài ra, trường hợp ủy quyền cho một Liên đoàn thể thao quốc tế, cần chú ý rằng nếu các tổ chức này không được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam thì việc ủy quyền càng phải được quy định rõ ràng.
  • Về sự cần thiết của việc cấp phép: Để xác định tính cần thiết của giấy phép này, Cơ quan soạn thảo cần có giải trình về tính cần thiết, hợp lý của giấy phép (phải hướng tới các lợi ích công cộng được xác định tại khoản 1 Điều 7 Luật đầu tư khi quy định về điều kiện kinh doanh). Theo nội dung Tờ trình thì việc bổ sung quy định về người trung gian là nhằm “bảo đảm quyền lợi cho các vận động viên và quản lý những cá nhân hành nghề môi giới chuyển nhượng” (trang 6). Giải trình này dường như là chưa đủ rõ ràng và hoàn toàn không đủ thuyết phục để chứng mình rằng lợi ích của các vận động viên trong trường hợp này có thể bị rủi ro tới mức cần phải bảo vệ bằng giấy phép, rằng lợi ích này quan trọng tới mức cần coi là lợi ích công cộng cần bảo vệ và rằng không có biện pháp nào khác để kiểm soát chất lượng, hiệu quả hoạt động của cá nhân hành nghề trung gian ngoài giấy phép kinh doanh.

Về mặt logic, hợp đồng chuyển nhượng vận động viên là các hợp đồng dân sự thông thường, quyền và lợi ích của các bên được bảo đảm bằng các thỏa thuận của hợp đồng và/hoặc pháp luật về thương mại, dân sự liên quan, hoàn toàn không cần thiết phải được bảo đảm bằng chuyên môn hay chất lượng của hoạt động môi giới hay chủ thể thực hiện hoạt động môi giới.

Từ các phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo:

  • Giải trình rõ và đầy đủ về sự cần thiết của việc cấp giấy phép hành nghề đối với đại diện trung gian, ít nhất là trả lời các vấn đề được nêu ở trên;
  • Trường hợp có giải trình thuyết phục về việc cần quản lý ngành nghề đại diện trung gian chuyển nhượng vận động viên bằng giấy phép hành nghề thì ít nhất các nguyên tắc về các vấn đề sau đây cần được quy định trong Luật này (để sau đó làm định hướng cho các hướng dẫn chi tiết tại Nghị định hướng dẫn) về: (i) điều kiện, thủ tục, cơ quan có thẩm quyền cấp phép; (ii) trường hợp có ủy quyền cấp phép cho tổ chức ngoài Nhà nước thì cần quy định về các điều kiện cốt lõi đối với các tổ chức có thể nhận ủy quyền.

 

 

  1. Điều kiện hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao (khoản 22 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 55 Luật thể dục, thể thao 2006)

Hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao có điều kiện “Có nguồn tài chính bảo đảm hoạt động thể thao”. Đây là quy định nhắc lại quy định của Luật thể dục, thể thao 2006.

Thực tế thực thi Luật thể dục thể thao 2006 cho thấy quy định này là không cần thiết từ cả hai phía. Đối với doanh nghiệp, việc bảo đảm nguồn tài chính là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp khi hoạt động trên thị trường, nhu cầu này tùy thuộc vào thế mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp, và nếu không đáp ứng doanh nghiệp phải tự chịu hệ quả. Từ phía quản lý Nhà nước, việc doanh nghiệp nào đó không bảo đảm được nguồn tài chính cho hoạt động không tạo ra nguy cơ nào nghiêm trọng tác động tới các lợi ích công nào.

Mặt khác, Luật trao quyền quy định chi tiết các điều kiện hoạt động cho Chính phủ, quy định này có thể có nguy cơ được hướng dẫn theo hướng đặt ra một mức vốn cụ thể nào đó buộc doanh nghiệp phải đáp ứng trước khi hoạt động, trong khi đây không phải là ngành, nghề có tính đặc thù để yêu cầu về vốn.

Do đó, để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo bỏ điều kiện “có nguồn tài chính bảo đảm hoạt động kinh doanh” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 55 Luật thể dục, thể thao 2006 (được sửa đổi).

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao.Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo Luật này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] Vì thời hạn lấy ý kiến quá gấp (Công văn xin ý kiến đến ngày 06/6/2017, thời hạn yêu cầu góp ý trước ngày 09/6/2017) nên VCCI không triển khai lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp – những đối tượng chịu sự tác động của Dự thảo. Bản góp ý này được xây dựng dựa trên nghiên cứu của cán bộ VCCI