Ý kiến khác nhau nhiều nhất là mức giảm trừ gia cảnh

Thứ Năm 09:29 23-08-2007

 

Tổng hợp ý kiến góp ý dự luật thuế thu nhập cá nhân:

Ý kiến khác nhau nhiều nhất là mức giảm trừ gia cảnh

TT - Hôm qua (20-8), ban soạn thảo Luật thuế thu nhập cá nhân đã bắt đầu tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân cả nước trước khi hoàn thiện trình Quốc hội xem xét.

Bà NGUYỄN THỊ CÚC - nguyên tổng cục phó Tổng cục Thuế, thành viên ban soạn thảo - cho biết:

- Về đối tượng nộp thuế, một số ý kiến băn khoăn là có nên đưa doanh nghiệp tư nhân, thành viên của công ty hợp doanh vào diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Ngược lại, có ý kiến đề nghị xem xét hộ cá thể kinh doanh nên đưa vào diện nộp thuế thu nhập cá nhân hay vẫn để nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như hiện hành.

Về thu nhập chịu thuế, không chịu thuế, một số ý kiến cho rằng phải làm rõ ràng, cụ thể các khoản thu nhập chịu thuế, thu nhập không thuộc diện chịu thuế vì một số khoản thu nhập không qui định trong thu nhập chịu thuế nhưng cũng không qui định trong thu nhập không chịu thuế, có thể bỏ sót nguồn thu. Do đó, nên chăng chỉ qui định những khoản thu nhập không chịu thuế, còn lại là thu nhập chịu thuế.

Nhóm vấn đề có nhiều loại ý kiến khác nhau nhất là mức giảm trừ gia cảnh. Có ý kiến nhất trí với mức giảm trừ gia cảnh 4-5 triệu đồng cho người nộp thuế và giảm trừ cho những người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng từ 1,6-2 triệu đồng. Ngược lại, có ý kiến đề nghị phải nâng cao mức giảm trừ gia cảnh hơn nữa.

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng việc áp dụng luật từ năm 2009 là sớm, nên cần đợi khi nào đầy đủ các điều kiện thì mới áp dụng.

* Vậy ban soạn thảo dự kiến sẽ tiếp thu, chỉnh sửa những qui định nào?

- Lần này dự luật được lấy ý kiến rộng rãi nhân dân nên phải phân luồng dư luận, phân tích, lựa chọn kỹ càng. Các ý kiến hợp lý sẽ được cấp có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu nhằm đảm bảo tính khả thi của luật. Nếu còn có những vấn đề nhân dân chưa hiểu rõ thì phải giải trình, có đề án triển khai, tình hình số liệu cụ thể để nhân dân yên tâm.

Về thời điểm thi hành luật, theo tôi, không lùi lại sau năm 2009. Các chuyên gia nước ngoài cũng khuyến nghị thời điểm áp dụng từ 1-2009 là phù hợp nếu không nói là quá muộn.

* Nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau, có phải do dự thảo luật qui định chưa hợp lý?

- Có thể một bộ phận người dân chưa có thông tin đầy đủ. Thuế thu nhập cá nhân là thuế trực thu nên dễ gây phản ứng, còn thuế gián thu thì dễ chấp nhận hơn. Chẳng hạn uống một vại bia trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt 65%, thuế giá trị gia tăng 10% nhưng không ai cảm thấy uống bia là phải nộp thuế nhưng thu thuế từ tiền lương, tiền công thì ngược lại.

* Theo bà, làm thế nào để tiền thuế của dân được sử dụng hiệu quả vì việc sử dụng tiền thuế không hiệu quả cũng khiến người dân “ngại” đóng thuế?

- Càng công khai, càng minh bạch các khoản thu, chi ngân sách nhà nước để người dân biết tiền thuế của mình đóng góp được sử dụng như thế nào thì nhân dân càng yên tâm thực hiện nghĩa vụ thuế với đất nước.

KHIẾT HƯNG thực hiện - Theo Tuổi trẻ ngày 21/8/2007

Về quan điểm cá nhân, theo tôi, cũng nên xem xét mức thuế suất đối với chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng chứng khoán. Theo dự luật, thuế suất đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán áp dụng cho người không cư trú, ở VN dưới 183 ngày là 0,1% trên giá trị chuyển nhượng và đối với chuyển nhượng bất động sản là 2%, trong khi người cư trú nộp thuế suất là 25% trên thu nhập chịu thuế cả năm. Như vậy có thể có thời điểm thuế suất 25% cao hơn mức thuế suất 1%. Nên chăng cho nhà đầu tư lựa chọn nộp trong hai thuế suất: 25% hoặc 0,1%; 2% và đăng ký với cơ quan thuế.

 

Các văn bản liên quan