Ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp tại Đà Nẵng

Thứ Năm 08:46 02-08-2007

Về cơ bản, các ý kiến tham gia đồng ý với nội dung của Dự thảo. Tuy nhiên, cần phải sửa đổi lại một số điểm để Luật được hoàn thiện hơn. Chi nhánh tổng hợp các ý kiến đã tham gia như sau:
 
I. Ý kiến chung:
1. Hàng hoá từ khi sản xuất đến tay người tiêu dùng cuối cùng trải qua rất nhiều khâu ( nhà sản xuất – nhà phân phối sĩ và lẻ - người tiêu dùng ). Vậy trong trường hợp chất lượng một sản phẩm, hàng hoá không đảm bảo thì qui trách nhiệm cho ai?
- Nhà sản xuất ( sx hàng kém chất lượng )
- Nhà phân phối, đại lý (Sp giảm chất lượng do quá trình vận chuyển lưu kho…)
- Người tiêu dùng ( bảo quản sản phẩm không đúng theo qui định)
Đề nghị qui định rỏ hơn trách nhiệm của từng chủ thể trong mối quan hệ đó để thuận tiện cho việc giải quyết tranh chấp hay xử lý vi phạm về CLSPHH.
 
2. Hiện nay, tồn tại rất nhiều tổ chức thử nghiệm, giám định, chứng nhận chất lượng của nhà nước và tư nhân. Vậy nếu kết quả kiểm tra CLSPHH của các tổ chức không giống nhau thì xử lý như thế nào? Chấp nhận kết quả của tổ chức nào? hay phải qua một tổ chức giám định khác theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước. Đề nghị qui định rỏ trong Luật.
 
3. Luật CLSPHH nhưng nội dung của Dự Thảo Luật dễ gây hiểu lầm là Luật này chỉ qui định riêng cho các sản phẩm tiêu dùng chuyên biệt như lương thực thực phẩm, dược phẩm…không bao hàm sản phẩm của các ngành khác như cơ khí, đóng tàu…Đề nghị sữa đổi như thế nào cho phù hợp.
 
4. Đề nghị qui định rỏ trong Luật, trường hợp nào thì tiến hành thanh, kiểm tra CLSPHH nhằm tránh tình trạng sách nhiễu, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp .
 
5. Nguyên tắc quản lý CLSPHH nhằm đảm bảo an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản và môi trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng. Vậy có nên xã hội hoá việc thanh, kiểm tra CLSPHH cho các tổ chức tư nhân thực hiện hay không, dù kết quả của việc kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. 
   
II. Ý kiến cụ thể:
 
Điều 3: Đề nghị định nghĩa lại cho rõ:
- Khoản 2: Hàng hoá là sản phẩm được đưa ra lưu thông trên thị trường. Vì sản phẩm được trao đổi cũng thuộc diện phải quản lý chất lượng và ngay trong dự thảo cũng đã dùng từ này trong mục 5, Chương II- Quản lý chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường.
- Khoản 3: Bỏ phần ‘hoặc ít có nguy cơ gây hại‘ vì đã là sản phẩm an toàn thì phải hoàn toàn không có nguy cơ gây hại. Đã có phần định nghĩa sản phẩm an toàn thì phải có loại sản phẩm hàng hóa không an toàn, nên chăng trong phần định nghĩa phân thành 3 loại: SP an toàn, SP không an toàn, SP có khả năng gây mất an toàn.
- Khoản 9: Bổ sung thêm : Tổ chức đánh giá sự phù hợp là tổ chức thử nghiệm, tổ chức giám định và tổ chức chứng nhận chất lượng đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.
- Khoản 11: Bỏ từ “công chức” thay bằng từ thích hợp hơn (ví dụ: người hoặc thẩm định viên…) vì như thế mới phù hợp với cơ chế thị trường, tránh sự can thiệp quản lý nhà nước quá sâu.
- Đề nghị thêm vào phần định nghĩa thế nào là hợp chuẩn, hợp quy, thế nào là sản phẩm khuyết tật? Đề nghị chỉ dùng thống nhất 1 từ hoặc “sp khuyết tật” hoặc “sp không đảm bảo chất lượng” để dễ hiểu và đồng nhất về mặt sử dụng từ ngữ.
    
Bỏ Điều 4- Chính sách của nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Lý do là không nên quy định chung chung trong luật (Khuyến khích, quan tâm…) Nếu vì lý do nào mà không thể bỏ cả điều này, đề nghị bỏ đoạn “Tuyên truyền phổ biến chủ trương chính sách về chất lượng sản phẩm hàng hoá” trong khoản 5 điều này. 
 
Điều 5 - Khoản 3 Đề nghị đưa vào điều khoản miễn trách để phân định rõ trách nhiệm của từng đối tượng.

Bỏ Điều 6
- Khen thưởng về chất lượng sản phẩm hàng hoá. Lý do là đã có luật Thi đua, khen thưởng. Ngoài ra, còn có rất nhiều tổ chức nhà nước, phi Chính phủ thường xuyên có các hoạt động trao thưởng, khen thưởng cho các sản phẩm, hàng hoá có chất lượng cao. 
 
Điều 7:
- Đề nghị làm rõ khoản 2. Vì theo điều 9 dự thảo Luật quy định những sản phẩm, hàng hoá an toàn được quản lý chất lượng trên cơ sở tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng, không cần phải áp dụng quy chuẩn kỹ thuật. Đề nghị viết lại như sau: “sản xuất sp, nhập khẩu, bán hàng hoá không đảm bảo tiêu chuẩn đã công bố (đối với sp hàng hoá an toàn) hoặc không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật hiện hành (đối với sp hàng hoá có khả năng gây mất an toàn). 
 
Điều 9:
- Khoản 1: Dự thảo quy định “sp, hàng hoá an toàn được quản lý chất lượng trên cơ sơ tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng”. Quy định như vậy thì liệu cơ sở sản xuất nhỏ lẻ có đủ kiến thức để biết rằng sp mà họ          sản xuất phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì để đảm bảo an toàn hay không?
Đề nghị thay đổi cho hợp lý.

- Khoản 2: Bỏ phần “và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng” mà chỉ quản lý chất lượng trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Điều 10:

Đề nghị quy định cụ thể hơn trong luật, thủ tục cũng như phương thức công bố tiêu chuẩn áp dụng. Bổ sung thêm cuối khoản 1” …sản phẩm do mình sản xuất nhưng phải được cơ quan quản lý chuyên ngành chấp nhận” 
 
Điều 11:
Đề nghị quy định rõ công bố sự phù hợp là thông báo cho ai? người tiêu dùng hay cơ quan quản lý nhà nước? 
 
Điều 13, Khoản 1
Bỏ từ “xem xét” thay bằng “giám định chất lượng là việc kiểm tra xác định…” như thế chính xác hơn. 
 
Điều 14:
Khoản 2 - Điểm a, b, c, d, đ bỏ từ “mẫu điển hình” thay bằng “ mẫu đại diện” hoặc “mẫu xác suất” vì nếu dùng từ mẫu điển hình là lấy mẫu theo chủ ý, không chính xác. 
 
Điều 17- Điều 24 - Điều 26 - Điều 31
- Đề nghị bỏ từ “Áp dụng” trong phần đề mục 
 
Mục 3:   Quản lý chất lượng hàng hoá xuất khẩu
Chất lượng hàng hoá xuất khẩu tuỳ thuộc vào hợp đồng ký kết giữa người xuất khẩu và người nhập khẩu quy định. Quản lý nhà nước không nên can thiệp vào. Chỉ quản lý hàng xuất khẩu bị lỗi, trả về tiêu thụ trong nước và hàng nhập khẩu để tiêu dùng trong nước vì những loại hàng hoá này ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của người tiêu dùng trong nước. 
 
Điều 34,Khoản 3:
Đề nghị sữa đổi “người bán hàng” thành “ Người bán hàng hoặc các tổ chức bán hoặc lưu thông những hàng hoá không phù hợp với tiêu chuẩn, qui chuẩn kỷ thuật…” để đồng nhất với qui định tại Điều 68. Trường hợp sp, hàng hóa bán ra thị trường không đảm bảo chất lượng do lỗi của nhà sản xuất thì người bán hàng trực tiếp có chịu trách nhiệm hay không? Trách nhiệm chính thuộc về ai hay liên đới nhiều bên? Đề nghị qui định rõ. 
 
Điều 36:
Bổ sung thêm khoản 6 với nội dung “Từ chối hợp tác kiểm tra nếu không có lệnh hay quyết định chính thức của cơ quan kiểm tra hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền” nhằm tránh tình trạng sách nhiễu, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 
 
Điều 37 - Khoản 9 & Điều 38 khoản 11
Các Điều này có dẫn chiếu đến khoản 3 - Điều 60. Đề nghị xem xét lại vì Điều 60 chỉ có khoản 1 và khoản 2 mà không có khoản 3. 
 
Điều 39:
Đề nghị quy định lại là “ nghĩa vụ của người xuất khẩu chịu trách nhiệm chất lượng hàng hoá xuất khẩu theo quy định trong hợp đồng, phù hợp với tiêu chuẩn nước nhập khẩu. 
    
Điều 40, Khoản 1
Bổ sung thêm “…do mình bán. Người cung cấp hàng hoá cho người bán phải chịu trách nhiệm liên đới” 
 
Điều 43, khoản 4:
Bổ sung thêm “khi….” Thu hồi giấy chứng nhận sự phù hợp, quyền sử dụng dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy đã cấp cho các đối tượng được đánh giá sự phù hợp khi… ( cần làm rỏ trường hợp nào thi bị thu hồi). 
 
Điều 48, khoản 3.
Đề nghị bỏ a),b) và c) vì trùng với điều 21, điều 29, điều 34. Chỉ cần ghi : 3. Xử lý kết quả kiểm tra. Đồng thời bỏ đoạn “theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 48 của Luật này” ở khoản 3 điều 49. 
 
Điều 51:
Bổ sung thêm quyền hạn của kiểm soát viên chất lượng “ Niêm phong và tạm đình chỉ lưu thông sp, hàng hoá vi phạm các quy định về nhãn đối với phần thông tin về chất lượng sp” 
 
Điều 60:
Đề nghị làm rõ hơn khoản 1. Vì nếu nói không đảm bảo chất lượng thì rất chung chung, cần làm rõ không đảm bảo chất lượng so với cái gì. Đề nghị sửa lại như sau: “Người sản xuất, người nhập khẩu phải bồi thường cho người bán hàng hoặc người sử dụng khi sản phẩm, hàng hoá gây thiệt hại do lỗi của người sản xuất, người nhập khẩu không đảm bảo chất lượng so với tiêu chuẩn đã công bố (đối với sp, hàng hóa an toàn) hoặc qui chuẩn kỹ thuật hiện hành (đối với sp, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn) 
 
Điều 61:
- Đề nghị diễn đạt lại khoản 1a, 1d, 2a và 2d để tránh nhầm lẫn.
- Đối với khoản 1a, 2a. Cần ghi rõ sp, hàng hoá đã hết hạn sử dụng ở thời điểm nào. Nếu tại thời điểm giao hàng mà sp hàng hoá được giao đã hết hạn sử dụng mà người sản xuất, người nhập khẩu, người bán hàng vẫn bán ra thị trường (cố tình hay vô tình) gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường thiệt hại.
- Đối với Khoản 1d, 2d. Cần diễn đạt lại từ “ khuyết tật” vì nếu sp, hàng hóa lưu thông trên thị trường bị khuyết tật gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải qui định trách nhiệm bồi thường thiệt hại (người sản xuất, nhà nhập khẩu, người bán hàng hay cơ quan nhà nước cũng phải quy định rõ).
    
Điều 65, khoản 2:
Đề nghị bổ sung “Tổ chức” vào đầu khoản này. Lý do là vì sao chỉ có cá nhân mới được quyền tố cáo mà tổ chức thì không? 
 
Điều 67:
- Khoản 5 : Đề nghị sửa lại cho rõ “vi phạm các quy định về nhãn hàng hoá đối với phần thông tin về chất lượng sp” vì nếu quy định chung chung là vi phạm về nhãn hàng hoá thì có rất nhiều trường hợp nhưng không liên quan đến phần chất lượng sp.

- Khoản 17, khoản 18: Đề nghị bỏ vì đã là hàng giả, hàng thuộc danh mục cấm thì đề cập đến chất lượng hàng hoá làm gì? Bất kể chất lượng tốt hay xấu của các sản phẩm, hàng hoá này đều bị cấm theo luật Thương mại. 
 
- Có sự trùng lặp về nhiều nội dung giữa Điều 7 & Điều 67: Các khoản 4, 5,8,9,10,11 và 13 điều 7 trùng với các khoản tương ứng là 7, 14,8,9,19,20 và 23 của điều 67,  Nên chăng thống nhất 2 Điều này thành 1. Hoặc nếu đưa vào cả 2 Điều thì bố cục lại cho gọn, tránh sự dài dòng, trùng lặp. 
 
Điều 68:
Đề nghị bổ sung thêm điều khoản xử lý sp hàng hoá vi phạm  về chất lượng bên cạnh việc xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm. Ví dụ tuỳ theo mức độ mà yêu cầu sửa lỗi sp, đình chỉ lưu thông hàng hoá hoặc tịch thu toàn bộ sp, hàng hoá vi phạm. 
 
Điều 73:
- Khoản 3b không khả thi vì UBND cấp xã không đủ lực để thực hiện điều   này, mà chủ yếu là phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp trên để thực hiện các nội dung như trong khoản 3a và 3c quy định.

Chương 7
Đề nghị quy định cụ thể hơn trách nhiệm của từng cơ quan quản lý. Hiện nay, đang phân cấp quản lý nhưng ranh giới phân cấp chưa rõ ràng còn chống chéo. Nên chăng có sự quy định cụ thể trong cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước để thuận tiện cho việc giải quyết các sự vụ phát sinh.
 
Điều 75:
Đề nghị bỏ đoạn “và điều 73” vì trong điều này không quy định Chính phủ làm gì cả.
 

Các văn bản liên quan