Ý kiến đóng góp cho dự thảo báo cáo rà soát Luật Đầu tư 2005 – Ls Trần Thanh Tùng – Công ty Luật Phuoc & Partners

Thứ Năm 11:56 25-08-2011

H I TH O HOÀN THI N CÁC BÁO CÁO RÀ SOÁT LU T DOANH NGHI P, LU T Đ U T Ư , LU T TH ƯƠ NG M I

Do VCCI ph i h p v i Văn phòng Chính ph t ch c t i Tp.HCM ngày 24/8/2011

 

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CHO

DỰ THẢO BÁO CÁO RÀ SOÁT LUẬT ĐẦU TƯ 2005

(Nên sửa Luật Đầu Tư 2005 như thế nào?)

 

Ls Trần Thanh Tùng

 

Công ty Luật Phuoc & Partners

 

Bài tham luận ngắn này trình bày một số ý kiến các nhân dưới góc nhìn của người thực hành luật trong thực tế để trả lời cho câu hỏi: “Cần sửa luật đầu tư như thế nào?”. Câu hỏi này, theo chúng tôi, cũng là mục đích chính của Báo cáo Rà soát Luật Đầu tư 2005 mà VCCI đang tiến hành.

 

1.      Bối cảnh ra đời và nguồn gốc của Luật Đầu tư 2005

 

Chúng tôi cho rằng để có thể sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư 2005, cần truy nguyên về nguồn gốc và bối cảnh ra đời của Luật Đầu tư 2005.

 

Luật Đầu tư 2005 ra đời trong bối cảnh có xu hướng về việc hợp nhất các luật liên quan đến doanh nghiệp và đầu tư. Luật Doanh nghiệp 1999 và Luật Doanh nghiệp Nhà nước 2003 và một phần Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 1987 đã được hợp nhất thành Luật Doanh nghiệp 2005 (thường được gọi là Luật Doanh nghiệp thống nhất). Trong bối cảnh ấy, việc thống nhất Luật Đầu tư dường như đã là một xu hướng không thể đảo ngược tại thời điểm Luật Đầu tư 2005 ra đời.

 

Luật Đầu tư 2005 (thường được gọi là Luật Đầu tư chung) được cho là kế thừa Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 1987 và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước 1994. Nhưng dường như khi thống nhất các luật trên, Luật Đầu tư 2005 đã không “chiết” được cái tinh túy nhất từ các luật này, mà mới chỉ “cộng” các luật này với nhau.

 

Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 1987 quy định chủ yếu về cách thức tổ chức thành lập, hoạt động, giải thể của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Về bản chất, nó là một bộ phận của pháp luật về tổ chức doanh nghiệp hay nói cách khác, là một “Luật Doanh nghiệp con” áp dụng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Trong khi đó, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước 1994 lại tập trung vào các chính sách và thủ tục về ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp trong nước – tức là luật về nội dung chứ không phải luật về tổ chức như Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 1987.

 

Do phạm vi điều chỉnh của các luật này là khác nhau, không thể chỉ căn cứ vào tên gọi mà gom Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 1987 và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước 1994 thành Luật Đầu tư (chung) một cách máy móc. Đáng lẽ ra, các vấn đề tổ chức, thành lập, hoạt động của doanh nghiệp trong Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 1987 cần được chuyển sang Luật Doanh nghiệp, còn quy định về chính sách đầu tư, khuyến khích đầu tư cần được chuyển sang một luật về khuyến khích đầu tư chung. Nghĩa là, nếu được sắp xếp hợp lý, chúng ta cần có Luật Doanh nghiệp (thống nhất) và Luật Khuyến Khích đầu tư (chung).

 

2.      Phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư 2005

 

Luật Đầu tư 2005 điều chỉnh toàn bộ hoạt động đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam, đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, bao gồm cả đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư gián tiếp. Luật Đầu tư 2005 áp dụng cho tất cả các dự án trong nước hoặc dự án có vốn đầu tư nước ngoài, dự án có vốn từ ngân sách nhà nước hoặc không có vốn từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, còn có các quy định về chính sách ưu đãi, khuyết khích, hạn chế đầu tư.

 

Như vậy, những vấn đề được đề cập trong Luật Đầu tư 2005 là rất rộng và cũng vì thế, nhược điểm lớn nhất của Luật Đầu tư 2005 chính là không xác định rõ ràng phạm vi điều chỉnh. Một phần Luật Đầu tư hiện đã được điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp như thủ tục thành lập doanh nghiệp, mua vốn góp, cấp giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy đăng ký kinh doanh . . . Một phần được điều chỉnh bằng các Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Thuế và các luật chuyên ngành khác. Kết quả của sự chồng lấn này mà chúng ta đã thấy trên thực tế là rất nhiều mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư với Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây Dựng  . . .

 

Về mặt lý luận, một luật chỉ có thể tồn tại nếu nó xác định được cho mình các quan hệ hoặc nhóm quan hệ xã hội rõ ràng và ổn định để điều chỉnh. Luật Đầu tư 2005 không đáp ứng được điều này. Vấn đề cơ bản trong quá trình sửa đổi hoặc thay thế Luật Đầu tư là phải xác định rõ ràng phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư. Khi vấn đề cơ bản này chưa được xem xét thì những sửa đổi về nội dung, câu chữ trong luật sẽ không giải quyết được vấn đề và ít có tác dụng làm tốt hơn môi trường đầu tư.

 

3.      Những khái niệm cơ bản trong Luật Đầu tư

 

Về mặt kỹ thuật, những khái niệm cơ bản trong Luật Đầu tư như dự án đầu tư, nhà đầu tư, vai trò và ý nghĩa pháp lý của Giấy chứng nhận đầu tư chưa được xác định rõ ràng.

 

Trong thực tế, các bên liên quan rất lúng túng trong việc thực thi luật. Đây còn là một trong những nguyên nhân khiến các cơ quan cấp phép không tự tin khi ban hành Giấy chứng nhận đầu tư và thường tham khảo ý kiến của các bên liên quan. Quy trình này tốn kém thời gian và chi phí. Vì vậy, mặc dù được kỳ vọng là sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư mới, tuy nhiên, sau 6 năm thực thi Luật Đầu tư, vẫn còn nguyên một cơ chế xin – cho trong đầu tư.

 

* * *

 

Chúng tôi cho rằng Luật Đầu tư 2005 cần được sửa đổi hoặc thay thế bằng một luật về khuyến khích đầu tư, trong đó tập trung quy định về chính sách đầu tư và khuyến khích đầu tư - tức là Nhà nước chỉ cần định hướng đầu tư vào những lĩnh vực mà Nhà nước thấy cần thiết, còn đầu tư như thế nào là vấn đề kinh tế do doanh nghiệp tự quyết định. Luật Đầu tư không nên can thiệp vào Những vấn đề về thủ tục, chuyên môn . . nhằm tránh giẫm chân lên các luật chuyên ngành cũng thể hiện đúng vai trò là luật chung về đầu tư.

Các văn bản liên quan