Ý kiến của Hội bảo vệ người tiêu dùng Tp. HCM

Thứ Ba 16:06 15-09-2009

HỘI BẢO VỆ QUYỀN LỢI  NGƯỜI TIÊU DÙNG TP. HCM                        

V/v: Đóng góp ý kiến Dự Luật Bảo vệ quyền lợi NTD 

Người tham luận góp ý: Luật gia PHAN THỊ VIỆT THU

Hội Bảo vệ quyền lợi Người Tiêu Dùng Tp. Hồ Chí Minh xin được đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Bảo vệ Quyền lợi Người Tiêu dùng như sau:

I- Ý kiến tổng quát.-

Sự ra đời của Luật Bảo vệ quyền lợi Người Tiêu dùng hết sức cần thiết, vì việc tiêu dùng là nhu cầu thiết yếu chung của tòan xã hội, mỗi một công dân là một Người Tiêu dùng có những quyền lợi cần phải được pháp luật bảo vệ. Nhưng cho đến nay, có thể nói, NTD Việt Nam chịu rất nhiều thiệt thòi với những quyền lợi về tiêu dùng chưa được luật pháp quan tâm chế định đúng mức. Theo công bố năm 2008 của Hội Tiêu chuẩn - Bảo vệ người tiêu dùng VN sau cuộc tổng điều tra ý kiến người tiêu dùng trên phạm vi cả nước, 41% người tiêu dùng VN không biết mình có quyền lợi gì, số còn lại... có biết cũng chả làm được gì.

-Nhìn chung, Dự luật Bảo vệ Người tiêu dùng cho thấy đã có tham khảo vận dụng

hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc về bảo vệ người tiêu dùng. So với Pháp lệnh Bảo vệ Quyền Lợi NTD, Dự luật có tiến bộ như quy định rõ ràng về nghĩa vụ của thương nhân trong việc bảo hành sản phẩm; tạo điều kiện để người tiêu dùng dễ dàng sử dụng công cụ pháp lý (như khi kiện ra toà, người tiêu dùng và tổ chức bảo vệ họ không phải chứng minh thương nhân có lỗi mà thương nhân phải chứng minh mình không có lỗi…) Nhưng lại thụt lùi hơn so với Pháp lệnh BVNTD là Dự luật đã bỏ qua phần Trách nhiệm và nghĩa vụ của NTD là vấn đề luôn luôn phải đi đôi với quyền lợi, nhất là không thể phủ nhận vai trò của NTD trong việc tự bảo vệ mình đồng thời với việc góp phần bảo vệ quyền lợi chung của cộng đồng.

Đ12 và Đ13 của Pháp lệnh BVQLNTD : trách nhiệm của NTD, rất quan trọng:

Điều 12

Người tiêu dùng có trách nhiệm tự bảo vệ mình trong việc tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ; thực hiện đúng hướng dẫn về phương pháp sử dụng hàng hoá, dịch vụ; không được tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ gây tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục, gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ của mình và cộng đồng.

Điều 13

Người tiêu dùng có trách nhiệm phát hiện, tố cáo các hành vi gian dối về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hiệu hàng hoá, giá cả và các hành vi lừa dối khác của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, gây thiệt hại cho mình và cộng đồng theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, Dự luật bảo vệ NTD lại quá chú trọng đến quyền lợi NTD, nên bỏ qua những yếu tố cần thiết khác để tạo nên một hành lang pháp lý tòan diện trong lĩnh vực tiêu dùng của tòan xã hội, vô hình chung cho thấy quan điểm “quyền lợi NTD đối kháng với quyền lợi của thương nhân”.

Đây là một thành kiến sai lầm vì thực tế bảo vệ quyền lợi NTD cũng chính là bảo vệ quyền lợi của thương nhân, NTD có được sản phẩm chất lượng, an tòan thì cũng chính là thương hịệu của nhà sản xuất được nâng cao, là điều kiện để thương nhân duy trì, phát triển thương hiệu hàng hóa của mình. NTD có chọn lựa không dùng hàng kém chất lượng, tẩy chay hàng giả, hàng nhái , nhà sản xuất chân chính được bảo vệ. NTD góp ý, phản ảnh về chất lượng sản phẩm, nhà sản xuất thấy được khuyết điểm, khắc phục, sửa chữa, sẽ giúp cho hàng hóa tốt hơn, người tiêu dùng có lợi là sử dụng được sản phẩm tốt, nhà sản xuất có lợi là được tín nhiệm bán được nhiều hàng hóa, thu lợi nhuận nhiều hơn….

Do vậy, bảo vệ quyền lợi NTD, chính là bảo vệ cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước, đồng thời cũng là chung tay ổn định trật tự xã hội, xây dựng cuôc sống văn minh. Trong ý nghĩa đó, để bảo vệ NTD, cần phải có sự tham gia của cả ba thành phần đối tượng tạo thành một thế chân vạc có những trách nhiệm hỗ tương liên đới:

1-Người tiêu dùng trước hết phải tự bảo vệ mình, có ý thức chọn lựa hàng tốt, tẩy chay không mua hàng giả, hàng nhái, và có ý thức trách nhiệm góp phần bảo vệ quyền lợi chung của cả cộng đồng bằng hành động thiết thực như đóng góp ý kiến về chất lượng hàng hóa, lên tiếng báo động xã hội đối với những vấn đề làm thiệt hại lợi ích chung.

Thực tế cho thấy, không phải NTD nào cũng có thiện ý xây dựng khi khiếu nại về chất lượng sản phẩm, mà có rất nhiều trường hợp NTD lợi dụng khiếm khuyết của sản phẩm để gây áp lực với nhà sản xuất hoặc nhà cung ứng dịch vụ nhằm mục đích tư lợi . Do đó Dự luật cần tiên liệu để có những qui định chế tài đối với NTD trong những trường hợp này.

2-Thương nhân: có trách nhiệm về sự an tòan sử dụng, về sức khỏe của người sử dụng đối với hàng hóa của mình, lắng nghe tiếng nói của NTD để nâng cao chất lượng sản phẩm, cung cấp thông tin, hướng dẫn NTD trong việc sử dụng sản phẩm…

3- Chính quyền và các đòan thể: có trách nhiệm tuyên truyền giáo dục kiến thức về tiêu dùng, cung cấp thông tin về chất lượng hàng hóa, giám sát thị trường, kịp thời can thiệp những hành vi vi phạm quyền lợi NTD, cũng như chấn chỉnh, kiểm tra về chuyên môn theo từng lĩnh vực sản xuất để bảo đảm độ an tòan cao cho NTD.

Trong tinh thần đó, dự luật cần phải thể hiện rõ hết vai trò và trách nhiệm của mỗi thành phần.

II- Ý KIẾN ĐỐI VỚI DỰ LUẬT.-

· Về hình thức:

Có lẽ do Ban sọan thảo Luật đã tham khảo nhiều Luật tiêu dùng nước ngoài, nên đã dùng những thuật ngữ dịch từ tiếng nước ngòai không thể hiện được ý nghĩa rõ ràng theo ngôn ngữ Việt và văn phong không phù hợp tiếng Việt gây khó hiểu như Đ.17, 18,20.

-Khái niệm ‘Thương nhân” hiểu theo từ nguyên chỉ là người buôn bán, trong Dự luật dùng từ “ thương nhân” bao hàm vừa người sản xuất, người bảo hành, người bán, người cung cấp dịch vụ … cho nên gây lủng củng khó hiểu trong sự diễn tả (như Điều 17)

Hiện đã có “Luật Chất lượng, sản phẩm, hàng hóa” là luật có liên quan mật thiết với “Dự luật Bảo vệ NTD”, đề nghị cần có sự nhất quán giữa hai luật này về thuật ngữ sử dụng cũng như về nội dung nhất là những Điều khỏan giống nhau.

· Về Nội dung Dự luật:

1/ Điều 2. Đối tượng áp dụng

2. Thương nhân:

-Cần dễ hiểu, chính xác theo từng đối tựơng cụ thể,

*Đề nghị đổi thành: nhà sản xuất, nhà phân phối, người cung ứng dịch vụ, người bán.

6. Căn cứ vào những nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng quy định tại luật này và điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định cụ thể việc bảo vệ người tiêu dùng trong mối quan hệ với các cá nhân hoạt động thương mại độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

-Khỏan này không rõ ràng, khó hiểu.

*Đề nghị đổi:

6- Các cá nhân hoạt động thương mại độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2/ Điều 3. Giải thích từ ngữ

1-“Người tiêu dùng” là các cá nhân, tổ chức mua hoặc sử dụng hợp pháp hàng hoá, dịch vụ không nhằm mục đích kinh doanh;

- Đồng ý đây là định nghĩa chung của hầu hết các tổ chức bảo vệ tiêu dùng trên thế giới, nhưng không phù hợp khi đưa vào áp dụng cho môi trường Việt Nam. Hơn nữa theo tự điển “ The Oxford Dictionary for the Business world”, chỉ định nghĩa đơn giản: “person who consumes, esp. one who uses a product; -purchaser of goods or services.”. Bởi vì nếu định nghĩa như trong Dự luật , thì đối với rất nhiều trường hợp người mua hàng không áp dụng được Luật này vì thật sự mục đích món hàng họ mua là để phục vụ cho việc kinh doanh.

Thí dụ: người mua 01 hay 02 máy photocopy về để làm dịch vụ; người mua 1 chiếc xe về để làm dịch vụ chở khách hay chở hàng mướn; người mua bột, đường về làm bánh bán lẻ, một người mua một xe nước mía…..(tất cả đều là mục đích kinh doanh) chẳng lẽ họ không được xem là NTD, không được hưởng những quyền lợi bảo vệ mà Luật đã quy định đối với những món hàng mà họ đã mua?

* Cho nên,đề nghị đổi:

1- Người tiêu dùng là các cá nhân, tổ chức mua và sử dụng hàng hóa hay dịch vụ .

3. “Sản phẩm có khuyết tật” là động sản, bao gồm cả động sản được sử dụng trong việc xây dựng bất động sản hoặc được gắn liền với bất động sản, không đảm bảo mức độ an toàn hợp lý cho người tiêu dùng, gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản cho người tiêu dùng;

-Văn phòng Khiếu nại NTD dã từng tiếp rất nhiều trường hợp khiếu nại về các căn hộ chung cư bị hư hỏng sau khi mua, bị các công ty kinh doanh nhà từ chối bảo hành…

*- Đề nghị thêm vào:

3. “Sản phẩm có khuyết tật ” là động sản và bất động sản, bao gồm cả động sản được sử dụng trong việc xây dựng bất động sản hoặc được gắn liền với bất động sản, không đảm bảo mức độ an toàn hợp lý cho người tiêu dùng, gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản cho người tiêu dùng;

3/ Điều 5. Chính sách bảo vệ người tiêu dùng

3. Nhà nước khuyến khích thương nhân nâng cao chất lượng và an toàn của hàng hoá, dịch vụ, bảo vệ sức khoẻ, an toàn và lợi ích kinh tế của người tiêu dùng.

-Không thể chỉ “khuyến khích”, mà phải là bắt buộc đối với sự an tòan của hàng hóa và dịch vụ …

*Đề nghị đổi : 3. Nhà nước buộc nhà sản xuất bảo đảm sự an toàn của hàng hoá, dịch vụ, bảo vệ sức khoẻ, an toàn và lợi ích kinh tế của người tiêu dùng, đồng thời khuyến khích nâng cao chất lượng sản phẩm.

4/ Điều 8. Hành vi quấy rối người tiêu dùng

-Từ “quấy rối” theo từ nguyên có nghĩa cố ý muốn gây khó khăn cho người khác để thỏa mãn sự bực bội của mình, hoặc theo ý nghĩa thông dụng hiện nay là nhằm thỏa mãn ý muốn liên quan tính dục. Nhưng ở đây, có ý nghĩa đeo bám khách hàng một cách kéo dài gây bực mình phiền tóai cho NTD, cho nên dùng từ “quấy rối” vừa không thanh nhã vừa không chính xác.

*Đề nghị sửa lại: Hành vi tiếp thị gây phiền hà người tiêu dùng

1-Cấm thương nhân thực hiện một hoặc một số hành vi quấy rối người tiêu dùng như sau:

*Đề nghị sửa lại: Cấm thương nhân thực hiện một hoặc một số hành vi gây phiền hà người tiêu dùng như sau:

5/ Điều 10. Ngôn ngữ của hợp đồng

Ngôn ngữ của hợp đồng với người tiêu dùng phải được thể hiện một cách rõ ràng, dễ hiểu và phải thể hiện bằng tiếng Việt.

*-Đề nghị bỏ: “và phải thể hiện”:

Ngôn ngữ của hợp đồng với người tiêu dùng phải được thể hiện một cách rõ ràng, dễ hiểu bằng tiếng Việt.

6/ Điều 16. Trách nhiệm bảo hành

5. Khi hết thời gian thực hiện bảo hành, thương nhân không sửa chữa hoặc khắc phục được khuyết tật thì phải đổi hàng hóa, linh kiện mới tương tự cho người tiêu dùng hoặc thu hồi hàng hóa và trả lại tiền cho người tiêu dùng.

*-Đề nghị bỏ khỏan 5, vì ý trùng lắp với khỏan 6

6. Trường hợp thương nhân đã thực hiện bảo hành hàng hóa, linh kiện quá ba lần trong thời hạn bảo hành mà vẫn không khắc phục được khuyết tật thì phải đổi hàng hóa, linh kiện mới tương tự cho người tiêu dùng hoặc thu hồi hàng hóa và trả lại tiền cho người tiêu dùng.

7/ Điều 17. Trách nhiệm sản phẩm

Thương nhân sản xuất sản phẩm, thương nhân gắn tên thương mại lên sản phẩm hoặc sử dụng nhãn hiệu hay dấu hiệu cho phép nhận diện đó là thương nhân sản xuất sản phẩm hoặc thương nhân nhập khẩu sản phẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do khuyết tật của sản phẩm gây ra cho người tiêu dùng ngay cả trong trường hợp thương nhân đó không có lỗi.

- Từ “ thương nhân” được lặp lại 5 lần trong Điều nàu, nhưng không có nghĩa cùng một người, cho nên gây khó hiểu.

*Đề nghị viết lại:

1. Nhà sản xuất có thương hiệu sản phẩm hoặc nhà kinh doanh nhập khẩu phân phối sản phẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do khuyết tật của sản phẩm gây ra cho người tiêu dùng ngay cả trong trường hợp không có lỗi.

2. Thương nhân trực tiếp cung cấp sản phẩm có khuyết tật tới người tiêu dùng sẽ chịu trách nhiệm về sản phẩm đó nếu thương nhân đó không xác định được thương nhân chịu trách nhiệm sản phẩm nêu tại khoản 1 Điều này theo yêu cầu của người tiêu dùng.

*Đề nghị sửa:

2. Người bán trực tiếp sản phẩm có khuyết tật tới người tiêu dùng sẽ chịu trách nhiệm về sản phẩm đó nếu không xác định được người sản xuất

3. Thương nhân kinh doanh nguyên vật liệu, phụ kiện hoặc bộ phận cấu thành của sản phẩm có khuyết tật phải chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp khuyết tật của sản phẩm có nguyên nhân một phần hoặc toàn bộ từ khuyết tật của nguyên vật liệu, phụ kiện hoặc bộ phận cấu thành của sản phẩm do thương nhân đó cung cấp.

*Đề nghị sửa:

3.Người sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu, phụ kiện hoặc bộ phận cấu thành của sản phẩm có khuyết tật phải chịu trách nhiệm liên đới với người sản xuất thành phẩm trong trường hợp khuyết tật của sản phẩm có nguyên nhân một phần hoặc toàn bộ từ khuyết tật của nguyên vật liệu, phụ kiện hoặc bộ phận cấu thành do mình cung cấp

4. Trong trường hợp có từ hai thương nhân trở lên phải chịu trách nhiệm sản phẩm theo quy định của Điều này thì các thương nhân đó phải liên đới chịu trách nhiệm.

*-Đề nghị bỏ khỏan 4, vì cùng ý với khỏan 3

8/ Điều 18. Xác định sản phẩm có khuyết tật

2. Một sản phẩm không bị coi là có khuyết tật chỉ vì lý do duy nhất là có một sản phẩm cùng loại khác an toàn hơn được đưa vào lưu thông sau đó.

*-Đề nghị sửa cho dễ hiểu: “Sản phẩm có chất lượng an tòan thấp hơn một sản phẩm cùng lọai khác không bị coi là sản phẩm khiếm khuyết”

3. Mức độ an toàn hợp lý của sản phẩm được xác định dựa trên các yếu tố bao gồm thiết kế kỹ thuật, công dụng, phương thức sử dụng, thời điểm thương nhân đưa sản phẩm vào lưu thông và các yếu tố khác có liên quan đến sản phẩm.

*Đề nghị :3. Mức độ an toàn hợp lý của sản phẩm được xác định dựa trên các yếu tố bao gồm thiết kế kỹ thuật, công dụng, phương thức sử dụng, thời điểm sản phẩm được đưa vào lưu thông trên thị trường và các yếu tố khác có liên quan đến sản phẩm.

9/ Điều 19. Thời điểm đưa sản phẩm vào lưu thông

Thời điểm đưa sản phẩm vào lưu thông là thời điểm thương nhân chịu trách nhiệm sản phẩm chuyển giao sản phẩm đó cho người khác vì mục đích lợi nhuận.

*-Đề nghị viết lại : Thời điểm đưa sản phẩm vào lưu thông là thời điểm nhà sản xuất chuyển giao sản phẩm đó cho người bán

10/ Điều 20. Miễn, giảm trách nhiệm sản phẩm

1. Thương nhân được xem xét miễn trách nhiệm sản phẩm nếu thuộc các trường hợp sau đây:

c) Khuyết tật của sản phẩm chưa phát sinh vào thời điểm sản phẩm được thương nhân đó đưa vào lưu thông. Trách nhiệm sản phẩm sẽ được chuyển giao cho thương nhân chiếm hữu sản phẩm tại thời điểm phát sinh khuyết tật;

- Đây phải chăng muốn nói đến trường hợp sản phẩm bị khuyết tật do khâu bảo quản của người bán, nên nhà sản xuất không chịu trách nhiệm mà người bán phải chịu trách nhiệm.

*Đề nghị nói rõ ràng dễ hiểu:

c) Sản phẩm phát sinh khuyết tật do khâu bảo quản của người bán”

d) Khuyết tật của nguyên vật liệu, phụ kiện hoặc bộ phận sản phẩm phát sinh do thương nhân nêu tại khoản 3 Điều 17 của Luật này tuân thủ thiết kế, hướng dẫn hoặc yêu cầu của thương nhân sản xuất sản phẩm. Trong trường hợp này, trách nhiệm sản phẩm thuộc về thương nhân sản xuất;

*Đề nghị viết lại dễ hiểu :

d)Đối với người cung cấp nguyên vật liệu, phụ kiện bị khuyết tật do tuân thủ thiết kế, hướng dẫn hoặc yêu cầu của nhà sản xuất; trách nhiệm sản phẩm thuộc về nhà sản xuất

đ) Thương nhân không đưa sản phẩm vào lưu thông hoặc việc cung cấp sản phẩm cho người khác không vì mục đích lợi nhuận.

-Việc cung cấp sản phẩm cho người khác không vì mục đích lợi nhuận, nhưng có thể có lợi ích tinh thần như trường hợp nhà kinh doanh, phân phối tặng cho bánh kẹo từ thiện do không bán được vì chất lượng kém an tòan, gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng , không thể miễn giảm trách nhiệm. Điều này có qui định trong Luật Chất lượng, sản phẩm, hàng hóa

*Đề nghị viết lại:

đ)Thương nhân không đưa sản phẩm vào lưu thông.

11/ Điều 24. Nguyên tắc thực hiện hòa giải

2. Việc hòa giải được thực hiện trên nguyên tắc không công khai, đảm bảo bí mật thông tin của các bên tham gia hòa giải trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

- Tại sao hòa giải được thực hiện trên nguyên tắc không công khai, đảm bảo bí mật thông tin của các bên tham gia hòa giải ? Điều này không hợp lý đối với việc tranh chấp giữa NTD và NSX hoặc người bán. Ngược lại phải cần công khai, thông báo trên báo chí cho mọi người biết, để tránh tình trạng NTD lạm dụng để gây khó khăn cho nhà sản xuất vì lý do tư lợi, đồng thời cũng là cách thông tin cho NTD khác cùng biết

* Đề nghị viết lại:

2. Việc hòa giải được thực hiện trên nguyên tắc công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

12/ Chương V- Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và thương nhân

-Từ Điều 21 đến Điều 53: Cần xem lại vì thủ tục giải quyết rườm rà, không khả thi trong thực tế. Phương cách giải quyết theo Dự luật có thể tóm tắt:

-Thương lượng giữa NTD và thương nhân, nếu không xong, thì sang giai đọan Hòa giải với sự chọn một trong hai nơi : Trung tâm hòa giải và Trọng tài. Nếu Hòa giải thành : quá trình thực hiện tương tự như thủ tục thi hành án Dân sự đối với phán quyết của Tòa án với biện pháp cưỡng chế, kê biên tài sản…nhưng do Cơ quan BVNTD thi hành.Tuy nhiên đến đây, các bên vẫn có thể làm thủ tục yêu cầu hủy Biên bản hòa giải thành nếu có sự vi phạm nguyên tắc hòa giải qui định tại Đ24. (Điều này rất dễ xảy ra: do “ nguyên tắc không công khai, bảo đảm bí mật…”)

Còn nếu Hòa giải không thành hoặc có QĐ hủy biên bản của Cơ quan bảo vệ NTD, thì giải quyết bằng biện pháp hành chính do Cơ quan bảo vệ NTD có thẩm quyền các cấp tương tự Tòa án nhân dân ( huyện, tỉnh) thụ lý theo một trình tự thời gian (hòan tòan không khả thi trong thực tế). Cuối cùng, NTD căn cứ QĐ giải quyết khiếu nại của CQBVNTD, NTD khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại tại Tòa án. Còn nếu hai bên tranh chấp không đồng ý QĐ của CQBVNTD, lại tiếp tục khởi kiện tại TA hành chính.

-Giải quyết tranh chấp tại Tòa:áp dụng pháp luật về Tố tụng Dân sự theo hai hình thức: -Rút gọn: trường hợp 01 nguyên đơn, Giá trị giao dịch đến 100 triệu, Bị đơn

là người trực tiếp cung ứng hàng hóa hay dịch vụ .( Hình thức này cũng không khả thi vì thực tế Tòa án hiện luôn quá tải việc thụ lý án)-Ngòai điều kiện này, Tòa án giải quyết . theo thủ tục thông thường.

-Kinh nghiệm thực tế qua họat động Văn phòng Khiếu nại NTD, NTD chân chính, thực sự bức xúc vì sản phẩm không đạt chất lượng , không mặn mà với việc khiếu kiện, bởi vì tốn thời gian so với giá trị món hàng . Hiện nay, khi bị vi phạm quyền lợi, NTD đến Văn phòng khiếu nại NTD của Hội BVQLNTD nhờ giải quyết. Văn phòng Khiếu nại giải quyết đơn giản qua hình thức hòa giải. Nếu NTD không đồng ý, VP hướng dẫn khiếu kiện ra Tòa theo thủ tục Tố tụng dân sự . Đơn giản như vậy mà còn rất ít NTD chọn con đường khiếu kiện ra Tòa, thường thì chấp nhận theo sự giải quyết thương lượng với Doanh nghiệp.

- Cách giải quyết tranh chấp trong Dự luật không hợp lý:

-Nếu ra TTHG, hòa giải thành, NTD phải làm đơn nhờ CQBVNTD thi hành, CQ này được quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế. Nhưng cũng chính CQ này có thẩm quyền ra QĐ hủy biên bản hòa giải thành.

-Nếu hòa giải không thành, lại chuyển sang yêu cầu CQBVNTD giải quyết bằng biện pháp hành chính. Nhưng CQ chỉ ra QĐ giải quyết, còn yêu cầu bồi thường thiệt hại, NTD lại phải khởi kiện tại Tòa. Trường hợp không đồng ý với QĐ của CQBVNTD, 2 bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án hành chính.

-Con đường cuối cùng để giải quyết thì cũng trở lại Tòa án theo TỐ tụng dân sự.

12/ Điều 48- Quyền khởi kiện của Tổ chức bảo vệ NTD:

-Việc tham gia khởi kiện của Tổ chức BVNTD đòi hỏi thủ tục không đơn giản chút nào:

1-Phải thông báo công khai hai lần cách nhau 1 tháng trước khi nộp đơn khởi kiện (Hòa giải thì theo nguyên tắc không công khai, bí mật)

2- Khi nộp đơn khởi kiện: Tòa án lại thông báo trên báo, đài Trung ương liên tiếp 3 số, 3 lần trong 3 ngày.

3-NTD muốn tham gia vụ án : phải đăng ký 2 lần:

-Lần 1: với Tổ chức BVNTD trước khi Tòa thụ lý;

- Đăng ký tại Tòa trong hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý

Nhưng việc khởi kiện của Tổ chức BVQLNTD chỉ thực hiện được nếu hội đủ điều kiện:

-Tổ chức đã có ít nhất 5 năm hoạt động

-Có ít nhất 100 NTD tham gia khởi kiện

Theo Luật Khiếu nại- Tố cáo , việc khiếu kiện mỗi người một đơn, không có đơn đại diện khiếu kiện tập thể. Vậy trong trường hợp này, Tổ chức BVQLNTD có được đại diện 100 người hay không, trong khi đó, vẫn có 100 đơn khiếu kiện. riêng .

Qui định Điều này phải chăng Ban sọan thảo Luật nhằm muốn hạn chế họat động của Hội bảo vệ quyền lợi NTD?

Ý này được thể hiện rõ hơn qua những qui định trong Dự luật về chức năng tham gia bảo vệ quyền lợi NTD của các Tổ chức BVQLNTD mà cụ thể là Hội Bảo vệ Quyền lợi NTD hiện hữu.

13/ Điều 51- Hòa giải trong các vụ án BVNTD do Tổ chức BVNTD khởi kiện

- Không hiểu đây là giai đọan nào? Vì xuyên suốt phương cách giải quyết tranh chấp giữa NTD và Thương nhân, không thấy nói đến việc Tổ chức BVNTD tham gia hòa giải, mặc dù tại Điều 62 của Dự luật quy định về Quyền của Tổ chức BVNTD có đề cập tại:

K1- Tiếp nhận các khiếu nại của NTD và tổ chức hòa giải giữa NTD với thương nhân

K2- Đại diện cho NTD tiến hành khiếu nại với thương nhân

14/ Điều 53: Phân chia tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án do Tổ chức bảo vệ NTD khởi kiện

-Trả lại chi phí hợp lý mà Tổ chức BVNTD đã bỏ ra

-Tiền bồi thường thiệt hại cho NTD

-Nộp vào quỹ BVNTD

- Điều này không hợp lý ở chỗ, số tiền bồi thường thiệt hại phải căn cứ trên sự thiệt hại của NTD, NTD có thể chịu trích tiền bồi thường thiệt hại của mình trả lại chi phí mà Tổ chức BVNTD đã bỏ ra cho vụ kiện, còn yêu cầu nộp một phần cho quỹ BVNTD không có cơ sở . Hơn nữa. việc tính bồi thường thiệt hại trong những trường hợp khiếu kiện tập thể không phải dễ dàng, như trường hợp Vedan.

15/ Chương VI- quản lý Nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng

Điều 54-

1- Cơ quan bảo vệ NTD là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ NTD

2- Chính phủ quy định thành lập và quy định cơ cấu tổ chức của Cơ quan bảo vệ NTD tại Trung ương và địa phương

-Cơ quan bảo vệ NTD trong Dự luật này là một tổ chức Nhà nước hòan tòan mới, sẽ phải được thành lập sau khi dự luật này được ban hành để thi hành Luật, nhưng Dự luật chưa tiên liệu được sẽ hình thành như thế nào, do bộ phận nào quản lý. Đây là điều gây nên khó khăn trong việc thi hành Luật khi có hiệu lực, trong khi Luật Bảo vệ NTD đang có nhu cầu thực hiện sớm.

Trong thực tế vẫn còn tồn tại tình trạng Luật khi có hiệu lực, mặc dù những Điều khỏan qui định đã hiển nhiên bằng tiếng việt, nhưng luôn luôn vẫn phải chờ Nghị định, Thông tư hướng dẫn, mới đưa vào thi hành, thì đối với những vấn đề như thế này cho thấy trước sự khó khăn sau khi ban hành. Một điều đáng quan tâm là Dự luật lại quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Cơ quan bảo vệ NTD quá rộng, quá lớn, trong khi nhu cầu cần được bảo vệ của NTD cấp bách nhưng không cần quá lớn như Dự luật đã đề ra cho CQ BVNTD.

16/ Chương VIII- Xử lý vi phạm quyền lợi NTD:

Điều 67- Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ NTD

- Đề nghị qui định: các khỏan nộp phạt đối với Thương nhân vi phạm đưa vào quỹ BVNTD.

Trên đây là những ý kiến đóng góp của Hội Bảo vệ quyền lợi Người Tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh. Ước mong sẽ được Ban sọan thảo Dự luật quan tâm.

Lụât gia Phan Thị Việt Thu

Các văn bản liên quan