Vi phạm quyền công dân?

Thứ Ba 15:08 03-10-2006

Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân tuy chưa chính thức thông qua Quốc hội, song dư luận báo chí và nhân dân trong những ngày qua đang rất quan tâm. Với tư cách là một công dân, một luật sư tôi xin góp một số ý kiến cho Dự thảo như sau:

Ngày 26/5/2006, Báo DĐDN đã phản ánh: "Dự thảo quy định về việc thu thuế của người dân gửi tiền tiết kiệm và nhà đầu tư chứng khoán, đây được coi là những khoản thu nhập không thường xuyên, dự kiến sẽ thu bằng cách khấu trừ tại nguồn. Khi trả lãi hay khớp lệnh, ngân hàng hoặc Cty chứng khoán sẽ khấu trừ thuế thu nhập của khách hàng. Cuối năm nếu chứng minh được thu nhập dưới mức chịu thuế, sẽ được hoàn thuế, tuy nhiên thực tiễn việc làm thủ tục xin hoàn thuế đâu có phải không gây rắc rối, phiền hà cho người dân".

Tuy nhiên đây là điều khó có thể chấp nhận vì người dân phải tự chứng minh mức thu nhập dưới mức chịu thuế; và lại phải làm thủ tục xin hoàn thuế trong khi đáng lẽ họ không phải mất công đoạn này.

Bên cạnh đó, nếu Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân đúng như báo chí đã phản ánh: có ý định đưa khoản thu nhập tiền gửi tiết kiệm là thu nhập chịu thuế và thực hiện việc thu thuế bằng cách khấu trừ tại nguồn thì Dự thảo đã vi phạm Điều 50 của Hiến pháp năm 1992 và Nghị quyết số 51 ngày 25/12/2001 về sửa đổi Hiến pháp: "Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và Luật"; vi phạm Điều 58 :"Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong DN hoặc trong các tổ chức kinh tế khác".

Mối quan hệ giữa người gửi tiền tiết kiệm và các tổ chức ngân hàng, Cty tài chính là quan hệ dân sự, được điều chỉnh theo Bộ Luật Dân sự và Luật Ngân hàng - Tín dụng, nếu quy định như Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân là vi phạm nguyên tắc cơ bản của Luật Dân sự được quy định tại điều 4: "Trong quan hệ dân sự các bên hoàn toàn tự nguyện. Không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào".

Việc quy định của Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân: "Giao cho ngân hàng hoặc Cty chứng khoán thu thuế thu nhập của người gửi tiền tiết kiệm bằng cách khấu trừ tại nguồn khi trả lãi hoặc sau khi khớp lệnh" ngoài ý chí của người gửi tiền, vi phạm điều 165 Bộ Luật Dân sự quy định về nguyên tắc thực hiện quyền sở hữu: "Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản thuộc quyền sở hữu". Thực chất của hành vi khấu trừ thuế thu nhập tại nguồn của người gửi tiền là vi phạm quyền sở hữu về tài sản của công dân đã được Hiến pháp và Luật Dân sự quy định.

đề nghị các đại biểu Quốc hội, Ban Soạn thảo thuộc Bộ Tài chính hãy nghiên cứu và xem xét, hoàn chỉnh lại dự thảo cho phù hợp với Hiến pháp và các văn bản luật hiện hành, bảo đảm tính pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Các văn bản liên quan