Doanh nghiệp góp ý về Dự thảo Luật Xuất khẩu lao động: Giảm lợi nhuận – Tăng trách nhiệm?

Thứ Hai 16:11 02-10-2006

Hơn 100 doanh nghiệp (DN) chuyên doanh xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã được cất tiếng nói của mình đóng góp cho Dự thảo Luật đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài (còn gọi là XKLĐ) do Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức nhằm tăng cường tính khả thi của các điều luật trong thực tế.

Có nên nhập phí môi giới vào phí dịch vụ?

Điểm mới trong Dự thảo Luật lần này được các DN đặc biệt quan tâm, là quy định nhập phí môi giới vào phí dịch vụ. Điều 21 của Dự thảo quy định: Đối với thị trường phải trả tiền môi giới thì tiền dịch vụ được tính cả khoản tiền mà NLĐ trả cho doanh nghiệp để bù đắp toàn bộ hoặc một phần tiền môi giới mà DN dã chi trả cho bên môi giới nước ngoài. Bộ trưởng Bộ LĐTB và XH chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định khung, mức tiền dịch vụ. Phí môi giới là phần “nhạy cảm” trong hoạt động XKLĐ, và nhiều DN lợi dụng vào khoản phí này để cạnh tranh không lành mạnh. Mới đây, liên Bộ Tài chính – Lao động đã có thông tư hướng dẫn phí môi giới nhưng quy định này vẫn chưa sát với thực tế. Phí môi giới được thừa nhận nhưng chỉ phù hợp với thị trường Malaysia và Trung Quốc, các thị trường còn lại (với quy định môi giới 1 tháng lương) là không phù hợp. Trên thực tế, nhiều DN cho biết, phí môi giới ở Đài Loan (trong lĩnh vực công xưởng) hiện trung bình là 3.500 USD (cá biệt có DN đang chấp nhận phí môi giới ở mức trên 4.000 USD). Tại buổi thảo luận lấy ý kiến cho Dự thảo Luật mới đây tại Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, giám đốc một DN thẳng thắn cho biết “Hiện chúng tôi không dám làm công xưởng Đài Loan  vì theo đúng quy định tại NĐ 81 thì tất cả các DN Đài Loan đều phải vào …nhà đá hết vì thu phí môi giới sai quy định”. Vị giám đốc này còn cho biết: “Công an họ chưa vào kiểm tra khoản thu này của các DN, nếu họ vào kiểm tra thì chỉ tính trung bình mỗi LĐ nộp 3.000 USD/ người, số tiền các DN thu sai đã lên tới hàng nghìn tỷ”. Không những thu sai, theo ông Đặng Như Lợi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội thì còn có tình trạng để hợp pháp hoá tiền phí môi giới, các đơn vị XKLĐ còn bắt LĐ ký nợ một khoản tiền vay và chấp nhận trừ vào lương hàng tháng trong khi không có chứng từ vay thực sự (vì NLĐ không vay).

Tổ chức sự nghiệp nên làm XKLĐ như thế nào?

Bà Đinh Thị Minh Phú – Giám đốc Công ty XKLĐ Milaco (thuộc Uỷ ban dân tộc) cùng một số DN “phản ứng” khá gay gắt trước quy định về tổ chức sự nghiệp được tham gia đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài: “Khoản 4 Điều 39 quy định tổ chức sự nghiệp là hoạt động phi lợi nhuận nhưng khoản 3 Điều 40 lại cho phép được thực hiện cung ứng LĐ cho các đối tác nước ngoài, điểm c khoản 1 Điều 40 cho phép tổ chức này được thu một khoản tiền của NLĐ để chi cho việc thực hiện đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo phải làm rõ các vấn đề: Điều ước quốc tế mà Việt nam tham gia có quy định nào đặc cách cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài nhất thiết phải qua các tổ chức sự nghiệp không? Cơ chế nào để kiểm tra các tổ chức sự nghiệp XKLĐ đi làm việc ở nước ngoài? Tại sao không giao nhiệm vụ này cho DN mà lại phải giao cho tổ chức sự nghiệp hoạt động bằng ngân sách Nhà nước thực hiện nhiệm vụ có bản chất là dịch vụ có thu, có chi để phục vụ NLĐ”. Bà Phú phân tích đồng thời đặt ra câu hỏi: “Quy định như vậy có phù hợp với xu thế cải cách hành chính hiện nay hay không? Với các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản…liệu quy định như vậy có tạo “sân sau” cho các ‘cơ quan nhà nước”, quan chức nhà nước tiêu cực, tham nhũng? Quy định như vậy cũng dẫn đến việc phân chia các đối tượng LĐ xuất khẩu giao cho tổ chức sự nghiệp và doanh nghiệp, tạo ra “sân chơi” không bình đẳng, nhiều giấy phép còn buộc các DN phải chạy thị trưởng, đối tác”. Ông Phùng Minh Hùng – Phó Giám đốc Cty Interserco Hà Nội cũng thẳng thắn không kém khi đề cập đến quy định khi có giấy phép trong vòng 24 tháng DN không đưa được 3.000 LĐ sẽ bị thu hồi được đề cập trong Dự thảo: “10.000 chỉ tiêu Hàn Quốc mà Cục QLLĐNN đang làm, giao cho các DN đi thì DN nào cũng đủ chỉ tiêu cả. Thị trường nào “màu mỡ” các tổ chức sự nghiệp làm, thị trường nào “xương xẩu” thì để DN làm công bằng hay không? Hơn nữa, hiện nay cơ quan quản lý nhà nước không công khai chỉ tiêu để DN được vào một thị trường là gì dẫn tới nhiều doanh DN đổ tiền của đi mở thị trường mới nhưng về lại không được đăng ký hợp đồng. Cần công khai các tiêu chí thị trường để DN lượng sức mình mà quyết định có đầu tư vào thị trường đó hay không”.

Các DN và bà Đinh Thị Minh Phú cũng đưa ra một vấn đề đó là, theo NĐ 81 đang hiện hành chưa cho phép tổ chức sự nghiệp là đối tượng được cấp phép hoạt động XKLĐ. Thế nhưng, Bộ LĐTB&XH đã quyết định thành lập Trung tâm LĐ nước ngoài (OWC) trực thuộc Cục QLLĐNN làm công tác XKLĐ đi Hàn Quốc. Bà Phú và các DN cho rằng cần phải kiểm tra, tổng kết hoạt động của mô hình OWC báo cáo với QH, nếu OWC hoạt động thực sự có hiệu quả, phi lợi nhuận thì có thể mở thêm hình thức tổ chức sự nghiệp làm XKLĐ theo Dự thảo Luật đã trình. “Trên thực tế, chúng tôi có thông tin: Nhiều người đi LĐ Hàn Quốc thông qua OWC phải nộp số tiền dịch vụ cao hơn so với mức OWC công khai thông báo. Nhiều đơn vị, cá nhân trở thành “vệ tinh” cung ứng lao động cho OWC để thu phí dịch vụ” – bà Đinh Thị Minh Phú cho biết.

Quản lý DN theo mã số?

Dự thảo Luật lần này cho phép một DN có giấy phép XKLĐ được uỷ quyền cho 3 chi nhánh hoạt động (hiện là 2 chi nhánh). Theo ông Đặng Như Lợi thì công tác giám sát của QH về lĩnh vực này thời gian qua cho thấy DN nào mạnh thì không cần “đẻ” ra nhiều chi nhánh theo kiểu “bán, cho thuê giấy phép”, vì vậy số lượng 3 chi nhánh đã là quá đủ, vấn đề không phải là nhiều chi nhánh mà là chất lượng chi nhánh đó như thế nào. Ông Lợi cũng cho biết, nhiều DN có “sáng kiến” cần quản lý hoạt động của DN chuyên XKLĐ và NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo mã số và đó có thể là “thước đo” năng lực của chính doanh nghiệp.

Các văn bản liên quan