Về Dự án Luật Giao dịch điện tử – TS Mai Anh

Thứ Bảy 15:13 20-05-2006
Dự án Luật Giao dịch điện tử vừa được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7. Dưới đây là một số ý kiến của ông Mai Anh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin, Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường về dự luật trên.

*Thưa ông, với hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin còn yếu như hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam có làm thương mại điện tử được ngay không?

- Theo điều tra của Bộ thương mại, hiện nay Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người sử dụng internet, tăng gần gấp đôi so với năm 2003; xấp xỉ 17.500 doanh nghiệp đã có trang web và hơn 10 sàn giao dịch điện tử đang hoạt động. Mặc dù chưa chính thức có quy định pháp luật về việc cung cấp dịch vụ chữ ký số và chứng thực điện tử nhưng một số công ty đã năng động trong việc nghiên cứu và đưa vào ứng dụng công nghệ này.

Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã ý thức được vai trò tích cực của công nghệ thông tin nói chung và thương mại điện tử nói riêng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Tuy nhiên họ còn lúng túng vì chưa có khung pháp lý điều chỉnh cho các ứng dụng của họ.

* Tính khả thi của Luật một mặt liên quan đến tính cấp thiết, song cũng cần được bàn đến ở góc độ Luật có khả năng đi vào nhanh đời sống xã hội không? Theo ông, Luật Giao dịch điện tử đã thực sự cần thiết vào thời điểm này chưa?

- Rất cần. Nhu cầu này càng bức xúc hơn khi Việt Nam đã ký Hiệp định khung ASEAN điện tử (E ASEAN), cam kết triển khai thương mại điện tử và Chính phủ điện tử đồng bộ với các nước ASEAN trong giai đoạn 2000-2005. Từ năm 2000 đến nay nhiều hoạt động đã được triển khai hướng tới việc xây dựng thương mại điện tử và chính phủ điện tử. Ở mức độ nào đó thì thương mại điện tử, chính phủ điện tử cả về khái niệm lẫn thực tiễn đã hình thành và đang tồn tại ở Việt Nam. Song cả hai lĩnh vực này đều gặp các bất cập về vấn đề pháp lý.

Từ năm 2000 đến nay các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm tận dụng lợi thế của loại công nghệ mới này. Các vấn đề của Bộ Tài chính như: hải quan điện tử, thuế trực tuyến, chứng khoán, quản lý kho bạc, quản lý tài chính, vấn đề thanh toán điện tử của hệ thống ngân hàng, vấn đề dịch vụ công trực tuyến một cửa của nhiều tỉnh, thành phố đang đợi một hành lang pháp lý để có cơ sở triển khai.

Thực tế các bộ, ngành này đã triển khai xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành song song với quá trình soạn thảo luật đã chứng minh rằng khi có một hành lang pháp lý hoàn chỉnh, các hoạt động giao dịch điện tử sẽ hỗ trợ rất nhiều cả trong quản lý nhà nước và hoạt động làm ăn của doanh nghiệp.

* Về mức độ an toàn trong giao dịch điện tử theo ông sẽ được bảo đảm như thế nào?

- Nguy cơ mất an toàn luôn tiềm ẩn trong mọi giao dịch dù dưới hình thức nào. Trong mọi giao dịch xã hội, lòng tin là rất quan trọng. Tôi cho rằng nhìn ở một góc độ nào đó, giao dịch điện tử có nhiều yếu tố an toàn hơn giao dịch truyền thống. Điều này có thể khẳng định qua các căn cứ sau: khi giao dịch qua mạng, mọi hành vi luôn để lại vết, trong khi giao dịch trực tiếp như truyền thống, khả năng chối bỏ hành vi đã thực hiện cao hơn. Chính vì vậy nhiều quốc gia cho rằng triển khai thương mại điện tử thì nhà nước quản lý thuế tốt hơn.

Chữ ký điện tử có độ an toàn cao hơn nhiều so với chữ ký tay, nhất là chữ ký điện tử có chứng thực. Việc giám định chữ ký điện tử cũng thuận lợi hơn vì ngoài công nghệ còn có các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử có thể làm việc này trước khi cần đến cơ quan bảo vệ pháp luật. Từ trước tới nay ta chưa có ai đăng ký chữ ký tay (trừ một số công chức cao cấp) do vậy người nhận không thể kiểm tra tính xác thực của chữ ký trên văn bản. Khi xảy ra sự cố cũng chỉ có cơ quan công an mới giám định được.

* Luật Thương mại điện tử của các nước trên thế giới có sự lựa chọn phạm vi điều chỉnh tùy thuộc vào hạ tầng pháp lý của mỗi quốc gia. Vậy theo ông, Việt Nam nên áp dụng như thế nào cho phù hợp với tình hình thực tế đồng thời khuyến khích sự phát triển của ứng dụng công nghệ thông tin và tin học vào mọi mặt của kinh tế xã hội?

- Phạm vi điều chỉnh trong luật của các nước có quy định khác nhau nhưng điều chính đều là thừa nhận một hình thức giao dịch mới trong xã hội là giao dịch điện tử (giao dịch có sử dụng phương tiện điện tử); công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, chứng từ điện tử, văn bản điện tử. Quy định này là cơ sở để áp dụng cho mọi hoạt động xã hội (giao dịch dân sự, lao động, thương mại và hoạt động của các cơ quan nhà nước); Luật cũng quy định nguyên tắc khi Giao dịch điện tử trong các lĩnh vực trên, còn chi tiết về sử dụng giao dịch điện tử trong từng ngành, từng lĩnh vực sẽ được quy định trong các văn bản dưới luật.

Dự án Luật Giao dịch điện tử sẽ bao quát các nội dung như thừa nhận giá trị pháp lý của các giao dịch điện tử, giao kết hợp đồng điện tử, bảo đảm an toàn cho các giao dịch điện tử và giao dịch điện tử trong các cơ quan nhà nước. Một số nội dung khác cũng đang được cân nhắc như: bảo vệ người tiêu dùng trên mạng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên mạng, tội phạm trực tuyến, chữ ký số và dịch vụ chứng thực điện tử. Như vậy nội dung liên quan tới thương mại trong luật này chủ yếu là giao kết hợp đồng điện tử. Đây là vấn đề cốt lõi về khung pháp lý hỗ trợ cho thương mại điện tử phát triển trong thời gian tới.

Theo Thời báo kinh tế Việt Nam

Các văn bản liên quan