VCCI_Kiến nghị sửa đổi Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện tại Luật đầu tư (sửa đổi) năm 2016
VCCI_Góp ý Thông tư quy định về mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính vi mô
Kính gửi: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trả lời Công văn số 6285/NHNN-TTGSNH của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định về mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính vi mô (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
- Về điểm giới thiệu dịch vụ.
a.Về thay đổi chức năng của “điểm giao dịch”
Theo khoản 4 Điều 2 Thông tư 08 thì “điểm giao dịch” được thực hiện một số hoạt động như “tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân và thu nợ đối với những hợp đồng tín dụng của chi nhánh, phòng giao dịch đã ký với khách hàng”; “nhận tiết kiệm bắt buộc, tiết kiệm tự nguyện của khách hàng tài chính quy mô nhỏ không quá 300.000 đồng một lần gửi trên một khách hàng”.
Quy định này đã được sửa đổi tại Dự thảo theo hướng:
- “điểm giao dịch” không còn có những chức năng như quy định tại Thông tư 08 mà trở thành “điểm giới thiệu dịch vụ” (khoản 2 Điều 5) và
- trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của Thông tư này thì các “điểm giao dịch” phải điều chỉnh “các hoạt động kinh doanh đã thực hiện tại điểm giao dịch về chi nhánh hoặc phòng giao dịch mà điểm giao dịch là bộ phận phụ thuộc”; trường hợp điểm giao dịch không chuyển đổi thành điểm giới thiệu dịch vụ, tổ chức tài chính vi mô tự nguyện chấm dứt hoạt động điểm giao dịch, trường hợp quá thời hạn trên, thì sẽ bị cơ quan có thẩm quyền bắt buộc chấm dứt hoạt động (khoản 2 Điều 32).
Đây là một trong những sửa đổi quan trọng và dự báo sẽ tác động khá lớn đến các tổ chức tài chính vi mô. Do đó, cần thiết phải đánh giá tác động của việc thay đổi quy định này, ít nhất ở các khía cạnh sau:
- Tác động tới tính đặc thù và hiệu quả của tổ chức tài chính vi mô: theo ý kiến của doanh nghiệp thì một trong những đặc thù của tổ chức tài chính vi mô là cung cấp dịch vụ và thực hiện các giao dịch với khách hàng ngay tại địa bàn khách hàng sinh sống thay vì yêu cầu khách hàng phải đến phòng giao dịch/chi nhánh. Trên thực tế, cách thức hoạt động đặc thù này đang được thực hiện thông qua các điểm giao dịch (hiện diện tại từng địa bàn dân cư). Việc bỏ đi chức năng của điểm giao dịch như quy định tại Thông tư 08, sẽ khiến tính đặc thù này của tổ chức tài chính vi mô không còn nữa;
- Tác động đến quyền lợi của khách hàng: theo thông tin từ doanh nghiệp thì khoảng cách trung bình từ các điểm giao dịch thuộc chi nhánh và phòng giao dịch là từ 10-15km. Với những doanh nghiệp có lượng khách hàng giao dịch lớn tại các điểm giao dịch, thì việc phải chuyển địa điểm giao dịch từ “điểm giao dịch” tới phòng giao dịch/chi nhánh khiến khách hàng mất thêm nhiều chi phí để thực hiện giao dịch (thời gian di chuyển, chi phí đi lại)[1]. Mặt khác,việc di chuyển quãng đường xa, cũng sẽ tạo ra những rủi ro mất an toàn cho khách hàng khi thực hiện các giao dịch.
- Tác động đến chi phí của các tổ chức tài chính vi mô: Để tuân thủ quy định dự kiến trong khi vẫn muốn duy trì khả năng tiếp cận với các khách hàng như hiện tại thì doanh nghiệp sẽ phải thành lập các chi nhánh/phòng giao dịch ở những điểm giao dịch trước đây. Điều này sẽ gia tăng chi phí khá lớn của các doanh nghiệp.
Một trong những lý do để điều chỉnh quy định này được giải trình là “thống nhất về định hướng “điểm giới thiệu dịch vụ” không được thực hiện các hoạt động kinh doanh”[2]. Tuy nhiên, mục tiêu này dường như chưa được giải trình rõ ràng:
- Tại sao phải thống nhất định hướng này? Nếu các điểm giao dịch vừa thực hiện hoạt động giới thiệu giao dịch, vừa thực hiện hoạt động kinh doanh thì gây ra tác động gì bất lợi đến mức phải chấm dứt?
- Về mặt nguyên tắc, chức năng “giới thiệu dịch vụ” thông thường là chức năng mà bất kỳ đơn vị nào của doanh nghiệp cũng có thể thực hiện (trụ sở chính, chi nhánh, điểm giao dịch, văn phòng đại diện…); trên thực tế, pháp luật thường chỉ không cho phép các “văn phòng đại diện” thực hiện hoạt động giao dịch. Vậy không rõ tại sao “điểm giao dịch” – nơi giao dịch giữa doanh nghiệp và khách hàng lại không thể thực hiện việc giao dịch kết hợp giới thiệu dịch vụ? Trường hợp doanh nghiệp chỉ có nhu cầu giới thiệu dịch vụ, mà không có nhu cầu giao dịch, thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể thành lập văn phòng đại diện (hoặc “điểm giới thiệu dịch vụ” theo Dự thảo) để thực hiện chức năng này?
- Định hướng này có mâu thuẫn gì với mục tiêu, định hướng xác định tại Bản thuyết minh, theo đó “mạng lưới của tổ chức này cần đảm bảo được mục tiêu là đưa các dịch vụ ngân hàng đến đúng nội tượng ngay tại địa bàn sinh sống và làm ăn của họ” (trang 2) cũng như những tác động có thể có liên quan đến khách hàng – những cá nhận thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, cá nhân đại diện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, doanh nghiệp siêu nhỏ?
Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, khách hàng, cũng như tính chất và hiệu quả của mô hình tổ chức tài chính vi mô, đề nghị Ban soạn thảo giải trình về những đánh giá tác động của việc sửa đổi này, nhất là những vấn đề doanh nghiệp quan ngại ở trên.
b. Về địa điểm mở điểm giới thiệu dịch vụ
Theo quy định tại Dự thảo thì “tổ chức tài chính vi mô phải ký hợp đồng về địa điểm giới thiệu dịch vụ, trong đó nêu trách nhiệm, quyền hạn của các bên liên quan và thời hạn hiệu lực của hợp đồng hoặc có thỏa thuận sử dụng địa điểm” (điểm c khoản 2 Điều 5); “trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày mở, chấm dứt hoạt động điểm giới thiệu dịch vụ, tổ chức tài chính vi mô thông báo bằng văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh (nơi không có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng), Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng nơi tổ chức tài chính vi mô đặt trụ sở chính” (điểm d khoản 2 Điều 5).
Theo quy định thì “điểm giới thiệu dịch vụ” chỉ thực hiện các hoạt động mang tính xúc tiến, quảng bá, hướng dẫn (ví dụnghiên cứu, tìm hiểu, giới thiệu khách hàng; tư vấn, hướng dẫn cho khách hàng về sản phẩm, phương thức triển khai sản phẩm, dịch vụ, hồ sơ…). Đây là những hoạt động hoàn toàn không liên quan đến giao dịch tài chính với khách hàng hay an toàn tài chính của tổ chức tài chính vi mô.
Với tính chất hoạt động như vậy, mức độ rủi ro mà các “điểm gới thiệu dịch vụ” này mang lại hầu như không đáng kể. Vì vậy, việc ràng buộc phải ký kết hợp đồng về địa điểm mở điểm giới thiệu dịch vụ và yêu cầu phải có một số nội dung trong hợp đồng này có lẽ là không thật cần thiết, ít ý nghĩa trong bảo vệ lợi ích công cộng trong khi lại gây phiền hà cho doanh nghiệp (trong bối cảnh các điểm giới thiệu dịch vụ có thể mở, đóng liên tục).
Từ những phân tích trên, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ các quy định trên.
- Về số lượng chi nhánh, phòng giao dịch
Khoản 4 Điều 7 Dự thảo quy định “một chi nhánh không được quản lý quá 03 phòng giao dịch” và Dự thảo không có quy định chuyển tiếp cho quy định này.
Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét quy định trên ở các khía cạnh sau:
- Giải trình lý do: Việc một chi nhánh quản lý nhiều hơn 03 phòng giao dịch có thể dẫn tới những nguy cơ gì, ở mức nào?
- Hệ quả gia tăng chi phí cho doanh nghiệp: Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, việc yêu cầu mỗi chi nhánh chỉ được quản lý 03 phòng giao dịch sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp khi phải thành lập thêm chi nhánh mới để quản lý số phòng giao dịch dư ra (trong trường hợp một chi nhánh hiện tại đang quản lý nhiều hơn 03 phòng giao dịch), hoặc phải sáp nhập các phòng giao dịch để đảm bảo tiêu chí trên. Trường hợp sáp nhập phòng giao dịch sẽ tạo ra khó khăn cho các khách hàng trong vấn đề di chuyển, nhất là những vùng sâu, vùng xa;
- Tính khả thi: Điều 32 Dự thảo không quy định chuyển tiếp cho trường hợp này, có nghĩa ngay tại thời điểm Thông tư có hiệu lực, các tổ chức tài chính vi mô phải thành lập thêm chi nhánh/sáp nhập các phòng giao dịch/giải thể các phòng giao dịch. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp khi phải thực hiện ngay các hoạt động này.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo
- Không áp dụng quy định này nếu không cógiải trình lý do cũng như đánh giá tác động một cách thận trọng đối;
- Trong trường hợp giải trình thuyết phục, chứng minh được việc hạn chế này là cần thiết và hợp lý, đề nghị quy định chuyển tiếp cho quy định trên, đảm bảo thời gian hợp lý để các doanh nghiệp có thể thực hiện.
- Một số góp ý khác:
- Về hồ sơ đề nghị chấp thuận đủ điều kiện thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp (Điều 13):
Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ các nội dung về “nghiên cứu khả thi”, “phương án kinh doanh” trong Đề án thành lập quy định tại khoản 4 Điều 13 vì các nội dung này không thể hiện điều kiện nào tại Điều 10, 11, 12 Dự thảo.
- Về Công bố thông tin về việc thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp (Điều 15):
Đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “văn phòng đại diện ở nước ngoài” tại Điều 15 Dự thảo vì theo quy định tại khoản 1 Điều 3 thì “Mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính vi mô bao gồm chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước”, tức là không có “văn phòng đại diện ở nước ngoài”.
- Về thay đổi địa điểm đặt trụ sở phòng giao dịch (Điều 19):
Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các tài liệu chứng minh quy định tại khoản 1 Điều 19 Dự thảo để đảm bảo tính minh bạch của quy định thay vì quy định chung chung “các tài liệu chứng minh việc tuân thủ các quy định tại khoản 1 Điều này”.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư quy định về mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính vi mô. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Ngoài ra gửi kèm theo đây là các ý kiến của doanh nghiệp gửi đến VCCI, rất mong quý Cơ quan cân nhắc, xem xét để hoàn thiện Dự thảo.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1] Theo thống kê của một doanh nghiệp đang có gần 150.000 khách hàng thực hiện giao dịch tại điểm giao dịch, thì nếu chuyển giao dịch từ điểm giao dịch đến phòng giao dịch/chi nhánh thì khách hàng sẽ phải di chuyển quãng được 10-15km với tần suất 1h/tuần, 4 lần/tháng để thực hiện giao dịch. Như vậy, mỗi tháng khách hàng sẽ phải bỏ ra 600.000 h tương đương với 75.000 ngày công lao động. Nếu tính công lao động trung bình vùng nông thôn là 150.000 đồng/ngày thì số tiền thiệt hại cho khách hàng trong 1 tháng là 11.250 tỷ đồng và tương đương 135 tỷ đồng/năm
[2] Trang 9 Bản thuyết minh gửi kèm Dự thảo