VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN
Kính gửi: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trả lời Công văn số 1328/TTGSNH5 ngày 09/04/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn
Dự thảo đưa ra hai phương án về lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn. Theo đó, phương án 2 có lộ trình dài hơn một năm so với phương án 1.
Đa số ý kiến của các ngân hàng mà VCCI lấy ý kiến đều thống nhất lựa chọn phương án 2, với lộ trình dài hơn để các ngân hàng có phương án điều chỉnh phù hợp. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo lựa chọn phương án 2.
- Tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh
Dự thảo có bổ sung quy định về tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh (gọi tắt là trái phiếu Chính phủ). Bản thuyết minh của cơ quan soạn thảo cho rằng, mục đích của quy định này là “nhằm kiểm soát đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để dành vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và giảm mặt bằng lãi suất”.
Đây là Thông tư quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng. Thông tư này chỉ nên tập trung quy định về những giới hạn để bảo đảm an toàn cho một ngân hàng, từ đó giữ an toàn cho toàn bộ hệ thống, đây là một lợi ích công cộng cần được bảo vệ. Trái phiếu Chính phủ luôn được đánh giá là một loại tài sản rất an toàn, do đó, việc quy định về tỷ lệ tối đa đầu tư trái phiếu Chính phủ dường như không phù hợp với mục đích của Thông tư này.
Thúc đẩy dòng vốn vào sản xuất kinh doanh là yêu cầu quan trọng đối với nền kinh tế. Nhưng để thực hiện mục tiêu này thì nên sử dụng các biện pháp khác và được quy định tại các văn bản khác chứ không nên đưa ra tỷ lệ tối đa được đầu tư trái phiếu Chính phủ như trong dự thảo. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc loại bỏ nội dung về tỷ lệ đầu tư trái phiếu Chính phủ ra khỏi dự thảo Thông tư này.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.