VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2019/TT-NHNN ngày 03 tháng 7 năm 2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 32/2017/TT-BCT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định 113/2017/NĐ-CP
Kính gửi: Bộ Công Thương
Trả lời Công văn số 2357/BCT-HC của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 32/2017/TT-BCT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định 113/2017/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trên cơ sở góp ý của doanh nghiệp, có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Về chế độ báo cáo của tổ chức, cá nhân (khoản 6 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 9 Thông tư 32/2017/TT-BCT)
- Về trường hợp báo cáo đột xuất
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 (sửa đổi, bổ sung) thì tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có trách nhiệm báo cáo đột xuất tình hình hoạt động hóa chất “khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Quy định này là chưa rõ ràng về các trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo và có thể tạo ra nguy cơ tùy nghi áp dụng từ phía cơ quan quản lý, gây khó khăn, phiền phức về thủ tục cho doanh nghiệp.
Ngay quy định tại điểm này đã quy định rõ các trường hợp báo cáo đột xuất (khi có sự cố xảy ra trong hoạt động hóa chất hoặc chấm dứt hoạt động hóa chất), đây là các trường hợp phát sinh, yêu cầu doanh nghiệp báo cáo đột xuất là hợp lý. Vì vậy, để đảm bảo tính rõ ràng và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải báo cáo “khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền”.
- Về Mẫu báo cáo hàng năm
Dự thảo đã thay thế Mẫu 5a tại Phụ lục 5 cho Mẫu 5a Phụ lục 5 Thông tư 32/2017/TT-BCT.
Mẫu 5a yêu cầu “báo cáo các hóa chất là tiền chất công nghiệp, hóa chất Bảng; hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp; hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp và các loại hóa chất nguy hiểm khác”.
Theo quy định hiện hành, trong lĩnh vực hóa chất có các Danh mục: hóa chất Bảng, hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện; hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh; hóa chất cấm sản xuất kinh doanh; hóa chất nguy hiểm phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; hóa chất phải khai báo.
Không rõ “các loại hóa chất nguy hiểm khác” có phải là các loại hóa chất không nằm trong các danh mục trên không? Đề nghị Ban soạn thảo quy định hoặc giải trình rõ về vấn đề này để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện.
- Về thời hạn của Giấy phép
Dự thảo bổ sung thời hạn của Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp là 05 năm. Quy định thời hạn của giấy phép này là phù hợp với quy định tại Luật Hóa chất 2017. Tuy nhiên, vấn đề cần xem xét là: từ thời điểm Luật Hóa chất 2017 có hiệu cho đến nay, giấy phép sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp là không có thời hạn và cũng chưa có thông tin về những khó khăn, bất cập liên quan đến quản lý khi không quy định thời hạn của giấy phép này. Thời hạn của giấy phép có thể không phải là biện pháp quản lý cần thiết đối với một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bởi vì cơ quan cấp phép có thể giám sát hoạt động của doanh nghiệp thông qua các hoạt động kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện có thể bị đình chỉ hoạt động bất kì lúc nào.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc vấn đề bổ sung quy định về thời hạn của giấy phép kinh doanh này. Trong trường hợp vẫn nhất thiết phải quy định về thời hạn của giấy phép, đề nghị kéo dài thời hạn của giấy phép là 10 năm và cho phép doanh nghiệp gia hạn khi hết thời hạn của giấy phép.
- Về các quy định được bãi bỏ tại Dự thảo
Dự thảo bãi bỏ tất cả các quy định liên quan đến thủ tục hành chính. Không rõ, các thủ tục hành chính đã bị bãi bỏ sẽ được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác hay như thế nào? Đề nghị Ban soạn thảo giải trình về vấn đề bãi bỏ các quy định thủ tục hành chính này để đảm bảo tính minh bạch và chặt chẽ của chính sách.
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 32/2017/TT-BCT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định 113/2017/NĐ-CP. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.