VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2019/TT-NHNN ngày 03 tháng 7 năm 2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Thứ Tư 10:47 06-07-2022

Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Trả lời Công văn số 2436/NHNN-TTGSNH ngày 20/04/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc lấy ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2019/TT-NHNN ngày 03 tháng 7 năm 2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có một số ý kiến ban đầu như sau:

Dự thảo sửa đổi Thông tư 07/2019/TT-NHNN theo hướng giảm tỷ lệ dự trữ thanh khoản tối thiểu từ các mức 1% (cho các năm 2021 và 2022), 1,5% (cho các năm 2023 và 2024) và 2% (từ 2025 trở đi) về mức 0,6%. Lý do được đưa ra là nhằm “tạo điều kiện cho VDB thực hiện hiệu quả việc sử dụng vốn, giảm số tiền phải cấp bù từ ngân sách Nhà nước”. Theo báo cáo thường niên đăng tải trên website, lượng tài sản thanh khoản cao của VDB đã giảm trong năm 2021 so với năm 2020, thay vào đó là các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng.

VCCI nhận thấy rất khó có cơ sở để xác định tỷ lệ dự trữ thanh khoản tối thiểu của một ngân hàng phát triển (NHPT) nên là bao nhiêu. Khác với các ngân hàng thương mại, các NHPT không huy động tiền gửi của người dân, không phải đối mặt với nguy cơ bị rút tiền đồng loạt, nên các NHPT không cần duy trì thanh khoản ở mức cao như các NHTM. Việc so sánh VDB với các NHPT tại các quốc gia khác có thể giúp ước đoán được tỷ lệ dự trữ thanh khoản cần thiết cho một NHPT. Ví dụ, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) có tỷ lệ tài sản thanh khoản cao (on demand) trên tổng tài sản ở mức khoảng 1,3% ngày 31/12/2021 và 1,5% ngày 31/12/2020. Mặc dù vậy, phương pháp này chỉ mang tính tham khảo vì mỗi NHPT tại mỗi quốc gia lại có chức năng, nhiệm vụ rất khác nhau, phụ thuộc nhiều vào đặc điểm nền kinh tế và tiến trình phát triển, cũng như công nghiệp hoá của mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, quản lý rủi ro thanh khoản vẫn là một vấn đề được quy định chặt chẽ tại các NHPT với mục đích bảo đảm khả năng trả các khoản nợ đến hạn và thực hiện nghĩa vụ giải ngân theo các cam kết cấp tín dụng đã ký. Nếu một NHPT không bảo đảm thanh khoản sẽ bị giảm điểm tín nhiệm, từ đó khó huy động vốn hoặc phải huy động với lãi suất cao hơn. Sau khi nghiên cứu kinh nghiệm của một số NHPT trên thế giới, VCCI nhận thấy rất nhiều NHPT áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro thanh khoản dựa trên việc theo dõi và dự báo lưu chuyển tiền tệ (cash flows), các kịch bản kiểm tra căng thẳng (stress test), và kế hoạch cho tình huống khẩn cấp… Điều 3.2 của Thông tư 07/2019/TT-NHNN đã yêu cầu VDB phải có quy định nội bộ về quản lý thanh khoản. Tuy nhiên, không rõ VDB có đáp ứng được thông lệ quốc tế về quản lý rủi ro thanh khoản hay không.

Với cách tiếp cận trên, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định về tỷ lệ thanh khoản tối thiểu của VDB như sau:

  • Nếu các quy định về quản lý rủi ro thanh khoản của VDB đủ mạnh theo thông lệ quốc tế (bao gồm khả năng dự báo lưu chuyển tiền tệ, kịch bản kiểm tra căng thẳng và kế hoạch cho tình huống khẩn cấp…) thì có thể giảm tỷ lệ dự trữ thanh khoản tối thiểu theo đề xuất tại Dự thảo. 
  • Nếu VDB không có các quy định về quản lý rủi ro thanh khoản đủ mạnh theo thông lệ quốc tế thì nên cân nhắc lại việc giảm tỷ lệ dự trữ thanh khoản tối thiểu, đồng thời sửa đổi Điều 3.2 của Dự thảo để yêu cầu VDB làm tốt hơn quy chế nội bộ về quản lý rủi ro thanh khoản. 

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2019/TT-NHNN ngày 03 tháng 7 năm 2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.

Các văn bản liên quan