VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 12/2015/TT-BTC về đại lý hải quan

Thứ Tư 09:59 28-11-2018

Kính gửi: Tổng cục Hải quan

Trả lời Công văn số 6202/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 12/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính quy định chi tiết thủ tục cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan; cấp và thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan; trình tự, thủ tục công nhận và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Về sửa đổi, bổ sung quy định “Thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan” (khoản 1 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 3 Thông tư 12)
  2. Về trường hợp miễn thi (sửa đổi khoản 7 Điều 3 Thông tư 12)

Dự thảo đã sửa đổi quy định về các trường hợp miễn thi theo hướng:

  • Bỏ các đối tượng được miễn thi quy định tại khoản 7 Điều 3 Thông tư 12: những người tốt nghiệp chuyên ngành hải quan, kinh tế ngoại thương, thương mại thuộc trường đại học, cao đẳng; giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng có thời gian công tác liên tục từ 05 năm trở lên, sau khi thôi làm giảng viên mà đăng ký dự thi cấp Chứng chỉ trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có quyết định chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc nghỉ việc
  • Thay thế bằng đối tượng là “công chức làm việc trong ngành hải quan giữ ngạch kiểm tra viên chính, kiểm tra viên cao cấp sau khi không làm việc (không bao gồm trường hợp bị kỷ luật buộc thôi việc) được miễn thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có quyết định chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc nghỉ việc”.

Quy định tại Dự thảo cần được xem xét ở các điểm sau:

  • Việc thay đổi các đối tượng được miễn thi sẽ tác động khá lớn đối với các đối tượng này khi muốn được cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan, đồng thời gia tăng về thủ tục hành chính khi những đối tượng trước đây được miễn thi, nay phải thực hiện thi mới được cấp chứng chỉ hành nghề;
  • Những lý do để bỏ các đối tượng được miễn thi theo quy định tại Thông tư 12 dường như chưa thực sự thuyết phục, bởi:
  • Sự bất bình đẳng giữa các đối tượng được miễn thi: Ban soạn thảo cho rằng, việc giới hạn các chuyên ngành kinh tế ngoại thương, thương mại, hải quan gặp vướng mắc, vì “có nhiều trường hợp thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp các chuyên ngành khác như kinh tế đối ngoại, kinh tế quốc tế … của các trường đại học ngoại thương, trường kinh tế quốc dân lại không được miễn thi … trong khi các ngành học nêu trên có các môn học và số lượng đơn vị học trình tương đương với chuyên ngành kinh tế ngoại thương hoặc thương mại quốc tế”.

Sự bất bình đẳng còn thể hiện ở thí sinh đăng ký đã tốt nghiệp các chuyên ngành kinh tế ngoại thương, thương mại quốc tế, chuyên ngành hải quan thì không bị giới hạn về số năm đã tốt nghiệp, trong khi giảng viên các trường đại học thì lại bị giới hạn về 03 năm kể từ ngày không làm giảng viên nữa.

Vướng mắc trên có thể được giải quyết bằng cách: không đặt ra giới hạn về thời gian giảng viên thôi không giảng dạy khi chuyển sang ngành, nghề khác và mở rộng chuyên ngành được miễn thi thay vì chỉ giới hạn trong 03 ngành như quy định tại Thông tư 12. Đây là phương án mà Dự thảo vẫn chưa tính đến và đánh giá.

  • Phát sinh thêm thủ tục khi phải xác minh trường hợp thi sinh đăng ký dự thi không thuộc đối tượng được miễn thi 01 đến 02 môn thi không bị kỷ luật buộc thôi việc, trong trường hợp thí sinh từng là giảng viên trường đại học, cao đẳng.

Đúng là yêu cầu này sẽ làm phát sinh thêm thủ tục xác minh, tuy nhiên cần đánh giá xem giữa thủ tục xác minh này với thủ tục thi tuyển cho đối tượng đáng lẽ ra được miễn thi, thì thủ tục nào phức tạp và tốn thời gian hơn. Trong trường hợp được miễn thi, thí sinh sẵn sàng cung cấp tài liệu chứng minh mình không thuộc trường hợp bị kỷ luật thôi việc và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính trung thực của tài liệu này. Cơ quan nhà nước sẽ không phải tự mình đi xác minh và kiểm soát thông qua hậu kiểm.

  • Không có đánh giá, tổng kết nào liên quan đến trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của những đối tượng được miễn thi trong thời gian qua. Điều này chứng tỏ, những đối tượng được miễn thi và có Chứng chỉ đủ khả năng để làm việc. Do đó, xác định các đối tượng này thuộc trường hợp miễn thi cũng không ảnh hưởng tới các mục tiêu quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này.

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo:

  • Giữ nguyên hai đối tượng được miễn thi theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Thông tư 12, trong đó có điều chỉnh về các chuyên ngành được miễn thi và bỏ giới hạn về thời gian 03 năm kể từ ngày chuyển công tác, nghỉ hưu, thôi việc của đối tượng là giảng viên
  • Bổ sung thêm đối tượng mới được miễn thi như đề xuất của Dự thảo.
  1. Về bảo lưu kết quả thi (bãi bỏ quy định tại điểm c khoản 9 Điều 3)

Dự thảo đã bỏ quy định về bảo lưu kết quả thi “trường hợp trong các môn thi có môn không đạt yêu cầu theo quy định tại điểm a khoản này thì môn thi đạt yêu cầu được bảo lưu kết quả đến các kỳ thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan tiếp theo nhưng không quá 01 năm kể từ ngày ghi trên Giấy chứng nhận điểm thi”.

Vướng mắc được chỉ ra đối với quy định này là “việc bảo lưu kết quả gây khó khăn trong việc tiếp nhận, tra cứu và lưu giữ hồ sơ đối với thí sinh đăng ký dự thi”. Đây là vướng mắc có thể khắc phục được từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Để đảm bảo tạo thuận lợi cho các đối tượng thi, giảm thiểu các chi phí thực hiện thủ tục hành chính, các cơ quan quản lý cần tìm ra phương pháp lưu trữ, quản lý thông tin phù hợp thay vì yêu cầu thí sinh phải thi lại những môn mình đã đạt yêu cầu.

Như vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại việc bỏ quy định về bảo lưu kết quả thi, có nghĩa là đề nghị giữ lại quy định như hiện hành.

  1. Về sửa đổi, bổ sung quy định cấp Chứng chỉ nghiệp vụ hải quan (khoản 2 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 4 Thông tư 12)

Dự thảo đã có sửa đổi, bổ sung về thời hạn cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan, cụ thể:

  • Quy định tại Thông tư 12: thời gian cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan là trong thời hạn 10 ngày (đối với trường hợp người dự thi không có đơn phúc khảo) hoặc 30 ngày (đối với trường hợp người dự thi có đơn phúc khảo) kể từ ngày hết thời hạn nhận đơn phúc khảo;
  • Quy định tại Dự thảo: quy định một thời gian chung trong việc cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan cho các thí sinh có 03 môn thi đạt yêu cầu, theo đó “trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có kết quả thi chính thức, Hội đồng thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan”.

Quy định tại Dự thảo là chưa rõ ở điểm: Không rõ ngày nào được xem là “ngày có kết quả thi chính thức”: ngày thông báo công khai kết quả thi trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ thi hay là ngày thông báo kết quả thi phúc khảo?

Giải trình của Ban soạn thảo,  theo quy định tại Dự thảo thời gian cấp chứng chỉ cho các thí sinh có 03 môn thi đạt yêu cầu không cần phúc khảo kéo dài thêm 05 ngày nhưng cũng rút ngắn thời gian cấp chứng chỉ cho các thí sinh đạt yêu cầu sau phúc khảo là 15 ngày[1]. Như vậy, có thể hiểu ngày có kết quả thi chính thức là ngày thông báo công khai kết quả thi trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ thi. Tuy nhiên, quy định tại Dự thảo lại không quy định rõ để có thể thống nhất theo cách hiểu này. Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi lại quy định để đảm bảo tính minh bạch.

  1. Về sửa đổi quy định về tạm dừng, chấm dứt hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan (khoản 5 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 7 Thông tư 12)

Dự thảo đã sửa đổi quy định về tạm dừng hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan theo hướng, Tổng cục Hải quan sẽ chủ động quyết định tạm dừng hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan hoạt động không đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Hải quan hoặc không hoạt động đúng tên và địa chỉ đã đăng ký với cơ quan hải quan thay vì chờ cục Hải quan báo cáo. Lý do để điều chỉnh là vì Tổng cục Hải quan có thể có đầy đủ thông tin để kịp thời phát hiện các trường hợp không duy trì được đủ điều kiện hoạt động và thực tế, việc chờ báo cáo từ các cục hải quan khiến cho Tổng cục Hải quan bị bị động.

Điều chỉnh quy định trên là hợp lý, tuy nhiên cũng liên quan đến việc tạm dừng hoạt động, thủ tục đại lý làm thủ tục hải quan có được xác nhận để được tiếp tục hoạt động lại vẫn giữ quy định: Cục Hải quan kiểm tra xác minh đáp ứng điều kiện thì báo cáo Tổng cục Hải quan có văn bản xác nhận, tức là Tổng cục Hải quan vẫn phải chờ báo cáo của Cục Hải quan.

Theo giải trình ở trên thì Tổng cục Hải quan đủ cơ sở dữ liệu thông tin để nhận biết đại lý làm thủ tục hải quan có đáp ứng điều kiện hay không, vi phạm về điều kiện hay không, như vậy thì cơ quan này cũng sẽ có đủ thông tin để biết đại lý có khắc phục được việc vi phạm phạm điều kiện hay không (ví dụ: vi phạm điều kiện về nhân viên, có thể kiểm tra thông qua hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp và các doanh nghiệp khác).

Mặt khác, quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 (được sửa đổi) cũng chưa rõ ràng về thủ tục được tiếp tục hoạt động, ít nhất ở các điểm: trong khoảng thời gian bao lâu kể từ thời điểm nhận được công văn nhận đề nghị tiếp tục hoạt động của đại lý, Cục Hải quan sẽ kiểm tra, xác minh đáp ứng đủ điều kiện; sau khi xác minh thì thời hạn bao lâu sẽ gửi báo cáo cho Tổng cục Hải quan; trong khoảng bao lâu kể từ ngày nhận được báo cáo của Cục Hải quan, Tổng cục Hải quan sẽ có văn bản xác nhận để đại lý làm thủ tục hải quan được tiếp tục hoạt động? Việc thiếu rõ ràng trong trình tự, thủ tục này sẽ khiến cho doanh nghiệp không nhận biết được thời điểm mình được quay trở lại hoạt động sau thời gian bị tạm dừng.

Để đảm bảo tính hợp lý và minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo:

  • Điều chỉnh quy định về thủ tục quay trở lại hoạt động của đại lý hải quan theo hướng Tổng cục Hải quan sẽ xem xét quyết định thay vì chờ báo cáo của Cục Hải quan, đồng thời quy định rõ về trình tự, thủ tục này;
  • Trong trường hợp giải trình hợp lý về việc vẫn giữ quy trình như Dự thảo (tức là phải chờ báo cáo từ Cục Hải quan), đề nghị quy định rõ về trình tự, thủ tục này, nhất là những vấn đề được nêu ở trên.
  1. Về sửa đổi thủ tục cấp và gia hạn mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan (khoản 6 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 9 Thông tư 12)

Dự thảo có một số điều chỉnh đối với quy định cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan về hồ sơ và thời hạn của mã số nhân viên, theo đó:

  • Hồ sơ: phải cung cấp thêm “Hợp đồng lao động”
  • Thời hạn: theo quy định hiện hành là 03 năm, Dự thảo điều chỉnh lại là “không quá 03 năm kể từ ngày cấp”. Như vậy, thời hạn có giá trị của mã nhân viên sẽ ít hơn hiện hành

Lý do để điều chỉnh[2] là vì:

  • Chứng minh thư nhân dân của người được cấp còn thời hạn sử dụng không đủ 03 năm kể từ ngày cơ quan hải quan nhận hồ sơ
  • Hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp và nhân viên đề nghị cấp mã số không đủ thời hạn 03 năm kể từ ngày cơ quan hải quan nhận hồ sơ khi đi kiểm tra thực tế

Những lý do trên chưa đủ sức thuyết phục để điều chỉnh quy định trên, bởi vì:

Mã số nhân viên gắn liền với mỗi nhân viên đại lý hải quan ở mỗi doanh nghiệp làm đại lý hải quan. Khi nhân viên này không còn làm việc tại doanh nghiệp nữa thì mã số này sẽ bị thu hồi và cơ quan quản lý nhà nước có thể kiểm soát được việc này (thông qua cơ sở dữ liệu thông tin nếu doanh nghiệp khác đăng ký cho nhân viên này hoặc doanh nghiệp là đại lý làm thủ tục hải quan sẽ chủ động đề nghị thu hồi mã số nhân viên nếu nhân viên này không còn làm việc). Vì vậy, không cần thiết phải xem xét thời hạn hợp đồng lao động giữa nhân viên và doanh nghiệp.

Hơn nữa, thực tế, doanh nghiệp có thể ký hợp đồng lao động với nhiều loại thời hạn khác nhau, tùy thuộc vào chính sách cũng như nhu cầu của mình. Họ có thể gia hạn hợp đồng lao động. Nếu giá trị thời hạn của mã số nhân viên tương ứng với thời hạn của hợp đồng lao động (nhưng không quá 03 năm) thì sẽ khiến doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục để gia hạn mã số nhân viên, tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính.

Yêu cầu thêm giấy tờ trong hồ sơ cũng như rút ngắn thời hạn về giá trị của mã số nhân viên sẽ gia tăng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đây là vấn đề chưa được phản ánh và đánh giá tác động trong Tờ trình, do đó đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc giữ nguyên quy định về thủ tục cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan như quy định hiện hành.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 12/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính quy định chi tiết thủ tục cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan; cấp và thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan; trình tự, thủ tục công nhận và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.

[1] Trang 13 Tờ trình

[2] Trang 17 Tờ trình