VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi

Thứ Hai 15:31 10-10-2022

Kính gửi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trả lời Công văn số 5638/BNN-CN ngày 25/8/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

Dấu hợp quy trên nhãn hàng hoá

Điều 1.2 Dự thảo (bổ sung Điều 4.5 Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT) quy định bắt buộc thể hiện dấu hợp quy trên bao bì thức ăn chăn nuôi. Quy định này cần được xem xét ở các điểm sau:

  • Chưa phù hợp với quy định về ghi nhãn hàng hoá: Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn, nhưng không có nội dung về dấu hợp quy. Điều 18 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về việc thể hiện dấu hợp quy, theo đó có thể hiểu đây chỉ là một nội dung tự nguyện ghi trên nhãn hàng hoá;
  • Việc thể hiện dấu hợp quy là quyền (có thể thực hiện hoặc không), không phải là nghĩa vụ của doanh nghiệp: Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn 2006 cũng chỉ quy định việc thể hiện dấu hợp quy trên nhãn sản phẩm, hàng hoá là một quyền của doanh nghiệp, không phải là nghĩa vụ (Điều 49);
  • Không rõ về sự cần thiết: Chứng nhận hợp quy là yêu cầu bắt buộc với một số sản phẩm thức ăn chăn nuôi trước khi ra thị trường, bao gồm thủ tục chứng nhận hợp quy (tự thực hiện hoặc sử dụng dịch vụ chứng nhận) và công bố hợp quy (thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước). Khi đó, việc bắt buộc thể hiện dấu hợp quy trên nhãn không có tác dụng đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như tăng khả năng lựa chọn cho người tiêu dung;
  • Có thể gây tốn kém chi phí tương đối lớn cho các doanh nghiệp khi phải thay thế toàn bộ số lượng nhãn mác cũ đã in sẵn (nếu chưa có dấu hợp quy) để thay bằng nhãn mác mới.

Từ những phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.