VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý ngoại hối

Thứ Năm 09:09 15-12-2022

Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Trả lời Công văn số 7966/NHNN-QLNH của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý ngoại hối (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2014/TT-NHNN

Thẩm quyền chấp thuận hoạt động ngoại hối

Khoản 1 Điều 1 Dự thảo bổ sung Điều 4a vào Thông tư 21/2014/TT-NHNN phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đối với thủ tục chấp thuận ngoại hối theo hướng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền chấp thuận hoạt động ngoại hối cho chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trụ sở đặt tại địa bàn tỉnh, thành phố, trừ các chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Sửa đổi này là phù hợp với Phụ lục XIX Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch trong quy định, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung dẫn chiếu quy định xác định các chi nhánh ngân hàng nước ngoài là đối tượng thanh tra, giám sát an toàn vi mô của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, để xác định chính xác đối tượng phải thực hiện thủ tục tại các cơ quan có thẩm quyền.

  1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại tại khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia

Điều 2 Dự thảo đã sửa đổi khoản 1 Điều 8 Quyết định số 17/2004/QĐ-NHNN ngày 05/01/2004 theo hướng phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính từ Ngân hàng Nhà nước về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố đối với các hợp đồng có giá trị từ 500.000 USD trở lên là phù hợp với Phụ lục XIX Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và phù hợp với tinh thần cải cách thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo bỏ yêu cầu phải cung cấp “Bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) có đăng ký mã số doanh nghiệp xuất nhập khẩu (đối với doanh nghiệp xin cấp giấy phép lần đầu), trong trường hợp người nộp hồ sơ nộp bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu, người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính”. Bởi vì, các thông tin này có thể tra cứu trên hệ thống dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 47/2020/NĐ-CP cơ quan nhà nước không được “yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin, dữ liệu trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính nếu dữ liệu này đã được cơ quan nhà nước khác cung cấp, sẵn sàng cung cấp thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu”.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý ngoại hối. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.