VCCI_Góp ý Dự án Luật sửa đổi một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ
Kính gửi: Bộ Giao thông vận tải
Trả lời Công văn số 10709/BGTVT-VT của Bộ Giao thông vận tải về việc lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến ban đầu như sau:
Tốc độ tối đa khi tham gia giao thông
Dự thảo vẫn giữ nguyên cách tiếp cận hiện hành là xác định tốc độ tối đa dựa trên tính chất của đoạn đường. Theo đó, tốc độ tối đa được xác định dựa trên việc đoạn đường đó ở trong hay ngoài khu vực đông dân cư, đường đôi hay đường hai chiều, có một hai hai làn xe cơ giới trở lên, có phải đường cao tốc hay không (từ Điều 6 đến Điều 9 của Dự thảo). Việc đặt biển báo hạn chế tốc độ (Điều 10) sẽ chỉ được áp dụng trong một số trường hợp đặc thù như áp dụng riêng cho một khoảng thời gian, một loại phương tiện, hay trường hợp khác với các mức đã quy định từ Điều 6 đến Điều 9.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp vận tải, cách tiếp cận này gây bối rối cho người lái xe. Thay vì chỉ cần theo dõi biển báo hạn chế tốc độ (màu đỏ trắng, dễ nhìn), người lái buộc phải theo dõi thêm biển báo khu đông dân cư (màu xanh trắng, khó nhận biết hơn), và theo dõi xem đó là đường một chiều, hay hai chiều, có mấy làn xe. Thêm vào đó, người lái xe buộc phải học thuộc lòng các mức tốc độ tối đa được quy định trong Thông tư này, và phải chú ý theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng khi mức tốc độ tối đa trong Thông tư này được sửa đổi. Trong các hoàn cảnh lái xe đường dài, việc theo dõi và ghi nhớ quá nhiều thông tin như vậy, cùng với nỗi lo bị xử phạt khi nhầm lẫn, đã gây căng thẳng, mệt mỏi cho người lái xe. Điều này làm giảm năng suất lao động và tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo thay đổi cách tiếp cận về việc áp dụng tốc độ tối đa. Theo đó, thay vì chỉ đặt biển báo trong các trường hợp đặc thù như quy định tại Điều 10 của Dự thảo, cần coi việc đặt biển báo là bắt buộc đối với tất cả các tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ. Như vậy, các lái xe trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ chỉ cần chú ý quan sát biển báo tốc độ là có thể yên tâm giảm nguy cơ vô ý vi phạm. Việc đặt biển báo tốc độ trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ cần có thời gian và nguồn lực. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định lộ trình phù hợp để thực hiện việc này. Quy định về tốc độ tối đa trong Thông tư này chỉ áp dụng cho các tuyến đường khác (đường huyện, đường xã, đường đô thị) và trong thời gian chuyển tiếp theo lộ trình chưa kịp đặt biển báo trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.