VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện
Kính gửi: Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp – Bộ Công Thương
Trả lời Công văn số 1560/BCT-ATMT ngày 11/03/2019 của Bộ Công thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
- Căn cứ pháp lý để ban hành văn bản
Thông tư này dự kiến sẽ được ban hành nhằm quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định 114/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, qua rà soát, Nghị định 114 không có điều khoản nào giao cho Bộ Công Thương quy định chi tiết các nội dung của Nghị định này. Điều 11.1 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao và không được quy định lặp lại nội dung của văn bản được quy định chi tiết.” Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ hơn về căn cứ pháp lý để ban hành Thông tư này.
Các ý kiến dưới đây không ảnh hưởng đến góp ý trên về căn cứ pháp lý để ban hành Thông tư này.
- Rà soát, hiệu chỉnh, thẩm định, phê duyệt lại Phương án bảo vệ đập, hồ chứa
Điều 8.4 của Dự thảo quy định về việc các chủ sở hữu hồ chứa thuỷ điện phải rà soát Phương án bảo vệ đập, hồ chứa định kỳ không quá 5 năm và phải hiệu chỉnh, đề nghị thẩm định, phê duyệt lại. Quy định này vượt quá yêu cầu của Nghị định 114 và đặt ra thủ tục hành chính mới để thẩm định, phê duyệt lại Phương án bảo vệ đập, hồ chứa.
Điều 14.4 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã nghiêm cấm việc quy định thủ tục hành chính trong thông tư, trừ trường hợp được giao trong luật. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ Điều 8.4 của Dự thảo.
- Lắp đặt hệ thống cảnh báo vùng hạ du
Điều 10 của Dự thảo quy định về việc lắp đặt hệ thống cảnh báo vận hành phát điện, vận hành xả lũ tại vùng hạ du. Theo đó, chủ sở hữu đập, hồ chứa phải thống nhất với cơ quan nhà nước về việc lắp đặt hệ thống cảnh báo này.
Tuy nhiên, theo quy định của Điều 11.2.d của Nghị định 114 thì cảnh báo vận hành phát điện, vận hành xả lũ là một nội dung của Quy trình vận hành hồ chứa nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, yêu cầu tại Điều 10 của Dự thảo là trùng lặp, không cần thiết. Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này, toàn bộ việc lắp đặt hệ thống cảnh báo sẽ được thực hiện theo Quy trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt.
- Báo cáo công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện gửi Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện Bộ Công Thương
Điều 13.2 của Dự thảo quy định Chủ sở hữu đập, hồ chứa phải lập báo cáo công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện gửi Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện của Bộ Công Thương. Phụ lục VI của Dự thảo quy định rõ về mẫu báo cáo này.
Theo Điều 17 của Nghị định 114, Hội đồng tư vấn, đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước có trách nhiệm kiểm tra và đánh giá an toàn đập, hồ chứa trước mùa mưa hàng năm. Điều 16.3 của Nghị định 114 đã quy định nghĩa vụ báo cáo định kỳ trước mùa mưa hàng năm về hiện trạng an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện cho Sở Công Thương. Do đó, việc yêu cầu thêm một nghĩa vụ báo cáo nữa là không cần thiết. Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ Điều 13.2 và Phụ lục VI của Dự thảo.
- Kiểm định an toàn đập
Điều 14.3 của dự thảo quy định về ý kiến của tổ chức kiểm định đập. Lời văn của điều khoản này dẫn đến cách hiểu rằng chủ sở hữu đập phải thuê một tổ chức độc lập để thực hiện việc kiểm định. Tuy nhiên, các quy định về kiểm định an toàn đập tại Điều 2.11, Điều 18 và Điều 19 của Nghị định 114 không yêu cầu chủ sở hữu đập phải thuê một đơn vị kiểm định độc lập. Theo đó, chủ sở hữu đập chỉ cần lập đề cương kiểm định, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, sau đó thực hiện việc kiểm định rồi báo cáo kết quả kiểm định cho cơ quan nhà nước. Thậm chí, Điều 18.7 của Nghị định 114 quy định rõ: “Chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện có trách nhiệm tổ chức kiểm định”. Như vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh sửa Điều 14 của dự thảo phù hợp với Nghị định 114.
- Báo cáo định kỳ công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện
Điều 17 của Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo với Sở Công Thương trước ngày 15 tháng 1 năm sau. Điều 16 của Nghị định 114 đã yêu cầu nghĩa vụ báo cáo của doanh nghiệp đình kỳ hàng năm trước mùa mưa vào ngày 15/04 đối với khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; và ngày 15/08 đối với khu vực Nam Trung Bộ. Đề nghị cơ quan soạn thảo hợp nhất hai loại báo cáo này để giảm chi phí tuân thủ không cần thiết cho doanh nghiệp.
- Đăng ký an toàn đập
Điều 18.1.b của Dự thảo quy định theo hướng: đối với các đập, hồ chứa đã đăng ký an toàn theo Thông tư 34/2010/TT-BCT thì phải đăng ký an toàn lại theo Nghị định 114. Tuy nhiên, tại Điều 10.1 của Nghị định 114 chỉ quy định 3 trường hợp phải thực hiện đăng ký an toàn đập, trong đó không có trường hợp các đập, hồ chứa đã đăng ký an toàn theo Thông tư 34 mà không có điều chỉnh quy mô, mục đích sử dụng, chủ sở hữu, chủ quản lý, tổ chức, cá nhân khai thác. Như vậy, Điều 18.1.b của Dự thảo đã mở rộng phạm vi đối tượng phải đăng ký so với Nghị định 114. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định tại Điều 18.1.b.
- Nội dung các Phụ lục
Một số nội dung trong các Phụ lục hiện đang vượt quá yêu cầu của Nghị định 114, cụ thể như sau:
- Phụ lục I quy định về Phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập, hồ chứa thuỷ điện đang có một số nội dung tại mục 3 vượt quá yêu cầu tại Điều 6 Nghị định 114 về nội dung Phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập trong quá trình thi công. Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát và điều chỉnh Phụ lục I bám sát vào Điều 6 của Nghị định 114.
- Phụ lục II quy định về Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa thuỷ điện hiện đang có một số nội dung tại mục 3 vượt quá yêu cầu tại Điều 25.3 của Nghị định 114 về nội dung Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp. Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát và điều chỉnh Phụ lục II bám sát vào Điều 25.3 của Nghị định 114.
- Phụ lục III quy định về Phương án bảo vệ đập, hồ chứa thuỷ điện đang có một số nội dung tại mục 3 vượt quá yêu cầu tại Điều 23.2 của Nghị định 114 về nội dung Phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước. Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát và điều chỉnh Phụ lục III bám sát vào Điều 23.2 của Nghị định 114.
- Phụ lục IV quy định về Báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện hiện có một số nội dung tại Mục III và IV vượt quá yêu cầu tại Điều 16.2 của Nghị định 114. Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát và điều chỉnh Phụ lục IV, bám sát vào Điều 16.2 của Nghị định 114.
- Đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ Phụ lục VI về báo cáo công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện theo góp ý tại Mục 4 của Công văn này.
Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ Phụ lục VIII về báo cáo công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện hoặc nhập vào Phụ lục IV về Báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện theo góp ý tại Mục 6 của Công văn này.
- Xác định vùng hạ du đập bị ảnh hưởng ngập lụt
Điều 27.3.a của Nghị định 114 yêu cầu các chủ sở hữu đập phải xây dựng và phê duyệt bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập bị ảnh hưởng ngập lụt của một đập. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể hơn về việc xây dựng bản đồ này, đặc biệt là về vấn đề phạm vi vùng bị ảnh hưởng. Theo ý kiến của một số doanh nghiệp, cần có quy định cụ thể về giới hạn phạm vi lập bản đồ, cụ thể như sau:
- Từ sau đập, hồ chứa cho đến vị trí của tuyến thoát lũ phía hạ lưu có lưu vực lớn gấp 03 đến 05 lần lưu vực hồ chứa.
- Hoặc từ sau đập, hồ chứa nước đến công trình đập, hồ chứa nước nằm trên tuyến tuyến thoát lũ phía hạ lưu liền kề.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.