VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại
Kính gửi: Bộ Công Thương
Trả lời Công văn số 2661/BCT-TTTN ngày 17/05/2022 của Bộ Công Thương về việc lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham vấn ý kiến các doanh nghiệp và chuyên gia, có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Cơ sở pháp lý của việc ban hành văn bản
Dự thảo đưa ra 10 luật và 2 Nghị định làm căn cứ ban hành. Tuy nhiên, sau khi rà soát các văn bản trên, VCCI chưa tìm thấy cơ sở pháp lý nào liên quan đến việc Quốc hội hoặc Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương ban hành Thông tư này. Do hồ sơ gửi lấy ý kiến không có dự thảo tờ trình nên không rõ cơ sở pháp lý của việc ban hành văn bản cụ thể như thế nào. Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ cơ sở pháp lý của việc ban hành văn bản này. Trong trường hợp không có cơ sở pháp lý trực tiếp thì đề nghị cơ quan soạn thảo không ban hành Thông tư này.
- Sự cần thiết của chính sách
Chính sách chính của Thông tư này là yêu cầu các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi phải tự phân loại theo tiêu chí trong Thông tư và sẽ bị xử phạt nếu phân loại không chính xác. Thông thường, đối với các loại sản phẩm, dịch vụ khác, việc phân loại, gọi tên các hình thức kinh doanh sẽ do doanh nghiệp tự xác định nhằm quảng bá và giúp người tiêu dùng nhận biết. Nhà nước chỉ nên can thiệp khi người bán lợi dụng sự nhập nhèm gọi tên để gây nhầm lẫn cho người mua, từ đó giúp bán được sản phẩm hoặc tăng giá của sản phẩm. Ví dụ, pháp luật cần đặt tiêu chí phân loại và xử phạt rất nặng khi phân loại sai thực phẩm chức năng và thuốc. Điều này là cần thiết vì có trường hợp người bán thực phẩm chức năng cố tình nhập nhèm khiến người mua tưởng nhầm là thuốc.
Đối với các loại hạ tầng thương mại, trên thị trường hiện không thấy biểu hiện nào tương tự như vậy. Việc một cửa hàng tạp hoá nhỏ treo biển “siêu thị” cũng không vì thế mà giúp bán thêm được hàng hoặc bán giá cao hơn. Người tiêu dùng hoàn toàn không hề bị lừa hay hiểu nhầm trong trường hợp này. Do đó, việc Nhà nước yêu cầu phải gọi tên cho đúng theo chúng tôi là không cần thiết.
Trong trường hợp việc phân loại chỉ nhằm mục đích thống kê của Nhà nước thì không cần thiết phải có quy định xử phạt khi doanh nghiệp gọi tên không đúng. Hơn nữa, nếu vì lý do này thì không cần thiết ban hành văn bản dưới dạng Thông tư, mà chỉ cần hình thức Công văn hướng dẫn là đủ.
Với những lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ hơn về tính cần thiết của việc ban hành văn bản này và chưa cần ban hành văn bản này khi chưa rõ sự cấp thiết.
Lưu ý, các góp ý chi tiết về nội dung dưới đây không ảnh hưởng đến góp ý về cơ sở pháp lý và sự cần thiết của chính sách trên.
- Một số quy định bất hợp lý, can thiệp vào quyền tự do kinh doanh
Dự thảo có nhiều quy định bất hợp lý can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và làm gia tăng chi phí kinh doanh không cần thiết. Các chi phí này sẽ làm tăng giá cả hàng hoá và làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp thấy những nội dung này là cần thiết để phục vụ khách hàng tốt hơn và có thêm doanh thu, doanh nghiệp sẽ chủ động thực hiện mà không cần có quy định của Nhà nước. Cụ thể như sau:
- Dự thảo yêu cầu tất cả các siêu thị, siêu thị mini, trung tâm thương mại, cửa hàng outlet, trung tâm outlet đều phải có nơi trông giữ xe, chỗ để xe hoặc bãi đỗ xe cho khách hàng. Điều này sẽ làm tăng chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và làm giảm sự linh hoạt của các mô hình kinh doanh. Việc các cửa hàng có chỗ đỗ xe sẽ giúp tăng sự thuận tiện cho khách hàng, họ có thêm doanh thu và ngược lại, cửa hàng nào không có chỗ đỗ xe sẽ bị mất khách. Do đó, thị trường sẽ tự điều tiết việc này mà không cần có sự can thiệp của Nhà nước. Nếu Nhà nước lo ngại việc các cửa hàng không có chỗ đỗ xe khiến phương tiện để ra lòng đường gây cản trở giao thông thì chỉ cần xử phạt nghiêm túc hành vi đỗ xe không đúng nơi quy định là đủ. Hơn nữa, hiện nay, một số đô thị đang có kế hoạch hạn chế tiến tới cấm xe cá nhân mà chuyển sang giao thông công cộng. Việc yêu cầu có chỗ đỗ xe vô hình chung đi ngược lại chủ trương trên.
- Dự thảo yêu cầu siêu thị hạng I và II phải có dịch vụ ăn uống, giải trí; trung tâm thương mại phải có khu vực dành cho hoạt động vui chơi giải trí, cho thuê văn phòng, khu vực dành cho hoạt động tài chính, ngân hàng. Các quy định này cũng can thiệp quá mức vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Việc bố trí không gian kinh doanh phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng và khả năng cung cấp của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ tự điều chỉnh theo diễn biến của thị trường mà không cần Nhà nước can thiệp.
- Dự thảo yêu cầu các siêu thị hạng I và hạng II phải có nơi bảo quản hành lý cá nhân. Quy định này cũng không cần thiết. Hiện nay, các siêu thị thường có nơi gửi đồ để ngăn không cho khách hàng mang túi vào siêu thị, dễ nảy sinh trộm cắp. Tuy nhiên, không ít siêu thị hiện nay cho phép khách hàng mang túi vào và chống trộm cắp bằng hệ thống camera và ý thức tự giác. Thậm chí có siêu thị chấp nhận một tỷ lệ mất hàng nhất định đổi lại sự nhanh chóng cho khách hàng không phải gửi đồ. Do đó, yêu cầu này là không cần thiết.
- Dự thảo yêu cầu các cửa hàng tiện lợi buộc phải chủ yếu bán theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân. Hiện nay, có một số cửa hàng tiện lợi chủ động bố trí nhân viên lấy hàng cho khách và thanh toán ngay khi đưa hàng. Theo quy định này, nếu một cửa hàng tiện lợi coi đây là phương thức bán hàng và thanh toán chủ yếu thì sẽ bị xử phạt.
Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ tất cả các yêu cầu trên.
- Một số quy định không minh bạch
Dự thảo đưa ra nhiều các quy định thiếu tính minh bạch. Các quy định này có thể dẫn đến các cách hiểu khác nhau giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Điều này gây rủi ro rất lớn cho người kinh doanh khi cơ quan nhà nước diễn giải tuỳ tiện để xử phạt hoặc đe doạ xử phạt doanh nghiệp nhằm vòi vĩnh chi phí không chính thức. Cụ thể:
- Có vị trí thuận lợi cho việc tiếp cận, mua bán hàng hoá: không rõ cơ sở nào để xác định tính thuận lợi của vị trí của siêu thị, cửa hàng?
- Công trình kiến trúc vững chắc, có thiết kế và trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại: không rõ cơ sở nào để xác định tính vững chắc của công trình, tính tiên tiến, hiện đại của thiết kế và trang thiết bị.
- Có nơi trông giữ xe và khu vệ sinh phù hợp với quy mô kinh doanh: không rõ cơ sở nào để xác định tính phù hợp của nơi trông giữ xe và khu vệ sinh so với quy mô kinh doanh. Doanh nghiệp cho rằng phù hợp nhưng cơ quan nhà nước cho rằng không phù hợp thì sẽ xử lý thế nào?
- Có thiết bị kỹ thuật bảo quản, sơ chế, đóng gói, bán hàng và quản lý kinh doanh tiên tiến, hiện đại: không rõ cơ sở nào để xác định tính tiên tiến, hiện đại của thiết bị kỹ thuật? Doanh nghiệp cho rằng trang thiết bị của mình tiên tiến hiện đại nhưng cơ quan nhà nước không đồng ý thì làm thế nào?
- Tổ chức, bố trí hàng hoá theo ngành hàng, nhóm hàng một cách văn minh, khoa học: không rõ cơ sở để xác định.
- Hình thức thanh toán hiện đại, thuận tiện, nhanh chóng: không có cơ sở để xác định.
- Cơ cấu chủng loại hàng hoá phong phú, đa dạng: không có cơ sở để xác định như thế nào là phong phú, đa dạng.
- Áp dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động bán hàng và thanh toán: không có cơ sở để xác định công nghệ như thế nào là hiện đại.
- Nguồn hàng được tổ chức cung ứng ổn định và thường xuyên thông qua đơn hàng hoặc hợp đồng với các nhà sản xuất kinh doanh: không có cơ sở để xác định như thế nào là ổn định, thường xuyên.
Đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ những quy định trên.
- Một số quy định không khả thi
Dự thảo đưa ra một số quy định không khả thi đối với cả doanh nghiệp bởi yếu tố này nằm ngoài khả năng tự quyết định của doanh nghiệp. Ví dụ, cửa hàng tiện lợi có “đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi dưới 500m”. Như vậy, nếu cửa hàng tiện lợi nào chủ yếu phục vụ khách mua hàng ngoài phạm vi 500m thì sẽ vi phạm pháp luật và bị xử phạt. Tuy nhiên, chủ cửa hàng không thể biết được khách hàng của mình sinh sống tại đâu. Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.
- Quy định lại những vấn đề đã được quy định tại văn bản pháp luật khác
Dự thảo quy định lại rất nhiều vấn đề đã được quy định tại các văn bản pháp luật khác. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đưa ra nguyên tắc hạn chế các quy định trùng lặp như vậy. Cụ thể:
- Dự thảo quy định các siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại phải bảo đảm các yêu cầu phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.
- Hàng hoá phải có tên thương mại riêng hoặc tên thương mại của cơ sở kinh doanh thương mại (nếu hàng hóa, dịch vụ không có tên thương mại riêng phải có tên hàng hóa, dịch vụ) và phải ghi rõ xuất xứ của hàng hóa theo quy định của pháp luật.
- Hàng hoá phải có mã số, mã vạch theo quy định đối với những loại hàng hóa có thể đăng ký mã số, mã vạch.
- Đối với hàng hóa là thực phẩm phải đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, nhãn mác và ghi rõ thời hạn sử dụng trên bao bì đóng gói. Nếu là nông sản, thực phẩm ở dạng tươi hoặc sơ chế không có bao bì đóng gói sẵn thì phải qua chọn lọc, phân loại, ghi rõ xuất xứ và thời hạn sử dụng tại giá hàng, quầy hàng.
- Tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại các loại hình hạ tầng thương mại phải được niêm yết giá theo quy định.
- Hàng hóa có bảo hành phải ghi rõ thời hạn và địa điềm bảo hành.
- Không được kinh doanh:
- Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hạn chế kinh doanh và hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện nhưng chưa đảm bảo các yêu cầu về điều kiện kinh doanh theo quy định pháp luật chuyên ngành.
- Hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, hàng quá thời hạn sử dụng và hàng kém chất lượng theo quy định của pháp luật.
- Hàng hóa vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, tem thuế theo quy định của pháp luật.
- Hàng hóa có chứa chất phóng xạ hoặc thiết bị phát bức xạ i-on hóa quá mức độ cho phép theo quy định.
Đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ các quy định trên.
- Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước
Điều 11.1.d, Sở Công Thương “Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản trị kinh doanh cho các loại hình hạ tầng thương mại”. Đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ quy định này vì Sở Công Thương là cơ quan quản lý hành chính, không phải đơn vị sự nghiệp. Nếu Sở Công Thương tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nữa thì sẽ dẫn đến xung đột lợi ích.
- Nghĩa vụ báo cáo
Điều 10.2 của Dự thảo yêu cầu các thương nhân phải định kỳ một năm hoặc đột xuất báo cáo tình hình hoạt động theo yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước về Công Thương. Đề nghị cơ quan soạn thảo quy định cụ thể về các nội dung cần báo cáo trong Thông tư này.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.