VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2013/TT-BTTTT quy định áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với trung tâm dữ liệu
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện
Kính gửi: Bộ Công Thương
Trả lời Công văn số 4094/BCT-ĐTĐL ngày 24/05/2022 của Bộ Công Thương về việc lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện, (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham vấn ý kiến các doanh nghiệp và chuyên gia, có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Phân biệt giữa hoạt động kiểm tra của nhà nước và của doanh nghiệp
Dự thảo đang quy định bao quát cả hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước (Bộ Công Thương, Sở Công Thương) và hoạt động kiểm tra của đơn vị điện lực trong khi hai hoạt động này có bản chất khác nhau.
- Hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước mang tính quyền lực công cộng và được thực hiện theo các nguyên tắc của pháp luật hành chính. Hành vi của người kiểm tra được coi là hành vi của Nhà nước được điều chỉnh theo pháp luật về cán bộ công chức, khiếu nại tố cáo, tố tụng hành chính, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
- Hoạt động kiểm tra của đơn vị điện lực là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hành vi của người kiểm tra chỉ đại diện cho pháp nhân mà người đó làm việc cho. Pháp luật điều chỉnh chủ yếu là pháp luật dân sự.
Nếu như trước đây, thị trường điện chỉ bao gồm các doanh nghiệp quốc doanh, không có sự phân biệt rạch ròi giữa quản lý nhà nước và kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, theo lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh, có thể sẽ xuất hiện các doanh nghiệp dân doanh tham gia vào thị trường điện thì việc lồng ghép giữa chức năng quản lý nhà nước vào một quan hệ dân sự kinh tế sẽ không còn phù hợp.
Thêm vào đó, pháp luật không nên can thiệp quá sâu vào việc tổ chức kinh doanh của doanh nghiệp. Việc một doanh nghiệp phân công nhân viên làm việc với khách hàng và các bên đối tác khác thì nên để doanh nghiệp tự quyết định miễn là không vi phạm điều cấm của pháp luật. Ví dụ, các Điều 5, Điều 6 của Dự thảo đã can thiệp vào quyền tự quyết định tổ chức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Các vấn đề về kiểm tra giữa đơn vị điện lực và khách hàng có thể được quy định ngay trong hợp đồng mua bán điện. Nếu bên khách hàng có hành vi không chấp hành việc kiểm tra, ăn cắp điện, không bảo đảm an toàn sử dụng điện… thì coi như đã vi phạm hợp đồng. Khi đó, đơn vị điện lực có quyền tố cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền (trong trường hợp vi phạm pháp luật hành chính, hình sự) hoặc đòi bồi thường thiệt hại, đơn phương cắt điện (trong trường hợp vi phạm dân sự).
Trong trường hợp cơ quan nhà nước lo ngại bên bán điện lạm dụng quyền lực thị trường thì có thể đặt ra các quy định giới hạn quyền của bên bán điện khi kiểm tra bên mua điện.
- Trách nhiệm của người kiểm tra
Điều 8.4 của dự thảo quy định người kiểm tra phải bồi thường trong trường hợp gây thiệt hại do hành vi vi phạm của mình. Quy định này không phù hợp với nguyên tắc pháp lý về đại diện. Người kiểm tra trong trường hợp này chỉ là người đại diện cho pháp nhân. Nếu người kiểm tra gây thiệt hại cho bên thứ ba thì trách nhiệm bồi thường thuộc về pháp nhân đó. Người kiểm tra sẽ phải bồi thường lại cho pháp nhân theo pháp luật lao động và hợp đồng lao động.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.