VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thứ Hai 16:31 10-04-2023

Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Trả lời Công văn số 192/TTGSNH4 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Một số quy định tại Dự thảo chưa đảm bảo tính minh bạch

Vì đây là văn bản cấp thông tư, các quy định tại Dự thảo cần đủ rõ ràng, cụ thể, đảm bảo có thể thực hiện được ngay khi triển khai trên thực tế. Về cơ bản, các quy định tại Dự thảo là cụ thể, chi tiết tuy vậy, vẫn còn một số quy định chưa thực sự đủ rõ, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét để hoàn thiện Dự thảo:

a. Giải thích từ ngữ (Điều 3)

Khoản 8 Điều 3 Dự thảo quy định “thông tin tiêu cực về khách hàng là thông tin về nợ xấu, vi phạm nghĩa vụ thanh toán và các thông tin bất lợi khác ảnh hưởng đến kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng”. “Thông tin bất lợi khác” là khái niệm chưa đủ rõ ràng để xác định chính xác đó là thông tin gì. Điều này có thể gây khó khăn cho các đối tượng áp dụng và/hoặc nguy cơ bất lợi cho khách hàng khi bị cung cấp các thông tin tiêu cực khác không liên quan. Theo giải trình tại Bản Thuyết minh, “bỏ cụm từ “các hành vi vi phạm pháp luật; bị khởi kiện; bị khởi tố” vì việc khởi kiện là quyền của người dân, khởi kiện không đồng nhất với việc bị coi là thông tin tiêu cực”, tuy nhiên khái niệm “thông tin bất lợi khác” chưa rõ có thể khiến các bên sẽ xem “các thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, bị khởi kiện, khởi tố” như là một thông tin bất lợi và sử dụng nó để đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng.

Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo hoặc quy định cụ thể về các thông tin bất lợi này hoặc bỏ cụm từ này.

b. Các hành vi bị cấm trong hoạt động thông tin tín dụng (Điều 7)

Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Dự thảo “trao đổi, cung cấp thông tin tín dụng sai đối tượng hoặc cho bên thứ ba trái quy định của pháp luật” là một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động thông tin tín dụng. Tuy nhiên, Dự thảo không có quy định rõ ràng nào về việc trao đổi thông tin tín dụng với bên thứ ba. Các quy định về quyền, nghĩa vụ của CIC, tổ chức tín dụng, tổ chức tự nguyện không thấy cấm cung cấp thông tin cho bên thứ ba. Dự thảo cũng không có quy định về vấn đề cung cấp thông tin tín dụng cho bên thứ ba, vì vậy rất khó để xác định hành vi cung cấp thông tin tín dụng “cho bên thứ ba trái quy định của pháp luật” hay cung cấp thông tin tín dụng cho bên thứ ba “đúng quy định của pháp luật”.

Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ ràng về vấn đề trao đổi, cung cấp thông tin tín dụng cho bên thứ ba, để tránh rủi ro cho các đối tượng thực hiện.

c. Hạn chế cung cấp thông tin tín dụng (Điều 13)

Khoản 3 Điều 13 Dự thảo quy định “Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị hạn chế một phần, tạm dừng trong một thời gian hoặc ngừng vĩnh viễn quyền khai thác dịch vụ thông tin tín dụng”. Quy định này là chưa rõ về các chế tài như hạn chế một phần, tạm dừng trong một thời gian, ngừng vĩnh viễn sẽ áp dụng tương ứng với mức độ vi phạm nào. Nếu các chế tài này được quy định trong pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính thì quy định này tại Dự thảo là không cần thiết. Một điểm lưu ý là, việc cung cấp thông tin giữa CIC với các tổ chức tín dụng, tổ chức tự nguyện được thiết lập trên cơ sở hợp đồng trao đổi thông tin. Các vấn đề vi phạm sẽ được xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng chứ không phải là theo pháp luật về hành chính.

Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ hơn về các chế tài áp dụng trong trường hợp có sự vi phạm trong cung cấp thông tin.

  1. Về an toàn, bảo mật thông tin tín dụng (Điều 6)

Khoản 3 Điều 6 Dự thảo quy định: “Đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin tín dụng theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật về an toàn, bảo mật thông tin. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về an toàn, bảo mật thông tin tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật thì đảm bảo tuân thủ quy định an toàn, bảo mật thông tin chặt chẽ hơn”. Quy định này cần được xem xét ở các điểm:

  • Tính minh bạch: trong một số trường hợp rất khó để đánh giá quy định an toàn, bảo mật thông tin nào là chặt chẽ hơn;
  • Tính thống nhất: theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp có những quy định khác nhau, sẽ áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn, nếu cùng có hiệu lực pháp lý thì áp dụng văn bản ban hành sau. Với nguyên tắc áp dụng pháp luật này thì quy định “Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về an toàn, bảo mật thông tin tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật thì đảm bảo tuân thủ quy định an toàn, bảo mật thông tin chặt chẽ hơn” là chưa phù hợp.

Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định trên để đảm bảo thống nhất về nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.

  1. Đối tượng được cung cấp thông tin tín dụng (Điều 12)

So với quy định hiện hành, Dự thảo đã bỏ đối tượng được cung cấp thông tin tín dụng là “tổ chức hoặc cá nhân khi khai thác dịch vụ thông tin tín dụng về khách hàng vay phải có sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng đó”, với lý do là “Quy định tại Điều 2 về đối tượng áp dụng bao gồm: Các đơn vị thuộc NHNN, TCTD, tổ chức tự nguyện tham gia hoạt động thông tin tín dụng, khách hàng vay và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động thông tin tín dụng. Do đó, việc quy định một tổ chức khác (không thuộc đối tượng nêu tại Điều 2) được khai thác dịch vụ thông tin tín dụng về khách hàng vay (kể cả trong trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng đó) là chưa phù hợp”. Giải trình này cần được xem xét ở điểm:

Điều 12 Dự thảo xác định các đối tượng được cung cấp thông tin tín dụng gồm: các đơn vị thuộc Ngân hàng nhà nước; cơ quan quản lý nhà nước khác; tổ chức tín dụng, tổ chức tự nguyện; khách hàng vay; tổ chức thông tin tín dụng nước ngoài. Đối chiếu với Điều 2 Dự thảo, “tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động thông tin tín dụng” không thuộc đối tượng được cung cấp thông tin tín dụng. Như vậy, nếu căn cứ đối tượng áp dụng để xác định các đối tượng được cung cấp thông tin tín dụng – như giải trình, thì Điều 12 đang xác định thiếu đối tượng được cung cấp thông tin tín dụng là “tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động thông tin tín dụng”.

Mặt khác, Dự thảo không xác định tổ chức, cá nhân khác gồm những tổ chức, cá nhân nào, vì vậy “tổ chức hoặc cá nhân khi khai thác dịch vụ thông tin tín dụng về khách hàng vay” cũng có thể hiểu là “tổ chức, cá nhân khác”.

Xét về tính hợp lý, việc tổ chức, cá nhân khác được sự đồng ý của khách hàng vay được phép tiếp cận với thông tin của khách hàng vay là phù hợp. Bởi, rủi ro của hoạt động tiếp cận thông tin tín dụng của khách hàng là lộ bí mật cá nhân, tổ chức và ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các tổ chức này. Tuy nhiên, nếu chính khách hàng vay cho phép việc tiếp cận thông tin tín dụng này thì nguy cơ sẽ không còn.

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên quy định “tổ chức hoặc cá nhân khi khai thác dịch vụ thông tin tín dụng về khách hàng vay phải có sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng đó” là đối tượng được cung cấp thông tin tín dụng tại Điều 12 Dự thảo.

  1. Quyền và nghĩa vụ của CIC (Điều 14)

Khoản 2 Điều 14 Dự thảo quy định CIC có quyền “đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc cung cấp thông tin tín dụng của tổ chức tự nguyện”.

Việc cung cấp thông tin tín dụng giữa CIC và tổ chức tự nguyên được thực hiện trên cơ sở hợp đồng, vì vậy việc CIC có quyền hạn trên dường như chưa thực sự phù hợp với bản chất của hoạt động cung cấp thông tin này. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này tại Điều 14.

  1. Quyền và nghĩa vụ của khách hàng vay (Điều 18)

Khoản 1 Điều 18 Dự thảo quy định khách hàng vay được “miễn phí đối với thông tin tín dụng về bản thân quy định tại Điều 9 Thông tư này một lần trong một năm”. Không rõ tại sao khách hàng vay lại chỉ được miễn phí một lần trong một năm khi khai thác thông tin tín dụng về bản thân? Việc cho phép khách hàng vay tiếp cận với thông tin tín dụng của mình có thể giúp CIC hiệu đính được thông tin thu thập được có chính xác hay không, bởi vì khi thông tin không chính xác, khách hàng vay có thể thực hiện cơ chế khiếu nại như quy định tại Dự thảo.

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định trên theo hướng khách hàng vay được miễn phí đối với thông tin tín dụng đối với bản thân không giới hạn về số lần trong năm.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Các văn bản liên quan