VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng trong ngành tài nguyên và môi trường
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình
Kính gửi: Bộ Xây dựng
Trả lời Công văn của Bộ Xây dựng về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham vấn doanh nghiệp và chuyên gia, có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Cấp nước chữa cháy
Dự thảo đã bổ sung khoản 5.1.5 để làm rõ việc Quy chuẩn 06 cho phép áp dụng nhiều giải pháp cấp nước chữa cháy (như sử dụng nhiều nguồn nước kết hợp, dùng chung bể cho nhiều công trình hoặc cấp nước từ xa với bể trung gian…) mà không yêu cầu chủ công trình phải xây bể nước dung tích lớn, gây lãng phí và không khả thi. Giải pháp này sẽ giúp tháo gỡ sự hiểu nhầm trong quá trình thực thi trước đây, nhưng vẫn chưa giải quyết được một số vấn đề khác về cấp nước chữa cháy.
a. Chưa phân định được nghĩa vụ giữa Nhà nước và chủ công trình về đầu tư hạ tầng cấp nước chữa cháy
Hiện nay, có tình trạng chính quyền địa phương không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đầu tư xây dựng hạ tầng cấp nước chữa cháy theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch 04/2009/TTLT/BXD-BCA hướng dẫn thực hiện việc cấp nước phòng cháy, chữa cháy tại đô thị và khu công nghiệp. Điều này gây khó khăn cho các chủ công trình trong việc tìm kiếm các nguồn nước chữa cháy để đáp ứng Quy chuẩn 06. Nếu yêu cầu chủ công trình phải tự mình đáp ứng nguồn nước chữa cháy (kể cả trường hợp cho một số chủ công trình dùng chung) thì vẫn gây tốn kém và thậm chí không khả thi. Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 819/QĐ-TTg ngày 07/07/2023 xác định toàn bộ hệ thống cấp nước đô thị, khu công nghiệp và các địa bàn trọng điểm thuộc phạm vi lập quy hoạch phải có các đường ống, họng, trụ lấy nước chữa cháy; xây dựng các bể nước phòng cháy, chữa cháy cho từng khu vực tại các khu dân cư có đường hẹp, không thể lắp đặt họng, trụ nước chữa cháy hoặc không có hệ thống cấp nước tập trung và nguồn nước tự nhiên.
Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu giải pháp cho vấn đề này. Một số hướng giải quyết có thể tính đến như sau:
- Phân loại các công trình theo diện (1) những công trình nằm trong khu công nghiệp, khu đô thị đã được chính quyền địa phương cung cấp hạ tầng nước chữa cháy và (2) những công trình nằm trong khu công nghiệp, khu đô thị chưa được chính quyền địa phương cung cấp hạ tầng nước chữa cháy.
- Phân hoá trách nhiệm cấp nước chữa cháy giữa hai loại công trình này nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định.
- Trong trường hợp các địa phương xây dựng mới hạ tầng cấp nước chữa cháy (đường ống, họng, trụ, bể nước chữa cháy) thì cho một khoảng thời gian hợp lý để các công trình xung quanh buộc phải đáp ứng yêu cầu thuộc nhóm thứ nhất – đã được cung cấp hạ tầng nước chữa cháy.
b. Cơ chế nhiều công trình dùng chung nguồn nước chữa cháy
Việc cho phép nhiều chủ công trình lân cận dùng chung nguồn nước chữa cháy (chung bể nước) là giải pháp kỹ thuật rất tốt để vừa bảo đảm an toàn mà không gây tốn kém chi phí. Tuy nhiên, giải pháp này chưa rõ ràng về thủ tục hành chính đi kèm. Một số vấn đề đặt ra như trong hồ sơ thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu phòng cháy chữa cháy có cần văn bản đồng ý của chủ nguồn nước chữa cháy không, nhất là trường hợp bể đó do một chủ công trình khác đã đầu tư xây dựng và vận hành. Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ về mặt thủ tục và hồ sơ này để thuận tiện trong quá trình áp dụng.
- Đường, bãi đỗ xe chữa cháy
Tương tự như vấn đề dùng chung nguồn nước chữa cháy, đối với đường và bãi đỗ xe chữa cháy cũng cho phép sử dụng chung và tài sản này do một chủ công trình khác đầu tư. Khi đó, một chủ công trình gần đó liệu có được phép đưa thông tin về đường và bãi đỗ xe chữa cháy này vào hồ sơ thẩm duyệt và nghiệm thu phòng cháy chữa cháy của mình hay không. Liệu có cần sự đồng ý của chủ sở hữu đường, bãi đỗ xe chữa cháy này hay không. Đối với trường hợp này, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng được tự động dùng chung mà không cần sự đồng ý của chủ công trình trước đó.
- Chống cháy lan và khoảng cách an toàn
Quy chuẩn 06 quy định khoảng cách an toàn giữa các công trình để bảo đảm chống cháy lan. Tuy nhiên, thực tiễn nảy sinh tình trạng hai chủ đất liền kề, người xây trước đã xây sát mép đất, dẫn đến việc người xây sau buộc phải xây dựng lùi lại để bảo đảm khoảng cách an toàn. Tuy nhiên, Quy chuẩn 06 cho phép áp dụng nhiều biện pháp chống cháy lan khác mà không nhất thiết phải giữ khoảng cách lưu không gây tốn kém và khó khả thi. Tương tự như vấn đề bể nước chữa cháy, nhiều trường hợp các đơn vị thực thi áp dụng quá cứng nhắc, không áp dụng các biện pháp ngăn cháy lan khác ngoài việc giữ khoảng cách an toàn. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một quy định tương tự như khoản 5.1.5 về việc áp dụng các giải pháp chống cháy lan thay thế cho việc duy trì khoảng cách an toàn.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.