VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá
Kính gửi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trả lời Công văn số 8613/BNN-TCTS ngày 22/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Năng lực đánh giá sự phù hợp
Trong Bản Thuyết minh của Dự thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự định sẽ chỉ định đơn vị đánh giá sự phù hợp sau khi ban hành Quy chuẩn. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian qua có trường hợp cơ quan nhà nước ban hành quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng nhưng chậm chỉ định hoặc chỉ chỉ định một tổ chức đánh giá sự phù hợp có đủ năng lực. Thực tế này dẫn đén ách tắc trong lưu thông hàng hoá hoặc độc quyền trong cung cấp dịch vụ. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý khảo sát các tổ chức đánh giá sự phù hợp để bảo đảm khi Quy chuẩn được ban hành thì có thể ngay lập tức chỉ định ít nhất 03 tổ chức đánh giá sự phù hợp đủ năng lực.
- Chức năng cảnh báo nguy hiểm
Dự thảo đang thiết kế theo hướng thiết bị giám sát hành trình có cả chức năng giám sát hành trình và chức năng báo khẩn cấp phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn. Trên thực tế hiện nay, các tàu cá đã trang bị thiết bị liên lạc (theo quy định tại Điều 50.2.d của Luật Thuỷ sản và hướng dẫn của Bộ NNPTNT) và thường có tích hợp thêm các chức năng phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn. Như vậy, theo Dự thảo, nếu tàu cá sử dụng thiết bị giám sát hành trình riêng thì sẽ có hai thiết bị cùng có chức năng thông báo cứu hộ. Việc có hai thiết bị như vậy có thể giúp giảm rủi ro hỏng hóc khi tai nạn xảy ra, nhưng đồng thời cũng làm tăng chi phí của chủ tàu cá. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ hơn tác động của việc yêu cầu thiết bị giám sát hành trình bắt buộc tích hợp chức năng cứu hộ cứu nạn. Nếu tổng chi phí xã hội quá lớn so với rủi ro có thể giảm được thì có thể cân nhắc điều chỉnh quy định theo hướng khuyến khích thiết bị giám sát hành trình có chức năng cứu hộ cứu nạn thay vì bắt buộc. Khi đó, trên thị trường sẽ tồn tại cả hai loại thiết bị giám sát hành trình có và không tích hợp chức năng cứu hộ cứu nạn. Các chủ tàu cá mà đã đầu tư thiết bị liên lạc hỗ trợ cứu hộ cứu nạn có thể lựa chọn thiết bị giám sát hành trình không tích hợp, phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của chủ tàu.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.