VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
VCCI_Góp ý Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin cơ bản cho camera giám sát sử dụng giao thức Internet
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thuốc lá điếu
Kính gửi: Bộ Y tế
Trả lời Công văn số 2456/ATTP-KN của Bộ Y tế về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) đối với thuốc lá điếu (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Về hiệu lực thi hành
Khoản 1 Điều 2 Dự thảo quy định “Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2026”. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này hiện không phù hợp với kế hoạch sản xuất của năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025 mà cơ quan quản lý đã phê duyệt cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu.
Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu bắt buộc phải dự trữ lượng nguyên liệu tương đương từ 12 đến 18 tháng để phục vụ sản xuất. Cụ thể, do đặc điểm nguyên liệu thuốc lá sau khi thu hoạch, chế biến chưa thể sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc lá ngay mà bắt buộc phải qua giai đoạn bảo quản và lên men tự nhiên trong khoảng thời gian từ 10 đến 12 tháng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần thời gian ký kết hợp đồng với các đối tác sản xuất thuốc lá nguyên liệu nhằm triển khai sản xuất nguyên liệu có hàm lượng Tar và Nicotin đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, việc vận chuyển, giao hàng các thuốc lá nguyên liệu trên cũng gặp các bất lợi về thời gian, giá vận chuyển do những bất ổn từ tình hình thế giới.
Vì vậy, để đảm bảo phù hợp với thực tế kế hoạch sản xuất thuốc lá điếu năm 2024 và 2025 đã được cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt, đảm bảo nguồn dự trữ về nguyên liệu sản xuất, đề nghị Ban soạn thảo quy định hiệu lực thi hành của Thông tư thành “Thông tư có hiệu lực thi hành sau 18 tháng kể từ ngày ban hành”.
- Về lộ trình giảm hàm lượng tối đa Tar và Nicotin trong khói một điếu thuốc
Mục II.1 Dự thảo quy định về lộ trình giảm hàm lượng tối đa Tar và Nicotin như sau:
|
Hàm lượng Tar (mg/khói 01 điếu thuốc lá) |
Hàm lượng Nicotin (mg/khói 01 điếu thuốc lá) |
Từ ngày 01/01/2026 |
15 |
1,3 |
Từ ngày 01/01/2029 |
14 |
1,2 |
Sau ngày 01/01/2029, hàm lượng tối đa Tar và Nicotin quy định tại giai đoạn này sẽ được rà soát định kỳ 02 năm và xem xét điều chỉnh trong trường hợp cần thiết để đáp ứng yêu cầu phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc áp dụng và tuân thủ lộ trình giảm hàm lượng Tar và Nicotin như trên sẽ gây ra khó khăn trên nhiều phương diện, cụ thể:
– Về thị hiếu của người tiêu dùng: Người tiêu dùng tìm đến và sử dụng thuốc lá để thoả mãn nhu cầu về Tar và Nicotin. Do đó, khi không tìm thấy sản phẩm sản xuất hợp pháp trong nước đáp ứng nhu cầu trên, người tiêu dùng sẽ có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm thay thế bằng các sản phẩm nhập lậu có hàm lượng Tar và Nicotin cao hơn. Như vậy, lộ trình giảm hàm lượng Tar và Nicotin không phù hợp sẽ khiến thị hiếu thuốc lá của người tiêu dùng thay đổi đột ngột, dẫn đến làm sụt giảm thương hiệu sản phẩm đồng thời gia tăng nguy cơ thuốc lá nhập lậu vào thị trường, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước cũng như sức khỏe của người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm có nhiều rủi ro về nguồn gốc, thành phần, chất lượng.
– Về canh tác và sản xuất nguyên liệu đầu vào để sản xuất thuốc lá: Nhằm đáp ứng nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc lá chứa hàm lượng Tar và Nicotin thấp hơn, các doanh nghiệp phải nghiên cứu, canh tác và sản xuất giống cây thuốc lá mới. Đây là một quá trình cần nhiều thời gian để cấy trồng giống mới và sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng năm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng 70% sản lượng phục vụ cho quá trình sản xuất. Trong bối cảnh diễn biến thế giới phức tạp đã tạo ra tình thế đứt gãy về nguồn cung, thời gian và chi phí vận chuyển cao, việc đảm bảo nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc lá là nhiệm vụ khó khăn.
– Về đầu tư công nghệ, máy móc sản xuất: Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện trình độ máy móc, thiết bị sản xuất thuốc lá điếu tại nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng ngay điều kiện để thực hiện 100% quy định về lộ trình trên. Do đó, cần thời gian xem xét có lộ trình chuyển đổi phù hợp trước khi áp dụng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian nghiên cứu, đầu tư, chuẩn bị về mặt công nghệ và nhân lực trong việc triển khai sản xuất và kinh doanh.
Vì những lý do trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định lại lộ trình theo phương án như sau:
|
Hàm lượng Tar (mg/khói 01 điếu thuốc lá) |
Hàm lượng Nicotin (mg/khói 01 điếu thuốc lá) |
Giai đoạn 1: thời gian 05 năm kể từ khi Thông tư có hiệu lực thi hành |
15 |
1,3 |
Giai đoạn 2 |
Cần theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 1: Xem xét tình hình, bối cảnh sản xuất kinh doanh thuốc lá trong nước để đưa ra mức giảm phù hợp |
Ngoài ra, đề nghị Ban soạn thảo xem xét hoặc bỏ nội dung: “Sau ngày 01/01/2029, hàm lượng tối đa Tar và Nicotin quy định tại giai đoạn này sẽ được rà soát định kỳ 02 năm và xem xét điều chỉnh trong trường hợp cần thiết để đáp ứng yêu cầu phòng, chống tác hại của thuốc lá”. Quy định trên có sự chồng chéo và trùng lặp với quy định tại mục VI.2 của Dự thảo “Căn cứ vào yêu cầu quản lý, Cục Quản lý môi trường y tế có trách nhiệm kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn này”.
- Công bố hợp quy
– Về hồ sơ hợp quy:
Mục II.2 Dự thảo quy định: “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh thuốc lá điếu tại Việt Nam phải kê khai đầy đủ tên phụ gia và nguyên liệu thay thế lá thuốc lá trong quá trình sản xuất, chế biến thuốc lá điếu kèm theo các hồ sơ kỹ thuật có liên quan cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.”.
Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, đối với các phụ gia sản xuất trong nước, các nhà cung cấp phụ gia đã cung cấp các hồ sơ trên khi thực hiện thủ tục cấp phép. Đối với các phụ gia nhập khẩu, nhà cung cấp đã khai báo đầy đủ khi thực hiện thủ tục nhập khẩu. Do đó, để giảm thiểu gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo xem xét giữ nguyên quy định về việc kê khai phụ gia, nguyên liệu thay thế thuốc lá như hiện hành tại QCVN 16-1:2015/BYT, cụ thể: “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất kinh doanh thuốc lá điếu tại Việt Nam phải kê khai đầy đủ tên phụ gia và nguyên liệu thay thế lá thuốc lá trong quá trình sản xuất, chế biến thuốc lá điếu cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”.
– Về công bố hợp quy:
Đề nghị Ban soạn thảo dẫn chiếu cụ thể các quy định về phương thức, trình tự, thủ tục công bố hợp quy tại các thông tư đã nêu tại mục IV.2 thay vì chỉ dẫn chiếu số liệu thông tư.
- Một số đề xuất khác
– Phân cấp quản lý:
Mục VI.1 Dự thảo quy định vấn đề tổ chức thực hiện, trong đó giao Cục An toàn thực phẩm và Cục Quản lý môi trường y tế hướng dẫn triển khai và tổ chức thực hiện Quy chuẩn này. Để thuận tiện cho việc thực hiện các thủ tục hành chính như công bố hợp quy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định một cơ quan trong hai cơ quan trên quản lý thực hiện Quy chuẩn này.
– Về kỹ thuật soạn thảo văn bản:
Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung cụm từ “và tương đương” ở cuối mục 2.1 và 2.2 phần III Dự thảo quy định về phương pháp thử vì các TCVN được dẫn chiếu có thể được cập nhật theo thời gian, do đó việc bổ sung cụm từ trên đảm bảo Thông tư vẫn phù hợp khi các Tiêu chuẩn được cập nhật.
Trên đây là một số ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thuốc lá điếu. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.