VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định công bố danh sách tổ chức đấu giá tài sản
Kính gửi: Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp
Trả lời Công văn số 856/BTP-BTTP của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý Dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc công bố danh sách tổ chức đấu giá tài sản theo quy định của Luật đấu giá tài sản (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:
- Tính pháp lý của Quyết định
Theo giải trình của Ban soạn thảo tại Tờ trình thì Dự thảo Quyết định này được soạn thảo và ban hành dựa trên cơ sở khoản 4 Điều 56 Luật đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, khoản 4 Điều 56 Luật đấu giá tài sản quy định về tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, trong đó có tiêu chí “có tên trong danh sách các tổ chức đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp công bố”. Như vậy, theo quy định của Luật thì Bộ Tư pháp sẽ công bố danh sách các tổ chức đấu giá tài sản – được hiểu là tên của các tổ chức đấu giá tài sản đã được cấp Giấy đăng ký hoạt động.
Theo đúng quy định nói trên của Luật thì Bộ Tư pháp chỉ công bố danh sách gồm tên các tổ chức đấu giá (tương tự như cách các Bộ ngành khác công bố tên các tổ chức ngành nghề đặc thù như tổ chức tín dụng, tổ chức chứng nhận sự phù hợp…). Việc công bố danh sách này không bao gồm bất kỳ thông tin nào khác.
Như vậy, các quy định hiện tại của Dự thảo Quyết định liên quan tới việc công bố các thông tin khác ngoài tên của tổ chức đấu giá tài sản đã “vượt quá” nội dung mà Luật đấu giá tài sản giao cho Bộ Tư pháp, và do đó chưa phù hợp với Luật này, ví dụ:
- Khoản 2 Điều 2 (Mục tiêu): Cung cấp đầy đủ thông tin về tổ chức đấu giá tài sản
- Toàn bộ các khoản của Điều 4 (Các thông tin công bố)
- Toàn bộ Điều 5 (Tổ chức thực hiện)
Để đảm bảo tính thống nhất với Luật đấu giá tài sản, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại nội dung Dự thảo theo hướng chỉ công bố danh sách các tổ chức đấu giá tài sản, dựa trên thông tin về tên tổ chức đấu giá (thông tin mà cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho các tổ chức này thì cơ quan đó đã có sẵn rồi, có thể chuyển tự động cho Bộ Tư pháp).
- Góp ý nội dung của Dự thảo
Lưu ý: Những ý kiến dưới đây chỉ góp ý dưới góc độ nội dung của Dự thảo, không ảnh hưởng tới bình luận tại mục 1 của Công văn này
- Về các thông tin công bố (Điều 4):
- Việc công bố thông tin về “số thù lao đấu giá thu được” (khoản 4) là chưa hợp lý vì liên quan đến thông tin nội bộ của doanh nghiệp, hơn nữa đây cũng không phải là thông tin có ý nghĩa khi đánh giá về một doanh nghiệp đấu giá.
- Việc công bố thông tin về số hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản đã ký[1], số cuộc đấu giá thành, chênh lệch giá khởi điểm và giá trúng đấu giá là không phù hợp do (i) đây là một trong các thông tin thuộc nhóm kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Cho đến hiện tại chưa từng có văn bản pháp luật nào trong bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào yêu cầu công bố công khai các thông tin về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp chi tiết như thế này (kể cả các công ty niêm yết đại chúng); (ii) việc công bố thông tin này là không khả thi, bởi nó đòi hỏi cập nhật hàng ngày, doanh nghiệp không thể cung cấp hàng ngày, cơ quan có thẩm quyền cũng không thể hàng ngày cập nhật Danh sách.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ toàn bộ các quy định tại khoản 4 Điều 4 Dự thảo.
Chú ý: Thông tin quan trọng và duy nhất cần công bố theo Luật đấu giá tài sản là Tên của tổ chức lại không được quy định ở đây?
- Về thu thập thông tin:
- Tính pháp lý: Điều 5 Dự thảo quy định về cách thức thu thập thông tin, trách nhiệm của cơ quan nhà nước có liên quan, nhưng xét bản chất, đây là các quy định về thủ tục hành chính mà doanh nghiệp phải thực hiện. Bởi vì, muốn được có trong Danh sách do Bộ Tư pháp công bố, tổ chức đấu giá phải cung cấp các thông tin theo quy định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiếp nhận hồ sơ, xem xét, đánh giá, kiểm tra thông tin trên thực tế (nếu cần thiết).
Mặc dù, Dự thảo quy định, đây là hoạt động tự nguyện/theo nhu cầu của tổ chức đấu giá, tuy nhiên, vì “có tên trong danh sách các tổ chức đấu giá do Bộ Tư pháp công bố” lại là một trong những tiêu chí để lựa chọn tổ chức đấu giá, do đó hầu hết, các tổ chức đấu giá đều phải thực hiện thủ tục này, nếu muốn được lựa chọn. Đây được xem là một dạng thủ tục hành chính mới. Điều này là chưa phù hợp, vì Luật đấu giá tài sản không trao quyền cho Bộ hướng dẫn, hơn nữa, thủ tục này lại không quy định trong một văn bản quy phạm pháp luật.
- Xét tính hợp lý, việc thiết kế quy định theo hướng thu thập thông tin tại Dự thảo có một số bất cập:
- Thời gian công bố danh sách tổ chức đấu giá tài sản là tháng 12 hàng năm (điểm 1.4 Điều 5). Việc quy định khoảng thời gian cố định hàng năm sẽ khiến cho những tổ chức đấu giá mới được đăng ký hoạt động nhưng chưa đúng thời điểm công bố sẽ không có trong danh sách và sẽ bỏ lỡ cơ hội được lựa chọn bởi người có tài sản đấu giá.
- Danh sách các tổ chức đấu giá sẽ được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Đây được xem là phương thức công khai phù hợp. Tuy nhiên, với phương thức công khai bằng phương tiện điện tử, nhưng thủ tục công khai lại được thiết kế tương tự như thủ tục hành chính truyền thống (doanh nghiệp nộp hồ sơ, cơ quan nhà nước ở địa phương xem xét, kiểm tra và tổng hợp gửi Bộ, Bộ trưởng sẽ ra quyết định công bố danh sách), thì hoạt động công bố danh sách này sẽ trở nên khập khiễng, khiến cho việc công bố thông tin trở nên chậm chạp và doanh nghiệp sẽ bị bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.
Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo thiết kế quy định theo hướng:
Thủ tục thu thập thông tin được thực hiện hoàn toàn theo phương thức điện tử (ví dụ: doanh nghiệp sẽ được cấp số tài khoản trên trang web điện tử của cơ quan nhà nước và chủ động cung cấp thông tin), cơ quan nhà nước sẽ đối chiếu với dữ liệu cấp phép để công bố thông tin về doanh nghiệp.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc công bố danh sách tổ chức đấu giá tài sản theo quy định của Luật đấu giá tài sản. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1] Những thông tin này có thể được công bố dựa trên sự tự nguyện/chủ động của doanh nghiệp trên phương tiện mà doanh nghiệp lựa chọn, chứ không phải là yêu cầu bắt buộc từ nhà nước