VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 57/2015/TT-BCA về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trồng trọt
Kính gửi: Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trả lời Công văn số 1108/BNN-TT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trồng trọt (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Đối tượng bị xử phạt
Theo quy định tại Điều 2 Dự thảo các đối tượng sau là đối tượng bị xử phạt:
- (1) Đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện) (điểm b khoản 2)
- (2) Tổ chức được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư gồm: nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam (điểm d khoản 2)
Quy định trên là chưa phù hợp ở các điểm:
- Về đối tượng (1): chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, hoạt động nhân danh doanh nghiệp. Doanh nghiệp có “quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện” (Điều 87 Bộ luật dân sự), có nghĩa doanh nghiệp sẽ là chủ thể chịu trách nhiệm đối với những vi phạm do chi nhánh hoặc văn phòng đại diện thực hiện. Do đó, Dự thảo xác định “các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện)” là đối tượng bị xử phạt là chưa phù hợp;
- Về đối tượng (2): Luật Đầu tư không quy định về việc thành lập các tổ chức (doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam). Các nhà đầu tư có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có thể được tổ chức dưới các loại hình theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Vì vậy, Dự thảo xác định đối tượng quy định tại điểm d khoản 2 là chưa thực sự phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư.
Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo:
- Bỏ cụm từ “các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện)” tại điểm b khoản 2;
- Bỏ quy định tại điểm d
- Tách “văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam” ra khỏi điểm d thành quy định riêng về đối tượng bị xử phạt.
- Vi phạm quy định về sản xuất phân bón
Khoản 7 Điều 19 Dự thảo quy định các khung phạt tiền khác nhau để xử phạt đối với các hành vi:
- Sản xuất phân bón khi đã bị đình chỉ hoạt động hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón đã hết hạn và bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi (điểm d khoản 7);
- Sản xuất phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón (điểm e khoản 7)
Xét bản chất, hai hành vi trên đều có cùng tính chất là sản xuất phân bón không có giấy phép (giấy phép hết hạn/bị tước/bị thu hồi có nghĩa là không có giấy phép tại thời điểm sản xuất). Dự thảo quy định hai khung xử phạt khác nhau cho hai hành vi có cùng tính chất vi phạm dường như chưa hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo quy định cùng khung xử phạt đối với hai hành vi trên.
Tương tự, điểm g khoản 7, khoản 8 Điều 9 Dự thảo quy định các khung xử phạt khác nhau đối với các hành vi vi phạm có cùng tính chất sản xuất phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, trong đó khoản 8 xác định khung xử phạt đối với hành vi này dựa trên giá trị của số phân bón được sản xuất hoặc số lợi bất chính được thu về, còn điểm g khoản 7 lại quy định chung cho hành vi. Để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo gộp chung hành vi vi phạm quy định tại điểm g khoản 7 và khoản 8 vào một khung xử phạt, trong đó xác định các khung xử phạt dựa trên giá trị phân bón được sản xuất hoặc số lợi bất chính được thu về tương tự như thiết kế tại khoản 8.
- Vi phạm quy định về buôn bán phân bón
Điểm c khoản 2 Điều 20 Dự thảo phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi “buôn bán phân bón trong giai đoạn đang nghiên cứu, khảo nghiệm, dự án sản xuất thử nghiệm khi chưa có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam”.
Khoản 6 Điều 20 Dự thảo quy định các khung phạt tiền khác nhau dựa vào giá trị phân bón được buôn bán đối với hành vi vi phạm về “buôn bán phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc phân bón hết hạn sử dụng”.
Góp ý tương tự như mục 2 ở trên, hai hành vi này có cùng tính chất là buôn bán phân bón chưa có Quyết định công nhận phân bón lưu hành, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo xác định chung một khung phạt tiền, có thể xác định các khung phạt tiền khác nhau dựa vào giá trị phân bón được buôn bán như thiết kế tại khoản 6 Điều 20 Dự thảo.
- Vi phạm quy định về nhập khẩu phân bón
Điểm d khoản 1 Điều 21 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “nhập khẩu phân bón có nhãn không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa”. Quy định này có thể được hiểu nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu không phù hợp với quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa tại thời điểm nhập khẩu, trước khi đưa ra lưu thông, sẽ bị xử phạt.
Quy định này là chưa phù hợp với quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP[1]. Khoản 4 Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP[2] quy định “hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 và các khoản 3, 4 Điều 8 của Nghị định khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc”. Theo quy định này thì nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu không phù hợp với quy định của pháp luật về nhãn tại thời điểm trước khi đưa ra lưu thông, không được xem là vi phạm.
Đối với các hành vi vi phạm về nhãn của hàng hóa nhập khẩu khi lưu thông trên thị trường đã được quy định tại Nghị định 119/2017/NĐ-CP[3], vì vậy Dự thảo không cần thiết phải quy định về các hành vi vi phạm này để tránh chồng lấn giữa các quy định.
Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 21 Dự thảo.
Trên đây là một số ý kiến lần hai của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trồng trọt (phiên bản tháng 02/2020). Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1] Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa
[2] Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa
[3] Nghị định 119/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/11/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩ, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa