VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh
Kính gửi: Vụ Pháp chế – Bộ Quốc phòng
Trả lời công văn số 8122/BQP-PC(P2) của Bộ Quốc phòng ngày 27/07/2018 về việc tham gia ý kiến Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:
- Quan điểm tiếp cận
Chính sách quản lý đối với quân trang, vũ khí cần sự cần bằng giữa hai yếu tố: vừa phải bảo đảm an ninh, an toàn, không bị mất mát, lợi dụng, lộ bí mật đối với những loại hàng hoá là quân trang, vũ khí; nhưng cũng phải tạo cơ chế thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp từ nhiều thành phần kinh tế tham gia. Sự tham gia của các doanh nghiệp ngoài Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẽ giúp tạo cạnh tranh, giảm chi phí ngân sách cho quốc phòng, an ninh mà vẫn tăng số lượng, chất lượng tiềm lực quốc phòng.
Hiện dự thảo đang đi theo hướng bó hẹp, thậm chí đưa ra nhiều các rào cản hành chính không cần thiết, không trực tiếp liên quan đến an ninh quốc phòng, từ đó cản trở khả năng tham gia cung cấp hàng hoá quốc phòng, an ninh của nhiều thành phần kinh tế.
- Phạm vi quản lý quân trang, quân dụng
Điều 5.1 của Dự thảo nghiêm cấm hành vi sản xuất kinh doanh quân trang, quân dụng khi không có hợp đồng với cơ quan nhà nước hoặc sản xuất quá số lượng. Quy định này chưa thực sự hợp lý khi xác định các khái niệm quân trang và quân dụng theo dự thảo.
Điều 3.4 của Dự thảo dẫn chiếu đến Nghị định 82/2016/NĐ-CP, Nghị định 160/2007/NĐ-CP và Nghị định 29/2016/NĐ-CP để xác định những loại quân trang được quản lý. Theo đó, các loại quân trang thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này bao gồm mũ, quần, váy, áo, dây lưng, giầy, ghệt, bít tất, quần tất, áo khoác, áo sơ mi mặc trong, caravat, găng tay… Mục đích của việc quản lý quân trang là nhằm tránh tình trạng có người sử dụng quân trang để giả làm người của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Trong những loại quân trang trên, chỉ có mũ, áo, áo khoác là có thể sử dụng để lừa đảo. Các loại quân trang khác như quần, váy, dây lưng, giầy, ghệt, bít tất, quần tất, áo sơ mi mặc trong, caravat, găng tay… khó có thể gây nhầm lẫn.
Đối với quân dụng, vốn chỉ là những thứ hàng hoá thông thường như cuốc, xẻng, dao, chăn, màn, lều, võng…
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng sau:
- Đối với mũ, áo, áo khoác thì quản lý toàn bộ những loại hàng hoá có kiểu dáng giống với quân trang
- Đối với các loại trang phục khác và quân dụng thì chỉ quản lý trong trường hợp trên sản phẩm đó có dấu hiệu quân hiệu, công an hiệu, phù hiệu, cấp hiệu. Còn nếu các hàng hoá có kiểu dáng giống quân trang khác, quân dụng nhưng không thể được sử dụng để gây hiểu nhầm thì không cần quản lý.
- Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng
Theo quy định tại dự thảo, để có thể kinh doanh hàng hoá quốc phòng, an ninh, doanh nghiệp cần thực hiện hai bước:
- Bước 1: xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh
- Bước 2: tham gia đấu thầu và thắng thầu hoặc được đặt hàng thì mới có thể sản xuất kinh doanh.
Cách quản lý này có thể dẫn đến một số bất cập sau:
- Thứ nhất, trong trường hợp Nhà nước mời thầu cung cấp hàng hoá quốc phòng, an ninh thì sẽ chỉ có một số ít các doanh nghiệp đã có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh mới có thể tham gia, những doanh nghiệp khác sẽ tự động bị loại.
- Thứ hai, khi Nhà nước cần huy động năng lực sản xuất của một doanh nghiệp tư nhân thông qua hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ cũng có thể sẽ bị chậm trễ, mất thời gian do phải chờ làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thì doanh nghiệp đó mới có thể thực hiện đơn hàng.
Trong khi đó, các quy định pháp luật về đấu thầu đã cho phép hình thức đấu thầu hạn chế, theo đó, cơ quan mời thầu có quyền đặt ra các điều kiện về năng lực, kỹ thuật, quy trình quản lý để các doanh nghiệp tham gia đấu thầu. Như vậy, chỉ cần áp dụng các quy định pháp luật về đấu thầu cũng đã đủ để bảo đảm các doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất kinh doanh, mà không cần thiết phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng bỏ việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư kinh doanh. Toàn bộ việc kiểm tra xem doanh nghiệp có đủ năng lực cung cấp hàng hoá quốc phòng, an ninh không được thực hiện trong quá trình tổ chức đấu thầu hoặc chuẩn bị đặt hàng, giao nhiệm vụ.
- Các điều kiện kinh doanh cụ thể
Dự thảo hiện đang quy định rất nhiều các điều kiện đầu tư kinh doanh không thực sự phù hợp, không liên quan trực tiếp đến vấn đề quốc phòng, an ninh, cụ thể như sau:
- Điều kiện “không nợ thuế”
Mục đích của việc quản lý hàng hoá quốc phòng, an ninh là nhằm bảo đảm không mất mát, không bị sử dụng sai mục đích. Rất khó để chỉ ra mối liên hệ giữa những doanh nghiệp chậm nộp thuế và nguy cơ mất mát, sử dụng sai mục đích của hàng hoá quốc phòng, an ninh. Hơn nữa, việc doanh nghiệp chậm nộp thuế có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân như có sự không thống nhất trong cách hạch toán tính thuế giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế, có thể do khách hàng của doanh nghiệp đó chậm thanh toán… Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các điều kiện về nợ thuế tại Dự thảo.
- Điều kiện “vốn điều lệ”
Tương tự như trên, vốn điều lệ cũng không liên quan đến năng lực bảo vệ bí mật, tránh mất mát, sử dụng sai mục đích hàng hoá quốc phòng, an ninh. Hơn nữa, khái niệm vốn điều lệ dùng để chỉ vốn ghi trên đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và có giá trị xác định tại từng thời điểm, nên việc quy định “vốn điều lệ của năm liền trước” không rõ là thời điểm nào. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các điều kiện kinh doanh về “vốn điều lệ”
- Điều kiện “đạt tiêu chuẩn môi trường”
Dự thảo đưa ra điều kiện doanh nghiệp phải “đạt tiêu chuẩn môi trường” và có Giấy xác nhận đạt tiêu chuẩn môi trường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong hệ thống pháp luật về môi trường của Việt Nam hiện nay không có loại giấy này, các cơ quan nhà nước cũng không cấp loại giấy này. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo xác định lại mục đích quản lý để quy định cho phù hợp.
- Điều kiện “tỷ lệ lao động có trình độ đại học”
Quy định về trình độ của người lao động sẽ giúp bảo đảm năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cách quy định của dự thảo hiện không hợp lý khi sử dụng tiêu chí “tỷ lệ lao động có trình độ đại học”. Thứ nhất, dự thảo chỉ quy định về tỷ lệ phần trăm số lao động có trình độ, điều này dẫn đến vấn đề là doanh nghiệp có ít lao động thì sẽ dễ dàng đáp ứng điều kiện này hơn, trong khi những doanh nghiệp này lại có nguồn nhân lực kém hơn. Thứ hai, đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay, lao động có tay nghề, kỹ năng quan trọng hơn so với lao động có trình độ đại học. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.
- Điều kiện “có đủ quy trình công nghệ, thiết bị, phương tiện”
Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải có đủ quy trình công nghệ, thiết bị, phương tiện thì mới được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Quy định này chưa minh bạch bởi không có tiêu chí khách quan để xác định như thế nào là “đủ”. Điều này sẽ gây khó khăn trong quá trình áp dụng khi có sự không thống nhất giữa các bên. Hơn nữa, việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất được thực hiện trước khi có đơn hàng từ phía cơ quan nhà nước. Như vậy, vào thời điểm cấp Giấy chứng nhận thì không có cơ sở nào để biết được các công nghệ, thiết bị, phương tiện của doanh nghiệp có đủ để được cấp phép hay không. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.
- Nộp báo cáo tài chính có kiểm toán của 3 năm gần nhất
Dự thảo quy định thành phần hồ sơ cấp Giấy chứng nhận phải có báo cáo tài chính có kiểm toán của 3 năm gần nhất. Hiện nay, trên thực tiễn, chỉ có các công ty đại chúng (có niêm yết) thì mới phải thực hiện bắt buộc việc kiểm toán báo cáo tài chính, rất hiếm các doanh nghiệp khác làm điều này. Đối với các công ty đại chúng thì cổ phần được giao dịch một cách tự do, nên việc một nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần thì những cổ đông khác không thể ngăn cản được. Điều này lại vi phạm quy định doanh nghiệp kinh doanh hàng hoá quốc phòng, an ninh không được phép có vốn đầu tư nước ngoài. Tựu chung lại, yêu cầu nộp báo cáo tài chính có kiểm toán gần như sẽ loại bỏ toàn bộ cơ hội của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tham gia cung cấp hàng hoá quốc phòng, an ninh, đi ngược lại với mục tiêu cơ bản của Nghị định này. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ yêu cầu này trong thành phần hồ sơ.
- Bổ sung các quy định về bảo đảm an toàn hàng hoá quốc phòng, an ninh
Nhằm bảo đảm hàng hoá quốc phòng, an ninh do các doanh nghiệp cung cấp không bị mất mát, bị lợi dụng để thực hiện những hành vi trái pháp luật, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung một số quy định sau:
- Khi tiếp nhận hồ sơ thầu hoặc trước khi đặt hàng, giao nhiệm vụ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp nộp danh sách người lao động dự định sẽ trực tiếp nghiên cứu, sản xuất, vận chuyển, bảo quản hàng hoá quốc phòng, an ninh hoặc những người dự định sẽ biết được thông tin trên.
- Sau khi có kết quả đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức tập huấn cho người lao động của doanh nghiệp về những nguyên tắc bảo đảm an toàn, tránh mất mát, xử lý hàng lỗi, hỏng, xử lý các tình huống phát sinh…
- Có thể yêu cầu doanh nghiệp phải bố trí camera giám sát quá trình nghiên cứu, sản xuất, vận chuyển, bảo quản hàng hoá để nhằm bảo đảm tránh mất cắp, thất lạc.
- Đối với những trường hợp thông tin, tài liệu thuộc diện bí mật được lưu giữ tại doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì có thể yêu cầu những biện pháp bảo đảm an toàn thông tin.
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.