VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 57/2015/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản
Kính gửi: Tổng cục Địa chất và Khoáng sản
Trả lời Công văn số 2747/BTNMT-ĐCKS ngày 22/05/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ về đấu giá quyền khai thác khoáng sản (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau khi tham vấn một số doanh ngiệp, chuyên gia, có ý kiến như sau:
- Quan điểm chung
Đấu giá quyền khai thác khoáng sản là một bước tiến lớn của Luật Khoáng sản năm 2010, giúp minh bạch hoá lĩnh vực khoáng sản, tránh tình trạng xin-cho khi cấp phép khai thác. Tuy nhiên, qua 9 năm thực thi, số tiền thu được thông qua đấu giá mới chỉ đạt hơn 1.041 tỷ đồng. Trong khi đó, theo báo cáo của ngành thuế, số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hàng năm thu được vào khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ thu thông qua đấu giá mới chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với những trường hợp thu không đấu giá. Do đó, việc xây dựng quy định pháp luật về đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải được xây dựng theo hướng thuận tiện, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp tham gia đấu giá, nhằm tăng tỷ lệ thu tiền cấp quyền qua đấu giá.
- Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản
Theo quy định của Luật Khoáng sản, khi một mỏ khoáng sản mới được đưa vào quy hoạch thì các doanh nghiệp vẫn chưa được xin cấp phép, mà vẫn phải đợi văn bản quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc mỏ đó sẽ được đấu giá hoặc không đấu giá. Quy trình này có thể kéo dài, gây mất thời gian và có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn doanh nghiệp tốt nhất để khai thác mỏ khoáng sản đó. Việc ban hành và công bố kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản sẽ là cơ sở để doanh nghiệp tiếp cận các mỏ khoáng sản một cách minh bạch hơn. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về thời hạn phải ban hành kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản tính từ thời điểm mỏ khoáng sản được đưa vào quy hoạch.
- Xử lý tiền đặt cọc
Điều 9 của dự thảo quy định về việc xử lý tiền đặt cọc gồm (1) các trường hợp được nhận lại tiền đặt cọc và (2) các trường hợp tịch thu tiền đặt cọc. Tuy nhiên, quy định như vậy sẽ dẫn đến có những trường hợp không rơi vào cả khoản 1 và khoản 2 thì sẽ không xử lý được. Ví dụ, doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền không cấp thì có trả lại tiền cọc cho doanh nghiệp không? Đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Điều 9 để bao quát tất cả các trường hợp.
- Hồ sơ thông tin mời đấu giá và xét chọn tham gia đấu giá
Điều 11.2.g của Dự thảo quy định hồ sơ mời đấu giá yêu cầu tổ chức cá nhân phải dự kiến các nội dung về mục đích, địa chỉ sử dụng khoáng sản sau khai thác, phương pháp, công nghệ, thiết bị khai thác, mức độ chế biến khoáng sản. Tại Điều 24.2.c của dự thảo cũng đưa ra tiêu chí xét chọn tham gia cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản là phải có cam kết về thiết bị, công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản và phương án tiêu thụ sản phẩm phù hợp với quy định.
Lưu ý rằng việc lựa chọn doanh nghiệp cấp phép khoáng sản ở đây là đấu giá, chứ không phải đấu thầu. Nói cách khác, tiêu chí để lựa chọn đơn vị trúng đấu giá chỉ là yếu tố giá, không bao gồm các yếu tố khác về năng lực, trang thiết bị, kinh nghiệm, phương án chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nếu đưa thêm các tiêu chí này trong vòng xét chọn tham gia thì đã thay đổi bản chất từ đấu giá thành đấu thầu hai giai đoạn. Đây là vấn đề đã được tranh luận trong quá trình soạn thảo Luật Khoáng sản 2010 và đi đến thống nhất theo phương án đấu giá. Luật Đấu giá tài sản 2016 cũng không có bước xét chọn như thế này. Thêm vào đó, việc đưa ra các tiêu chí này có thể dẫn đến nguy cơ tuỳ tiện, thậm chí tham nhũng, tiêu cực khi xét chọn. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng các tiêu chí xét chọn chỉ bao gồm các tiêu chí cứng theo quy định của Luật Khoáng sản về điều kiện cấp phép hoạt động khoáng sản, không bổ sung thêm các tiêu chí khác.
- Xác định điều kiện về vốn chủ sở hữu của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá
Vốn chủ sở hữu là một trong những điều kiện để được cấp phép hoạt động khoáng sản theo Điều 40.2.c và Điều 53.2.c của Luật Khoáng sản. Tuy nhiên, Luật Khoáng sản chỉ yêu cầu doanh nghiệp phải xác nhận năng lực về vốn vào thời điểm xin cấp phép hoạt động khoáng sản, chứ không có yêu cầu này trong giai đoạn đấu giá. Điều 40.2 của Luật Khoáng sản tách biệt 2 điều kiện về vốn (tại điểm c) và điều kiện trúng đấu giá (tại điểm a). Hồ sơ xin cấp phép tại Điều 47.1 của Luật Khoáng sản cũng tách biệt giữa văn bản xác nhận vốn chủ sở hữu (tại điểm e) và văn bản xác nhận trúng đấu giá (tại điểm g).
Trên thực tế, việc huy động vốn chủ sở hữu ngay tại thời điểm tham gia đấu giá có thể sẽ hạn chế số lượng các đơn vị tham gia đấu giá, đồng thời gây khó khăn cho việc bố trí dòng tiền của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị một số lượng vốn lớn trong khi chưa biết là mình có trúng đấu giá hay không. Quy định này được đưa ra có thể được suy đoán là tránh trường hợp doanh nghiệp trúng đấu giá nhưng lại không có đủ điều kiện về vốn để xin cấp phép hoạt động khoáng sản. Tuy nhiên, điều này có thể dễ dàng được giải quyết thông qua việc liệt kê trường hợp này vào quy định về tịch thu tiền đặt cọc.
Với những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng:
- Doanh nghiệp không phải nộp văn bản xác nhận điều kiện vốn chủ sở hữu tại thời điểm tham gia đấu giá
- Doanh nghiệp phải nộp văn bản xác nhận điều kiện vốn chủ sở hữu tại thời điểm xin cấp phép hoạt động khoáng sản
- Trong trường hợp doanh nghiệp trúng đấu giá không nộp được văn bản xác nhận điều kiện vốn chủ sở hữu khi xin cấp phép hoạt động khoáng sản thì bị tịch thu tiền đặt cọc.
- Quyền tham khảo tài liệu và khảo sát khu vực đấu giá
Điều 15 của Dự thảo đã có quy định về việc nghiên cứu hồ sơ, tài liệu và khảo sát của doanh nghiệp. Đây là quyền rất quan trọng đối với các doanh nghiệp khoáng sản khi quyết định tham gia cuộc đấu giá và bỏ. Đây là công việc đòi hỏi nhiều tính toán kỹ, cần có nhiều thời gian và thông tin phù hợp. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định khoảng thời gian tối thiểu đủ lớn để các doanh nghiệp tham khảo hồ sơ, tài liệu và khảo sát thực địa.
- Lựa chọn tổ chức đấu giá
Điều 19.4.e quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản phải có ít nhất một đấu giá viên có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật địa chất hoặc khai thác mỏ. Theo quy định Điều 14.1.b của Luật Đấu giá thì đấu giá viên phải có bằng đại học một trong các lĩnh vực luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng. Như vậy, nếu kết hợp hai quy định này thì một đấu giá viên sẽ phải có cả hai bằng đại học. Không rõ cơ quan soạn thảo đã khảo sát các đơn vị cung cấp dịch vụ đấu giá để xác định mức độ khả thi của quy định này chưa. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số đấu giá viên mà VCCI tham khảo thì họ chưa bao giờ biết đến một đấu giá viên nào có bằng đại học ngành địa chất, khai thác mỏ. Nếu duy trì quy định này sẽ dẫn đến tình trạng buộc phải sử dụng Hội đồng đấu giá thay vì đơn vị cung cấp dịch vụ đấu giá chuyên nghiệp. Trong khi đó, chủ trương chung của Luật Đấu giá là khuyến khích sử dụng các đơn vị chuyên nghiệp. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.
- Phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản
Điều 25 của Dự thảo quy định về việc phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Trong đó, Điều 25.3 quy định “Trường hợp không phê duyệt phải có thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do và các yêu cầu bổ sung (nếu có).” Tuy nhiên, pháp luật hiện không có quy định về trường hợp nào phải phê duyệt, trường hợp nào không. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định này. Thêm vào đó, đề nghị cơ quan soạn thảo có quy định về việc công khai Văn bản phê duyệt kế quả trúng đấu giá để tăng tính minh bạch cho hoạt động này.
- Quyết định điều chỉnh tiền trúng đấu giá
Điều 32.3 của Dự thảo quy định về việc ban hành Quyết định điều chỉnh tiền trúng đấu giá khi có sự thay đổi về giá tính thuế tài nguyên. Tuy nhiên, giá tài nguyên trên thị trường có thể biến động liên tục. Do đó, việc xác định giá tính thuế cần có quy định về thời điểm xác định giá để doanh nghiệp và nhà nước cùng thống nhất. Hơn nữa, việc điều chỉnh tiền trúng đấu giá chỉ phát sinh khi có thông báo của cơ quan nhà nước, còn nếu không có thông báo thì doanh nghiệp vẫn nộp theo mức cũ. Nghị định đã có quy định về thời điểm nộp tiều trúng đấu giá hàng năm. Do đó, cần có quy định về thời điểm xác định giá tính thuế hàng năm và thời điểm có thông báo của cơ quan nhà nước, nếu quá thời điểm đó mà cơ quan nhà nước không có thông báo thì doanh nghiệp cứ nộp theo mức cũ.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.