VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về chính sách hỗ trợ lãi suất giai đoạn 2022-2023

Thứ Năm 01:44 03-03-2022

Kính gửi: Vụ Các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Trả lời Công văn số 761/NHNN-TD ngày 16/02/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tham gia ý kiến đối với Dự thảo Nghị định về chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giai đoạn 2022-2023 và Thông tư hướng dẫn thi hành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Nguyên tắc hỗ trợ lãi suất (Điều 3 Dự thảo)

Khoản 5 Điều 3 Dự thảo quy định: “Việc hỗ trợ lãi suất áp dụng đối với nghĩa vụ trả nợ lãi phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày Nghị định này có hiệu lực đến ngày 31/12/2023” có một số điểm chưa thống nhất với các quy định khác trong Nghị định:

  • Thứ nhất, khoản 3 Điều 4 quy định: “khoản vay được hỗ trợ là khoản vay bằng đồng Việt Nam, được giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 11/01/2022 đến ngày 31/12/2023” như vậy sẽ có trường hợp khoản vay được giải ngân trong thời gian này nhưng kỳ trả lãi lại nằm sau thời điểm 31/12/2023 vẫn được hỗ trợ theo Điều 4, tuy nhiên lại không được hỗ trợ theo Điều 3. Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ điểm này theo hướng chỉ hỗ trợ lãi suất đối với nghĩa vụ trả nợ lãi phát sinh trong khoảng thời gian được quy định;
  • Thứ hai, khoản 5 cùng Điều 3 quy định “Ngân hàng thương mại (NHTM) dừng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản giải ngân sau thời điểm 31/12/2023 hoặc khi NHNN Việt Nam và Bộ Tài chính có thông báo tổng số tiền hỗ trợ đạt tối đa 40.000 tỷ đông, tuỳ theo thời điểm nào đến trước”. Đây là quy định hợp lý nhưng chưa được thể hiện rõ nét trong các điều khác. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ và thống nhất trong tất cả các điều khoản có liên quan thời hạn hỗ trợ lãi suất là: đến ngày 31/12/2023 hoặc khi gói 40.000 tỷ đồng được giải ngân hết.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của NHTM băn khoăn về điều kiện của khách hàng vay vốn phải “có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi” là các tiêu chí định lượng khó đánh giá trên thực tế, đề nghị chuyển thành “có khả năng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh” để bảo đảm tính hợp lý, khả thi của quy định.

  1. Về điều kiện được hỗ trợ lãi suất (Điều 4 Dự thảo)

Nội dung Điều 4 Dự thảo quy định về điều kiện mà doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình phải đáp ứng để được hưởng hỗ trợ lãi suất từ NHTM. Tuy nhiên, cách thiết kế các khoản trong Điều này chưa thực sự rõ ràng, chưa nêu bật được nội dung chính.

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thiết kế lại như sau:

  • Khoản 1: khoản vay của khách hàng phải nằm trong mục đích được quy định tại điểm a và b, khoản 2 Điều 2;
  • Khoản 2: khoản vay nằm trong thời gian áp dụng chương trình

Ngoài ra, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc tách các trường hợp khoản vay bị dừng hỗ trợ lãi suất sang một điều riêng để làm rõ hơn nội dung này, tạo điều kiện cho các đối tượng chịu sự tác động dễ theo dõi dễ áp dụng, tránh vi phạm dẫn tới bị dừng hỗ trợ.

  1. Trình tự, thủ tục tạm cấp bù lãi suất và quyết toán cấp bù lãi suất (Điều 7 Dự thảo)

Một số ý kiến doanh nghiệp gửi về VCCI cho rằng nên cho phép các NHTM được tạm cấp bù lãi suất và quyết toán số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng thông qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để được thuận lợi hơn bởi các lý do sau:

  • Hiện nay, hệ thống báo cáo thống kê của các NHTM đã được kết nối trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước, do đó việc quản lý thông tin khách hàng được hỗ trợ lãi suất được cập nhật kịp thời. Bên cạnh đó, các NHTM đều đã có tài khoản mở tại Ngân hàng Nhà nước, việc thanh toán bù lãi suất sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các NHTM tích cực trong việc hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đủ điều kiện. Ngân hàng Nhà nước sẽ làm thủ tục quyết toán sau với Bộ Tài chính hoặc nhận tạm ứng trước từ Bộ Tài chính số tiền tổng cho toàn hệ thống NHTM.
  • Ngân hàng Nhà nước là cơ quan cấp Bộ quản lý trực tiếp các NHTM nên việc quản lý, theo dõi, quyết toán, đối chiếu, xử lý chênh lệch số liệu, thu hồi số tiền cấp bù lãi suất đối với các NHTM qua Ngân hàng Nhà nước là hợp lý, hiệu quả hơn so với việc thực hiện trực tiếp giữa các NHTM và Bộ Tài chính theo các quy định từ khoản 2 đến khoản 5 Điều 7 dự thảo Nghị định.
  • Hơn nữa, Điều 8 quy định trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước là thanh tra, giám sát quá trình cho vay hỗ trợ lãi suất của các NHTM, trong khi đó việc xử lý các vấn đề liên quan đến việc cho vay hỗ trợ lãi suất lại qua Bộ Tài chính sẽ dẫn đến chồng chéo, không hiệu quả. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc ý kiến này.

Các hoạt động hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình do NHTM thực hiện cần phải được thống nhất, minh bạch, đơn giản và rõ ràng. Điều này giúp tạo thuận lợi cho việc NHTM triển khai chương trình này một cách rộng rãi và công bằng tới các đối tượng khách hàng.

Với quan điểm trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc một số vấn đề sau:

  • Cần quy định ngay tại Nghị định này “phương pháp phân bổ hạn mức số tiền hỗ trợ lãi suất còn lại đối với từng ngân hàng” (khi tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đã đạt tới khoảng 35.000 tỷ đồng), không để quy định tại cấp thông tư. Thông tư chỉ nên quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ, thời hạn… Nguyên tắc và phương pháp cần được quy định ngay tại Nghị định;
  • Rà soát, đối chiếu số liệu đề nghị quyết toán cấp bù lãi suất (điểm a, khoản 4 Điều 7): quy định “trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ quyết toán cấp bù lãi suất của NHTM…, Bộ Tài chính rà soát, đối chiếu số liệu đề nghị quyết toán cấp bù lãi suất” là chưa đủ rõ ràng rằng đây là thời hạn Bộ Tài chính sẽ trả lời NHTM về việc duyệt hay không duyệt quyết toán hay không. Bên cạnh đó, thời hạn 60 ngày có thể là quá dài (nửa quý) trong khi trong một năm chỉ có 4 đợt đề nghị quyết toán cấp bù lãi suất. Do đó, đề nghị cân nhắc giảm thời hạn này xuống (có thể chia ra thành hai giai đoạn: 05 ngày rà soát về tính đầy đủ của hồ sơ; 30 ngày rà soát về tính hợp lý, hợp pháp của hồ sơ), đồng thời ghi rõ: trong vòng … ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Bộ Tài chính ra văn bản trả lời việc duyệt quyết toán, trường hợp không duyệt thì nêu rõ lý do.

Thứ ba, liên quan đến chứng từ nộp quyết toán: tại điểm a Khoản 4 Điều 7 Dự thảo quy định về việc thực hiện rà soát, đối chiếu số liệu đề nghị quyết toán cấp bù lãi suất có cụm từ: “…hoặc các chứng từ chứng minh khách hàng đã được hỗ trợ lãi suất”, tuy nhiên tại điểm d Khoản 6 Điều 8 lại không có cụm từ này. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định để thống nhất nội dung này về việc có sử dụng chứng từ khác được không, hay bắt buộc là Giấy xác nhận hỗ trợ lãi suất lập theo định kỳ 6 tháng/lần.

  1. Góp ý đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định:

Đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định về chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2022-2023, VCCI có một số ý kiến như sau:

  • Dự thảo Nghị định và Thông tư đều ban hành các mẫu khác nhau, theo đó các NHTM phải có 02 báo cáo tình hình thực hiện hỗ trợ lãi suất: báo cáo hàng tháng gửi Ngân hàng Nhà nước theo mẫu tại dự thảo Thông tư và báo cáo hàng quý gửi Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước theo mẫu tại dự thảo Nghị định. Để bảo đảm tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo xem xét chỉ ban hành 01 mẫu chung để giảm thiểu mẫu cho NHTM, thống nhất số liệu, phân loại, cách quản lý.
  • Các Điều 4, 5, 6 của Dự thảo Thông tư đều hoàn toàn dẫn chiếu ngược trở lại Nghị định mà không có quy định chi tiết hơn về trình tự, thủ tục được hưởng ưu đãi (đối với khách hàng) và tạm cấp bù lãi suất và quyết toán cấp bù lãi suất (đối với NHTM). Tuy nhiên, để bảo đảm tính minh bạch, thống nhất trong cách hiểu và áp dụng của các đối tượng, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định cụ thể hình thức đề nghị mà khách hàng phải thực hiện khi có nhu cầu hưởng ưu đãi lãi suất hoặc bỏ quy định này.
  • Dự thảo Thông tư quy định trình tự thủ tục thực hiện theo Điều 7. Tuy nhiên, hồ sơ nộp cho cơ quan nào của Bộ Tài chính (để liên hệ, xử lý khi gặp vướng mắc) thì chưa thấy đề cập. Bên cạnh đó, hồ sơ chỉ gồm có 2 văn bản: Văn bản đề nghị (chưa có mẫu, chưa rõ các nội dung yêu cầu bắt buộc phải có) và Báo cáo tình hình thực hiện theo mẫu liệu đã đủ đối với Bộ Tài chính chưa?

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định và Thông tư hướng dẫn về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.