VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 45/2012/NĐ-CP về khuyến công

Thứ Tư 15:33 04-12-2024

Kính gửi: Bộ Công Thương

Trả lời Công văn 8519/BCT-CTĐP của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 45/2012/NĐ-CP về khuyến công (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham vấn doanh nghiệp và chuyên gia, có một số ý kiến ban đầu như sau:

1. Đánh giá hiệu quả của các hoạt động khuyến công cụ thể

Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Nghị định 45/2012/NĐ-CP về khuyến công đã trình bày tương đối chi tiết các công việc, hoạt động mà các tổ chức khuyến công từ cấp trung ương đến địa phương đã thực hiện trong 10 năm qua, cùng với các số liệu về nguồn lực đã được sử dụng (số tiền, số người). Tuy nhiên, báo cáo này chưa thể hiện rõ hiệu quả của công tác khuyến công đối với sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương cũng như của đất nước. 

Báo cáo hơn 30 trang rất công phu nhưng chỉ mới thể hiện hai thông tin định lượng về hiệu quả của công tác khuyến công, gồm (1) số liệu về tăng năng suất lao động trong các giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020; và (2) số vốn đối ứng của các tổ chức cá nhân là 10.500 tỷ đồng, gấp 4 lần vốn đầu tư tư ngân sách. Các số liệu này ngoài việc có nguyên nhân từ hiệu quả của công tác khuyến công nhưng cũng có thể có từ những nguyên nhân khác. Ví dụ, việc tăng năng suất lao động của cả nền kinh tế có thể đến từ các nguyên nhân khác như hệ thống giáo dục, tăng tích luỹ vốn của cả nền kinh tế, cải cách môi trường kinh doanh… Vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân có thể đến từ hoạt động khuyến công nhưng cũng có thể là vốn sản xuất kinh doanh sẵn có của tổ chức cá nhân đó, bất kể có hoạt động khuyến công hay không.

Có số liệu định lượng đầy đủ hơn mới xác định được công tác này có hiệu quả trên tổng thể hay không, địa phương nào hay hoạt động nào có hiệu quả cao hơn và từ đó sẽ đề xuất các chính sách sát hơn, hiệu quả hơn. Ví dụ, trong 10 nội dung hoạt động khuyến công tại Điều 4 thì nội dung nào có hiệu quả cao hơn sẽ tiếp tục được duy trì và tăng nguồn lực, nội dung nào có hiệu quả thấp thì có thể cân nhắc loại bỏ hoặc điều chỉnh; hoặc nếu có thể so sánh được hiệu quả giữa 7 ngành nghề được hưởng chính sách khuyến công tại Điều 5 thì cũng tạo cơ sở để quyết định giữ lại hay bỏ đi các ngành nghề nào. 

Theo quy định tại Thông tư 36/2013/TT-BCT, việc thuyết minh và đánh giá hiệu quả của từng đề án khuyến công đã được thực hiện trong cả giai đoạn lập, thẩm định đề án cũng như hậu kiểm sau khi kết thúc đề án. Do đó, báo cáo tổng kết thi hành với các bằng chứng định lượng thuyết phục hơn, tạo cơ sở thực tiễn khi thảo luận và quyết định chính sách là điều rất cần thiết. 

2.Trình tự thủ tục thực hiện hoạt động khuyến công

Nghị định hiện không có quy định cụ thể về trình tự thủ tục thực hiện các hoạt động khuyến công. Thông tư 46/2012/TT-BCT và Thông tư 20/2021/TT-BCT quy định chi tiết Nghị định 45/2012/NĐ-CP cũng không có quy định cụ thể về việc này. Thông tư 36/2013/TT-BCT và Thông tư 17/2018/TT-BCT về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công có hướng dẫn về việc lập hồ sơ và đăng ký kế hoạch và đề án khuyến công. Từ năm 2016, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã cấm quy định thủ tục hành chính tại văn bản cấp thông tư, trừ trường hợp được luật cho phép. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để đưa các quy định về trình tự thủ tục từ cấp thông tư lên Nghị định này. 

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 45/2012/NĐ-CP về khuyến công. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.